Báo Nga: Trung Quốc đang vi phạm “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại phiên họp trọng thể ở Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 60 năm công bố năm nguyên tắc chung sống hòa bình với bài phát biểu “Sự phát triển của năm nguyên tắc chung sống hòa bình”.
Photo: RIA Novosti.
Theo Tiếng nói nước Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại phiên họp trọng thể ở Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 60 năm công bố năm nguyên tắc chung sống hòa bình với bài phát biểu “Sự phát triển của năm nguyên tắc chung sống hòa bình”.
Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn dựa trên sự hợp tác cùng có lợi. “Năm nguyên tắc lần đầu tiên được nêu trong thỏa thuận Ấn Độ-Trung Quốc vào năm 1954 có còn tính thời sự hay không? Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga, ông Sergey Lousianin bình luận về vấn đề này.
Lễ kỷ niệm 60 năm “ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình” ra đời được tổ chức ở Trung Quốc, dẫn đến một số suy nghĩ hoàn toàn không phải là đáng vui mừng.
Các nguyên tắc nổi tiếng đã ra đời trong giai đoạn đối đầu lưỡng cực giữa Liên Xô và Hoa Kỳ cùng các đồng minh của họ. Trong thực tế, đó là nỗ lực để tách ra khỏi hai “cực”, tạo ra Phong trào không liên kết. Sự cố gắng để “chạy trốn” cuộc đối đầu Xô-Mỹ đã bị thất bại. Nói đúng ra, chính các nguyên tắc ấy cũng đã bị những người sáng lập – Nehru và Chu Ân Lai vi phạm.
Thậm chí trong thời đại lưỡng cực các nguyên tắc ấy đã che đậy những mưu toan khu vực và toàn cầu. Khi nào cần đến, người ta đã “lôi chúng ra” và giương cao chúng lên như ngọn cờ tại các cuộc hội nghị hay diễn đàn này khác, còn khi nào nẩy sinh các xung đột thực tế, thì tạm thời người ta đã “quên chúng đi”.
Trong thực tế, ngày nay cũng đang diễn ra điều tương tự, nhưng lại trong một hình thức tệ hại hơn nhiều. Trên thế giới đang gia tăng tình thế xung đột, đang diễn ra hàng loạt vi phạm luật pháp quốc tế và hầu như vi phạm tất cả năm nguyên tắc chung sống hòa bình.
Video đang HOT
Mỗi quốc gia, trên lời nói đều không từ bỏ những nguyên tắc đã có lịch sử 60 năm. Tuy nhiên, tần suất sử dụng chúng và “áp lực chính trị”, tức cách giải thích những nguyên tắc này ở các khu vực khác nhau của thế giới hoàn toàn không giống nhau.
Ở Mỹ và Tây Âu, dường như người ta đã quên đi ý nghĩa ban đầu của Năm nguyên tắc. Nhưng ở châu Á vấn đề lại khác. Đặc biệt là Trung Quốc, nước đang cố gắng làm cho các nguyên tắc đó thích ứng với các bước đi trong chính sách đối ngoại mới của mình – tăng cường hiện diện trên thế giới nhằm nâng cao vị trí của nước này.
Lấy ví dụ, ở Trung Quốc hiện đang diễn ra mâu thuẫn giữa nguyên tắc đầu tiên (tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ) và nguyên tắc thứ hai (không tấn công) và thứ năm (cùng tồn tại hoà bình).
Có nghĩa là, nếu áp dụng chúng vào khái niệm “các đảo tranh chấp” thì có vẻ như Bắc Kinh đang cố gắng duy trì nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, nhưng mặt khác, chính họ đang vi phạm các nguyên tắc thứ hai và thứ năm. Trung Quốc có những hành động khá gay gắt trong các khu vực tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng.
Muốn hay không muốn, những mâu thuẫn đó đang thể hiện ở các cung bậc khác nhau trong phát biểu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chẳng hạn, gần đây Tập Cận Bình luôn nhắc tới “lòng yêu chuộng hòa bình của người Trung Hoa” không muốn trở thành kẻ bá quyền, luôn trích dẫn việc tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng và ủng hộ chung sống hoà bình.
Trong khi đó, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Phòng Phong Huy nói rằng Trung Quốc không sợ những vấn đề này (“tranh chấp đảo”) và trong trường hợp có mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì Trung Quốc sẵn sàng giáng trả đích đáng. Nói cách khác, vị tướng đó đã nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên, nhưng đặc biệt là theo kiểu Trung Quốc.
Có thể là ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đang cố gắng đưa Năm nguyên tắc chung sống hòa bình thích nghi với thực tế gay gắt của nền đối ngoại đương đại và truyền cho các nguyên tắc đó những ý nghĩa mới theo lập trường của họ.
Theo NTD/BizLIVE
Nếu chúng ta muốn
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa không phải vào ngày hôm qua mà 40 năm trước, khi đó tôi 11 tuổi, là một đứa trẻ nít. Bây giờ tôi 51 tuổi, đã là ông nội; nhà tôi đã có thêm hai thế hệ. Thế mà Hoàng Sa của Việt Nam vẫn còn chưa lấy lại được.
Tại sao chưa lấy lại được? Vì Trung Quốc chưa bao giờ có ý định trả lại Hoàng Sa cho ta. Họ sẽ không bao giờ có ý định trả lại Hoàng Sa, có chăng, họ chỉ muốn lấy thêm.
Trong 40 năm đó, Trung Quốc có những bước tiến dài, đạt được những thành tựu phát triển vô cùng mạnh mẽ, thực sự trở thành cường quốc về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, quân sự. Họ cung cấp hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp cho cả thế giới. Họ là chủ nợ của cả thế giới, kể cả Mỹ và Nga. Chẳng có nước nào lại không thâm hụt ngoại thương với Trung Quốc.
Họ chế tạo và phóng tàu vũ trụ chở người, đưa xe tự hành lên mặt trăng. Họ chế tạo tàu phá băng điều đến Bắc Cực, Nam Cực, lập các trạm nghiên cứu ở đó. Họ chế tạo tàu lặn lặn xuống đáy biển 7 km. Họ chế tạo máy bay phản lực cạnh tranh với Mỹ và Tây Âu. Họ chế tạo hàng loạt giàn khoan viễn dương, trong đó có "con" Hải Dương 981 gây khó chịu cho ta.
Họ làm chủ kỹ thuật, công nghệ tàu hỏa cao tốc, từ đầu máy, toa xe, đến hạ tầng đường sắt. Đường bộ cao tốc của họ cũng rất phát triển, họ thi công nhanh và rẻ, nhưng chất lượng không tồi. Họ sản xuất xe máy bán ồ ạt sang ta, nhưng các đô thị lớn của họ lại cấm xe máy.
Họ có nhiều nhà khoa học giỏi, cả ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Họ có vài nhà văn đạt giải Nobel văn học. Họ làm được những bộ phim với chất lượng nội dung, kỹ thuật điện ảnh đáng nể. Họ có nhiều quan tham, nhưng họ chống tham nhũng cũng rất mạnh tay. Đặc biệt, họ ít có tham nhũng vặt, ép người dân chi tiền ở trường học, bệnh viện, ở phường, trên đường giao thông...
Các doanh nghiệp của họ về cơ bản được hưởng sự đối xử bình đẳng, người dân được động viên khuyến khích làm giàu, ít bị "trấn lột".
Thế nhưng chính Trung Quốc từng chịu nỗi nhục mất lãnh thổ. Thua chiến tranh nha phiến với Anh, họ muối mặt ký Hiệp ước Nanking năm 1842, Hiệp ước Beijing năm 1860, họ trao vĩnh viễn cho Anh đảo Hong Kong và bán đảo Kowloon (Cửu Long). Năm 1898, họ phải ký tiếp với Anh "Công ước mở rộng Hong Kong", cho Anh thuê thêm New Territories (Đất Mới, rộng gấp nhiều lần đảo Hong Kong và khu Kowloon) trong 99 năm. Nhưng khi họ đã mạnh lên, ngày 1/7/1997, họ không chỉ thu lại đất cho thuê New Territories, mà thu hồi luôn đảo Hong Kong và bán đảo Kowloon. Nỗi nhục mất Hong Kong của người Trung Quốc kéo dài 155 năm.
Trung Quốc cũng đã chịu cảnh nghèo hèn, đói khổ trong cuộc Cách mạng Văn hóa, khi họ bắt đầu cải cách kinh tế - xã hội từ thời Đặng Tiểu Bình, điểm xuất phát của họ không khá hơn Việt Nam bao nhiêu.
Sau 40 năm, trong những thành tựu phát triển của Trung Quốc mà tôi viết ở trên, ta đã đạt được những thành tựu gì? Sự nghiệp công nghiệp hóa nước ta đang ở đâu khi nông nghiệp vẫn chiếm gần 70% dân cư Việt Nam và ngoài các công ty FDI gần như không có doanh nghiệp nào sản xuất được hàng hoá đủ tốt, đủ rẻ, đủ nhiều có khả năng cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc trong và ngoài nước? Ở Trung Quốc, dân cư nông nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 36%.
Nền kinh tế Việt Nam khó mà được chấn hưng, đặt lên đường ray phát triển khi rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế này cảm thấy mình kém cỏi, yếu thế và... nản. Ai cũng có thể bắt nạt, làm khó họ, từ cơ quan to đến cơ quan nhỏ. VCCI không sai khi gọi các doanh nghiệp Việt Nam là "đội quân thuyền thúng", làm sao ra được đại dương để "đánh bắt"?
Nền khoa học - kỹ thuật Việt Nam đang ở đâu? Nền giao thông Việt Nam đang ở đâu? Nền giáo dục, y tế Việt Nam đang ở đâu? Nền văn học nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu?
Người Việt ta lấy đâu thời gian, đầu óc, năng lượng để kiến tạo phát triển khi mỗi ngày phải chịu bao nhiêu bức xúc trong cuộc sống đời thường, từ chuyện con cái học hành, người nhà đi bệnh viện, khi chen chúc đi lại trên đường bằng xe máy, khi đến các cơ quan công quyền giải quyết các công việc công, tư?
Bao giờ lấy lại được Hoàng Sa? Cùng với sức mạnh của chính nghĩa, tôi nghĩ điều đó còn phụ thuộc vào mỗi một người Việt Nam. Khi nào Việt Nam ta thực sự giàu về kinh tế, mạnh về khoa học - kỹ thuật, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, chính trị, ngoại giao, quốc phòng; "nặng ký" trong các quan hệ song phương, đa phương; khi không nước nào dám bắt nạt nước ta, nước nào cũng muốn quan hệ thân thiện, thuận lợi, cùng có lợi với nước ta.
Còn khi mà tất cả các lĩnh vực của đất nước còn đang yếu kém, mọi điều đều khó nói, tương lai, vận mệnh đất nước khó lường.
(Theo VnExpress)
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả)
Trung Quốc hung hăng phô diễn cơ bắp Hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc ở biển Đông gây cảm giác bất an cho khu vực và sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá. Đó là cảnh báo của Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcolm Turnbull tại một diễn đàn do Đại học Quốc gia Úc tổ chức từ ngày 29.6 đến 1.7, trong bối cảnh Trung Quốc (TQ)...