Báo Mỹ: Úc cân nhắc cho tàu áp sát đảo nhân tạo ở Trường Sa
Úc đang cân nhắc khả năng điều tàu chiến tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, sau khi đồng minh Mỹ làm điều này hôm 27.10, theo tờ The Wall Street Journal(Mỹ) ngày 28.10.
Tàu hải quân Úc HMAS Stuart. Úc đang cân nhắc cho tàu áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa, sau khi Mỹ đã tiến hành chuyến tuần tra bằng tàu khu trục USS Lassen ngày 27.10 – Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc
“Úc đang cân nhắc nhiều lựa chọn”, một quan chức giấu tên của quân đội Úc tiết lộ với tờ The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 28.10.
Quan chức Úc tiết lộ thông tin trên sau khi khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Lassen ngày 27.10 tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, hai trong số 7 bãi đá thuộc Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, xây dựng phi pháp nhằm biến thành đảo nhân tạo.
Một quan chức quốc phòng Úc khác, có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược quân sự trên Biển Đông cho Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne, xác nhận kế hoạch điều tàu và máy bay Úc tuần tra trên Biển Đông đã được chuẩn bị. “Vào thời điểm này, chúng tôi chỉ cân nhắc những gì chúng tôi có thể làm” và quân đội Úc trong nhiều tháng qua đã cân nhắc nhiều lựa chọn, bao gồm việc điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo, quan chức quốc phòng giấu tên cho hay.
Video đang HOT
Bà Payne ngày 27.10 đã bác bỏ thông tin cho rằng Úc có thể điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa. Tuy nhiên, chính phủ Úc gần đây vẫn luôn khẳng định nước này sẽ duy trì tuần tra trên không và trên biển nhằm đảm bảo tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, lại đưa ra tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý nuốt trọn gần cả Biển Đông, nơi 60% lượng hàng hóa của Úc được vận chuyển qua.
Theo The Wall Street Journal, hiện chưa có quốc gia nào trong khu vực công khai thách thức Trung Quốc như Mỹ đã làm. Ông Peter Jennings, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Úc cho biết ông kỳ vọng tất cả đồng minh của Mỹ trong khu vực sẽ có những biện pháp nhằm thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không theo cách riêng của họ trên Biển Đông.
“Tôi nghĩ đây là thời điểm then chốt các quốc gia trong khu vực hành động để chúng ta không chỉ trông chờ vào Mỹ”, ông Jennings nhận định.
Ông Jennings hiện là người cố vấn cho chính phủ Úc trong việc hoạch định chiến lược mới để đối phó với hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Úc có hai tàu hải quân HMAS Arunta và HMAS Stuart tuần tra trên Biển Đông, được lên kế hoạch tập trận chung với các tàu chiến Trung Quốc vào tuần tới. Tuy nhiên, truyền thông Úc đưa tin kế hoạch tập trận chung này đã bị hủy sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Lassen tuần tra quanh các đảo nhân tạo hôm 27.10.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Trung Quốc làm gì nếu Mỹ điều tiếp tàu tuần tra quanh đảo nhân tạo?
Cho tàu đâm vào tàu Mỹ là một trong 2 kịch bản mà Trung Quốc có thể sẽ thực hiện nếu Washington tiếp tục cho tàu chiến tiến vào những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, theo nhận định của một trang tin quân sự Trung Quốc.
Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ. Lần tới nếu tàu Mỹ tiếp tục tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông, liệu sẽ có sự cố đâm va tàu xảy ra? - Ảnh: Hải quân Mỹ
Trang tin quân sự Sina (trụ sở tại Bắc Kinh) cho rằng tàu hải quân Trung Quốc có thể sẽ cố tình đâm vào tàu tuần tra của Mỹ ở Biển Đông nếu Washington lại đưa tàu vào những khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền vô lý. Đây là một trong 2 kịch bản mà quân đội Trung Quốc sẽ tính đến nếu tàu Mỹ lại xâm nhập vào khu vực giới hạn 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông, trang tin Want China Times ngày 27.10 dẫn lại Sina.
Sau nhiều tháng ngần ngại, ngày 27.10, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo trái phép. Động thái này khiến Trung Quốc tức giận, Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Mỹ ngay trong ngày 27.10 để phản đối. Sau khi vào "vùng biển nóng", USS Lassen đã quay về.
Giới chức Mỹ "hứa" sẽ quay lại tuần tra ở khu vực Biển Đông vào một dịp gần nhất, hành động được Washington xem là nhằm thể hiện tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Trang tin Sina đưa ra 2 đối sách mà quân đội Trung Quốc có thể sẽ triển khai nếu đối đầu với tình huống tàu Mỹ trở lại. Đối sách đầu tiên là đưa tàu Trung Quốc áp sát tàu chiến của Mỹ và buộc tàu này rời khỏi vùng biển "cấm" mà Bắc Kinh tự nhận thuộc chủ quyền của mình.
Tiếp theo sau sẽ là đối sách bạo lực hơn, Trung Quốc sẽ cho một tàu khác cố tình đâm va vào tàu chiến Mỹ. Đối sách va đụng này sẽ được Bắc Kinh xem như là một "sự cố" trên biển và nói rằng đó là tai nạn đáng tiếc, Sina dự đoán.
Những đối sách trên không phải chưa từng có tiền lệ trong quá khứ, mà đã từng xảy ra giữa tàu Mỹ và tàu Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Hồi tháng 2.1988, Liên Xô đã phái 2 tàu hộ tống áp sát 2 tàu chiến Mỹ gồm tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Yorktown và khu trục hạm Caron ở Biển Đen sau khi tàu Mỹ đi vào giới hạn 12 hải lý ở Crimea. Sau đó 2 tàu Liên Xô đâm vào tuần dương hạm và khu trục hạm Mỹ khi 2 bên đối đầu căng thẳng.
Ngày hôm sau Liên Xô ra thông cáo nói rằng hai tàu hộ tống "do mất điều khiển" nên đã đâm vào tàu Mỹ. Sự cố đâm va này làm tình hình đối đầu Mỹ - Liên Xô thêm căng thẳng vào thời đó.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Sự im lặng của Nhà Trắng về chuyến tuần tra Trường Sa Khi cho tàu chiến tuần tra gần đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép, Nhà Trắng yêu cầu các quan chức không đưa ra tuyên bố về vụ việc. Tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy Trong nhiều tháng qua, các nghị sĩ và nhiều chuyên gia về an ninh quốc gia Mỹ đã hối...