Báo Mỹ rút nhân viên khỏi Hong Kong
Báo New York Times của Mỹ chuyển bộ phận tin tức điện tử ở Hong Kong sang Hàn Quốc do lo ngại luật an ninh Trung Quốc vừa ban hành.
“Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc tại Hong Kong tạo ra rất nhiều sự mơ hồ về việc các quy định sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động và nghiệp vụ báo chí của chúng ta”, ban điều hành New York Times viết trong email gửi tới các nhân viên, được đăng trên website của báo hôm nay.
Các lãnh đạo tờ báo cho rằng luật an ninh mới ở Hong Kong khiến họ cần lên kế hoạch khẩn cấp và bắt đầu chuyển đội ngũ biên tập viên ra khỏi đặc khu, tới các nước khác trong khu vực.
Tờ báo đặt trụ sở văn phòng thường trú khu vực tại Hong Kong trong nhiều thập kỷ qua, chịu trách nhiệm theo dõi tin tức khu vực châu Á và gần đây là hỗ trợ hoạt động trung tâm tin tức kỹ thuật số của tờ báo.
New York Times cho biết họ sẽ chuyển đội ngũ nhà báo kỹ thuật số, chiếm khoảng 1/3 nhân viên tại Hong Kong, đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong năm tới.
Video đang HOT
Trụ sở của New York Times tại New York, Mỹ. Ảnh: Hongkongfp.
Đây là lần rút nhân sự lớn đầu tiên của một tổ chức tin tức quốc tế từ khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh mới ở Hong Kong cuối tháng trước. Một điều khoản trong luật kêu gọi giới chức “tăng cường quản lý” các tổ chức tin tức nước ngoài.
New York Times nói rằng gần đây họ “đối mặt những thách thức trong việc đảm bảo giấy phép tác nghiệp” cho nhân viên tại Hong Kong, một điều được cho là “phổ biến ở Trung Quốc đại lục nhưng hiếm khi là vấn đề ở Hong Kong”.
Hong Kong đã trở thành một trung tâm khu vực lớn cho truyền thông quốc tế trong nhiều thập kỷ nhờ môi trường kinh doanh dễ dàng và đảm bảo các quyền tự do dân sự quan trọng mà Bắc Kinh cam kết bảo vệ cho đến năm 2047 theo thỏa thuận trao trả đặc khu với Anh. Ngoài New York Times, các hãng tin khác đặt trung tâm khu vực lớn ở Hong Kong bao gồm AFP, CNN, Wall Street Journal, Bloomberg và Financial Times.
Mỹ 'bỏ đói' hệ thống y tế công cộng
Hệ thống y tế công cộng của Mỹ nhận được nguồn cung tài chính khiêm tốn trong nhiều năm, khiến họ thiếu nguồn lực khi Covid-19 xuất hiện.
Kể từ năm 2010, chi tiêu cho các sở y tế công cộng bang đã giảm 16% trên đầu người và chi tiêu cho các cơ quan y tế cấp nhỏ hơn giảm 18%, AP nêu kết quả phân tích của họ và KHN trong bài báo đăng ngày 1/7. Ít nhất 38.000 việc làm y tế công cộng biến mất kể từ 2008.
Y tá y tế công cộng ở hạt Salt Lake, Utah lấy mẫu xét nghiệm ngày 14/5. Ảnh: AP.
Y tế công cộng xếp hạng thấp trong danh sách ưu tiên tài chính của đất nước. Gần 2/3 người Mỹ sống ở các hạt chi tiền cho cảnh sát nhiều hơn gấp đôi chăm sóc sức khỏe phi bệnh viện, bao gồm y tế công cộng. Hơn 3/4 người Mỹ sống ở các bang chi chưa đến 100 USD mỗi người cho y tế công cộng.
Các nhân viên y tế công cộng nhận được đồng lương ít ỏi, khiến một số người thậm chí có thu nhập thấp đến mức đủ điều kiện nhận viện trợ công cộng. Hơn 1/5 nhân viên y tế công cộng ở các cơ quan y tế nằm ngoài thành phố lớn kiếm được 35.000 USD trở xuống năm 2017. Tỷ lệ này tại các thành phố lớn là 9%.
Gần một nửa nhân viên y tế công cộng lên kế hoạch nghỉ hưu hoặc bỏ việc trong 5 năm tới và lương thấp là lý do hàng đầu.
Lượng nhân sự trong hệ thống y tế công cộng đã sụt giảm mạnh. Tại Bắc Carolina, lượng nhân viên y tế công cộng hạt Wake đã giảm từ 882 năm 2007 xuống còn 614 một thập kỷ sau đó, mặc dù dân số tăng 30%. Tại Detroit, sở y tế có 700 nhân viên vào năm 2009. Họ hiện chỉ có 200 nhân viên cho 670.000 cư dân.
Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết hồi tháng 4 rằng sự tiếc nuối lớn nhất của ông là "đất nước đã không đầu tư hiệu quả vào y tế công cộng trong nhiều thập kỷ".
Năm nay, chính quyền liên bang đã phân bổ hàng tỷ USD cho y tế công cộng để đối phó đại dịch, bao gồm hơn 13 tỷ USD cho các sở y tế bang và địa phương, nhằm truy vết tiếp xúc, kiềm chế lây nhiễm và nâng cấp công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người trong lĩnh vực y tế công cộng cho rằng các khoản bổ sung này không đủ để khắc phục nền tảng đã bị xói mòn nhiều năm và một khi dịch giảm nhiệt, nguồn tài chính cho y tế công cộng sẽ lại bị cắt giảm.
Ở hầu hết các bang, năm ngân sách mới bắt đầu từ ngày 1/7. Một số nơi đã bắt đầu cho nhân viên nghỉ không lương tạm thời, tinh giảm biên chế và hãm tăng lương khi doanh thu thuế của các bang "bốc hơi" trong thời gian phong tỏa. Ít nhất 14 bang đã cắt ngân sách cho các sở y tế, cắt giảm nhân sự hoặc đang tích cực xem xét làm vậy vào tháng 6.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Michigan đã cắt 1/5 số giờ làm việc của nhân viên y tế bang. Pennsylvania yêu cầu hơn 65 trong số 1.200 nhân viên y tế công cộng nghỉ không lương. Hạt Knox, Tennessee, yêu cầu 26 trong số 260 nhân viên nghỉ không lương 8 tuần.
Theo Tom Frieden, cựu giám đốc CDC, thật bất ngờ khi Mỹ cho các nhân viên y tế công cộng nghỉ làm vào thời điểm đại dịch đang hoành hành. Đất nước nên chú trọng phân bổ nguồn lực cho y tế công cộng giống như cho quân đội.
"Việc này nhằm bảo vệ người Mỹ", Frieden nói.
Ông chủ Trung Quốc bắn hai công nhân Zimbabwe Chủ sở hữu mỏ than người Trung Quốc Zhang Xuelin bị cáo buộc ngược đãi công nhân sau khi dùng súng bắn hai người vì họ khiếu nại tiền lương. Hiệp hội Luật sư Môi trường Zimbabwe (ZELA) hôm 30/6 lên án các hành vi ngược đãi người lao động của các ông chủ Trung Quốc, sau khi hai công nhân Zimbabwe tại...