Báo Mỹ: Malaysia Airlines đứng trước nguy cơ phá sản
Từ khi chuyến bay 17 bị bắn hạ, hãng bay lại bị thêm những lời chỉ trích vì đã bay theo tuyến đường phía trên vùng xung đột.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin cho biết, hãng hàng không quốc gia của Malaysia đang đứng trước nghi vấn liệu có thể tiếp tục hoạt động sau hai tai họa liên tiếp xảy ra hay không.
Ngay cả trước khi hai chiếc phản lực cơ thuộc tuyến bay quốc tế chở đầy hành khách lâm nạn, Malaysia Airlines đã hoạt động không có lời trong 3 năm, và khoản thua lỗ tích lũy đến 1,3 tỷ đôla.
Các giới chức tình báo Mỹ và Ukraine nói chuyến bay 17 của Malaysia đang bay ở độ cao 10.000 mét, khi bị một tên lửa đất đối không bắn trúng.
Vụ này xảy ra trong khi hãng hàng không hàng đầu của Malaysia vẫn còn lao đao do vụ mất tích chuyến bay 370. Chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh này biến mất hôm 8 tháng 3 sau khi đổi hướng xa khỏi đường bay.
Ông Mohshin Aziz, phân tích gia về hàng không của Maybank, tổ chức tài chính lớn nhất Malaysia, nhận định rằng hãng hàng không này đang đứng trước tình huống “rất nghiêm trọng.” Ông nói:
“Chúng tôi dự kiến là những khó khăn về tài chinh chắc chắn sẽ còn tác động hơn nữa và tôi không nghĩ rằng Malaysia Airlines có thể vượt qua nổi, trong tình huống hiện tại, trước cuối năm nay.”
Ông Aziz nói rằng Malaysia Airlines sẽ vẫn còn được sự hỗ trợ của chính phủ, các giới chức chính phủ bắt buộc phải giúp cho hãng hàng không này hoạt động, lại nữa được sự thông cảm của người dân Malaysia, cho rằng hãng hàng không này là phần không thể thiếu của quốc gia. Ông Aziz cho biết:
“Sau khi thẩm tra hãng bay này, phân tích về hãng bay này trong thời gian dài, rất dài, tôi nghĩ rằng nó chỉ có thể hoạt động ở nội địa, chứ đường bay quốc tế thì vô phương.”
Hãng hàng không Malaysia đã phải chịu nhiều chỉ trích và mất lòng tin vì phản ứng chậm chạp khi chuyến bay 370 mất tích. Mặc dù việc tìm kiếm được mở rộng trong phạm vi rất lớn trong vùng biển phía tây duyên hải Australia, vẫn không có vết tích nào của chiếc may bay và vẫn không có kết luận vì sao chiếc máy bay biến mất.
Từ khi chuyến bay 17 bị bắn hạ, hãng bay lại bị thêm những lời chỉ trích vì đã bay theo tuyến đường phía trên vùng xung đột, thay vì bay theo đường dài hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn, như một số hãng bay khác đã làm.
Theo các chuyên gia phân tích về công nghiệp, hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn này đã nhận được 3 khoản cứu nguy của chính phủ và sẽ cần nhận được một số tiền mặt khổng lồ, để có thể tồn tại, dù dưới bất kỳ hình thức nào.
Video đang HOT
Malaysia Airlines, cho đến hôm thứ Năm, đã đề nghị hoàn lại đầy đủ tiền vé cho những hành khách muốn hủy bỏ vé của bất cứ chuyến bay nào và những hành khách muốn hoãn chuyến du hành sẽ không phải đóng tiền phạt nếu đổi ngày bay.
Hãng còn cho biết, bắt đầu từ thứ Sáu, hãng sẽ không sử dụng mã số MH17 cho chuyến bay nào nữa, như một cách &’biểu lộ sự kính trọng” đối với 298 người trên chuyến bay này đã bị thiệt mạng.
Hãng bay cũng nói trước mắt họ chưa có kế hoạch đưa thân nhân của những nạn nhân trên chuyến bay 17 đến Ukraine vì có những lo ngại về tình hình an ninh nơi đó, và không có mấy thân nhân tỏ ý muốn đi.
Thủ tướng Malaysia tuyên bố quyết tâm làm hết sức để đưa các nạn nhân chuyến bay 17 về.
Ông Najib Razak đưa ra tuyên bố loan tải trên Facebook sau khi ông gặp các thân nhân của khoảng 28 hành khách và của 15 nhân viên phi hành Malaysia trên chuyến bay 17.
Thủ tướng Malaysia nói ông được biết các phần tử nổi dậy thân Nga trong khu vực “đã đồng ý lập hành lang an toàn cho nhóm điều tra và thu hồi những gì còn lại.”
Bộ trưởng Giao thông Malaysia và các viên chức khác trong chính phủ hy vọng đến được địa điểm chiếc máy bay lâm nạn càng nhanh càng tốt.
Các giới chức cao cấp nhất trong chính phủ Hoa Kỳ, Australia, Hà Lan và Malaysia nằm trong số những người bày tỏ sự tức giận và báo động trước các tin nói rằng thi hài và xác máy bay tại địa điểm máy bay rơi không được canh giữ an toàn.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đang gây áp lực để Nga để bảo đảm rằng các phần tử nổi dậy ở miền đông Ukraine để cho các nhà điều tra tiếp cận nơi chiếc máy bay bị rơi.
Nhiều tin tức cho biết xác người và các mảnh vỡ bị di dời và làm xáo trộn những gì có thể là chứng cứ từ chiếc Boeing 777 dẫn đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố gọi đó là “một sự xúc phạm tất cả những ai bị mất người thân yêu cũng như phẩm cách mà các nạn nhân xứng đáng được hưởng.”
Thủ tướng Australia Tony Abbot mô tả hiện trường nơi tai nạn xảy ra trong tình trạng “hoàn toàn hỗn loạn.”
Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan, quốc gia mất gần 200 công dân trên chuyến bay này, nói sự mô tả hiện trường tai nạn của Tổng thống Ukraine là “một cú sốc” đối với người dân Hà Lan.
Chính phủ Đức và điện Kremli cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức, hôm thứ Bảy, đã thỏa thuận, trong một cuộc điện đàm rằng ủy ban độc lập do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế dẫn đầu, cần nhanh chóng đến địa điểm phi cơ bị rơi.
Theo Giáo Dục
Báo Mỹ: Đã đến lúc bán vũ khí cho Việt Nam
Báo Wall Street Journal ngày 15/7 đăng bài viết của hai chuyên gia Mỹ về an ninh châu Á, nêu ý kiến đã đến lúc Mỹ nên bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để tăng khả năng tự vệ trước Trung Quốc, và cũng là "phản ứng cơ bắp" của Mỹ trước sự hung hăng thái quá của Trung Quốc trong khu vực.
Tác giả bài báo này là ông Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS); và ông Patrick M. Cronin, cố vấn cao cấp và Giám đốc cấp cao của Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương (thuộc CNAS).
Theo bài báo, khi Trung Quốc đưa giàn khoanvào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào đầu tháng 5/2014, một lần nữa nước này đã coi thường các quy tắc đã được chấp nhận rộng rãi và tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động xa hơn trên Biển Đông. Washington và các đối tác châu Á đang phải vật lộn để điều chỉnh một phản ứng thích hợp với hành vi này.
Máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion của Mỹ tuy đã cũ nhưng được nhiều nước sử dụng, vì đó là công cụ phòng thủ trên biển hữu hiệu. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Mỹ có một lợi ích trong việc chống lại sự áp đặt của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và thúc đẩy một hệ thống mở và dựa trên luật lệ ở khu vực vốn đã cho phép các nền kinh tế châu Á phát triển. Nhưng với việc Trung Quốc bảo vệ giàn khoan dầu cùng các lớp tuần tra của tàu quân sự, tàu bảo vệ bờ biển và tàu cá, mối nguy hiểm của sự leo thang đã rõ ràng.
Việc đâm tàu của đối phương là một chiến thuật thông thường, và một tàu đánh cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Mỹ phản ứng với những hành vi cưỡng bức đó của Trung Quốc bằng cách nào cho hiệu quả ?
Câu trả lời nằm trong mối quan hệ với Việt Nam. Năng lực tự vệ để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đang bị đe doạ bởi sức mạnh vượt trội của Trung Quốc. Trong khi Washington và Hà Nội đã có những bước khiêm tốn để bình thường hóa quan hệ quân sự thông qua các cuộc tập luyện chung và đối thoại chiến lược, Mỹ nên thực hiện các bước bổ sung để tăng cường khả năng tự vệ của Việt Nam. Quan trọng nhất, Mỹ nên dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Máy bay Scorpion của Mỹ tại triển lãm hàng không Farnborough (Anh).
Phạm vi và chủng loại hỗ trợ quân sự trực tiếp của Mỹ cho Việt Nam phải được liên kết với những cải tiến có thể ở vài lĩnh vực. Nó cũng nên được giới hạn ở những loại vũ khí phòng thủ hữu ích nhất trong việc đối phó sự tấn công từ bên ngoài, chẳng hạn như hệ thống cảnh báo hàng hải, tàu hộ vệ và các tàu thuyền khác, và vũ khí chống hạm.
Trong buổi điều trần gần đây trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Đại sứ Mỹ đang được đề cử tại Việt Nam, ông Ted Osius đã cho thấy dấu hiệu sẵn sàng của chính quyền Obama xem xét dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Hiện dự thảo về việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương này đang được lưu hành ở Quốc hội Mỹ. Chính quyền Obama có thể tự dỡ bỏ lệnh cấm này, kể từ khi lệnh cấm hiện tại được gắn với một sắc lệnh và không điều chỉnh theo luật pháp Mỹ. Tuy nhiên, một sự chứng thực mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ đi cùng với hành động của hành pháp sẽ đại diện cho hình thức mạnh nhất của hành động này.
Ông Theodore Osius III (trái), đang được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.
Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ giúp tăng cường năng lực răn đe của Việt Nam khi nước này đang chịu áp lực gia tăng từ nước láng giềng. Điều này cũng hoàn toàn tự nhiên nối tiếp quyết định vào năm 2007 của chính quyền Bush cho phép xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng không gây chết người sang Việt Nam.
Việc bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam cũng sẽ củng cố các yếu tố khác của mối quan hệ song phương Việt - Mỹ, trong đó có chuyến viếng thăm cảng của Hải quân Mỹ và sự hợp tác ngoại giao với các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đôngnhư Malaysia và Philippines.
Điều này sẽ không chỉ đại diện cho một bước tiếp theo hợp lý trong lộ trình dài hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, mà cũng có thể phục vụ như một chất xúc tác tiềm năng cho việc mở cửa hơn nữa của Việt Nam.
Những tiến bộ thực hiện bởi hai nước kể từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ là rất phi thường. Từ chỗ là kẻ thù, năm ngoái (2013) hai nước đã ký Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, nhằm nâng cao năng lực hàng hải và đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương.
Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước đàm phán hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hà Nội ủng hộ một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và duy trì quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Washington.
Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển Việt Nam tối 15/7/2014 sau hơn 2,5 tháng hạ đặt trái phép. Ảnh: Độc Lập.
Trong khi đó, những động thái mới nhất của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Việt Nam sẽ khó có thể là cuối cùng. Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đưa các giàn khoan dầu, tàu cá, lực lượng hải quân và không quân đến khu vực này. Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác tài nguyên, áp đặt luật lệ của mình, yêu sách đòi các vùng đất, và cố làm cho tuyên bố trắng trợn sở hữu của Biển Đông thành hiện thực.
Mỹ cần cách tiếp cận ngoại giao cơ bắp hơn đối với hành vi xấu này của Trung Quốc. Và một phần của phương pháp tiếp cận này là phải cộng tác chặt chẽ hơn với Việt Nam, một trong số ít các quốc gia kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình.
Trong bốn thập niên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, hai kẻ thù thời chiến tranh lạnh đã trở thành đối tác mới, trong một môi trường chiến lược đang biến đổi bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ và Việt Nam đều tìm kiếm các mối quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh cũng như cùng chống lại các hành vi thái quá của Trung Quốc, nhưng cũng phải thừa nhận rằng khả năng tự vệ là rất quan trọng khi đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc. Bây giờ là lúc Mỹ giúp Việt Nam tự vệ.
TheoThanh niên
Báo Mỹ: Trung Quốc sẽ giành Siberia với Nga Trong bài xã luận đăng hôm 3.7, tờ New York Times (Mỹ) nhận định rằng Trung Quốc đang lăm le chiếm lấy vùng Siberia thưa dân nhưng giàu tài nguyên của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại một sự kiện ở Thượng Hải hồi tháng 5.2014- Ảnh: Reuters...