Bạo lực trẻ em: Bố gây gổ, con chịu đòn
Các vụ bạo lực trẻ em trong gia đình thường do người cha gây ra. Đây là những phát hiện chính được công bố tại Hội thảo Can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực từ thực tiễn hoạt động của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 do Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) tổ chức vào giữa tháng 5.
“Đòn thù” từ… bố đẻ
Theo số liệu từ Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em, từ năm 2004 đến nay, Đường dây đã tiếp nhận trên 2,5 triệu cuộc gọi của người lớn và trẻ em trên toàn quốc. Trong đó, có trên 300.000 ca tư vấn, trên 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trẻ em bị mua bán, trẻ khuyết tật, mồ côi, bị tai nạn thương tích, trẻ chưa được làm giấy khai sinh… Trong đó, số vụ trẻ bị bạo lực gia đình cao nhất chiếm hơn 63% số vụ.
Các tư vấn viên đường dây 18001567 nhận được nhiều lời kêu cứu từ trẻ em vì bị bố mẹ đánh mắng. ảnh: Minh Nguyệt
Bà Hoàng Lê Thuỷ – Phó Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn, Trưởng Tổng đài 18001567 cho biết, kết quả thống kê của đường dây cho thấy, trẻ em phải gánh chịu cả bạo lực về thể chất và tinh thần cũng như việc chứng kiến bạo lực. Bạo lực thể chất cao nhất, chiếm 91.7%, tiếp đó là bạo lực tinh thần với 6,9%.
Có những vụ việc gây tổn thương nghiêm trọng cho trẻ về thể chất. Điển hình như vụ em N.T.T ở huyện Tân Yên, Bắc Giang thường xuyên bị bố đẻ đánh. Bố mẹ ly dị khi em mới 3 tuổi. T ở với mẹ được 2 năm, mẹ đi lao động xuất khẩu, T về ở với bố. Vào tháng 1.2016 T bị bố đánh thâm tím người và phải nhập viện điều trị.
Một trường hợp khác là em Đ.T.N.C (sinh năm 2013) bị bố dượng là đối tượng có tiền án tiền sự thường xuyên đánh, dùng que sắt đánh, chọc vào người. Có lần y còn bắt các con ngồi ở sân giữa trưa nắng 38 độ C để gây áp lực bắt vợ cho tiền mua heroin khiến các con rất hoảng sợ.
Video đang HOT
Nhiều trường hợp khác tuy không bị bạo hành thể xác nhưng lại bị cha mẹ bạo hành tinh thần. Ví dụ như trường hợp của của V.Đ.K (13 tuổi) ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, bị cha bắt liếm sàn nhà mỗi khi mắc lỗi.
“Ngoài ra còn rất nhiều hành vi bạo lực về tinh thần khác khiến trẻ em đau khổ, suy sụp mà bố mẹ không nhận ra. Cụ thể như: Mắng chửi con vì con không ăn, ép con học, dọa đốt sách vở, doạ ma quỷ, trừng phạt con bằng cách không cho con vui chơi….” – bà Thuỷ nói.
Cũng theo bà Thủy, thậm chí, có nhiều vụ trẻ em vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình vừa là người chứng kiến bạo lực gia đình của cha mẹ. Rất khó để xác định trẻ em và phụ nữ là người chịu tổn thương, đau khổ hơn trong các vụ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, qua đánh giá tâm lý của một số trường hợp thì người tổn thương nghiêm trọng nhất thuộc về trẻ em. Nhiều em bị ám ảnh cả tương lai, thậm chí mất niềm tin vào gia đình điều này ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của trẻ.
Nhiều rào cản, khó hỗ trợ
“Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất, chiếm 63,2%. Trong đó ông bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em, chiếm 37,5%; tiếp đó là bà mẹ, chiếm 11,8%; các đối tượng khác trong gia đình thường là bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà chiếm 13,9%”.
Ông Nguyễn Trọng An – Chuyên gia trẻ em cho rằng: “Đây là một điều đáng buồn bởi những người đáng lẽ gần gũi, thương yêu, chăm sóc trẻ nhiều nhất lại là người gây bạo lực cho trẻ nhiều nhất. Đây cũng chính là những nhân tố làm cho tình trạng sang chấn tâm lý của trẻ lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình”.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã chỉ ra các nguyên nhân khiến cho việc bạo lực trẻ em trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số vụ bạo lực trẻ em. Một trong những nguyên nhân chính được đề cập tới chính là do cha mẹ và người thân của trẻ thiếu nhận thức và kỹ năng để dạy dỗ con. Có người quan niệm giáo dục trẻ bằng cách trừng phạt, roi vọt.
“Nhiều cha mẹ còn chưa biết cách bảo vệ trẻ. Kỹ năng kiềm chế nóng giận còn rất mơ hồ với nhiều bậc làm cha mẹ tại Việt Nam. Cha mẹ, người chăm sóc cũng thiếu các kỹ năng mềm trong cuộc sống như xử lý các khủng hoảng, căng thẳng trong gia đình” – bà Thuỷ nói thêm.
Nhiều địa phương phản hồi gặp khó khăn trong quá trình tách trẻ ra khỏi môi trường gia đình gây bạo lực do trẻ không chịu rời khỏi gia đình và bản thân các thành viên trong gia đình không có sự đồng thuận trong việc tách trẻ. Ngoài ra nhiều trường hợp trẻ bị bạo lực, chính quyền vẫn bỏ qua, cho rằng đó là việc nhỏ hoặc chỉ đến hòa giải khiến nên càng thiếu đi tính răn đe, trẻ lại tiếp tục bị đánh. /.
Theo Danviet
Đại biểu Quốc hội không dám xem hết clip nữ sinh đánh nhau
"Khi xem trên mạng một số clip các em nữ sinh đón đường để đánh nhau, xé quần áo nhau..., dù là người cứng rắn nhưng tôi cũng không dám xem đến hết" - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ tại hội trường Quốc hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Quochoi.vn).
Sáng 24.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường, cho ý kiến về dự thảo Luật bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Trước đây, dự thảo quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng, nếu là tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải chịu trách nhiệm hình sự, hoặc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, nhưng với 3 tội danh: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Hiếp dâm và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cho ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định: Trẻ em nhận thức còn hạn chế, chủ yếu không nhận thức được các tội phạm ở tầng cao như các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế trẻ thường chỉ phạm các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, bạo lực học đường...
"Để răn đe, giáo dục, chúng ta nên xử lý hình sự. Nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em, chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, hành chính, giáo dục, thậm chí miễn chấp hành hình phạt" - đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu Nhưỡng cho rằng, vấn đề nhân đạo cũng cần phải có đạo lý, không dựa trên nền cảm tính.
"30 năm qua chúng ta đã xử lý vấn đề theo quan điểm này trong bối cảnh đất nước khi đó còn lạc hậu, trẻ em chưa được chăm sóc giáo dục đến nơi đến chốn. Bây giờ xã hội phát triển, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn trước rất nhiều" - đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu đoàn Bến Tre nói thêm: "Tuy là người rất cứng rắn, nhưng khi xem trên mạng một số clip các em nữ sinh đón đường để đánh nhau, xé quần áo nhau..., thực lòng tôi cũng không dám xem hết. Nếu đưa ra thế giới, cho người nước ngoài xem, liệu họ có đồng quan điểm với chúng ta là không xử lý các em?".
Theo đại biểu Nhưỡng, hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là tốt nhất. "Nhưng nếu chỉ giáo dục đơn thuần, chúng ta không đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm. Tất cả các quy định của pháp luật đều có một chức năng quan trọng là dự báo để phòng ngừa. Có đại biểu nói nếu làm vậy, chúng ta không có đủ trại giam. Ở đây có ai nói phải bỏ tù các em? Xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau" - đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu quan điểm ủng hộ phương án 2, đó là quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Ông phân tích: Việc quy định như vậy phù hợp với thực trạng đấu tranh phòng chống tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. "Theo số liệu thống kê trong 5 năm của TAND Tối cao cung cấp cho thấy, tỉ lệ tội phạm từ 14 đến dưới 16 không đáng kể" - đại biểu Học nói.
Về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đối với độ tuổi này, nhiều nước chỉ loại trừ trách nhiệm hình sự với tội vô ý, còn tội cố ý thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Nhưng chính sách nằm ở nguyên tắc xử lý chứ không phải ở độ tuổi. Nguyên tắc nữa là tất cả các vụ án liên quan đến trẻ em, ở nước ngoài họ xử kín để đảm bảo trẻ không bị ảnh hưởng, có cơ hội sửa sai.
Theo Danviet
Quảng Ngãi: Lần đầu tiên mời chuyên gia dạy HS chống "yêu râu xanh" Sáng 20.5, hơn 200 học sinh (HS) tiểu học, đại diện cho 34 trường của bậc học này ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã tham gia buổi tập huấn "Giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em", do ThS Nguyễn Thị Tâm - Công ty tư vấn tâm lý Hồn Việt, TP.HCM - đảm nhận. Không chỉ đi tiên...