Bạo lực sinh ra bạo lực, đòn roi nối dài đòn roi?
Clip bạo lực của thầy giáo ở Bắc Giang đối với học sinh lớp 10 đang khơi lên sự bức xúc và phẫn nộ của dư luận.
Ảnh minh họa
Dẫu có thể thông cảm phần nào cho sự nóng tính của người thầy muốn rèn giũa học trò vào nề nếp nhưng quả thật, hành động lẫn ngôn ngữ của thầy này hoàn toàn thiếu tính giáo dục và đánh mất vẻ đẹp của người “gieo hạt”.
Dư luận bức xúc là phải, bởi không phải tự nhiên mà ngành giáo dục ngày càng cứng rắn hơn với hành vi người thầy bạo lực thân thể, xúc phạm nhân phẩm người học. Kỷ luật tích cực không đòn roi đang mở ra viễn cảnh người học được tôn trọng, được yêu thương và được phát triển trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. ó là hệ quả tất yếu khi xã hội tiến vào kỷ nguyên hiện đại và văn minh, ở đó quyền của người học được tôn trọng và phát huy tối đa.
Ngoài ra, càng ngày phụ huynh càng nhận ra lỗ hổng khắc sâu trong tâm hồn con trẻ nếu chẳng may dùng hình thức giáo dục theo quan niệm xưa cũ “thương cho roi cho vọt” nên cật lực phản đối hành động bạo lực đối với trẻ. Vì lẽ đó mà thỉnh thoảng một vài giáo viên nóng tính và khe khắt dùng roi vọt lập tức bị dư luận phản ứng.
Vậy cái giá của đòn roi là gì? Những đứa trẻ lớn lên cùng roi vọt sẽ biết sợ, biết đau để tránh nói sai, làm sai ư? Thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Nhiều em cứ đeo đẳng vết thương lòng khó liền sẹo về sự yếu kém của bản thân, sự tự ti, mặc cảm không dám đối diện thực tế. Khá nhiều trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục ở nhà trường với đòn roi và lời nói khó nghe từ người thầy đã nuôi dưỡng sự phản kháng, cứng đầu, lì lợm đến tận cùng.
iều đặc biệt nguy hại là bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, đòn roi nối dài đòn roi. Bọn trẻ đang tuổi định hình nhân cách sẽ lầm tưởng rằng cứ sai là đánh đòn và bạo lực là phương pháp duy nhất giải quyết mâu thuẫn. Chính lúc này, giáo dục đã hoàn toàn thất bại ở ngay “thánh đường” – bục giảng!
Hãy để con em chúng ta nhận ra đằng sau mỗi lời trách phạt là sự yêu thương, đằng sau mỗi ánh mắt cương nghị của người thầy là những kỳ vọng gửi gắm vào sự tiến bộ của trò.
Làm thầy mà văng tục, đấm đá học trò là không thể chấp nhận
Thầy giáo K.X.H. đã tát mạnh vào mặt 4 nam sinh, thậm chí còn vung chân đá vào ngực học trò, làm cho một em đứng không vững sau cú đá của thầy.
Chuyện học sinh vi phạm nội quy của nhà trường hoặc có những kiểu ăn mặc, đầu tóc không phù hợp trong các nhà trường hiện nay thì gần như trường nào cũng có. Đặc biệt, đối với học sinh ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên thì có lẽ còn xảy ra thường xuyên hơn.
Video đang HOT
Chính vì vậy, nhà trường và các thầy cô giáo cần có những biện pháp, cách thức giáo dục phù hợp với từng đối tượng học trò để các em thực hiện đúng nội quy, có nhận thức đúng đắn về việc làm của mình khi đến trường, đến lớp.
Sự việc thầy giáo K.X.H. ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tát vào mặt, đá vào ngực và có những ngôn từ không phù hợp trước mặt học trò là một hành động không đẹp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy và nó đang gây xôn xao trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
Thầy H. đá học trò (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Thầy giáo K.X.H. đã làm mất hình ảnh người thầy trước học trò
Những ngày qua, trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện một clip ngắn ghi lại cảnh một giáo viên nam của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn xử lý một số học trò khiến nhiều người vô cùng bức xúc, bất bình.
Được biết, 4 nam sinh này bị thầy giáo H. gọi lên bục giảng vì phạm lỗi mặc quần bò và nhuộm tóc màu khi đến lớp. Đây là những lỗi mà các trường học thường cấm học trò của mình.
Thay vì chỉ ra lỗi vi phạm, nhắc nhở nghiêm khắc để các em thay đổi, chỉnh đốn lại trang phục, đầu tóc theo đúng quy định nhà trường thì thầy giáo này lại có cách hành xử rất phi giáo dục.
Đó là thầy giáo K.X.H. đã liên tục tát mạnh vào mặt 4 nam sinh, thậm chí còn vung chân đá vào ngực học trò, làm cho một em đứng không vững sau cú đá của thầy.
Không chỉ đánh học trò, thầy giáo này còn có ngôn từ không phù hợp trước mặt học trò của mình đó là ngôn ngữ "mày - tao"- những từ ngữ mà đa phần giáo viên né tránh bởi nó không phù hợp ở môi trường sư phạm, với đạo đức của một nhà giáo.
Bên cạnh đó, trong lúc xử lý học trò thì thầy giáo này dùng tay phải để chỉ vào mặt, tát vào mặt học trò, tay trái thì liên tục thọc tay vào túi quần...
Nói thật, khi nhìn những hình ảnh này, không mấy người có thể chấp nhận được những hành vi, cử chỉ và ngôn phong của một giáo viên đứng lớp. Bởi, một nhà giáo, một nhà sư phạm không ai lại có những hành xử như vậy với học trò của mình.
Cho dù các em hư hỗn đi chăng nữa thì dù có nóng giận, bột phát cũng chỉ có thể là cái đánh nhẹ nhàng, mang tính giáo dục chứ không thể là hành động côn đồ với nhiều học trò trong cùng một thời điểm ở trên bục giảng.
Một nhà giáo không thể văng tục, chửi thề trước một lớp học mà học trò ở đây đã là học sinh lớp 10- lứa tuổi đầy nhạy cảm và đủ tỉnh táo để phân biệt đúng- sai của một người thầy.
Trước mọi tình huống sư phạm, giáo viên phải thật sự khéo léo
Thực tế cho thấy học sinh thời nay có nhiều em chưa ngoan hiền, chưa thực hiện đúng các nội quy của nhà trường, nhất là những học sinh ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên- một môi trường học tập có rất nhiều nguồn tuyển khác nhau.
Nhưng, không phải em nào vi phạm cũng là những học trò không thể dạy được nếu người thầy kiên trì, khéo léo trong các tình huống sư phạm.
Đặc biệt, nếu lỗi trong trường hợp này chỉ là học sinh nhuộm tóc màu và mặc quần bò khi đến lớp thì chưa phải là những lỗi vi phạm nghiêm trọng, không có hướng giải quyết phù hợp.
Thay vì đá vào ngực, tát vào mặt học trò, thay vì chỉ tay vào mặt, thọc tay vào túi quần và dùng những ngôn ngữ tục tĩu trước học trò thì giáo viên chỉ cần nghiêm khắc ấn định thời gian để học trò sửa đổi.
Khi học trò không thay đổi thì có dùng một số biện pháp cứng rắn hơn như liên hệ với gia đình, Đoàn trường cùng phối hợp giáo dục nhằm uốn nắn các em thay đổi theo chiều hướng tích cực...
Đánh học trò, chửi học trò trước tập thể lớp thì người thầy không chỉ tự đánh mất mình bởi nghiệp vụ sư phạm không tốt mà còn tạo một hình ảnh không đẹp trước học trò. Tự tạo ra một "vết đen" cho mình trong những tháng năm đứng lớp sau này.
Bởi, clip này đã được phát tán trên mạng internet và được khai thác hình ảnh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua.
Đánh học trò...thường rơi vào những giáo viên trẻ
Với những quy định hiện nay, mọi hành vi đánh đập, chửi bới học trò đều vi phạm đạo đức nhà giáo và khi những sự việc như thế này xảy ra thì người bị xử lý đầu tiên là giáo viên chứ không phải học trò.
Và, đây là những điều mà giáo viên luôn phải khắc ghi khi đứng lớp. Dù ai cũng biết rằng dạy học trò thời nay không đơn giản chút nào.
Chính vì vậy, những thầy cô giáo có nghiệp vụ sư phạm giỏi, có kinh nghiệm lâu năm thì không mấy ai lại đi dùng bạo lực với học trò bởi họ luôn có những biện pháp cứng rắn nhưng lại rất mềm mỏng, khéo léo để hướng học trò tiến bộ và làm đúng nội quy của nhà trường.
Trường hợp thầy giáo K.X.H. ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) rõ ràng còn thiếu nhiều kinh nghiệm khi xử lý học trò. Có lẽ thầy K.X.H. còn quá trẻ (sinh năm 1997) nên còn lúng túng, bột phát trong việc giáo dục học trò...
Cũng may là 4 học sinh này không phản kháng, nếu như các em này chống trả lại thầy, lúc đó sẽ thành một cảnh hỗn độn trên bục giảng. Bởi, những học trò ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên thường có nhiều em rất...cá tính.
Đây rõ ràng là một bài học trong xử lý học trò đối với thầy giáo trẻ K.X.H. và cũng là bài học cho nhiều thầy cô giáo khác. Hãy bớt đi nóng giận thì mọi chuyện sẽ tích cực hơn, hướng giải quyết sẽ dễ dàng hơn.
Đánh học trò- trò đau nhưng thầy còn đau hơn bởi thầy H. đã phải đến nhà học trò nhận lỗi, đã bị tạm dừng công tác giảng dạy và tới đây có thể còn phải đối mặt với kỷ luật của ngành ngay từ những năm đầu tiên đứng trên bục giảng.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/clip-thay-giao-bac-giang-da-hoc-sinh-tren-buc-giang-732254.html
https://nld.com.vn/thoi-su/clip-nam-giao-vien-lien-tuc-dam-da-lang-ma-nhieu-hoc-sinh-ngay-tren-buc-giang-20210502120120916.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Mất mát giữa sân trường Thông tin về nam sinh lớp 8 tử vong do bạn cùng trường học lớp 9 tại huyện Đan Phượng - Hà Nội gần đây làm những người đã và đang giảng dạy đau lòng. Phiên tòa giả định, một hình thức tuyên truyền hiệu quả, góp phần giảm bạo lực học đường. Ảnh minh họa (Nguồn: baoquangbinh.vn) Thật ra đây không phải...