Bạo lực lại bùng phát trên khắp Jerusalem và Bờ Tây
Căng thẳng ở Bờ Tây và ở trại tị nạn Shuafat thuộc phía Đông Jerusalem đã nhanh chóng lan sang nhiều địa điểm khác, với các cuộc đụng độ bạo lực giữa người Palestine và quân đội Israel.
Một nhân viên an ninh Israel tuần tra tại tị nạn Shuafat ở Đông Jerusalem ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP
Hai cảnh sát Israel bị thương, 1 thanh niên Palestine đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương, trong khi hàng chục người khác bị bắt trong khoảng thời gian từ đêm 12 đến sáng 13/10 khi bạo lực bùng phát khắp Jerusalem và các khu vực của Bờ Tây trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến các hoạt động của lực lượng vũ trang Israel (IDF).
Bạo lực đã bùng phát và lan rộng sau khi hàng trăm người biểu tình tại các trạm kiểm soát vào một trại tị nạn ở Jerusalem, liên quan đến việc lực lượng an ninh tiếp tục truy lùng đối tượng bắn chết một binh sĩ 18 Israel khi đang làm nhiệm vụ tại một trạm kiểm soát của trại tị nạn Shuafat, một khu vực được xây dựng dày đặc ở ngoại ô phía Bắc của Jerusalem, nơi trú ẩn của khoảng 60.000 người.
Khu vực này đã bị phong tỏa trong nhiều ngày vì cảnh sát đã kiểm tra phương tiện nghiêm ngặt, rà soát khắp các đường phố và ngôi nhà để tìm kiếm kẻ xả súng.
Các cuộc đụng độ cũng nổ ra ở các thành phố bên kia Bờ Tây, bao gồm cả Bethlehem và Nablus, nơi lực lượng an ninh phong tỏa các con đường vào thành phố.
Xung quanh thành phố Hebron, miền Nam Israel, quân đội Israel đã nổ súng vào một đám đông ném đá vào ô tô đi trên đường cao tốc, khiến ít nhất một người thiệt mạng. Bộ Y tế Palestine cho biết một thanh niên 18 tuổi đã chết sau khi bị trúng đạn.
Trong cuộc bạo loạn ở khu Isawiya, hai cảnh sát Israel đã bị thương nhẹ. Cảnh sát Israel đang điều tra xem liệu các vết thương có phải do một quả bom ống gây ra trong bối cảnh bạo loạn hay không. Chín người Arập bị tình nghi tham gia vào cuộc bạo động đã bị Cảnh sát Israel bắt giữ và đang được thẩm vấn.
Video đang HOT
Tại Kalandiya, nằm ở phía Bắc Jerusalem, những tay súng người Palestine đã đụng độ với các sĩ quan biên phòng Israel, theo Cảnh sát Israel. Không có người Israel nào bị thương trong các cuộc đụng độ và các việc truy tìm thủ phạm vẫn đang được tiến hành.
Chỉ huy lực lượng biên phòng Israel, Amir Cohen, sáng 13/10 đã ra lệnh đặt các đơn vị trong tình trạng báo động cao sau các vụ bạo lực ở Jerusalem.
Các vụ bạo lực nổ ra ngày càng nhiều hơn kể từ khi các lực lượng Israel bắt đầu chiến dịch trấn áp ở Bờ Tây bị chiếm đóng vào cuối tháng 3/2022 và chỉ tính riêng trong năm nay đã khiến hơn 100 người Palestine thiệt mạng.
Nhiều nơi ở Đức quá tải, từ chối tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine
Các chính quyền địa phương ở Đức đang cảm thấy quá tải và phải gióng lên hồi chuông báo động do ngày càng nhiều người sơ tán và tị nạn đến nước này.
Nhiều thị trấn và thành phố của Đức đang gặp khó khăn trong tiếp nhận người tị nạn. Ảnh: DPA
Theo Đài phát thanh và truyền hình Đức MDR.de, ngày càng nhiều thành phố của Đức từ chối tiếp nhận người sơ tán Ukraine.
Nhiều người đã rời khỏi Ukraine do xung đột để đến Đức, trong khi ngày càng có nhiều người xin tị nạn đến từ các khu vực khác qua ngả Đông Nam châu Âu. Do đó, nhiều chính quyền địa phương ở Đức đang cảm thấy quá tải và buộc phải gióng lên hồi chuông báo động.
Gần đây nhất, chính quyền của các thành phố Magdeburg, Gera và Halle tuyên bố không thể tiếp nhận thêm người di cư vì đã gần đạt giới hạn.
Hiện tại nhiều địa phương của Đức phải trưng dụng các phòng tập thể dục của trường học, cũng như nhà trọ, khách sạn và ký túc xá để tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine và nhập cư từ các khu vực khác, nhưng điều này không đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu.
Trước đó, có thông tin cho rằng tại Đức, tình trạng thiếu nhà ở và nguồn lực lớn có thể dẫn đến một cuộc thảo luận sớm về việc phân bổ người tị nạn Ukraine tại nước này. Đồng thời, chính quyền Ba Lan thông báo ý định buộc những người sơ tán Ukraine phải trả tiền nhà ở, đặc biệt là những nơi mà người Ukraine có thể ở lâu dài, như ký túc xá và khách sạn.
Mahkameh Robatian, người đứng đầu một trung tâm tư vấn tị nạn cho biết: "Thị trường nhà đất đã hoàn toàn cạn kiệt. Việc đề nghị khu vực tư nhân tiếp nhận người tị nạn cũng rất hiếm". Trong khi đó, tình nguyện viên Olga Meier nêu rõ giá khí đốt và điện cao cũng ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu của những người sơ tán và tị nạn.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các thành phố của Đức đã tiếp nhận quá nhiều người sơ tán đến từ Ukraine. Ví dụ, thành phố Herzogenrath ước tính rằng trước đây họ thường tiếp nhận khoảng 50 đến 60 người tị nạn mới mỗi năm, nhưng 400 người sơ tán do xung đột ở Ukraine đã đến trong khoảng thời gian ba tháng và thành phố này đã tiếp nhận đến 530 người. Ngoài ra, khoảng 850 người tị nạn từ 20 quốc gia khác cũng đã đến thành phố này. Một số người đã tìm được việc làm trong khi nhiều người đang thất nghiệp.
Ở thành phố Aachen, tình hình có vẻ không khả quan hơn. Vào đầu tháng 8, Thị trưởng thành phố này Sibylle Keupen buộc phải thông báo rằng họ sẽ không tiếp nhận thêm bất kỳ người sơ tán vì xung đột hoặc người xin tị nạn khác trong thời điểm hiện tại, với lý do tất cả các trung tâm lưu trú khẩn cấp của thành phố đều đã quá tải.
Rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những lý do Đức khó tiếp nhận người sơ tán Ukraine để hỗ trợ trợ việc làm cho họ. Ảnh: AFP
Triển vọng không chắc chắn
Theo báo Deutsche Welle, hàng trăm nghìn người sơ tán Ukraine đã đến Đức kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022. Họ đã được cam kết có thể tiếp cận với nhà ở, hỗ trợ tài chính và thị trường việc làm. Nhưng mọi thứ đã không dễ dàng như vậy.
Ước tính có khoảng 900.000 người Ukraine đã đến Đức kể từ cuối tháng 2 năm nay. Trong khi tìm được nơi an toàn, triển vọng công việc của họ dường như không chắc chắn.
Theo chỉ thị của Liên minh châu Âu, những người sơ tán từ Ukraine được cấp quy chế bảo vệ ở EU trong tối đa 3 năm - cũng như được tiếp cận với bảo hiểm y tế và thị trường lao động.
350.000 người Ukraine đang đăng ký tìm việc làm ở Đức, nhưng nhiều người trong số họ đang gặp khó khăn. Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 1.000 người sơ tán Ukraine vào tháng 6 và phát hiện ra rằng trong khi 90% người được hỏi muốn tìm việc làm ở Đức, chỉ một nửa trong số họ đã tìm được việc.
Đức đang thiếu nghiêm trọng công nhân lành nghề trong nhiều ngành. Cơ quan Lao động Liên bang Đức đã báo cáo cần gần 900.000 người lao động ở Đức trong tháng 6, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải và hậu cần, bán hàng, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe.
Khi các nhà nghiên cứu của viện Ifo khảo sát 1.000 giám đốc nhân sự tại các công ty Đức thuộc nhiều ngành khác nhau, 83% cho biết việc thiếu kỹ năng tiếng Đức là rào cản chính trong việc tuyển dụng nhân sự.
Nhiều người Ukraine nói được nhiều thứ tiếng, nhưng khả năng tiếng Đức không phổ biến. "Kỹ năng ngôn ngữ là thách thức quan trọng nhất", nhà nghiên cứu Ifo, ông Tetyana Panchenko nói với Deutsche Welle, lưu ý thêm rằng "không chỉ về kỹ năng tiếng Đức mà còn cả tiếng Anh".
Nhiều người Ukraine đến từ miền Đông nước này nước đã học tiếng Nga thay vì tiếng Anh. Kỹ năng ngôn ngữ không đủ đã khiến một phần ba số người Ukraine được viện Ifo thăm dò ý kiến sẵn sàng đảm nhận công việc dưới trình độ chuyên môn.
Hơn 85% người được phỏng vấn của Viện Ifo đã có bằng đại học hoặc đào tạo nghề. Tuy nhiên, để làm việc trong một ngành ở Đức, chẳng hạn như tải xe tải hoặc dược sĩ, ứng viên cần phải được công nhận bằng cấp chuyên môn. Ngoài ra, nếu không được chính thức công nhận chứng chỉ tiếng Đức, họ không được phép làm việc ở Đức - một trở ngại khác đối với quá trình hội nhập.
Ngoài trình độ học vấn và kỹ năng ngôn ngữ, một trong những trở ngại đáng kể khác để đảm bảo một công việc là cam kết lâu dài. Các nhà quản lý nhân sự của Đức bày tỏ lo ngại rằng những người sơ tán từ Ukraine có thể sớm muốn trở về quê hương.
Đây là một vấn đề đối với các doanh nghiệp Đức vốn có xu hướng tránh luân chuyển nhân viên, đặc biệt là nhân sự có trình độ, và thường không quan tâm đến các giải pháp tạm thời mà thích quan hệ lao động ổn định với tầm nhìn dài hạn.
Mỹ: Các văn phòng bầu cử siết chặt an ninh trước thềm bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ Các quan chức bầu cử lo ngại những rủi ro bạo lực liên quan đến bầu cử trước đây chỉ là giả thuyết giờ đã trở nên thật hơn. Nhân viên trong các văn phòng bầu cử làm việc sau lớp kính chắn đạn. Ảnh: Reuters Khi các cử tri tại hạt Jefferson (bang Colorado, Mỹ) đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử...