Bạo lực gia đình làm giảm sự bình đẳng giới
Bạo lực gia đình là rào cản trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới. Dù đã triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được hơn 10 năm nhưng tới nay, kết quả thực hiện mục tiêu liên quan tới vấn đề này vẫn chưa được như ý muốn. Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình cũng là nạn nhân của bất bình đẳng giới.
Nhiều rào cản khi thực hiện
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ, do Bộ VHTTDL tổ chức, các đại biểu cũng đã nhìn thẳng vào những bất cập, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đánh giá những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.
Mỗi năm, có hàng nghìn những nạn nhân của BLGĐ bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
“BLGĐ ngày càng trở nên tinh vi, đa dạng dưới nhiều hình thức. Điều này ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của các cá nhân trong gia đình, đặc biệt nó còn cản trở sự bình đẳng giới của các cá nhân trong gia đình”.
Bà Trịnh Thị Thủy
Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, số liệu của các địa phương cho thấy, trong 10 năm qua nhìn chung tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước. Song, theo Thứ trưởng, con số này chưa thể nói được đầy đủ về thực trạng BLGĐ hiện nay, bởi ngay từ số liệu báo cáo đã có sự chênh lệch rất lớn. Hơn nữa, số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học lại cho thấy có 30% số hộ gia đình được phỏng vấn cho biết trong 12 tháng, gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ. Như vậy, theo Thứ trưởng, hàng năm số hộ gia đình xảy ra hành vi BLGĐ có thể lên đến hàng triệu hộ. Kiểm tra tình hình BLGĐ tại cộng đồng dân cư cho thấy, hành vi BLGĐ xuất hiện khá phổ biến, song phần lớn chúng không được coi là BLGĐ hoặc bị che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”, chỉ số liên quan tới bình đẳng giới.
GS-TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi năm có hàng trăm trẻ em bị bạo hành rất nặng phải nhập viện cấp cứu. “Theo tính toán của các nhà khoa học, những con số ghi nhận được tại bệnh viện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì vẫn có hàng trăm trường hợp chưa được khai báo. Như vậy, con số trẻ em bị bạo hành rất nhiều” – ông Hải phân tích.
Video đang HOT
Ông Hải nhấn mạnh, tình trạng bạo hành trẻ em đang rất nặng nề. Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Ngân Giang khẳng định, tình trạng BLGĐ giữa vợ chồng, cha con, mẹ con… rất đáng lo ngại. Số vụ án mạng xuất phát từ nguyên nhân này ngày càng nhiều và rùng rợn hơn. Đó là cảnh chồng đốt vợ con, giết vợ phi tang thi thể… Hoặc chồng giết vợ chỉ vì bị từ chối “chuyện chăn gối”. Trong nhiều vụ án, vợ giết chồng bởi họ là nạn nhân của BLGĐ và đã quá sức chịu đựng.
Bạo hành vợ vì nghĩ… mình có quyền
Bên lề hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, sở dĩ BLGĐ chưa có chiều hướng giảm mạnh là bởi chúng ta chưa tạo ra được sự bình đẳng giới thật sự trong gia đình.
Luật sư Lê Thị Ngân cho rằng, trong nhiều gia đình, người chồng được coi là ông chủ, họ áp đặt lối suy nghĩ, quan điểm lên mọi thành viên. Tính gia trưởng, cho mình là to nhất, khiến họ sẵn sàng gây bạo lực với vợ, thậm chí là con cái chỉ để áp đặt quan điểm cá nhân. Như vậy, rõ ràng sự bình đẳng giữa vợ – chồng, giữa vợ -chồng với các thành viên khác trong gia đình là không có.
“Thực tế, tôi đã từng tiếp xúc với nhiều nạn nhân của nạn BLGĐ. Đa phần nạn nhân là phụ nữ, trẻ em – những người yếu thế. Có những nạn nhân của bạo lực chỉ vì họ không sinh được con trai và không muốn tiếp tục sinh con khi tuổi cao. Bởi vậy, nạn nhân của BLGĐ thực chất cũng là nạn nhân của sự bất bình đẳng giới” – luật sư Ngân nhớ lại.
Trước diễn biến phức tạp của BLGĐ, một số đại biểu cho rằng, hiện nay Luật Phòng chống BLGĐ cần phải có sự điều chỉnh. Ví dụ, Nghị định số 08 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống BLGĐ là chưa hợp lý, nạn nhân của BLGĐ bị tổn thương, nhưng lại phải rời khỏi nhà của mình để tránh, trong khi kẻ có hành vi bạo hành lại đương nhiên được ở lại nhà. Hoặc Nghị định 167 của Chính phủ quy định mức xử phạt về hành vi BLGĐ với mức tiền chỉ từ 100.000 – 300.000 đồng chưa có tính răn đe, giáo dục với những đối tượng vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Thuân – Phó Chánh án TAND tối cao cho biết, có những vụ việc ly hôn bởi BLGĐ kéo dài cả 10 năm mà vẫn không thể giải quyết bởi các vấn đề tranh chấp về tài sản, việc điều tra xác minh tài sản chung vợ chồng rất khó khăn. “Các vụ án về hôn nhân và gia đình, đương sự có hành vi BLGĐ thường có ý thức pháp luật thấp, có thái độ thách thức pháp luật, không hợp tác dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết của tòa án” – ông Thuân nêu.
Luật Phòng chống BLGĐ hiện hành chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, các chính sách đầu tư nguồn lực từ nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ, dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai. Việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi, nhưng chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt…
Theo Danviet
Phá bỏ sự im lặng trong bạo lực gia đình!
Đó là thông điệp của triển lãm "Phía sau cánh cửa", hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" được thực hiện bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...
Triển lãm nhằm phản ánh thực trạng xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, cũng như thể hiện những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.
Để thực hiện triển lãm này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu hơn 60 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó một nửa là các ca bạo lực được cung cấp từ Nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã trao đổi trực tiếp với tất cả các nhân vật nhưng chỉ có chưa đến 20 nhân vật đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí một số nhân vật đã đồng ý nhưng sau đó suy nghĩ lại và từ chối không tham gia.
Trong số những nhân vật đồng ý chia sẻ, thì chỉ có 7 nhân vật cho ghi âm, chụp ảnh và cho phép Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sử dụng trong trưng bày nhưng phải qua xử lý hình ảnh, không lộ danh tính. Lý do chính là họ sợ câu chuyện công khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, con cái của mình, của chồng mình - dù đó cũng là người gây ra bạo lực. Đây thực sự là một điều đáng để chúng ta suy nghĩ.
Giới và bình đẳng giới thực chất là gì khi chúng ta đứng lên kêu gọi, nhưng chính người phụ nữ không dám, chưa dám lên tiếng để bảo vệ chính cuộc sống của mình. (Ảnh minh họa)
Câu chuyện của chị T.D SN 1988, tại Hưng Yên - là biên tập viên truyền hình cũng như vậy. Vì lúc quyết định kết hôn với người chồng bây giờ cũng là mối tình đầu, gia đình chị khuyên can khá nhiều. Khi chị bị chồng đánh và nhiều hình thức bạo hành khác, chị không thể tâm sự với ai, ngay cả cha mẹ mình.
Chị bảo: "Tôi cố sống vì đó là sự lựa chọn của mình rồi, phải chấp nhận". Thế nên cha mẹ chị D không hề biết gì về những đau đớn con gái phải chịu đựng, cho tới một ngày chị D hoảng loạn gọi điện cho mẹ cầu cứu: "Mẹ sang cứu con, con không thể ở đây được".
Chị T.T SN 1980, ở Nam Định là Tiến sĩ, giảng viên ĐH. Ai cũng bảo gia đình chị thật hạnh phúc, mẫu mực. Không ai ngờ bao năm qua, nữ tiến sĩ ấy bị người chồng học rộng biết nhiều thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thậm chí cả bạo lực chuyện ấy . Chị T kể mỗi lần đánh chị, chồng thường khóa trái cửa trong phòng để đánh. Những khi vợ chồng vui vẻ, chị có hỏi vì sao anh đánh chị, anh nói: "Em làm theo anh thì chả có vấn đề gì". Mà làm theo tức là phải nhất nhất theo ý chồng, chồng nói đi chợ mua cái này mà mua thành cái khác thì về cũng "ăn đòn".
Còn chị P.T.T SN 1981, tại Vĩnh Phúc - là nhân viên ngân hàng bị chồng đánh tàn bạo đến mức phải chạy trốn tới Ngôi nhà bình yên của Trung ương Hội LHPN Việt Nam lánh nạn. Chị kể, hôn nhân của vợ chồng chị không được bố mẹ chồng đồng ý, nên bao năm chị vẫn không được coi là người trong nhà, gia đình bàn bạc việc gì không bao giờ bàn với chị.
Một điều khiến người tham dự triển lãm thấy sốc bởi nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình còn bị chồng bạo lực quan hệ. Những lúc người vợ mệt mỏi, không đồng thuận trong việc quan hệ, chồng đều cưỡng bức họ phải đáp ứng nhu cầu, thậm chí còn có trường hợp để cho các con nhìn thấy.
Những số liệu quốc gia về các ca bạo lực gia đình ngày càng đáng báo động, tuy nhiên đó cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những gì ẩn sâu dưới mặt băng xã hội mới là những nguy hiểm tiềm tàng có thể phá hủy những gì nó đi qua trong quá trình phát triển xã hội.
Và những gì Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các cấp Hội LHPN Việt Nam đang thực hiện chưa dễ lấp đầy khoảng trống bình đẳng giới, bởi gần như vấp phải sự im lặng đáng sợ của chính những người trong cuộc, cũng như của nhiều người trong xã hội. Giới và bình đẳng giới thực chất là gì khi chúng ta đứng lên kêu gọi, nhưng chính người phụ nữ không dám, chưa dám lên tiếng để bảo vệ chính cuộc sống của mình.
Theo thống kê của hơn 60 trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận, nạn nhân bị bạo lực ở lứa tuổi 8X, 9X chiếm 61%; trong đó người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, Thạc sĩ chiếm 85%; những người gây bạo lực có trình độ ĐH, CĐ, thậm chí Thạc sĩ cũng chiếm 61%.
Nguyên nhân bạo lực ở khía cạnh kinh tế chiếm 10,3%; tác động xã hội như nghiện hút, ngoại tình, ghen tuông, gia trưởng, cờ bạc,nhậu nhẹt chiếm 83,8%... Hình thức bạo lực: bạo lực thể chất chiếm 98%, bạo lực tinh thần chiếm 100%, bạo lực quan hệ chiếm 31%.
Bạo lực giữa chồng và vợ xảy ra, phần lớn do người đàn ông nhận thức sai lầm về vị trí vai trò của mình trong gia đình, khi cho rằng mình có quyền phán xét, giáo dục vợ. Nếu vợ làm trái ý mình hoặc không thực hiện theo mệnh lệnh, người vợ có thể bị mắng chửi, đánh.
Trong khi đó, người phụ nữ cũng không xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của bản thân đối với chồng, gia đình nhà chồng, tự hạ thấp bản thân mà không biết phát huy, vận dụng quyền dân chủ của mình. Lý do căn bản nhất là do họ thiếu kiến thức về bình đẳng giới, nhận thức sai lệch về vị trí của bản thân, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống gia đình.
Các hình thức bạo lực gia đình hiện nay cũng diễn biến phức tạp và tinh vi hơn trước. Nó thể hiện "dữ dội, ồn ào" ở các gia đình có mức sống bình dân, tầng lớp lao động phổ thông và diễn ra "âm thầm, lặng lẽ" trong các gia đình tri thức. Chính vì vậy, bạo lực gia đình không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình, mà trở thành vấn đề của xã hội, cần sự chung tay, lên tiếng của cộng đồng với thông điệp "Hãy phá bỏ im lặng, chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình".
Theo phapluatvaxahoi.vn
Làm tốt bình đẳng giới, xứ dừa thêm yên vui Nhờ làm tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ mà thời gian qua nhiều chị em ở Bến Tre đã có điều kiện phát huy trí, lực, chủ động, năng động, sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Truyền thông qua nhiều hình thức Qua tổng kết 10 năm thi hành...