Bạo lực, biểu tình phá hỏng bỏ phiếu sớm ở Thái
Một lãnh đạo biểu tình bị bắn chết, các điểm bỏ phiếu ở Bangkok bị phe chống chính phủ bao vây khiến cuộc bỏ phiếu sớm của tổng tuyển cử diễn ra vào 2/2 tới bị phá hỏng.
Người biểu tình kéo tới hàng loạt điểm bỏ phiếu ở thủ đô và các tỉnh phía nam, ngăn không cho quan chức bầu cử tiến vào phòng phiếu và khiến giới chức phụ trách bầu cử phải đóng cửa hơn 80 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Hơn 2 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu sớm, trước ngày bầu cử chính thức 2/2. Khoảng 440.000 cử tri trên toàn quốc đã bị ngăn không cho bỏ phiếu, ông Somchai Srisutthiyakorn thuộc Ủy ban bầu cử cho biết. Ông Somchai cảnh báo vấn đề tương tự có thể bùng phát trong cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật tới (2/2).
Bỏ phiếu sớm thường dành cho những người không thể đi bỏ phiếu đúng ngày. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu sớm hôm 26/1 được coi như màn thử nghiệm cho cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra.
Khi các điểm bỏ phiếu sớm đóng cửa, một lãnh đạo biểu tình chống chính phủ đã bị bắn hạ khi đang diễn thuyết ở phía sau một chiếc xe tải ở Bang Na, ngoại ô Bangkok. Có 9 người khác bị thương trong vụ bắn súng, trung tâm khẩn cấp Erawan ở Bangkok cho hay. Những gì diễn ra làm tăng thêm nghi ngờ về việc liệu cuộc bỏ phiếu vào tuần tới có diễn ra như dự định không.
Phát ngôn viên lực lượng biểu tình Akanat Promphan cáo buộc các băng nhóm ủng hộ chính phủ đã tiến hành vụ tấn công, làm chết ông Suthin Tharathin, nạn nhân thứ 10 của bạo lực chính trị, bùng phát được gần 3 tháng.
Cảnh sát sau đó cho biết, ông Suthin thiệt mạng khi một nhóm các nhà hoạt động “áo đỏ” ủng hộ chính phủ từ một tỉnh lân cận Bangkok xung đột với người biểu tình chống chính phủ.
Video đang HOT
“45 điểm trong số 50 điểm bỏ phiếu sớm ở Bangkok phải đóng cửa”, Surapong Tovichakchaikul, phó thủ tướng đồng thời là một những người chỉ huy ở Trung tâm duy trì trật tự và hòa bình nơi kiểm soát khủng hoảng, cho biết.
Tại các điểm bỏ phiếu ở ngoài thủ đô, bầu cử sớm ở 66 trong số 76 tỉnh thành, đã diễn ra suôn xẻ.
Thủ tướng tạm quyền Yingluck, tới giờ vẫn từ chối từ chức hoặc hoãn bầu cử, dự kiến sẽ gặp các quan chức phụ trách bầu cử vào ngày mai sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, việc hoãn bầu cử là hợp pháp do khủng hoảng.
Hoài Linh(Theo CNA)
Theo VNN
Lãnh đạo Áo Đỏ bị bắn, bạo lực Thái Lan gia tăng
Một lãnh đạo nổi tiếng của phe thân chính phủ vừa bị thương do súng bắn ở miền bắc Thái Lan, giữa lúc Bangkok được đặt trong tình trạng khẩn cấp nhằm đương đầu với bạo lực chính trị bấy lâu nay.
Cảnh sát cho biết, ông Kwanchai Praipana, lãnh đạo của phe Áo Đỏ, đã bị những kẻ lạ mặt bắn hai phát vào hôm 22/1 tại nhà riêng ở tỉnh đông bắc Udon Thani.
Vụ việc diễn ra sau vài cuộc tấn công nhằm vào phe biểu tình chống chính phủ, những người đã bước sang ngày biểu tình thứ 9 liên tiếp ở thủ đô.
Lãnh đạo Praipana bị ám sát (ảnh: Reuters)
Bạo lực đã dẫn tới việc Thái Lan phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày tại thủ đô nước này và vùng phụ cận, mặc dù không có dấu hiệu các lực lượng an ninh sẽ "dọn sạch" các cuộc biểu tình.
Tuy cảnh sát đẩy mạnh kiểm tra tại các điểm kiểm soát gần các trại biểu tình nhưng quân đội không hiện diện đáng kể. Giới chức cũng chưa ban bố lệnh giới nghiệm hay cấm các cuộc tụ tập chính trị.
Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha hôm 22/1 cho hay quân lính của ông sẽ "không đẩy đất nước vào bạo lực". Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu tình hình không được xử lý, "quân đội sẽ nhập cuộc và giải quyết vấn đề".
Từ tháng 11/2013, 9 người đã thiệt mạng trong đợt bạo lực chính trị tệ hại nhất ở nước này kể từ năm 2010. Ít nhất 28 người đã bị thương vào hôm 19/1 trong 2 vụ nổ gần một trại biểu tình ở Bangkok. Trước đó một hôm, một người khác chết vì 1 vụ tấn công bằng bom ở thủ đô.
Một số lãnh đạo đối lập, bao gồm Siriraj Puapanwattana, cho hay tình trạng khẩn cấp đang hạn chế quyền tự do của họ.
"Sắc lệnh khẩn cấp chỉ nên áp dụng khi có tình huống khẩn cấp do người biểu tình gây ra. Nhưng những người biểu tình không gây ra bạo lực chút nào hết, chính họ là những người hứng chịu bạo lực," ông Siriraj Puapanwattana nói.
Phe biểu tình đang kêu gọi sử dụng một Hội đồng nhân dân không qua bầu cử thay thế cho chính phủ đương nhiệm mà họ tố là tham nhũng và gia đình trị.
Nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chối từ chức. Bà khẳng định sẽ tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2 cho dù phe đối lập tuyên bố sẽ tẩy chay các cuộc bỏ phiếu.
Lo sợ bạo lực có thể phá hoại việc bỏ phiếu, Ủy ban Bầu cử Thái Lan vào hôm 22/1 tuyên bố đang tìm kiếm phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc có thể trì hoãn cuộc bỏ phiếu hay không.
Thái Lan vừa liên tục trải qua bất ổn chính trị trong những năm gần đây. Xung đột diễn ra giữa một bên là giới trung lưu thành thị Bangkok cùng tầng lớp bảo hoàng và một bên là những người nghèo nông thôn ủng hộ bà Yingluck cùng anh trai Thaksin của bà.
Cựu Thủ tướng Thaksin - từng bị hạ bệ trong cuộc đảo chính năm 2006 - vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh ở Thái Lan kể cả khi ông bị cáo buộc tham nhũng và phải sống lưu vong.
Đảng Pheu Thai của bà Yingluck được đánh giá là sẽ chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử tháng Hai do uy tín của anh trai bà và chương trình phúc lợi xã hội mà ông đã thực thi.
Theo VOV
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Campuchia Cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ đã có những cuộc đụng độ kéo dài hơn 15 phút khiến cả hai phe đều có người bị thương. Ngày 26/1, hàng chục cảnh sát chống bạo động Campuchia được trang bị dùi cui đã đụng độ với người biểu tình chống chính phủ, gồm cả các nhà sư, ở thủ đô Phnom...