‘Bảo kê’ lấn chiếm sông, rạch
Ngày 21.11, tại buổi làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, Thanh tra Sở Xây dựng cho biết có 2.238 vụ xây dựng lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch, trong đó tồn đọng hàng trăm vụ không thể xử lý được.
Một công trình xây dựng lấn chiếm sông Sài Gòn (Q.Thủ Đức) – Ảnh: Đình Sơn
Đua nhau xẻ thịt
Trường hợp điển hình là bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc (Q.Bình Thạnh) xây dựng sai phép 4 tầng, tổng diện tích hơn 3.500 m2trên hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Từ năm 2009 đến nay, UBND P.25, thanh tra xây dựng và UBND Q.Bình Thạnh liên tục ban hành quyết định xử phạt, yêu cầu ngừng thi công, cưỡng chế nhưng hiện công trình này đã… hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Không những thế, chủ đầu tư còn xây dựng bờ kè và tường rào (lắp kính cường lực) trên bờ hiện hữu sông Sài Gòn; đồng thời xây dựng sai phép, vi phạm hành lang sông Sài Gòn tính từ bờ hiện hữu đến ranh đất được công nhận trong sổ đỏ hơn 53 m.
Từ đầu năm 2012, Trạm quản lý đường thủy nội địa số 4 (thuộc Khu quản lý đường thủy nội địa) đã phát hiện Công ty Phúc Kiến Khang đóng cọc bê tông lấn chiếm sông Sài Gòn ở địa chỉ 16/4 Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, Q.2, với chiều dài 41 m, rộng 2,5 m và báo UBND Q.2 xử lý. Tuy nhiên, đến nay khu đất vẫn đang thi công, bất chấp hàng loạt công văn yêu cầu xử phạt, cưỡng chế.
Video đang HOT
Cuối năm 2010, trong quá trình kiểm tra luồng tuyến, khu đường sông đã phát hiện Công ty thủy hải sản Liên Thành đóng cừ tràm bao chiếm đất, với chiều rộng 6 m, dài 95 m dọc sông Sài Gòn trên địa bàn P.Linh Đông, Q.Thủ Đức. Sau nhiều lần yêu cầu công ty này ngừng thi công, đề nghị UBND Q.Thủ Đức xử lý thì đến nay khu đất đã được bao kè kiên cố.
Trên thực tế, hầu hết diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ sông Sài Gòn đã bị người dân, cũng như doanh nghiệp “bao chiếm” làm của riêng. Thậm chí, nhiều nơi còn xây cả cầu cảng, nhà cửa nhô ra ngoài sông. Như tại khu vực cầu tàu bến đò Linh Đông (nối với Bình Quới), một căn nhà như nổi trên mặt nước. Hay khu vực cầu Kinh Thanh Đa (P.27, Q.Bình Thạnh), hàng loạt căn nhà lụp xụp, nằm chênh vênh sát bờ kênh. Nhưng sông Sài Gòn không phải cá biệt, những sông, rạch khác như rạch Xuyên Tâm, Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh), kênh Tân Hóa – Lò Gốm, rạch Văn Thánh (Q.Phú Nhuận), sông Tàu Hủ – Bến Nghé… cũng bị lấn chiếm nghiêm trọng. Nhà dân hai bên bờ cách nhau chỉ vài chục cen ti mét, không cần cầu cũng có thể qua lại… thăm nhau.
Có ‘bảo kê’
Theo Thanh tra Sở Xây dựng, việc tồn tại nhiều công trình “xẻ thịt” sông, kênh, rạch là do có “giấy thông hành” của chính quyền địa phương cấp. Trong một báo cáo gửi UBND TP, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng UBND các quận, huyện chưa quan tâm đúng mức việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo trách nhiệm đã được TP giao. Thậm chí, nhiều trường hợp chính quyền địa phương còn cho phép các dự án sai phạm tồn tại.
Ông Phan Hoàng Trí, Phó giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP, cho biết việc UBND các quận, huyện được TP phân cấp về kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lấn chiếm sông, rạch, nhưng không có đầy đủ lực lượng, phương tiện chuyên môn nên việc kiểm tra xử lý gặp nhiều khó khăn, tình trạng lấn chiếm kênh, rạch không được xử lý triệt để. Trong khi đó, mặc dù Khu quản lý đường thủy nội địa có đủ lực lượng, phương tiện chuyên dụng, lại chỉ có thể dừng ở khâu kiểm tra phát hiện lấn chiếm, không có thẩm quyền xử phạt. “Nếu quản lý tốt hành lang bảo vệ sông, rạch TP sẽ có một diện tích đất rất lớn để xây dựng các công trình công cộng, nhất là công viên, cây xanh phục vụ người dân”, ông Trí nói.
Một chuyên gia về đô thị khuyến cáo, nếu các địa phương tiếp tục xem nhẹ công tác bảo vệ sông, rạch, sau này TP sẽ rất tốn kém trong việc di dời, cải tạo hệ thống sông, rạch trên địa bàn. Bởi thực tế cho thấy, để di dời các hộ dân sống ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tại thời điểm năm 1993 TP đã phải bỏ ra hơn 1.600 tỉ đồng bồi thường giải tỏa hơn 7.000 hộ dân. Hay để cải tạo rạch Ụ Cây (Q.8), TP đã phải chi khoảng 4.179 tỉ đồng để di dời hơn 2.500 hộ dân…
Lập 4 đoàn kiểm tra Tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác để kiểm tra thực địa các trường hợp vi phạm. Trước ngày 7.12 sẽ hoàn thành việc kiểm tra thực tế, sau đó thống nhất báo cáo, tổng hợp, đề xuất hướng xử lý các trường hợp vi phạm gửi TP về hành lang an toàn sông, kênh, rạch.
Theo TNO
TP.HCM: Tháng 6.2014 chấm dứt tình trạng tạm cư
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Tín tại buổi làm việc giữa HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM ngày 20.11.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) ít người chịu về do quá xa nơi ở cũ - Ảnh: Đình Sơn
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết từ năm 2007-2012, thành phố có 191 dự án trọng điểm triển khai xây dựng, với 44.436 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó hơn 24.000 hộ bị ảnh hưởng hoàn toàn, có nhu cầu tái định cư. Ngoài quỹ nhà tái định cư đã có, Sở Xây dựng đề xuất thành phố mua lại hơn 10.000 căn nhà, nền đất làm quỹ nhà tái định cư.
Tuy nhiên, hiện nay mới dùng hơn 6.000 căn nhà, nền đất (đạt 61%). Nhiều chung cư tái định cư sau một thời gian sử dụng đã hư hỏng...
Theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nhiều trường hợp người dân bị giải tỏa nhận tiền tự lo chỗ ở do nhà tái định cư quá xa nơi ở cũ, hạ tầng chưa đảm bảo... khiến người dân chê nhà tái định cư dẫn đến tình trạng dôi dư nhà tái định cư.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Văn Danh thừa nhận do ngân sách nhà nước khó khăn nên đầu tư hạ tầng không đảm bảo.
Ông Danh kiến nghị cần có chính sách thu hút các chủ đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng đồng bộ nhằm tránh tâm lý của người dân so sánh nhà tái định cư với nhà thương mại.
Ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận nhà tái định cư thiếu do thành phố luôn bị động trong việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, người dân có tâm lý chê nhà tái định cư xa nơi ở cũ nên nhận tiền tự tái định cư. Sắp tới, thành phố sẽ nghiên cứu đề án phục vụ đời sống người dân sau tái định cư.
Để đảm bảo nguồn nhà tái định cư phục vụ người dân, thành phố sẽ khắc phục bằng cách tạo sẵn quỹ nhà và giao Sở Xây dựng quản lý, điều phối chung thay vì giao về các địa phương như trước đây nhằm tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Chủ trương của thành phố tới đây là tái định cư tại chỗ cho người dân, phấn đấu đến ngày 30.6.2014 sẽ chấm dứt tình trạng tạm cư trên địa bàn thành phố.
Theo TNO
Kiểm tra các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM Ngày 28.10, đoàn công tác gồm Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Sở Xây dựng TP.HCM... đã tiến hành kiểm tra thực tế các dự án chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã...