Bảo hiểm xã hội gửi 18 công văn xin ý kiến, Bộ Y tế không phản hồi
Từ năm 2017 đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có 18 công văn đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chưa nhận được trả lời từ Bộ Y tế.
Phục lục 18 công văn BHXH VN gửi Bộ Y tế nhưng chưa có văn bản trả lời
Thông tin nêu trên vừa được ông Phạm Lương Sơn – phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) – cho biết.
Một số công văn điển hình như công văn 3455 về việc cấp giấy phép hoạt động và phân hạng đối với các trung tâm y tế thuộc hệ y tế dự phòng; công văn số 5276 đề nghị cho ý kiến hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán chi phí phẫu thuật loại II, loại III tại một số phòng khám đa khoa; công văn số 2166 về vướng mắc trong thanh toán trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Công văn số 383 về việc đề nghị hướng dẫn xác định tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định tại điều 24 Nghị định 146; công văn số 384 về việc hướng dẫn thực hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu.
Đặc biệt, trong số này có nội dung được BHXH VN “nhắc” Bộ Y tế nhiều lần nhưng không nhận được hồi đáp.
Theo BHXH VN, bất cập nêu trên gây ra rất nhiều khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện BHYT.
Cụ thể theo BHXH VN, điều 30 Luật bảo hiểm y tế quy định có 3 phương thức thanh toán nhưng hiện nay chỉ có một phương thức thanh toán là thanh toán theo giá dịch vụ. Trong khi phương thức thanh toán theo định suất năm 2019 chưa được thực hiện do Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn.
Video đang HOT
Và phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh đã gần 10 năm chưa được ban hành. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý quỹ BHYT hợp lý và hiệu quả.
Kế đến, điều 31 Luật bảo hiểm y tế giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Bộ Y tế mới quy định được giá khám bệnh và giá ngày giường theo đúng quy định của Luật BHYT. Riêng các dịch vụ KCB khác đang được quy định cùng một mức giá cho tất cả các cơ sở KCB (từ trạm y tế xã cho đến bệnh viện hạng đặc biệt).
BHXH VN còn chỉ ra tại khoản 3, điều 6, Luật khám chữa bệnh quy định hành vi bị cấm trong KCB là “hành nghề KCB, cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”.
Tuy nhiên tại điều 6 Thông tư số 50/2017/TT-BYT, Bộ Y tế lại cho phép người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở KCB, ngoài việc căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề, còn được căn cứ cả vào văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận và năng lực của người hành nghề.
Nhằm cho phép bằng văn bản người hành nghề được thực hiện các chuyên môn kỹ thuật cụ thể tại cơ sở KCB (mà không bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trên chứng chỉ hành nghề).
Mới nhất, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP giao Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung như thẩm định cơ sở KCB đăng ký KCB BHYT ban đầu; ban hành quy định nguyên tắc, danh mục xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng được chuyển đến cơ sở KCB hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ; ban hành bộ mã dùng chung về trang thiết bị y tế… nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn đồng bộ với Nghị định của Chính phủ.
Việc này gây khó khăn cho cơ sở KCB cũng như cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện.
BHXH VN cho rằng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về BHYT nhưng Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, một số văn bản ban hành chậm, có nội dung chưa phù hợp quy định của Luật bảo hiểm y tế, Nghị định của Chính phủ và chậm trễ trả lời các văn bản xin ý kiến của BHXH VN.
“Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB chưa được giải quyết kịp thời” – công văn nêu.
HOÀNG LỘC
Theo tuoitre
Bộ Y tế phản bác hai công văn 'không phù hợp' của BHXH Việt Nam
Hai công văn số 4996 và 5219 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành triển khai nghị định 146 của Chính phủ vừa bị Bộ Y tế phản bác là "không phù hợp".
Người dân khám bệnh tại cơ sở y tế bằng thẻ BHYT - Ảnh: T.L.
Công văn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký đề nghị BHXH VN rà soát hai công văn 4996 và 5219 vì có nhiều nội dung "không phù hợp" các quy định hiện hành, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Cụ thể hướng dẫn của BHXH VN chỉ ghi trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến là "tự đi khám, chữa bệnh không phải là nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT".
Cho rằng hướng dẫn này không đầy đủ, Bộ Y tế chỉ ra còn thiếu các trường hợp như cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn hoặc tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh... theo quy định tại khoản 3 điều 14, 15 của Nghị định 146.
Về việc đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh ghi đầy đủ lý do điều kiện chuyển tuyến, Bộ Y tế cho rằng "không cần thiết" và không đúng theo nội dung của giấy chuyển tuyến.
Ngoài ra việc yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu trên cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định điện tử để xác định người bệnh đã được hưởng BHYT đúng tuyến hay trái tuyến là "không phù hợp với thực tiễn, làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh".
Bộ Y tế cho rằng việc BHXH VN chỉ chấp nhận trường hợp hẹn khám lại là "trước đó đã được chuyển đúng tuyến" và ngoài trường hợp nêu trên người bệnh chỉ được hưởng mức thanh toán từ 40 - 70% tùy tuyến huyện, tỉnh, trung ương là không phù hợp.
Lý do được đưa ra là nội dung hướng dẫn của BHXH VN gồm cả điều khoản đã hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời hướng dẫn này hạn chế quyền lợi của người bệnh đối với các trường hợp được quy định tại khoản 4 điều 22 Luật BHYT và khoản 3 điều 14 Nghị định 146.
Đối với hướng dẫn "quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh mà người bệnh yêu cầu cơ sở thực hiện" - Bộ Y tế đưa ra 3 cơ sở pháp lý gồm điều 23, khoản 1 điều 22 và khoản 1 điều 20 Nghị định 85 của Chính phủ để khẳng định là không thuộc thẩm quyền của cơ quan tổ chức thực hiện và không đúng với Luật BHYT, các văn bản liên quan.
Cuối cùng, Bộ Y tế cho rằng hướng dẫn của BHXH VN dừng thanh toán chi phí trong trường hợp chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm để thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để chờ Bộ Y tế hướng dẫn là không phù hợp. Lý do các trường hợp nêu trên đều đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể trong các văn bản hiện hành.
Khẳng định để tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, đồng thời hạn chế đầu tư tư trang thiết bị không cần thiết - Bộ Y tế đề nghị BHXH VN kiểm tra rà soát lại hai công văn số 4996 và 5219 hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành.
Mục đích đảm bảo đúng quy định của Luật BHYT, Luật khám chữa bệnh và các nghị định, thông tư hiện hành.
HOÀNG LỘC
Theo tuoitre
Sau hàng loạt ca làm chết người, Việt Nam có phác đồ điều trị ngáo đá Lần đầu tiên, Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp khi tình trạng lạm dụng loại ma túy này ngày càng tăng mạnh, gây ra nhiều vụ thảm án. Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 220.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, số người...