Bảo hiểm tiền gửi góp phần bảo đảm an toàn các quỹ tín dụng nhân dân
Sau gần 20 năm triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), BHTG Việt Nam đã từng bước khẳng định được vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng.
Ảnh minh họa
Ông Đào Quốc Tính, Tổng Giám đốc BHTG Việt Nam cho biết, hiện tại, cả nước có 1.183 QTDND với gần 2 triệu thành viên, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Các quỹ này đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo như mở rộng dịch vụ ngành nghề, tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi… Đây cũng là một kênh huy động vốn quan trọng và đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Dù vậy, trong quá trình hoạt động, hệ thống QTDND đã bộc lộ một số yếu kém về công tác cán bộ, về quản trị rủi ro. Do đó, để nâng cao chất lượng, an toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và có những biện pháp chấn chỉnh hoạt động, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các QTDND, nhất là quỹ yếu kém, tiềm ẩn rủi ro cao nhằm đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống QTDND.
Trong hệ thống chính sách đó, BHTG Việt Nam thực hiện các hoạt động cấp chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% QTDND. Đặc biệt, đối với những QTDND có vấn đề, BHTG Việt Nam thực hiện giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.
Đối với nghiệp vụ kiểm tra, BHTG Việt Nam thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với QTDND nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm, từ đó đề xuất biện pháp xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi BHTG.
Đối với nghiệp vụ chi trả, từ khi thành lập đến nay, BHTG Việt Nam đã thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại 39 QTDND với số tiền 26,8 tỷ đồng. Công tác chi trả được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, kết hợp với việc thực hiện tuyên truyền trước và trong quá trình chi trả đã giúp ổn định tâm lý và duy trì niềm tin của người gửi tiền, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND khác trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh, chính trị tại địa phương.
Những năm gần đây, BHTG Việt Nam không phải chi trả cho người gửi tiền, nhưng tổ chức này thường xuyên diễn tập, mô phỏng các “kịch bản” chi trả khi có đổ vỡ để luôn chủ động, sẵn sàng trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tham gia sâu hơn quá trình tái cơ cấu hệ thống QTDND
Video đang HOT
Nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), trọng tâm là xử lý các TCTD yếu kém, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đã bổ sung một số quy định về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Đặc biệt, luật có những quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý, nâng cao vai trò, vị thế của BHTG Việt Nam khi tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém (trước mắt tập trung đối với QTDND và tổ chức tài chính vi mô) với các nhiệm vụ cụ thể: Tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt; tham gia đánh giá, thực hiện các phương án phục hồi TCTD yếu kém; Thực hiện cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt; tham gia quản lý, thanh lý tài sản tại TCTD theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTG Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các QTDND này. Đặc biệt đối với các QTDND đang được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, BHTG Việt Nam cử cán bộ tham gia ban kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với ban kiểm soát đặc biệt, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án củng cố, chấn chỉnh QTDND nhằm khôi phục hoạt động bình thường của quỹ. Cùng với đó nghiên cứu xây dựng phương án tuyên truyền cụ thể đối với QTDND trong từng tình huống nhằm có biện pháp tuyên truyền phù hợp để triển khai thực hiện khi có yêu cầu.
Để nhanh chóng triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và các văn bản chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, BHTG Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án xử lý đối với QTDND yếu kém. BHTG Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu, trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước để ban hành các quy chế nội bộ liên quan đến việc BHTG Việt Nam cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; việc mua trái phiếu dài hạn của tổ chức hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt và văn bản hướng dẫn về việc miễn nộp phí BHTG đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống QTDND.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giao nhiệm vụ cho BHTGVN “tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém” – một lần nữa cho thấy vai trò ngày càng quan trọng cũng như trách nhiệm ngày càng lớn đang đặt trên vai tổ chức này đối với tiến trình lành mạnh hóa các TCTD nói chung, QTDND nói riêng để phát triển bền vững./.
Quốc Thanh
Theo baochinhphu.vn
Room tín dụng khó tăng, nhiều ngân hàng tự tin vượt kế hoạch lợi nhuận
Mặc dù room tăng trưởng tín dụng khó được nới, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tự tin sẽ hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm với lý do đã hoàn tất hơn nửa chặng đường sau nửa đầu năm, trong khi nửa cuối năm mới là mùa cao điểm kinh doanh.
Thống kê cho thấy, sau nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã chạm hoặc gần chạm trần hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp (từ 14-16%) như TPBank (16%), HDBank (15%), LienVietPostBank (13,3%), OCB (12,2%)...
Trong bối cảnh room tăng trưởng tín dụng bị siết chặt theo Chỉ thị 04 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, LienVietPostBank đã điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lợi nhuận năm 2018, từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng, nhưng nhiều ngân hàng khác vẫn giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra từ đầu năm.
Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6/2018, dư nợ cho vay khách hàng của OCB đạt 52.901 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% và gần "kịch kim" hạn mức tín dụng được cấp đầu năm.
Tuy nhiên, OCB vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 2.000 tỷ đồng trước thuế bởi đã đi được gần 2/3 chặng đường khi đạt trên 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm.
Tại Kienlongbank, tuy lãi ròng 6 tháng đầu năm nay tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với kế hoạch cả năm thì mới hoàn thành 30%, đạt 121 tỷ đồng. Dù vậy, Kienlongbank vẫn duy trì mục tiêu đạt 408 tỷ đồng lãi ròng cho năm 2018.
Tương tự, dù room tăng trưởng đã "kịch kim" sau nửa đầu năm, song HDBank và TPBank cũng giữ vững mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Theo đại diện một ngân hàng, dù room tín dụng còn lại không nhiều, nhưng nhiều ngân hàng đã và đang tăng thu từ dịch vụ, đặc biệt là đẩy mạnh cho vay tín dụng nhỏ lẻ, đồng thời tăng cường thu hồi nợ để tái tạo dư địa cho vay, đảm bảo đạt chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Theo Chỉ thị 04, hạn mức tăng trưởng tín dụng khó có thể được nới thêm trong nửa cuối năm 2018. Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn giữ chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng từ đầu năm với lý do đã hoàn tất hơn nửa chặng đường sau nửa đầu năm.
Hơn nữa, nửa cuối năm mới là mùa kinh doanh của các ngân hàng. Theo nhiều công ty chứng khoán, đây là yếu tính chính giúp các ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Tại ACB, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng trên 10% và room còn lại không nhiều. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, việc cơ cấu lại danh mục cho vay lãi suất cao, đẩy mạnh xử lý nợ xấu... sẽ tạo điều kiện cho ACB nâng cao kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm.
Theo VCSC, các khoản thu nhập bất thường từ xử lý nợ xấu của ACB trong năm 2018 sẽ giúp thu nhập ròng hoạt động khác tăng 35% so với năm trước lên 1.250 tỷ đồng.
VCSC dự báo, thu nhập lãi thuần năm 2018 của ACB sẽ tăng 22% so với năm trước nhờ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) hợp nhất tăng 3 điểm cơ bản, cho vay bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 19% và chiếm 76% tổng thu nhập hoạt động.
Thu nhập phí thuần dự báo tăng 33% và chiếm 14% tổng thu nhập từ hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu là 0,8%. Tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay (LLR) đạt 132%, dù chi phí dự phòng dự báo giảm 61%. VCSC ước tính lợi nhuận sau thuế của ACB sẽ tăng 133% so với năm 2017, đạt 4.885 tỷ đồng.
Với Vietcombank, dư địa tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm chỉ còn 3,5%. Tuy nhiên, theo VCSC, việc tăng trưởng tín dụng năm 2018 thấp hơn so với năm 2017 được bù đắp bởi NIM tăng mạnh mẽ hơn.
VCSC ước tính, thu nhập lãi thuần của Vietcombank sẽ tăng 30,4%, NIM hợp nhất cao hơn 32 điểm cơ bản. Thu nhập phí thuần tăng trên 30% mà không quá phụ thuộc vào hoa hồng từ bancassurance và không chịu ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
VCSC dự báo, Vietcombank có thể thu khoảng 1.600 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn tại OCB, Eximbank, MB và Vietnam Airlines trong năm nay, lợi nhuận cả năm ước đạt 14.205 tỷ đồng (tăng 56% so với năm 2017). Kết thúc 6 tháng đầu năm, VCB đạt hơn 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cũng có cái nhìn lạc quan, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự báo, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 32,28% và tiếp tục tăng trưởng 22,52% trong năm 2019.
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, mức độ ảnh hưởng của Chỉ thị 04 đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là khác nhau. Mặt khác, khi room tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát, các ngân hàng chuyển sang tập trung vào phân khúc khách hàng bán lẻ vốn có biên lợi nhuận cao. Theo đó, mặt bằng NIM của ngành còn dư địa cải thiện.
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Vì sao tín dụng tăng chậm? Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm 2017 và hướng tín dụng đi vào thực chất hơn. Thế nhưng, sau 2/3 chặng đường của năm, tín dụng vẫn ì ạch và còn cách xa đích. Tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ....