Bão Haiyan đã đổ bộ vào Hải Phòng Quảng Ninh
Tâm bão Haiyan đã đi vào vào khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh, và gây mưa lớn diện rộng, trọng tâm mưa lớn tập trung ở các tỉnh ven biển và khu Đông Bắc Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 9 – 11, có nơi giật mạnh cấp 13 như Bãi Cháy (Cấp 13). Ở các đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng), Cô Tô có gió giật mạnh cấp 13. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc có mưa rất to, một số nơi có lượng mưa lớn như Bạch Long Vĩ 137mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 126mm, Cửa Ông 107mm, Bãi Cháy 109mm…
Hồi 05 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Vị trí và đường đi của cơn bão (Nguồn: TT Dự báo KTTV TƯ)
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km, vượt qua tỉnh Quảng Ninh, đi vào đất liền phía Nam Trung Quốc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 12/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 24,5 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Ảnh mây vệ tinh của cơn bão (Nguồn: TT Dự báo KTTV TƯ)
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) sáng nay (11/11), còn có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng (bao gồm các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió cấp 8 – 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 9 – 10.
Ở khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 – 4.5m. Sóng biển cao 2.0 – 4.0m.
Thời tiết một số thành phố lớn: Thủ đô Hà Nội: Có mưa to đến rất to. Nhiệt độ 23 – 25 độ C. Thành phố Đà Nẵng: Ngày nắng, đêm không mưa. Nhiệt độ 29 – 31 độ C. Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày nắng, đêm không mưa. Nhiệt độ 31 – 33 độ C.
Theo Khampha
Trực tiếp: Bão Haiyan sắp đổ bộ vào Thái Bình-Quảng Ninh
Theo tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Đêm nay (10/11), bão Haiyan sẽ đổ bộ vào Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. Bão Haiyan đã khiến 10 người chết (Quảng Nam 3 người, Quảng Ngãi 2 người, TT-Huế 5 người). Đoạn kè ven bãi tắm Quất Lâm (Nam Định) bị sạt lở.
20h18: Theo Báo Hải Phòng: Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT thành phố Đỗ Văn Lợi cho biết, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có công văn khẩn yêu cầu các trường học thông báo học sinh toàn thành phố nghỉ học cả ngày 11/11; đồng thời, các trường học tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão này để có biện pháp ứng phó kịp thời.
20h00: Theo Báo Quảng Ninh, cơn bão Haiyan sẽ đi vào tỉnh Quảng Ninh, có thể gây thiệt hại nặng nề, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị: Tất cả các trường học ở các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày mai 11/11/2013 (thứ Hai) để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, đồng thời tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, tập huấn... trong toàn ngành vào ngày 11/11/2013 để tập trung phòng chống bão.
19h45: Tỉnh Thái Bình được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Haiyan, 1 trong 3 tỉnh tâm bão đi qua.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, đến 19h30 ngày 10/11, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa như: Thành phố Thái Bình, huyện Hưng Hà. Một số người dân tại huyện Hưng Hà phản ánh nơi đây đang có mưa rất to, gió mạnh...
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, đến thời điểm hiện tại chưa có thống kê về thiệt hại do bão trên địa bàn tỉnh. Đến 13h ngày 10/11, tất cả các công việc triển khai ứng phó với bão số 14đã gần hoàn tất, nhất là việc kêu gọi tàu, thuyền vào nơi neo đậu và di dân trên các chòi canh ngao, hộ dân sinh sống ngoài đê chính.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình yêu cầu phòng giáo dục các huyện, thành phố, các trường trực thuộc cho học sinh nghỉ học ngày 11/11.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 14 tại phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình (Ảnh: Phan Lợi - Báo Thái Bình)
Dự báo từ chiều tối và đêm 10/11, gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, độ cao sóng biển từ 3 - 5m. Từ chiều nay đến ngày 12/11 có mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, lượng mưa tại Thái Bình dao dộng từ 200 - 300 mm; vùng ven biển có nước dâng kết hợp thuỷ triều cao 2-3 m.
19h15: Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đêm nay, bão sẽ chính thức đổ bộ vào đất liền. Các tỉnh mà bão trực tiếp đi vào là: Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Khi bão đi vào sẽ có gió mạnh cấp 10 đến 13.
Đến khoảng 16h chiều nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng không còn gió mạnh nữa. Từ chiều tối nay, các tỉnh từ Ninh Bình đến Quảng Ninh sẽ chịu ảnh hưởng của gió bão. Nơi có gió nhẹ nhất là cấp 6.
Bản tin trưa và chiều nay đã khác so với buổi sáng. Sáng nay, theo dự báo, tâm bão sẽ đi vào phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, từ trưa và chiều, hướng bão đã đi ngược lên phía Đông Bắc.
Các tỉnh ở Tây Bắc Bộ sẽ không mưa hoặc mưa không đáng kể. Mưa tập trung chủ yếu ở Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bộ. Một số vùng ven biển Đông Bắc Bộ có thể lượng mưa lên đến 300mm.
Đêm nay hoặc sáng mai, Hà Nội có thể có mưa lớn. Trong ngày mai, mưa lại giảm đi.
18h40: Chiều nay, tại bãi biển Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định, mưa nặng hạt. Gió rít mạnh hơn. Sóng biển dâng cao gần 1m. Đặc biệt, tại khu vực này, đoạn kè ven bãi tắm Quất Lâm bị sạt lở. Nhiều đoạn đã bị sóng đánh tung thành từng mảng vữa lớn.
Bãi kè ven biển Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định bị sạt lở
Trao đổi với phóng viên chiều tối 10/11, ông Mai Tiến Dũng, Chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho biết, đoạn kè Quất Lâm bị sạt dài khoảng 30-40m do ảnh hưởng từ các cơn bão trước. Hiện tại, huyện đã xử lý gia cố bằng các rọ thép. Tỉnh, huyện đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện vật tư, cấu kiện để sửa chữa kịp thời nếu có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho đoạn kè này.
Trong ngày, người dân ở ngoài khu vực bãi tắm cũng đã sơ tán vào bên trong ngay từ chiều. Chỉ còn lại lực lượng bảo vệ, công an địa phương, bồ đội biên phòng.
Ngay lúc này, tại khu vực bãi biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu có mưa lớn, gió khoảng cấp 3, cấp 4.
Tại bãi biển Thịnh Long (Nam Định), gió lớn mạnh lên từng hồi
18h00: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, 17 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Ninh khoảng 270 - 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15.
Các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 - 11, giật cấp 12 - 13.
Khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình - Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 - 4.5m. Sóng biển 2 - 4m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.
Đường đi và vị trí cơn bão (Ảnh: TT Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ)
17h55: Tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh, ngày 10/11, chiếc tàu du lịch mang số hiệu QN 1555 chuyên chở khách tham quan vịnh Hạ Long đã bị mắc cạn. Thông tin ban đầu cho biết, tàu bị mắc cạn khi trên đường tránh bão Haiyan. Chiếc tàu du lịch bị chìm quá nửa thân các vật dụng trên tàu đã được vớt lên bờ. Thời điểm 17h ngày 10/11, sự cố trên vẫn đang được khắc phục.
Chiều 10/11, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tìm biện pháp đối phó với bão số 14.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, hiện không có tàu thuyền nào của Quảng Ninh nằm trên đường di chuyển và vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão; 466 tàu du lịch đã dời bến đi tránh trú bão.
Trước 18h chiều nay, 2 địa phương là Vân Đồn và Hạ Long sẽ phải tiến hành di chuyển xong 1.000 người dân ở ngoài các lồng bè, nơi sạt lở nguy hiểm vào vị trí an toàn theo chỉ đạo của tỉnh...
17h50: Chiều nay, Phòng CSGT Đường bộ Đường sắt (Công an TP. Hà Nội) cho biết đã yêu cầu 100% cán bộ chiến sĩ ứng trực trong suốt thời gian trước trong và sau cơn bão để đối phó kịp thời với những sự cố có thể xảy ra.
Cơ quan này cũng huy động 16 xe cẩu kéo ra các tuyến phố để sẵn sàng trục vớt phương tiện bị chết máy nếu đường ra úng ngập.
Video đang HOT
100% cán bộ Phòng CSGT Đường bộ Đường sắt (Công an TP. Hà Nội) được huy động để ứng trực bão
Trước đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TƯ, ảnh hưởng của bão Haiyan có thể gây mưa to, ngập úng cho Hà Nội cùng các vùng lân cận trong hôm nay và ngày mai.
16 xe cẩu kéo được điều động để sẵn sàng trục vớt phương tiện bị chết máy
Hôm qua, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho biết, đã yêu cầu các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí khi mưa bão đến.
Đơn vị này cũng đã yêu cầu xí nghiệp cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở hạ mực nước hồ điều hoà Yên Sở về mức 1,50m.
17h40: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, sáng ngày 10/11, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp khẩn cấp, đề ra các biện pháp khẩn trương chống bão.
Tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo di dân tại vùng nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính cũng như neo đậu tàu thuyền phải vào nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10/11.
Với hoạt động của tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, ngay từ trưa ngày 9/11, tỉnh Thái Bình đã có lệnh cấm biển đối với toàn bộ hơn 1.200 tàu thuyền.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Tỉnh Thái Bình cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động lao động ở trên các chòi canh ngao ven biển (hơn 1.500 chòi canh, trên 2.000 lao động) và ngoài biển di dời vào trong đê chính để bảo đảm an toàn.
Ông Nguyễn Công Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục đê điều phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết, mưa nặng hạt bắt đầu từ 3h chiều nay, gió cũng đang to dần. Hiện tại tỉnh đã di dời trên 7.000 hộ dân ở các huyện vào nơi tránh trú bão an toàn. Hiện tại chính quyền địa phương cùng với lực lượng quân đội vẫn đang kiểm tra việc phòng tránh bão của người dân.
Trong chiều nay, chính quyền địa phương đã cưỡng chế một số hộ nuôi ngao ở ven biển do không chịu tránh bão. Hơn 1.200 tàu thuyền cũng đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
17h15: Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Phòng cho biết, đến 17h ngày 10/11, nhiều nơi đang có mưa như ở Bạch Long Vỹ có mưa vừa, gió giật cấp 10. Các địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã sơ tán 7.407 hộ/20.158 người tránh bão.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến 14h ngày 10/11/2013 đã thông tin cho 4.171 phương tiện/12.837 lao động chủ động về nơi trú tránh. Hiện không còn phương tiện hoạt động trên biển.
Hôm nay, ngày 10/11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Phòng cũng đã có thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven song phòng tránh bão.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Phòng đề nghị trong ngày 10/11, UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi trú tránh an toàn. Tổ chức sơ tán người già, trẻ em ở các khu vực trũng thấp xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản hoàn thành trước 17 giờ; Tạm dừng các cuộc họp trong ngày 11/11 để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão...
16h20: Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) vừa cho biết, đã có 10 người chết do bị tai nạn trong lúc phòng, chống bão Haiyan (Quảng Nam 3 người, Quảng Ngãi 2 người, Thừa Thiên Huế 5 người). Ngoài ra, có 11 người bị thương.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoa, 57 tuổi trú khối phố Đông Yên, phường Hoà Thuận (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) trong lúc chặt cây đề phòng bão, bị ngã, tử vong lúc 13h ngày 9/11. Ông Ngô Tấn Đức (48 tuổi), trú ở Thăng Bình (Quảng Nam) trong lúc tháo bảng quảng cáo tránh bão quật đã bị điện giật chết. Ông Nguyễn Văn Hiền (44 tuổi) trú ở Đại Lộc (Quảng Nam) trong lúc chằng chống mái tôn bị ngã và chấn thương sọ não, tử vong. Ông Phùng Thanh Liêm ( 50 tuổi) ở xã Đức Lân, (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) trong lúc chặt cây phòng, chống bão số 14 bị ngã, tử vong lúc 15h ngày 9/11. Chị Nguyễn Thị Hồng Sen (27 tuổi, quê ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) là phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ, trên đường đi tác nghiệp bị tai nạn tử vong.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đã có 5 người thiệt mạng và 2 người bị thương do bão lũ.
16h10: Trưa 10/11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết, từ 11 giờ cùng ngày, tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai công tác di dân tại những nơi nguy hiểm và phải xong trước 17 giờ chiều nay. Những huyện nào để chết người thì bí thư, chủ tịch huyện và thành viên của ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương phải chịu trách nhiệm.
Anh Cường, ở huyện Giao Thủy cho tàu cá vào neo đậu ở cửa khẩu cảng Hải Thịnh
Bộ đội biên phòng tỉnh đã phát lệnh cấm biển từ 3 giờ sáng ngày 9/11. Đến 17h30 ngày 9/11, toàn bộ 2.080 tàu thuyền của tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn.
Toàn tỉnh Nam Định có 10.700 người ở 3 huyện ven biển (Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng) nằm trong diện di dời đến nơi an toàn. Trong đó, riêng các chòi ngao có 800 chòi, mỗi chòi có khoảng 2 lao động.
Kéo thuyền lên bờ tránh bão
Ngoài ra, còn có 47.000 hộ dân nằm trong những nhà xung yếu, không an toàn thuộc diện di dời. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã xuất 100.000 bao tải chuyển tới 3 huyện ven biển để phòng sự cố trong bão.
16h chiều nay, mưa ở huyện Hải Hậu đã bắt đầu nặng hạt. Gió cũng bắt đầu rít mạnh hơn
Tỉnh Nam Định cũng đang tập trung tu sửa hư hỏng kè bãi tắm Quất Lâm (huyện Giao Thủy), hiện tại còn hư hỏng kè bãi tắm Thịnh Long.
16h00: Tai huyện Quang Xương ( Thanh Hoa), trơi đa băt đâu co mưa, gio đang manh dân. Ngươi dân vân tiêp tuc chăng chông nha cưa, chăt tia bơt cây côi, thu don tai san chuân bi di dơi. Tư 13h toan bô cac huyên ven biên Thanh Hoa căt điên, đê đam bao an toan trong khi bao vê.
Ngươi dân xa Quang Cat (Quang Xương, Thanh Hoa), cach bơ biên khoang 7km, chăt tia bơt cây đê phong bao lơn
Theo thông tin tư ông Nguyên Trong Hai, Chanh văn phong Uy ban Phong chông lut bao tinh Thanh Hoa, tư 15h chiêu nay, Uy ban Phong chông lut bao tinh đa thông bao đên cac huyên ven biên dừng di dơi dân đên nơi tru ân. Ly do cơn bao đa chuyên hương va it co kha năng đô bô vao Thanh Hoa.
Nhưng bao cat, lươi đan đươc ngươi dân dung đê gia cô mai nha
Ba Lê Thi Lâm (58 tuôi), Quang Hung, Quang Xương, Thanh Hóa đang cô găng niu chăt mai bêp băng lươi
Trươc đo, vao 8h30 sang nay 10/11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh di dời khẩn cấp hơn 44.400 dân ở 6 huyện ven biển đến nơi an toàn.
15h40: Tại bãi biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định, người dân đang tích cực chằng chéo nhà cửa, chuẩn bị các bao cát đè lên mái hiên nhà chuẩn bị ứng phó bão. Ở các ki ốt, nhà hàng ven biển, chỉ còn lại thanh niên túc trực. Người già, trẻ con đã di chuyển vào nhà người thân ở trong đê. Tuyến đường ven biển vắng người qua lại.
Sóng biển ở bãi biển Thịnh Long đã bắt đầu dâng cao khoảng 2m. Gió cũng rít mạnh hơn ngày thường. Hiện tại, trời đang mưa to, nặng hạt hơn.
Sóng biển Thịnh Long (Nam Định) dâng cao
Ông Trần Văn Hậu (48 tuổi), ở xóm 7, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu Nam Định cho biết, ông đã đưa vợ con về nhà gia đình ngoại từ sáng ngày 10/11 để trú bão. Hiện tại chỉ có mình ông ở tại nhà trực bão.
Ông Phan Đức Long, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh, huyện Hải Hậu cho biết, sáng nay đã di dời hơn 100 hộ dân ở ven bãi biển Thịnh Long. Hơn 100 du khách ở bãi biển cũng được chính quyền địa phương thông báo rời khu du lịch.
Có 251 tàu thuyền vào cửa khẩu cảng Hải Thịnh trú bão an toàn
15h15: Thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa có thêm 1 người chết khi giằng chống bão. Đó là cụ ông Hồ Phàm (68 tuổi, trú tại thôn Hiền Hòa, xã Vinh Hiền), ông Phàm chết khi đang giằng néo tàu thuyền để tránh bão.
Sáng 10/11, ông Phàm cũng bà con ngư dân ra giằng néo tàu thuyền ở trong khu vực thôn, do sóng lớn, gió to nên ông Phàm bị trượt chân ngã, chấn thương nặng rồi tử vong.
Người dân TT- Huê giằng chống lại nhà cửa
Trước đó, ở Huế cũng xảy ra một trường hợp cũng tử trong trước bão Haiyan là ông Nguyễn Văn Giáp (58 tuổi, trú tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải). Vào chiều ngày 9/11, ông Giáp giúp hàng xóm chằng chống nhà cửa thì bị tai nạn và chấn thương nặng rồi tử vong. Ông Nguyễn Viết Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) cho biết: "Đây là một trường hợp đáng tiếc xảy ra trên địa bàn xã. Ông Giáp là người luôn có trách nhiệm với cộng đồng, đã không may bị tử vong khi đang giúp bà con giằng néo nhà cửa để chống bão".
Neo tàu thuyền trước khi bão vào bờ
14h30: Theo bản tin lúc 14h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình) và Thuận An (Huế) đã có gió giật mạnh cấp 7. Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8, ở Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 10. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 13 giờ chiều nay (10/11) khoảng 40 - 100mm, một số nơi lớn hơn như Hòn Ngư (Nghệ An) 172mm; Nam Đông (Huế) 156mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 155mm.
Hồi 14 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Nghệ An - Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 - 4,5 m, vùng gần tâm bão 4 - 6m.
Đường đi và vị trí cơn bão (Ảnh: TT Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ)
11h30: Sau khi nghe thông báo, siêu bão Haiyan có khả năng đổ bộ vào Thanh Hóa đêm nay (10/11), sáng nay 10/11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh di dời khẩn cấp hơn 44.400 dân ở 6 huyện ven biển đến nơi an toàn, trong khi cả tỉnh gồng mình chống siêu bão.
10h45: Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết: đến thời điểm này một số nơi ở miền Trung đã bị mất điện do ảnh hưởng của cơn bão Haiyan.
Báo cáo mới nhất của giới chức địa phương Philippines cho hay, số người thiệt mạng do siêu bão Haiyan gây ra ở nước này có thể đến mức 10.000 người.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, mất điện một phần thị trấn Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch, một phần huyện Quảng Ninh. Tại tỉnh Quảng Nam, mất điện xã Tam Nghĩa, cụm công nghiệp Chu Lai và huyện Núi Thành. Tỉnh Quảng Ngãi: mất điện xã Bình Đông, Bình Nguyên, Bình Trung, thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn), mất điện xã Bình Thuận và Cảng Dung Quất. Còn tại tỉnh Bình Định: mất điện thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Phú Phong.
Đối với Công ty Lưới điện cao thế miền Trung và các đơn vị liên kết là các công ty cổ phần thủy điện tăng cường kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung hiện đã phân công các nhóm công tác với đầy đủ phương tiện chỉ huy, thông tin liên lạc sẵn sàng xuất phát tham gia chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt tại các khu vực dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Các Ban Quản lý dự án cũng đang tiến hành kiểm tra công trường, theo dõi sát tình hình thủy văn, diễn biến mưa lũ trên công trường, tổ chức phòng, chống bão, mưa lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình.
10h5: " Từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng tình hình đã yên, nhưng trời vẫn mưa to, kế hoạch đưa dân về nhà cần phải cẩn thận, nhất là các vùng đảo gió vẫn mạnh", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết tại cuộc họp ở nhà văn hóa quân khu 5 cách đây ít phút.
Bộ tư lệnh Quân khu V cũng vừa thông báo, trong sáng nay, các địa phương từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng có kế hoạch đưa dân sơ tán từ ngày hôm qua về nhà.
9h55: Sáng nay, UBND huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay (10/11) toàn bộ 118 người gồm nhân dân, cán bộ và công nhân ở huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã được đưa vào địa đạo quân sự, nhà cao tầng kiên cố để tránh bão...
Sáng nay, đảo Cồn Cỏ có gió cấp 7, trời âm u, không mưa. Toàn bộ quân và dân đảo Cồn Cỏ đã sẵn sàng đón bão. Người dân và cán bộ huyện đảo đã sơ tán đến nhà cao tầng, kiên cố trên đảo. Âu tàu đảo Cồn Cỏ do không có khả năng trú tránh bão nên không có tàu thuyền nào neo đậu.
Song song với việc sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, các nhu yếu phẩm, lương thực gồm mì tôm, lương khô, y tá của quân đội và thuốc men cũng đã chuẩn bị đầy đủ.
Người dân Quảng Trị chủ động đối phó với bão Haiyan
9h40: Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cơn bão Haiyan đã làm 6 người chết. Trong đó, Quảng Ngãi 2 người, Quảng Nam 3 người và Thừa Thiên Huế 1 người. Ngoài ra, từ chiều qua đến 9h sáng nay, các tỉnh miền trung từ Quảng Trị đến Bình Định đã có 30 người bị thương khi phòng chống bão Haiyan.
9h10: Lượng mưa ở Đà Nẵng đang có dấu hiệu giảm dần, tuy nhiên, gió vẫn rít liên hồi. Tranh thủ lúc trời ngớt mưa, người dân Đà Nẵng đã hé mở cửa để nhìn ra ngoài. Trên các trục đường chính, người dân cũng bắt đầu ra ngoài để mua thêm các nhu yếu phẩm cần thiết.
Lượng mưa ở Đà Nẵng đã giảm dần
Người dân Đà Nẵng đã bắt đầu ra ngoài mua thêm các nhu yếu phẩm cần thiết
Trong một diễn biến mới nhất, hiện Ban chỉ huy tiền phương phòng chống lụt bão đang họp tại hội trường nhà văn hóa Quân khu 5. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, ông Trần Hồng Hà, cho biết, rất có thể từ Đà Nẵng trở vào sẽ thoát cơn bão số 14. Theo đó, cơn bão này sẽ quét ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ trong đêm nay và sáng mai.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ giờ phút này, người dân đi sơn tán có thể trở về nhà. Tuy nhiên, đối với chính quyền các địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý phải tiếp tục túc trực 24/24 để đề phòng những diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra. Đồng thời, phải lên phương án hỗ trợ, ổn đình những hộ dân sơ tán trở về nhà.
9h00: Tại TT-Huế, tính đến thời điểm này, đã có 1 người chết do siêu bão Haiyan.
Nạn nhân là ông Nguyễn Giáp, SN 1966, trú tại thôn Hải Thế, Phong Hải, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Ông Giáp không may khi leo lên mái nhà bị trượt chân, rơi xuống đất tử nạn. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có 2 người khác bị thương nặng khi đang chằng chống nhà cửa là anh Lê Ngọc Viết (SN 1977), trú tại thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền và anh Hoàng Hữu Hùng, 1998, trú tại thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, TX Hương Trà.
8h30: Đà Nẵng tiếp tục mưa to. Đặc biệt ở khu vực dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Trường Sa- Hoàng Sa (những nơi giáp biển), những cơn cuồng phong vẫn đang riết liên hồi. Mực nước ở các sông Đà Nẵng đang dâng cao. Sóng biển có lúc dâng từ 2-4m.
Lãnh đạo địa phương tiếp tế lương thực cho người dân
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, sáng nay cán bộ từ cấp quận, huyện phường xã tiếp tục xuống tận các hộ dân để kiểm tra công tác phòng chống lụt bão đồng thời tiếp tế các nhu yếu phầm cần thiết cho nhân dân.
Ở các âu thuyền, cửa biển, mưa đang rất to kèm theo gió lớn
Tại phường Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), trong sáng nay hàng trăm thùng mì tôm và nước đóng chai đã được cán bộ phường đem xuống từng khu dân cư. Theo phản ánh của người dân, từ chiều qua hầu hết các chợ trên địa bàn tạm dừng hoạt động nên ngồn thực phẩm dự trữ của người dân cũng đã sắp hết. Do đó, sự quan tâm tiếp tế của lãnh đạo địa phương dù không lớn nhưng đã phần nào giúp dân ấm lòng trong giờ phút bão vào.
8h15 sáng nay, theo ghi nhận của PV, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định đã có mưa, kèm gió.
Còn tại Hà Nội, trời âm u, nhiều mây, một số khu vực lác đác có mưa nhỏ.
Trước đó, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc TT Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, sau khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu của bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng. Ngoài các tỉnh bị bão đổ bộ trực diện, ở khu vực Bắc Bộ sẽ gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Mưa sẽ bắt đầu từ trưa ngày 10/11 kéo dài đến 13/11. Lượng mưa ở những nơi thấp cũng trên dưới 100 mm, còn những nơi cao lượng mưa có thể lên tới 500mm. Khu vực Hà Nội cũng có mưa lớn, có thể gây ngập úng cục bộ.
Tại tỉnh Nam Định đã có mưa
Từ sáng nay, tại tỉnh Quảng Nam trời có mưa kèm gió. Người dân cảm thấy yên tâm phần nào khi nhận thông tin bão Haiyan không đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình.
Một số người dân xóm thuyền ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ đã trở lại cuộc sống sông nước thường ngày. Tại các tuyến đường nội thị thành phố Tam Kỳ, người dân vẫn mở quán bán ăn bình thường. Trong khi đó, tại thành phố Hội An, mưa cũng nhỏ có kèm gió. Tính đến sáng nay đã có 4 người chết, trong đó 2 người ở Quảng Nam và 2 người ở Quảng Ngãi. Hàng chục người bị thương do chằng chống nhà cửa.
Tại thành phố Tam Kỳ mưa nhỏ kèm gió nhẹ từ sáng sớm nay
Tại âu thuyền Phước Lộc ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành những người đàn ông đã trở lại các tàu thuyền đang neo đậu để nổ máy hút nước mưa trong thuyền ra ngoài.
Đang chạy thuyền vào đoạn sông Nguồn thuộc sông Bàn Thạch để tránh bão, anh Phạm Văn Được cả đêm ngủ trực trên thuyền cho biết: "Cả đêm mưa gió cũng ít, nước sông chảy cũng không mạnh. Chắc là bão đi ra phía Bắc chứ không vào trực tiếp địa phương mình rồi".
Nhiều ngư dân Quảng Nam đã xuống tàu thuyền nổ máy hút nước mưa trong thuyền ra ngoài.
8h15: Gần 7.000 người dân xã biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ , Quảng Nam đã được chính quyền Tam Kỳ đưa những chiếc xe buýt đến các địa điểm trú bão để đón chở về lại nhà.
Cảnh người dân ôm mềm, chiếu, chăn gối đồ đạc đi ra xe buýt để trở về nhà, trên nét mặt ai cũng nở nụ cười xua tan lo lắng.
Người dân ôm mềm, chiếu, chăn gối đồ đạc đi ra xe buýt để trở về nhà
Người dân thở phào nhẹ nhõm khi bão Haiyan không đổ bộ vào Quảng Nam
Một người dân đang đứng chờ xe buýt đến đón chở về nhà, vui mừng nói: "May mà bão không đổ bộ vào Quảng Nam, thấy bão vào Philippines làm thiệt hại về người và tài sản khủng khiếp quá. Rất may mắn cho người dân mình...".
Ông Bích ở xã Tam Phú, vui mừng nói: "Cả đêm tôi theo dõi tin tức về bão và biết là bão không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam, tôi vui lắm".
Theo ghi nhận, nhiều người dân đã trở lại cuộc sống sông nước thường ngày. Trong khi đó, một vài quán ăn buổi sáng tại Tam Kỳ sáng nay vẫn mở cửa phục vụ nhu cầu ăn sáng cho người dân.
7h sáng:Ở Đà Nẵng mưa bao phủ trắng cả bầu trời. Ở ngoài đường, chỉ lác đác còn lại vài chiếc xe taxi đang vội vã trở về nhà trú ẩn. Trên tuyến đường Vân Đồn, Nguyễn Trung Trực (Quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nhiều thùng rác di động đã bị gió thổi bay tung téo khắp nơi. Trong khi đó, người dân thì chỉ biết khép mình ở các căn nhà kiên cố và mỗi lúc gió riết lên, người dân lại ló đầu ra các ô cửa sổ để nhìn ra đường.
Hiện PV đang có mặt tại một điểm trú ẩn tập trung tại quận Ngũ Hành Sơn và chứng kiến sự kham khổ của những người di tản này. Dù đã được chính quyền tạo nhiều điều kiện, song ở nơi ở mới họ đều thiếu thốn trăm bề. Hàng trăm người phải tá túc trong một hội trường với duy nhất chỉ có một nhà vệ sinh. Hiện giờ, họ đang vội vã ăn vội tô mỳ tôm.
"Bão mà chú. May mà còn có mỳ tôm để ăn", cụ Nguyễn Thị Như (67 tuổi, đang trú ẩn tại nhà A7, P Nại Hiên Đông) vừa bê tô mì tôm vừa nói với phóng viên
6h30: Ban Tiền tiêu phòng chống lụt bão do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban đang có mặt tại Đà Nẵng. Ông Phúc cho biết, cả đêm qua, lực lượng tiền tiêu phải thức suốt đêm để theo dõi diễn biến của thời tiết, đồng thời chỉ đạo các địa phương lên phương án chống bão. Trong khi đó, quân khu 5 cũng đang sẵn sàng hàng chục xe thiết giáp để chờ lệnh lên đường. Đến giờ phút này, Đà Nẵng đã phát đi lệnh cấm tất cả mọi người dân ra đường.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, lãnh đạo quận Liên Chiểu (nơi được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất) cho biết, hiện ở khu vực chân đèo Hải Vân có gió rất mạnh. Người dân ở các khu nhà liền kề, vùng nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn từ tối qua. Cũng theo lãnh đạo quận này, hiện hầu hết sinh viên sống trọ ở các ngôi nhà tạm bợ đã được di dời đến nơi an toàn.
6h: Trời sáng hẳn. Những đợt gió ngày càng riết mạnh hơn. Ngoài đường, một số người dân tiếp tục di tản đến các ngôi nhà cao tầng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người này có nhà cũng khá kiên cố nhưng nhà cấp 4 nên họ sợ và cách tốt nhất để bảo toàn tính mạng là đến các tòa nhà chung cư cao tầng để ẩn trú.
Cây cối liêu xiêu vì gió mạnh
5h30: Hệ thống đèn cao áp ở các tuyến đường Đà Nẵng bất ngờ phụt tắt. Trời tờ mờ sáng. Gió vẫn thúc liên hồi kèm theo những cơn mưa nặng hạt. Ở các trung tâm di dân, người dân bắt đầu nhốn nháo lo sợ trong ngóng về những ngôi nhà đang chênh vênh nơi ngọn gió.
Nhiều người dân di tản đến các ngôi nhà cao tầng
Khoảng 4h sáng nay, những cơn gió bắt đầu gầm riết vào địa phận các tỉnh miền Trung kèm theo những cơn mưa lớn với sức gió ước chừng cấp 6-7.
Trong suốt đêm qua và rạng sáng nay, toàn TP Đà Nẵng khá yên ắng và tĩnh mặc với những cơn mưa rải rác.
Ở Đà Nẵng, mưa bao phủ trắng cả bầu trời
Mặc dù đã chằng chống nhà cửa tương đối vững chắc, nhưng ở nơi sơ tán mới, hàng trăm người dân vẫn như ngồi trên lửa. Nhóm phóng viên chúng tôi đang có mặt tại khu tập trung ở tổ 25, phường Nại Hiên Đông (nơi có hàng trăm hộ dân ở phường nại hiên Đông được chính quyền sơ tán đến đây- PV) để ghi nhận tâm trạng của những người vốn có nhà nhưng phải đi ở nhờ trong những ngày diễn ra cơn bão lịch sử.
Đêm 9/11, hàng trăm người dân Đà Nẵng thức trắng vì lo sợ cơn bão có thể ập đến bất cứ lúc nào
Cả đêm qua, cụ Huỳnh Thị Mai (78 tuổi, trú phường Mân Quang) hầu như không chợp được mắt. Cụ không những lo cho tính mạng của mình mà trong những lúc mơ màng, cụ luôn nghỉ về số phận của ngôi nhà đơn sơ đang chênh vênh nơi phố biển. "Tui sống chừng này tuổi rồi, đã từng chứng kiến hàng trăm cơn bão rồi. Nhưng nghe đài báo cơn bão này lớn nhất trong lịch sử nên cũng hồi hộp và lo sợ", nói chưa dứt lời, cụ lại nhìn về phía trời xa như muốn cầu trời cho những đợt gió to đừng đổ bộ vào đất liền như dự kiến.
Cùng chung tâm trạng, cụ Nguyễn Thị Uynh (trú ở khu vực âu thuyền Thọ Quang được chính quyền sơ tán đến tòa nhà A7, phường Nại Hiên Đông) lo lắng: Nghe nói cơn bão này to đến mức có thể thổi bay một chiếc ô tô hả chú. To vậy thì dân mình có sao không", cụ Uynh hỏi và tự đưa ra câu trả lời: "Chắc ngôi nhà cấp 4 của gia đình tui chắc không còn sau đợt bão này rồi. Cả đời chắt chiu mới dựng được căn nhà, cơn bão số 11 vừa qua đã thổi bay một góc. Vay mượn khắp nơi mới sửa sang lại được thì nay bão lại vào. Sao dân mình khổ thế".
Gần 4h sáng, khi những đợt gió to đã bắt đầu thổi vào Đà Nẵng, anh thốt lên: "Mới vô mà đã mạnh như thế này thì chứng tỏa cơn bão này sẽ khủng khiếp lắm. Nhà cửa thì đã chằng chống, nhưng với sức mạnh của cơn bão thì không thể biết trước sẽ như thế nào". Trong hàng trăm người dân đang trú ẩn tại đây, có cả những em bé chừng vài tuổi. Cái tuổi ấy có lẽ chúng chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của cơn bão này. Song nhìn bố mẹ chúng phải đi đến nơi khác trú ngụ, ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ vùng tâm bão cũng toát lên vẻ sợ hãi.
Gió bắt đầu đổ bộ vào Đà Nẵng
3h sáng 10/11: Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có gió to và rất to, người dân có thể nghe thấy những âm thanh gầm rú của bão, gió quần quật mạnh liên hồi từ 3-5h sáng, sau khi nổi gió mạnh đến khoảng 5h30 sáng cùng ngày thì trời bắt đầu dịu lại.
Tại các huyện miền núi: A Lưới, Nam Đông, lượng mưa đo được vẫn đang ở mức cao từ 500-700mm, do đó nước trên thượng nguồn sông Hương đổ về rất lớn, với tình hình này nếu như bão vào, sẽ gây ngập lụt lớn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế do lượng nước lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 13.
Công an thành phố Huế giúp dân chằng chống nhà cửa và di dời dân trong đêm tránh bão
Chưa bao giờ, đường phố Huế vắng bóng người qua lại như thế này. Người dân bắt đầu đi thưa dần, các quán xá lèo teo vài người còn ngồi nhâm nhi li cà phê, nhà hàng vắng tanh, cơ quan trường học đã có lệnh cho học sinh nghỉ học. Công ty Công viên cây xanh đã huy động nhân công đi cắt tỉa các cây xanh trên đường phố, trước khi bão ập vào. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB -TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến trước 19h tối qua, tỉnh này đã khẩn cấp di dời 29.507 hộ dân với trên 113 ngàn nhân khẩu về đến nơi an toàn. Riêng khu vực vùng bão có trên 11,2 ngàn hộ trên 50 ngàn nhân khẩu đã được sơ tán.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hầu hết các vùng ven sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu và các vùng ven biển Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, miền núi... đều có nguy cơ ảnh hưởng bão, lũ rất lớn, người dân cần đề phòng cẩn thận.
Lực lượng công an tỉnh, công an thành phố đã khẩn cấp di dời dân trong đêm đến nơi an toàn.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, Đài khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, hiện ở đảo Lý Sơn có gió mạnh nhất với sức gió giật cấp 9, biển động mạnh. Một số nơi cột sóng biển đã cao từ 3-4m. Trước đó, hồi 01 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 01 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Quảng Ngãi: 1 phóng viên chết thương tâm trong bão Nạn nhân là phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (27 tuổi), phóng viên của Đài truyền thanh phát lại truyền hình huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Theo thông tin ban đầu, vào tối ngày 9/11, phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen nhận nhiệm vụ của Đài đi tác nghiệp hiện trường cơn bãi Haiyan. Đến khoảng 19h30 phút, khi chạy xe máy đến đoạn đường tránh đông của Thị trấn Đức Phổ, thuộc xã Phổ Ninh thì chị Sen bị một xe khách loại 12 chỗ tông trực diện. Mặc dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng nên chị Sen đã tử vong.
Theo Khampha
Siêu bão Haiyan: Hà Nội cho học sinh nghỉ học Ngày mai, 11/11 (thứ hai), các đơn vị, trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cho học sinh nghỉ học. Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho phép học sinh nghỉ học vào ngày mai. (Ảnh minh họa) Chiều ngày 10/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thông báo khẩn về việc phòng, chống bão số 14gửi...