Bao giờ xoá hết nỗi đau của các cựu thanh niên xung phong?
“Nỗi đau dai dẳng mấy chục năm của hàng chục nghìn cựu TNXP đang chờ giải quyết. Làm công tác rà soát chế độ với người có công phải có tâm, phải đau nỗi đau của các gia đình chứ chỉ căn cứ theo giấy tờ sẽ không bao giờ xoá hết những nỗi đau”…
Gia hạn 1 tháng cho chương trình tổng rà soát
Đây là phát biểu đầy tâm tư, gan ruột của Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam tại hội nghị giao ban về chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 do Ban Thường trực UB TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 1/8.
Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được triển khai đồng bộ từ TƯ đến cơ sở. Tuy nhiên, đến nay tiến độ rà soát vẫn bị chậm khoảng 1 tháng so với kế hoạch, nguyên nhân là do các bộ ngành, địa phương chưa tập trung đúng mức. Việc rà soát liên quan đến nhiều chính sách và nhiều đối tượng nhưng cán bộ rà soát ở khu dân cư đa số không nắm chắc chính sách người có công nên khi triển khai có nhiều khó khăn, lúng túng.
Một số nơi có người phát hiện ra đối tượng hưởng sai về chính sách nhưng không mạnh dạn thông tin cho tổ chức rà soát, còn nể nang quan hệ làng xóm, láng giềng. Có nơi việc rà soát có biểu hiện làm lướt, chưa huy động sự tham gia của người dân. Nhiều gia đình không còn lưu trữ được các thông tin nên trong quá trình nhận định kết quả thực hiện chính sách không được chính xác.
Hiện cả nước còn khoảng 15.000 cựu TNXP chưa được hưởng chế độ đãi ngộ.
Vì vậy, Ban Thường trực UB TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH quyết định về thời gian tổng rà soát ở địa phương sẽ lùi lại 1 tháng, chậm nhất ngày 30/9 các địa phương trong cả nước phải hoàn thành việc tổng rà soát và báo cáo kết quả về bộ. Việc rà soát sẽ được tiếp tục tiến hành trong tháng 8 này.
Video đang HOT
Báo cáo của các cơ quan cũng nêu rõ, người có công với cách mạng trên toàn quốc đã rất kỳ vọng vào lần tổng rà soát này. Thế nhưng, quá trình thực hiện cho thấy, đang có quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách người có công.
Ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam chia sẻ, việc rà soát này đối với nhiều người có công như nắng hạn gặp mưa, như người bệnh đang hấp hối thì găp được thuốc hồi sinh.
“Đây là nỗi đau dai dẳng suốt mấy chục năm, lần này các cựu TNXP hy vọng được giải quyết. Tuy nhiên, có những trường hợp cán bộ làm công tác chính sách nhưng vô cảm, không thấu hiểu nỗi đau của đối tượng người có công. Đã là rà soát thì không chỉ đối với các đối tượng đã có hồ sơ quản lý, mà phải rà soát cả những người nằm ngoài danh sách quản lý”, ông Liên nói.
Khắc khoải chờ hồi sinh
Theo ông Liên, cả nước có khoảng nửa triệu TNXP, nhưng trong đó chỉ có khoảng 200.000 TNXP tập trung (có giấy tờ, có chế độ, có phiên hiệu, tổ chức..) là được nằm trong diện được rà soát. Còn lại 30 vạn TNXP (sau này được gọi là thanh niên xung kích) từ các thời kỳ kháng chiến đến cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, biên giới phía Nam… thì vẫn nằm ngoài danh sách.
Ông Nguyễn Anh Liên phản ánh: “Nhiều người họ đã không được hưởng chính sách, không được công nhận liệt sĩ, không được quy tập hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ vì không có hồ sơ liệt sĩ. Nhiều thanh niên xung kích như vậy đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường Tây Nguyên, ở biên giới Campuchia, ở Vị Xuyên (Hà Giang) mà chưa từng được công nhận là liệt sĩ, hài cốt họ vẫn nằm rải rác ở những nghĩa trang nhân dân”.
Ông Liên cho biết, vừa qua Chủ tịch nước ký quyết định công nhận 5 TNXP danh hiệu anh hùng, trong đó có 4 người phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Đó là kết quả của quá trình kiến nghị bền bỉ của Hội cựu TNXP trong suốt những năm qua. Làm công tác rà soát phải có tâm, phải đau nỗi đau của các gia đình liệt sĩ, thương binh. Rà soát mà chỉ căn cứ theo quy định của giấy tờ thì sẽ không bao giờ giải quyết hết nỗi đau của các TNXP”, ông Liên tha thiết nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim thừa nhận tồn đọng chính sách hiện nay còn rất lớn, trong đó diện TNXP là tồn đọng nhiều nhất. Đơn cử như ở Hà Nội có khoảng 1.000 TNXP chưa được xác nhận là liệt sĩ; khoảng 30.000 người nhiễm chất độc da cam nhưng chưa được xác nhận để hưởng chính sách.
“Việc xác nhận nên kết hợp giữa người phát hiện và cơ quan cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tìm hiểu và xác nhận thêm. Phải giải quyết chỗ này thì mới giải quyết được việc tồn đọng. Việc này đòi hỏi người làm chính sách phải đồng cảm, chia sẻ” – ông Kim khẳng định.
Ông Nguyễn Bá Bồng, Phó ban tổ chức Chính sách Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng cho rằng, việc rà soát chủ yếu đối với đối tượng đã được hưởng, trong khi đó còn nhiều đối tượng chưa được hưởng chính sách, chưa có hồ sơ, mất hết giấy tờ còn rất nhiều. Thực tế quá nhiều đối tượng bị mất hết giấy tờ, nên cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết.
“Đừng trách anh em làm chính sách không có tâm, vì họ chỉ làm đúng quy định giấy tờ. Vì thế cần nghiên cứu có hướng dẫn cho các đối tượng bị mất hết giấy tờ. Để tránh lợi dụng làm sai thì phải dựa vào dân, vì dân biết hết ai đúng, sai sai”, ông Bồng đề xuất.
Ông Lê Toàn Khang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, đối tượng người có công chiếm 10% dân số của Hà Nội; Đối tượng rà soát lần này khoảng 97.000 người. Nhiều TNXP của thủ đô trở về Hà Nội sinh sống nhưng bị mất hết giấy tờ.
Ngược lại, có nhiều hồ sơ thương binh chuyển ở các địa phương về sinh sống ở Hà Nội và đã phát hiện nhiều hồ sơ giả. Qua rà soát 600 hồ sơ chính sách chuyển về Hà Nội, Hà Nội đã phát hiện trên 60 hồ sơ hưởng chính sách sai, số tiền chi sai là hơn 2 tỷ đồng (đã thu lại 1 tỷ đồng).
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, việc triển khai, hướng dẫn thực hiện chương trình tổng rà soát đã được phổ biến đến các bộ ngành, địa phương trên cả nước. Mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã chỉ đạo 1 điểm cấp xã để rút kinh nghiệm trước khi thực hiện tổng rà soát đại trà ở tất cả các xã, phường, khu dân cư trong toàn quốc. Tính đến hết tháng 7/2014, đã có 23 tỉnh thành báo cáo kết quả chỉ đạo thực hiện kết quả chỉ đạo điểm. Trong đó có 201 xã, phường được chọn làm điểm chỉ đạo; số người được rà soát là 42.204 người. Thống kê ban đầu trong số 42.204 người đã được rà soát cho thấy, số người hưởng đầy đủ chế độ chính sách là 39.839 người (chiếm trên 94%); số người hưởng thiếu là 1.021 (chiếm gần 2,5%); số người hưởng sai là 71 (chiếm 0,17%); số người chưa được hưởng là 1.273 (chiếm 3,01%) đã có hồ sơ đang chờ công nhận và trong quá trình rà soát, phát hiện đề nghị được hưởng.
P.Thảo
Theo Dantri
Tháo bỏ hơn 100 biển báo giao thông "khó hiểu"
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa tháo bỏ 103 biển báo giao thông trên nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc ở khu vực phía Nam do không rõ thông tin về tốc độ và tải trọng.
Cụ thể, qua rà soát biển báo trên quốc lộ 1, quốc lộ 61B, quốc lộ 80, quốc lộ 91, quốc lộ 91B và cao tốc TPHCM - Trung Lương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tháo bỏ 82 biển thông tin về tốc độ và 21 biển tải trọng cầu, đồng thời cho tính toán để cắm biển tải trọng 17 cầu.
Việc rà soát và tháo bỏ những biển báo nói trên được triển khai theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trong chuyến thị sát, kiểm tra các dự án giao thông tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long những ngày qua. Lý do là những biển báo này không rõ thông tin, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã rà soát và tháo bỏ những biển báo quy định tốc độ lưu thông dưới 40km/h ở các tuyến quốc lộ trên cả nước (trừ một số khu vực đặc thù), thay vào đó giới hạn vận tốc tối thiểu được quy định là từ 40km/h trở lên.
C.N.Q
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội: Rà soát lại tất cả hè phố để chấn chỉnh Trao đổi với báo chí về tình trạng hè phố liên tục được xới lên gây tốn kém, bức xúc trong dư luận, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đang cho rà soát lại từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng... để có biện pháp chấn chỉnh. Theo ông Thảo, trong những năm qua hè...