Bao giờ Việt Nam có tiền kỹ thuật số?
Hiện nhiều NHTW lớn trên thế giới rất quan tâm tới tiền kỹ thuật số, thậm chí Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ( PBoC) còn lên kế hoạch chuẩn bị phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chuẩn bị phát hành đồng tiền kỹ thuật số.
Cuộc đua tiền kỹ thuật số
Trước đây, các NHTW không mấy quan tâm tới các đồng tiền ảo, bởi số lượng các đồng tiền này là hữu hạn và phạm vi sử dụng cũng hạn chế. Hơn nữa, việc giá trị biến động liên tục với cường độ rất lớn càng khiến cho các đồng tiền này khó được sử dụng rộng rãi.
Thế nhưng, quan điểm của các NHTW đã thay đổi mạnh mẽ với sự ra đời của các đồng tiền ảo có giá trị ổn định (stablecoin), đặc biệt khi Facebook dự định phát hành đồng Libra – một đồng tiền ảo dạng stablecoin với sự tham gia của khá nhiều tên tuổi lớn. Sở dĩ như vậy là do nếu được phát hành, Libra có thể làm thay đổi hệ thống tiền tệ thế giới và đe đọa đến vai trò hiện nay của các NHTW.
Mặc dù phản đối mạnh mẽ Libra, song nhiều NHTW cũng thừa nhận, nếu không nhanh chóng tiếp cận, họ sẽ bị thua trong cuộc đua công nghệ hiện nay. Thậm chí không ít NHTW đã lên kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Trong đó, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới vào ngày 26/10 vừa qua để điều chỉnh các quy định đối với công nghệ blochkchain và tiền điện tử để mở đường cho sự xuất hiện của đồng tiền kỹ thuật số của nước này.
Theo dự kiến, đồng tiền số của PBoC có thể được phát hành thông qua hệ thống hai cấp: cấp 1 là NHTW chỉ phát hành đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cho các ngân hàng thương mại, sau đó các ngân hàng này sẽ phát hành thêm cho công chúng. Bên cạnh đó, đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc cũng được quản lý theo mô hình tập trung, trái ngược với các đồng tiền ảo hiện nay, để ngăn chặn việc phát hành quá mức và đảm bảo khả năng quản lý của PBoC.
Tuy nhiện, hiện vẫn chưa rõ đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có sử dụng công nghệ blockchain hay không. Theo ông Mu Changchun, Vụ phó Vụ thanh toán PBoC, lúc đầu Trung Quốc nghiên cứu xây dựng một nguyên mẫu trên cơ sở hạ tầng blockchain, nhưng sau đó gặp phải vấn đề về khả năng mở rộng. “Vì chúng tôi sẽ sử dụng tiền tệ kỹ thuật số để thay thế tiền mặt, do đó để đạt được sự chấp nhận ở cấp độ bán lẻ, vấn đề đầu tiên không thể bỏ qua là nhu cầu đối với các giao dịch khối lượng lớn”, ông Mu Changchun cho biết.
Cách tiếp cận của Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa hội đủ điều kiện, cả về hạ tầng công nghệ lẫn hành lang pháp lý cho việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Thậm chí TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với xu thế, với yêu cầu thực tiễn là cấm tuyệt đối sử dụng đồng tiền này.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia cho rằng, để theo kịp xu hướng phát triển các sản phẩm thanh toán trên thế giới, việc xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là thực sự cần thiết và đảm bảo thống nhất, đồng bộ các quy định pháp lý hiện hành để phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng tiền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử.
Với tinh thần đó, tại Dự thảo Nghị định quy định định về thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP, khái niệm “tiền điện tử” lần đầu tiên được đề cập một cách khá chi tiết.
Cụ thể, tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng. Các hình thức của tiền điện tử bao gồm: ví điện tử, thẻ trả trước, tiền di động. Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử, tiền di động).
Dựa trên định nghĩa này có thể hiểu, tiền điện tử được quy định tại Dự thảo trên khác biệt về bản chất với các đồng tiền ảo đang lưu hành trên thế giới như bitcoin, etherium…
Thứ nhất, tiền điện tử là một là một hình thái biểu hiện trên môi trường điện tử của đồng tiền pháp định nên nó có địa vị của đồng tiền pháp định. Trong khi các đồng tiền ảo là đồng tiền phát minh, không có đơn vị tiền pháp định nên cũng không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ và cũng không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, tổ chức phát hành tiền điện tử được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; cung tiền điện tử là cố định. Trong khi người phát hành các đồng tiền ảo là công ty phi tài chính thuộc khu vực tư nhân hoặc dưới dạng phần mềm mã nguồn mở; cung tiền là không cố định. Vì thế, giá trị của các đồng tiền ảo cũng biến động liên tục với cường độ lớn.
Theo các chuyên gia, tiền điện tử theo cách hiểu của NHNN cũng không phải là đồng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain mà nhiều NHTW trên thế giới đang rất quan tâm hiện nay.
Tuy nhiên xét ở chừng mực nào đó, quan niệm về tiền điện tử của NHNN hiện nay khá tương đồng với cách tiếp cận của Trung Quốc. Vì lẽ đó, đồng tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc nếu được phát hành sẽ là một tham khảo rất hữu ích cho Việt Nam trong việc xem xét phát triển tiền kỹ thuật số trong thời gian tới.
Hà Anh
Theo enternews.vn
Bí mật phía sau đồng tiền điện tử sắp được Trung Quốc phát hành
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền nhân dân tệ.
Không giống các loại tiền điện tử như Bitcoin, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ không ẩn danh hoàn toàn và giá trị của nhân dân tệ điện tử sẽ ổn định như loại tiền giấy đang lưu thông.
Một số bí ẩn phía sau đồng tiền này vẫn còn bị bỏ ngỏ chưa có câu trả lời. Nhiều người cho rằng đằng sau sự gấp rút của Trung Quốc là mong muốn quản lý sự thay đổi công nghệ theo cách riêng. Theo một quan chức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chủ quyền.
Kế hoạch của PBOC là gì?
PBOC là ngân hàng trung ương đầu tiên ra mắt tiền điện tử (nguồn: Forbes)
Chi tiết kế hoạch của PBOC khi phát hành loại tiền điện tử chưa được đưa ra, nhưng theo các bằng sáng chế mới được đăng ký bởi PBOC và các bài phát biểu chính thức, đồng tiền này có thể hoạt động với quy trình: Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải xuống ví kỹ thuật số trên điện thoại di động và nạp tiền kỹ thuật số từ tài khoản ngân hàng của họ. Sau đó, họ có thể thanh toán hoặc nhận tiền từ bất kỳ ai có ví điện tử, giống như việc sử dụng tiền mặt thông thường.
Tại sao PBOC phát hành tiền điện tử?
Trung Quốc có những cân nhắc quan trọng về quy định pháp lý cũng như động cơ chính trị. Khả năng theo dõi sự dịch chuyển của tiền điện tử sẽ hữu ích trong việc đối phó hoạt động rửa tiền và nhiều hành vi phi pháp khác.
Dự án tiền điện tử vốn do cựu thống đốc PBOC Zhou Xiaochuan, nghỉ hưu tháng 3/2018, đặt nền móng. Ông muốn bảo vệ Trung Quốc khỏi việc một ngày nào đó người dân chấp nhận một tiêu chuẩn tiền tệ khác, như Bitcoin, và đồng tiền bị kiểm soát bởi người khác.
Bản chất thật của tiền điện tử nhân dân tệ
PBOC sẽ hậu thuẫn cho loại tiền mới nhằm trấn áp tội phạm, thay đổi cán cân kinh tế (Nguồn: Bloomberg)
Khi nói đến tiền điện tử, chúng ta thường nghĩ đến các loại tiền như Bitcoin, loại tiền sử dụng nhiều "sổ cái" blockchain, để xác thực và ghi nhận giao dịch. Bitcoin và những loại tiền điện tử khác như Ethereum hỗ trợ chuyển khoản ẩn danh mà không cần người trung gian hoặc ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, giá trị của chúng biến động rất mạnh nên không thực sự phù hợp để làm phương tiện thanh toán. PBOC sẽ hậu thuẫn cho đồng tiền điện tử nhân dân tệ, trái ngược với đặc tính phi tập trung của blockchain, và PBOC cũng không chắc sẽ sử dụng công nghệ blockchain.
Tại sao không sử dụng những đồng tiền sẵn có?
Trung Quốc đã cấm các giao dịch tiền điện tử và cái gọi là chào bán tiền điện tử lần đầu (ICO) vào năm 2017 được thực hiện trong bối cảnh nỗ lực xóa bỏ rủi ro khỏi hệ thống tài chính và kìm hãm "ngân hàng bóng tối".
Các đồng tiền điện tử còn mở ra một con đường để chuyển tiền khỏi Trung Quốc, nguy cơ làm gia tăng dòng vốn rời đi, làm nhân dân tệ thêm mất giá. Dù Libra chưa trình làng, giới chức Trung Quốc vẫn kêu gọi cơ quan tiền tệ giám sát đồng tiền điện tử này.
Tính riêng tư
PBOC muốn "tạo thế cân bằng" giữa giao dịch ẩn danh và nhu cầu trấn áp tội phạm tài chính. PBOC từng cho biết thông tin người dùng sẽ không bị lộ hoàn toàn với ngân hàng. Tuy nhiên, danh tính người dùng khả năng cao phải gắn liền với ví cá nhân, mở ra cánh cửa để nhà chức trách can thiệp đời sống người dùng.
Phó Thống đốc PBOC Fan Yifei đã đề xuất trong một bài viết vào năm 2018 rằng các ngân hàng có thể cần gửi thông tin hàng ngày về các giao dịch và có thể có giới hạn về định mức giao dịch của mỗi cá nhân.
Tác động đến nền kinh tế?
Đồng tiền nhân dân tệ điện tử của PBOC được thiết kế để thay thế tiền mặt, nên sẽ không có tác động lớn đến nguồn cung tiền tệ, và do đó ảnh hưởng của nó đối với chính sách tiền tệ có thể sẽ là trung lập.
Trong một tương lai xa hơn, PBOC có thể sử dụng tiền kỹ thuật số để giúp thúc đẩy nền kinh tế. Hồ sơ bằng sáng chế được công khai vào tháng 10/2018 mô tả một loại tiền tệ sẽ yêu cầu các ngân hàng cho vay nhập chi tiết về người vay, lãi suất trước khi chuyển tiền, giúp PBOC chủ động quản lý hoạt động cho vay và trực tiếp rót vốn tại những trường hợp phù hợp.
(Theo Bloomberg/ Dân Việt)
Trung Quốc hành động nhằm thúc đẩy kinh tế Trung Quốc đang thực thi các biện pháp tăng cường nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang rơi vào suy yếu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ảnh: Reuters) Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả các ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản (0,5%)...