Bao giờ bóng đá Việt Nam mới được như Thái Lan?
Khi bóng đá dừng lại thì giới bóng đá phải học cách thích ứng với cuộc sống, kể cả là bán khoai lang hay làm ruộng, tất cả là để sinh tồn…
Trọng tài Aphichat Roongrote Tham bán khoai lang nướng, bánh mì trên đường phố. HLV Chaisongkram lái máy cày, phun thuốc sâu cho lúa… Đó là những câu chuyện bên lề của Thai League (giải vô địch quốc gia Thái Lan) trong bối cảnh bóng đá tạm dừng.
Người hâm mộ có lẽ bất ngờ trước những thông tin trên về giới bóng đá Thái Lan. Nhưng nhìn rộng ra cuộc sống thì còn có thêm nhiều câu chuyện khác đáng suy ngẫm. Thầy giáo Tây cầm bảng “giúp tiền mua thức ăn” nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng là ví dụ. Thế nên, không chỉ giới bóng đá phải tạm “chuyển nghề” mà rất nhiều người khác trong xã hội cũng thay đổi để tồn tại.
Với Thai League, những người cầm trịch cuộc chơi cũng nhanh chóng thích nghi. Trong bối cảnh bóng đá “đóng băng”, Thai League thay đổi bằng cách điều chỉnh lịch thi đấu trùng với thời điểm các giải vô địch châu Âu. Thai League lăn bóng từ tháng 9, kết thúc vào tháng 5 năm sau. Mục tiêu giúp các cầu thủ tránh phải thi đấu trong mùa mưa, có thêm điều kiện hòa nhập vào “dòng chảy” bóng đá thế giới từ chuyển nhượng đến tính cống hiến cho người hâm mộ. Những người lãnh đạo bóng đá Thái Lan đã biến cái khó khăn thành cơ hội thay đổi Thai League theo hướng chuyên nghiệp. Đó rõ ràng là một sự chuyển động tích cực cho thấy được tầm nhìn và đẳng cấp của những người điều hành Thai League.
Câu chuyện xử lý khó khăn trên cũng lý giải phần nào Thai League đang là một trong những giải đấu chất lượng và đắt giá nhất châu Á. Điển hình Thai League sắp có gói bản quyền truyền hình lên đến 400 triệu USD cho 8 năm, tức mỗi năm thu về gần 1.200 tỷ. Một con số mơ ước cho cả bóng đá Đông Nam Á, ví dụ V.League của chúng ta chỉ có vài tỷ đồng về bản quyền truyền hình. So sánh với Thai League thì V.League… chỉ có thể ngước nhìn.
Kiatisuk – ngôi sao số 1 Thái Lan từng sang Việt Nam thi đấu cho CLB HAGL, bây giờ V.League tụt lại xa so với Thai League. Ảnh tư liệu từ phòng truyền thống HAGL.
Hiện tại, Toyota cũng bỏ tài trợ V.League nhưng tăng thêm tiền cho Thai League. Nhà tài trợ không dại để “ném tiền qua cửa sổ”, họ phải nhìn thấy được sự khác biệt để chấp nhận chi tiền nhiều cho Thai League nhưng nghỉ chơi với V.League.
Cần nhắc, V.League từng được ví như “thiên đường” của bóng đá Đông Nam Á, nơi hội tụ của nhiều hảo thủ hàng đầu Thái Lan qua chơi bóng. Lúc này, Thai League đang bắt đầu “lôi kéo” những cầu thủ giỏi của Việt Nam sang thi đấu, ví dụ như Đặng Văn Lâm, Xuân Trường… Tất cả cho thấy gió đã đổi chiều so với quá khứ.
Cái hay của người Thái là chịu thích nghi, chịu học hỏi để phát triển. Thai League cầu thị bằng cách mời Benjamin Tan (người Singapore) sang làm phó tổng giám đốc điều hành Công ty Thai League, tức họ khuyết ở đâu thì tìm nhân tài (kể cả người nước ngoài) để xử lý. Một cuộc cách mạng thực sự từ thượng tầng để bóng đá Thái Lan phát triển như hiện tại.
Từ sự phát triển của Thai League nhìn về V.League, người hâm mộ có lẽ phải đặt câu hỏi: Tại sao giải đấu số 1 Việt Nam từng hấp dẫn bậc nhất Đông Nam Á lại sa sút rất lớn so với Thái Lan?
8 năm trước, VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam) ra đời với mục tiêu tách bạch khỏi VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam). Bây giờ VPF thay đổi nhiều nhưng chẳng khác gì “đứa con” của VFF, bởi quan chức VFF sang điều hành VPF. Bầu Tú là Trưởng ban Futsal, ủy viên Thường trực VFF được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc VPF (trước đó kiêm luôn chức Trưởng giải). Một nghịch lý nhưng VFF, những CLB Việt Nam đang chấp nhận để VPF hoạt động kiểu như thế.
Bất cập nối tiếp bất cập khi đến chức phó Tổng giám đốc VPF, phó Chủ tịch VPF cũng liên tục thay đổi trong 2 năm qua. Thậm chí, bầu Tú từng bổ nhiệm phó Tổng giám đốc nhưng thành viên Hội đồng quản trị VPF còn không biết là ai. Riêng vị trí Tổng giám đốc VPF vẫn do bầu Tú nắm giữ, lý do từng được VPF đưa ra là chưa tìm được người thích hợp.
Bầu Tú từ lúc ngồi nhiều ghế ở VPF thì bầu Đức không ngừng chỉ trích, khiến cho bóng đá Việt Nam thường xuyên rơi vào cảnh ồn ào.
Tại sao Thai League sẵn sàng mời một người Singapore sang làm để thay đổi giải đấu, còn VPF trong cả 2 năm qua vẫn để một người ngồi 2 ghế, trong khi có lãnh đạo CLB ở V.League liên tục phản ứng chuyện này?
V.League bao giờ sẽ bắt kịp Thai League? Hay đúng hơn cần hỏi: Tại sao ĐTVN đang tốt, không hề thua kém tuyển Thái Lan nhưng sân chơi chuyên nghiệp lại tụt quá xa so với Thai League?
Nên nhớ, V.League là nền tảng của bóng đá Việt Nam. Nếu còn có tiếng phản biện, sự chỉ trích từ chính người tham gia cuộc chơi (bầu Đức) thì VPF chưa tốt, cần thay đổi. Chỉ có sự thay đổi thì V.League mới mong có ngày theo kịp Thai League!
Văn Nhân
Những ngoại binh ấn tượng nhất lịch sử V-League
Danh sách những ngoại binh ghi dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử V-League, sân chơi cao nhất của Việt Nam.
PV
Bầu Đức hoảng hồn, HAGL thất thủ trong trận đấu nguy hiểm và "loạn" nhất lịch sử V.League Có nằm mơ bầu Đức cũng không thể tưởng tượng được Dream Team HAGL của ông lại phải thi đấu trong cảnh đáng sợ và nguy hiểm đến thế. HAGL VÔ ĐỊCH SỚM, NHƯNG... Mùa giải 2003, HAGL sau khi thăng hạng lên V.League đã cho thấy tham vọng của mình và ngay lập tức trở thành ứng cử viên hàng đầu cho...