Bão giá và chuyện tẩy chay 3G ở Việt Nam
Chuyện giảm giá thành để thu hút người dùng vốn là xu thế chung của viễn thông thế giới. Thế nhưng, có một nghịch lý đối với các nhà mạng ở Việt Nam trong lĩnh vực kết nối Internet từ thuê bao di động. Đó là giá thành các gói cước 3G ở Việt Nam vẫn tăng dần đều. Báo hiệu những cơn bão giá đang chuẩn bị đổ bộ xuống thị trường này.
Nghịch lý trong thị trường 3G
Dịch vụ 3G xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2009, nhưng mới chỉ bắt đầu nở rộ với số lượng người dùng tăng mạnh kể từ khi các nhà mạng đua nhau giảm giá các dịch vụ này. Để tăng mức độ cạnh tranh, các nhà mạng liên tiếp tung ra các gói cước 3G hấp dẫn với những đợt khuyến mại khủng. Trong thời gian ngắn, nhờ nỗ lực đua ngược dòng bão giá của các nhà mạng, số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G tăng chóng mặt. Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những nước có giá cước 3G hấp dẫn nhất thế giới. Đã có thời điểm giá dịch vụ này ở Việt Nam không bằng 50% giá thành các nhà mạng phải bỏ ra. Tại thời điểm hiện tại, giá cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn gần 10 lần so với Trung Quốc và kém khoảng 40 lần so với các nước châu Âu.
Đại diện của Viettel cho biết: Các nhà mạng tại Việt Nam đã giảm giá cước 3G xuống dưới mức giá thành. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G trên điện thoại di động đang tăng nhanh nhưng doanh thu từ mảng này lại tăng rất ít. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ doanh thu của dịch vụ dữ liệu di động chỉ tăng 7% và con số này là 10% trong năm 2013. Nhà mạng đã phải đầu tư thêm rất nhiều kinh phí nhằm mở rộng hạ tầng, nâng cấp hệ thống, chính vì vậy, doanh thu từ dịch vụ này khá ì ạch. Nếu cứ giữ nguyên mức giá này, nhà mạng sẽ không thể đầu tư phát triển mạng lưới cũng như nâng cao chất lượng của dịch vụ 3G. Chính vì vậy, việc tăng giá cước 3G là chuyện bắt buộc.
Vấn đề sẽ không trở nên “dậy sóng” nếu cách đây 1 năm các dịch vụ OTT (over the top – dịch vụ thực hiện cuộc gọi qua Internet) không xuất hiện gây thiệt hại nặng nề cho các nhà mạng. Theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện, nhắn tin thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 40-50%. Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho biết, các dịch vụ OTT đã làm giảm doanh thu của các nhà mạng viễn thông từ 9-10%. Bởi vậy, giá thành 3G ở Việt Nam thấp có lẽ chỉ là cái cớ để các nhà mạng đẩy giá lên nhằm đối phó với sự xuất hiện của những dịch vụ OTT như Viber, Kakao Talk, Zalo, WhatsApp, Line,… Mới đây, các nhà mạng đã có những động thái khởi động lộ trình tăng giá dịch vụ 3G khi đề xuất lên Bộ TT&TT lộ trình tăng cước cho dịch vụ 3G trong vòng 1 năm. Nếu yêu cầu trên được chấp thuận, người dùng 3G ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cơn bão giá trên thị trường này.
Sẽ kéo theo nhiều hệ lụy
Từ tháng 4, ngay khi các nhà mạng âm thầm tăng giá 25%, nhiều khách hàng của dịch vụ 3G đã bày tỏ thái độ bức xúc. Trên các diễn đàn công nghệ thông tin, nhiều người cho rằng đây là hành vi độc quyền của các nhà mạng. Bởi họ đăng ký sử dụng khi đồng ý sử dụng gói cước 3G không giới hạn với mức giá 40.000 đồng/tháng. Nên khi điều chỉnh tăng cước các nhà mạng phải tham khảo ý kiến từ phía người tiêu dùng. Tăng không thông báo là độc quyền, không tôn trọng khách hàng. Còn nếu như đem giá dịch vụ 3G ở Việt Nam đi so sánh với các nước trên thế giới là khập khiễng bởi mức sống, thu nhập bình quân, tỉ giá đồng tiền khác biệt nhau. Đặc biệt, phần lớn những khách hàng sử dụng 3G của các nhà mạng là tầng lớp sinh viên, việc tăng giá cước có thể sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể về số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G hiện nay. Anh Lê Đức Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “3G ở Việt Nam không hề ổn định, chập chờn lúc có lúc không. Người ta đòi tăng giá thì đem so với châu Âu. Tôi thiết nghĩ, chất lượng như của nước người ta đi rồi mới đem ra so sánh được. Cảm giác như mình bị các nhà mạng qua cầu rút ván, ép người dùng phải theo sự sắp đặt của họ. Giảm giá để thu hút khách rồi tăng giá vô tội vạ”.
Video đang HOT
Một cuộc khảo sát vào cuối năm 2012 do Công ty Nielsen và Báo Bưu điện thực hiện thường niên cho thấy: Số lượng người dùng mạng 3G tại Việt Nam trong năm 2012 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2011, nhưng tỷ lệ người dùng hài lòng với chất lượng dịch vụ lại giảm đáng kể. Chỉ số hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ 3G nói chung giảm từ 71 điểm năm 2011 xuống 64 điểm năm 2012. Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, khách hàng hài lòng với độ rộng của vùng phủ sóng (84 điểm), song vẫn chưa thực sự hài lòng về tốc độ đường truyền của các nhà mạng (55 điểm). Bởi vậy, không ít người đã tính đến chuyện tẩy chay 3G ở Việt Nam.
Song cũng có rất nhiều trường hợp tính đến việc nhờ cậy các dịch vụ làm sim sinh viên, sim đoàn viên nhan nhan trên thị trường. Các nhà mạng đưa ra các gói sim sinh viên, sim đoàn viên dành cho khách hàng là các sinh viên, đoàn viên với nhiều ưu đãi lớn. Thời gian vừa qua, lợi dụng việc quản lý không tốt của các nhà mạng, các dịch vụ làm sim sinh viên, sim đoàn viên mọc lên nhan nhản. Những dịch vụ này sẽ giúp khách hàng không thuộc diện được phép đăng ký có thể sử dụng gói cước với nhiều ưu đãi. Khách hàng chỉ cần CMND với mức phí từ 150.000 – 180.000 đồng để ngay lập tức hưởng những ưu đãi. Trong đó, mức phí sử dụng 3G không giới hạn chỉ vỏn vẹn 20.000 đồng.
Anh Hiệp (chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Trần Quốc Hoàn) cho biết: “Tôi đã bất ngờ khi có nhiều khách hàng khi mua điện thoại tại cửa hàng của tôi đều hỏi thêm về dịch vụ làm sim sinh viên, đoàn viên. Họ cho biết có nhiều nơi thực hiện việc này rất dễ dàng mặc cho những quy định của nhà mạng. Nếu tiếp tục tăng giá như hiện nay, tôi nghĩ sẽ xuất hiện ngày một nhiều những sim giả sinh viên, đoàn viên để được hưởng lợi từ các ưu đãi khủng của các nhà mạng. Lúc đó, nhà mạng mới chính là những người bị thiệt hại nặng nề. Hơn nữa, chất lượng dịch vụ 3G ở Việt Nam không tốt. Nên thông tin tăng giá chỉ làm khách hàng phẫn nộ. Tôi cho rằng, cứ quan tâm tăng chất lượng dịch vụ, sẽ đến lúc người tiêu dùng vui vẻ chấp nhận việc tăng giá. Đôi bên cùng có lợi”.
Trước thực tế trên, các nhà mạng cần thực hiện các cuộc khảo sát quy mô, để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề trên. Để giá tăng khi chất lượng tăng mới làm hài lòng các khách hàng đang chán nản với chất lượng dịch vụ. Không thể để mãi cái cảnh, nhà mạng cứ “kêu khóc” là được tăng giá. Tất cả lại giáng xuống đầu người sử dụng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông tin chắc, cơn bão giá 3G nếu không có lộ trình tốt, gây được sự tin tưởng của khách hàng sẽ kéo theo những hệ lụy khủng khiếp khi mà ứng dụng OTT đang lên ngôi.
Thu Cúc
Theo ANTD
Cướp sim để đoạt tiền, phương thức mới của tội phạm
Lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra sự việc mạo danh để cướp sim điện thoại của khách hàng rồi xâm nhập tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến với mục đích chiếm đoạt tài sản. Đây là phương thức phạm tội mới song kẻ gian lại sử dụng những thủ đoạn cũ và lợi dụng những kẽ hở của ngân hàng cũng như nhà mạng để có thể chiếm đoạt tiền một cách dễ dàng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
"Mượn sim" để đoạt tiền
Liên tiếp trong thời gian đầu tháng 7, đã xảy ra 2 trường hợp, các chủ thuê bao bỗng dưng bị khóa số điện thoại rồi sau đó bị người khác mạo danh cướp sim điện thoại đang sử dụng rồi xâm nhập tài khoản ngân hàng thực hiện các thanh toán online, khiến cho khổ chủ bị mất hàng chục triệu đồng trong một thời gian ngắn. Đầu tiên là trường hợp của anh Đặng Thanh Hải (TP.HCM) chủ nhân số thuê bao trực thuộc tổng đài Viettel. Anh Hải sau khi phát hiện sim trên máy điện thoại của mình bị khóa và không thể sử dụng được đã liên hệ với tổng đài và được biết, có người đã thông báo mất sim và xin cấp lại số thuê bao mà anh đang sử dụng. Đây cũng là số điện thoại được anh Hải đăng ký để sử dụng các giao dịch Internet Banking (Ngân hàng trực tuyến). Kiểm tra tài khoản qua ATM anh Hải phát hiện mình đã bị mất cắp 30 triệu đồng.
Tương tự như vậy là trường hợp của anh Vũ Minh Nhật (Thanh Xuân - Hà Nội) một chủ thuê bao của tổng đài Mobiphone cũng bị người khác mạo danh cướp sim đang sử dụng rồi xâm nhập tài khoản ngân hàng thực hiện thanh toán online mất 74,8 triệu đồng.
Hai sự việc trên xảy ra trong một thời gian ngắn với số tiền bị chiếm đoạt tương đối lớn. Hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra để làm rõ thủ phạm, tuy nhiên theo nhận định rất có thể đều do một đối tượng thực hiện. Bởi dù xảy ra ở 2 địa phương khác nhau nhưng giữa 2 sự việc đều có điểm chung giống nhau. Các nạn nhân đều bị chiếm đoạt sim với cùng một cách thức tại khu vực thành phố Thanh Hóa và cả 2 nạn nhân đều sử dụng dịch vụ xác thực OTP của chung một ngân hàng. OTP (One time password - mật khẩu dùng một lần) là mật khẩu được gửi qua số điện thoại di động của khách hàng. Mỗi khi mua hàng trên các các trang web thanh toán trực tuyến, khách hàng chỉ cần nhập các thông tin về ngân hàng, tên chủ thẻ và mã số thẻ. Hệ thống sau đó sẽ tự động gửi mã OTP về số điện thoại tương ứng đã đăng ký dịch vụ Internet Banking. Khách hàng sau khi nhập mã OTP giao dịch sẽ được hoàn tất. Ngoài ra, trong cả 2 trường hợp nói trên, sau khi đã chiếm đoạt được sim điện thoại của nạn nhân, kẻ gian đều ngay lập tức tiến hành mua thẻ điện thoại online.
Phương thức mới - thủ đoạn cũ
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết đây là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm. Sở dĩ kẻ gian có thể thực hiện được hành vi phạm tội của mình là do đã lợi dụng được sơ hở từ chính cá nhân người sử dụng cũng như những kẽ hở của ngân hàng và các nhà mạng. Về sơ hở của người sử dụng, theo phân tích của cán bộ Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể họ đã sơ suất để lộ các thông tin cá nhân. Bởi ngoài việc có được số điện thoại thì để chiếm đoạt được tiền kẻ gian còn cần phải có số thẻ (dãy số in trên thẻ) và ngày hiệu lực (hoặc ngày cấp) thẻ sau đó mới có thể nhận mật khẩu OTP qua số điện thoại di động.
Việc bị lộ các thông tin cá nhân này hoàn toàn có thể là do vô tình (thông qua các hoạt động giao dịch trực tuyến hoặc có thể là do bị làm mất thẻ ATM... ) hoặc đã bị các hacker lấy cắp thông tin thẻ. Trong 2 sự việc nói trên, cả anh Hải và anh Nhật đều khẳng định đã giữ kín thông tin cá nhân, như vậy rất có thể các nạn nhân đã bị theo dõi và bị lấy cắp toàn bộ thông tin cá nhân liên quan. Có thể thấy trong 2 vụ nói trên, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ kẻ gian đã nắm được những thông tin cá nhân của nạn nhân như CMTND, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao dịch... trước khi tính đến chuyện lấy sim. Và việc kẻ gian dùng giấy tờ giả mạo, lừa các cửa hàng giao dịch của Viettel, Mobifone để cướp số thuê bao chỉ là bước cuối cùng để chúng thực hiện mục đích.
Qua nghiên cứu vụ việc, anh Phan Anh Tuấn một chuyên gia công nghệ thông tin cho biết, cả phía ngân hàng và nhà mạng đều có những kẽ hở để kẻ gian có thể lợi dụng để thực hiện mục đích của mình. Về phía các ngân hàng, hiện tại hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam đều cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho thẻ ATM. Có 2 hình thức thanh toán song song, thứ nhất là khách hàng được ngân hàng cung cấp user (tên truy cập) và password (mật khẩu) để truy cập và thực hiện các giao dịch. Thứ 2 là sử dụng các cổng thanh toán và thực hiện giao dịch thông qua số thẻ thanh toán, chứng thực bằng OTP về số điện thoại đã đăng ký gắn với tài khoản ngân hàng.
Khác với hình thức thứ nhất, khách hàng muốn giao dịch phải qua nhiều lớp bảo mật mà trước hết phải truy cập bằng tài khoản và mật khẩu cấp riêng tại quầy cho chủ thẻ mới có thể tiến hành các giao dịch tiếp theo. Ở hình thức thanh toán thứ 2 và cũng là hình thức thanh toán mà kẻ gian đã lợi dụng để chiếm đoạt tiền, phía ngân hàng không còn chủ động được như khi khách hàng giao dịch thông qua Internet Banking của ngân hàng. Bởi toàn bộ giao dịch sẽ do website của đơn vị bán hàng kiểm soát. Trong quá trình này đơn vị bán hàng sẽ gửi thông tin của khách hàng về cho ngân hàng phát hành thẻ. Ngân hàng sẽ kiểm tra các thông tin của chủ thẻ, nếu đúng sẽ trả lời cho đơn vị bán hàng, đồng thời gửi một mật khẩu về số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký trước đó. Mặc dù một số cổng bán hàng trực tuyến được các ngân hàng lựa chọn rất kỹ đối tác chấp nhận thanh toán, tuy nhiên quy trình thanh toán vẫn còn bị coi là dễ dàng.
Bên cạnh đó, rất có thể xảy ra tình trạng khi khách hàng sử dụng thẻ ATM để thanh toán qua mạng hay thanh toán ở nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm... hoàn toàn có thể dẫn đến số thẻ bị lưu ở đâu đó. Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng gặp phải trường hợp, ngân hàng hoàn toàn không thông báo cũng như đề cập gì đến việc khách hàng có thể sử dụng thẻ ATM để tiến hành mua bán hàng hóa hay dịch vụ trực tuyến với một bên thứ 3 có kết nối với ngân hàng, vì không hay biết về loại hình dịch vụ này họ phải đối mặt với những rủi ro.
Kẽ hở chết người
Về phía các nhà mạng, qua 2 vụ việc này một lần nữa lại cho thấy kẽ hở "chết người" trong việc quản lý kho số. Giống như hiện tượng "cướp sim đẹp" đã từng được cảnh báo trước đây, trong các vụ việc này, kẻ gian đã lợi dụng vào quy trình cấp lại sim mới có phần dễ dãi của các công ty viễn thông. Việc xác thực người dùng thuê bao trả trước dựa trên xuất trình CMND bản gốc hoặc bản sao công chứng CMND và khoảng 5 số điện thoại liên hệ. Do vậy kẻ gian có thể dùng các sim khuyến mãi để gọi đến số điện thoại của khách hàng trong một thời gian. Sau đó, trên cơ sở các thông tin đã thu thập được của người dùng, kẻ gian làm giả thông tin và yêu cầu nhà mạng cấp lại sim điện thoại mới để lừa đảo. Dựa vào việc các nhà mạng chấp nhận việc sử dụng giấy photo CMND có công chứng để cấp lại sim mới, trong trường hợp của anh Đặng Thanh Hải và Vũ Nhật Minh, theo nhận định của cơ quan chức năng rất có thể sau khi có được các thông tin cá nhân của nạn nhân, chúng đã chỉnh sửa và làm giả giấy tờ công chứng CMND để có thể được cấp lại sim mới... Sau khi vụ việc xảy ra các nhà mạng cũng đã thừa nhận những tắc trách của mình trong quá trình kiểm tra, đối chiếu và xác nhận việc cấp lại sim mới cho khách hàng.
Theo cán bộ của Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mặc dù đây là thủ đoạn mới của tội phạm nhưng phương thức hoạt động không hề mới, đã được cảnh báo nhiều lần và hoàn toàn có thể phòng tránh được. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm và xác định trách nhiệm của các bên có liên quan, khách hàng cần phải biết cách để bảo vệ chính mình tránh rơi vào tình trạng như trên. Trước hết để không bị mất sim cũng như các thông tin cá nhân khác, người dùng cần lưu ý, phải đăng ký chính xác thông tin thuê bao đồng thời không chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng. Ngoài ra cần hạn chế gọi lại cho những số điện thoại lạ trong thời gian ngắn điều khiến cho kẻ gian có thể tích đủ 5 số thuê bao mà người dùng đã gọi đi rồi khai báo với nhà mạng để yêu cầu làm lại sim. Hạn chế việc cho người lạ mượn điện thoại vì họ có thể lấy được những thông tin quan trọng trong việc việc xin cấp lại sim. Người dùng cũng cần nâng cao tính bảo mật của Smartphone (điện thoại thông minh), không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, cập nhật thường xuyên các bản vá của hệ điều hành và phần mềm có trên máy. Ngoài ra khi biết sim của mình bị tấn công, việc đầu tiên, khách hàng cần làm là thông báo với ngân hàng nơi mở tài khoản đề nghị khóa giao dịch với số điện thoại đó rồi mới liên lạc với nhà mạng để đòi sim. Nếu như người sử dụng quá chú tâm vào việc đòi sim mà quên mất khóa tài khoản, thì chỉ trong thời gian ngắn đó, kẻ gian đã có thể thực hiện các giao dịch trộm tiền từ tài khoản.
Theo ANTD
Sim vip xả hàng? Ngày 31-12-2013, nhiều sim chưa sử dụng sẽ bị khóa. Câu hỏi được đặt ra kinh doanh sim số đẹp đã sắp đến thời khắc phá sản(?) Cánh buôn sim đẹp, sim VIP sẽ bỏ nghề(?) Câu trả lời là đang có một cuộc tháo chạy của dân buôn sim VIP. "Án tử" cho sim "chết" 6-7-2011 - ngày ban hành Quyết định...