Báo động về thực phẩm biến đổi gen
Một nghiên cứu gây chấn động vào ngày 19-9: những con chuột được nuôi bằng bắp biến đổi gen mang tên NK603 của Tập đoàn nông nghiệp Monsanto (Mỹ) sẽ bị ung thư với những khối u lớn như các quả banh bàn!
Bộ Nông nghiệp, Bộ Sinh thái và Bộ Y tế Pháp đã đồng loạt yêu cầu Cơ quan An toàn sức khỏe quốc gia (ANSES) mở cuộc điều tra về độ an toàn của bắp biến đổi gen NK603. “Tùy thuộc vào ý kiến của ANSES, Chính phủ Pháp sẽ kêu gọi chính quyền các nước trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và vật nuôi” – AFP dẫn tuyên bố chung của ba bộ này.
Những khối u lớn trên cơ thể chuột được nuôi bằng bắp biến đổi gen NK603 của Tập đoàn nông nghiệp Monsanto – Ảnh: Daily Mail.
Các quan chức Pháp cho biết EU có thể cần phải khẩn cấp ngừng nhập khẩu bắp NK603 trong khi chờ kết quả kiểm định sự an toàn của loại thực phẩm biến đổi gen này. Là sản phẩm của Tập đoàn nông nghiệp Monsanto, bắp NK603 được trồng rất phổ biến tại Mỹ và được xuất khẩu sang châu Âu. Bắp được biến đổi gen để chống lại các loại thuốc diệt cỏ có gốc là glyphosate, cụ thể là thuốc diệt cỏ Roundup do Tập đoàn Monsanto sản xuất. Nông dân Mỹ thường phun thuốc diệt cỏ Roundup trên các cánh đồng bắp NK603 để đảm bảo vụ mùa bội thu.
Gây ung thư nghiêm trọng
Nghiên cứu do nhà sinh học phân tử Pháp Gilles-Eric Seralini thuộc ĐH Caen ở Normandy chủ trì và vừa được đăng tải trên tạp chí Mỹ Food & Chemical Toxicology cho thấy những con chuột được nuôi bằng bắp NK603 liên tục suốt cuộc đời (hai năm), hoặc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup đã mắc bệnh ung thư nghiêm trọng. Nghiên cứu này kéo dài hai năm, lâu hơn nhiều so với các nghiên cứu 90 ngày về tác động của bắp NK603 mà Monsanto và các tổ chức khác từng thực hiện.
Giáo sư Seralini và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu trên 200 con chuột. Một số chỉ ăn bắp NK603, một số ăn bắp NK603 được phun thuốc diệt cỏ Roundup, một số không ăn bắp NK603 nhưng uống nước pha một lượng nhỏ Roundup. Nhóm chuột thứ tư chỉ ăn thực phẩm sạch, không có bắp NK603 hay thuốc Roundup. Kết quả cho thấy cơ thể của 50-80% chuột cái thuộc ba nhóm đầu mọc những khối u lớn. Ngược lại, chỉ 30% chuột trong nhóm 4 bị ung thư.
Video đang HOT
Khoảng 70% chuột cái của ba nhóm đầu chết sớm so với mức 20% của nhóm 4. Các khối u trên cơ thể cả chuột đực và cái thuộc ba nhóm đầu lớn hơn 2-3 lần so với khối u ở chuột nhóm 4. Những khối u lớn bắt đầu xuất hiện trên cơ thể chuột cái ăn bắp NK603 và thuốc Roundup từ tháng thứ 7. Tuy nhiên, phần lớn khối u chỉ phát triển mạnh và rõ ràng sau 18 tháng. Khoảng 93% khối u có kích thước to hơn quả bóng bàn. Ngoài ra, chuột đực của ba nhóm đầu còn bị tổn thương gan và thận nghiêm trọng.
“Nghiên cứu cho thấy một số lượng lớn khối u phát triển rất mạnh ở chuột thí nghiệm, đặc biệt là những con cái – báo Anh Daily Mail dẫn lời chuyên gia sinh học Michael Antoniou thuộc Trường King’s College (Anh) nhận định – Tôi bị sốc với tác động cực kỳ nghiêm trọng của bắp biến đổi gen NK603 đối với sức khỏe”. Nghiên cứu của giáo sư Seralini cho thấy bắp NK603 và thuốc diệt cỏ Roundup đã dẫn tới những tổn thương hormone sinh lý và hóa sinh.
Cần cẩn trọng
AFP cho biết bắp biến đổi gen như NK603 được trồng và tiêu thụ phổ biến ở Bắc Mỹ, Brazil và Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu vẫn tỏ ra kiêng dè với loại thực phẩm biến đổi gen này do lo ngại tác động tới sức khỏe và môi trường, dù năm 2009 Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đánh giá NK603 là an toàn. EU cấm trồng bắp NK603 ở châu Âu nhưng vẫn cho phép nhập khẩu, chủ yếu để làm nguồn thức ăn cho gia súc cũng như chế biến các sản phẩm cho người dưới dạng bột bắp.
“Nghiên cứu này đã đánh giá tác động lâu dài của thực phẩm biến đổi gen và thuốc diệt cỏ đi kèm đối với sức khỏe một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn bất kỳ nghiên cứu nào từng thực hiện của các chính phủ hay ngành thực phẩm biến đổi gen – báo Le Figaro dẫn lời giáo sư Seralini khẳng định – Kết quả là rất đáng báo động”. Chuyên gia Antoniou nhấn mạnh: “Ít nhất nghiên cứu này cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc phải nghiên cứu tác động của thực phẩm biến đổi gen trong thời gian dài, từ hai năm trở lên”.
Các tổ chức sinh thái châu Âu kêu gọi EU tạm cấm nhập toàn bộ loại thực phẩm biến đổi gen.
Theo SƠN HÀ – HÀ AN (Tuôi trẻ)
Thực phẩm biến đổi gen: Qua mặt quản lý, bán tràn lan
Ngoài thị trường, sản phẩm từ GMO lại được chính cơ quan quản lý xác nhận là đã vào Việt Nam từ lâu. Hơn nữa, nó còn qua mặt nhà quản lý tràn lan trên thị trường, tranh chiếm đất với hàng đã kiểm duyệt.
Ngô biến đổi gen được trồng khảo nghiệm
Cây trồng biến đổi gen: Cảnh báo và thận trọng
Tháng 4/2012, Bộ NN&PTNT thông báo chưa có kết quả khảo nghiệm cuối cùng về cây trồng biến đổi gen (GMO), chưa cho trồng trọt loại cây này ở Việt Nam. Thử hỏi 100 người ở Việt Nam đã nhìn thấy sản phẩm GMO chưa thì hầu hết trả lời là chưa. Tuy nhiên, ngoài thị trường, sản phẩm từ GMO lại được chính cơ quan quản lý xác nhận là đã vào Việt Nam từ lâu. Hơn nữa, nó còn qua mặt nhà quản lý tràn lan trên thị trường, tranh chiếm đất với hàng đã kiểm duyệt.
Bất lực hay bỏ qua
Dù Việt Nam mới chỉ thí điểm trong phạm vi nhỏ để đi đến kết luận có trồng loại cây này hay không, chưa cho phép sử dụng tại Việt Nam nhưng sản phẩm GMO đã có mặt trên thị trường nhiều năm qua. Hàng loạt sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản GMO bày bán tràn lan trên thị trường vẫn chưa được quản lý, kiểm soát.
Tại một cuộc họp về GMO gần đây, GS Nguyễn Lân Hùng cho biết: "Hiện đã có tới 3/4 giống bông biến đổi gene vào Việt Nam. Tại Sơn La, nhiều nông dân đã sử dụng giống bông biến đổi gene mua từ Trung Quốc. Hiệu quả cao hơn bông bản địa. Tại Huyện Bắc Yên và Phù Yên của Sơn La sẽ tăng diện tích trồng bông từ 1.000 ha lên 3.000 - 4.000 ha trong năm tới. Bởi năng suất cao hơn hẳn, cây chịu hạn, sâu bệnh cũng tốt", GS Hùng nói.
Không chỉ với cây bông để sử dụng trong công nghiệp, ngay trong thực phẩm, loại sản phẩm này cũng đã vào Việt Nam khá lâu, thậm chí còn khối lượng lớn. GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Tổng Thư ký Hội sinh học Việt Nam cho rằng: Dù muốn hay không Việt Nam cũng đang sử dụng sản phẩm GMO. Cụ thể mỗi năm chúng ta nhập khẩu trên 2 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1,6 triệu tấn ngô, trong đó đa số là ngô biến đổi gen.
Tại Hội thảo về GMO do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức đầu tháng 10/2011, nhiều nhà khoa học xác nhận rằng, thậm chí, cây bông vải trồng ở Việt Nam đa số là bông GMO.
Trước thực trạng sản phẩm GMO tràn ngập thị trường, Sở Khoa học, Công nghệ TPHCM đã đặt hàng Trung tâm 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm. Với 323 mẫu bắp, đậu nành, khoai tây, cà chua, gạo lấy ngẫu nhiên tại 17 chợ, siêu thị và cửa hàng ở TPHCM, Trung tâm 3 đã kiểm nghiệm và phát hiện có đến 1/3 là sản phẩm GMO, gồm bắp hạt, bắp trái, bột bắp và sản phẩm thực phẩm chế biến từ bắp hạt giống, nguyên liệu và sản phẩm chế biến từ đậu nành khoai tây và sản phẩm chế biến từ khoai tây gạo và sản phẩm chế biến từ gạo cà chua, đậu hà lan... Tuy nhiên, hiện trung tâm này không kiểm nghiệm sản phẩm GMO nữa.
Người tiêu dùng bị lừa
"Chị có biết về sản phẩm biến đổi gen không?", câu hỏi được đặt ra cho chị Nguyễn Thu Thủy (Gò Vấp, Hồ Chí Minh) khi chị đang lúi húi mua sữa đậu nành, bim bim khoai tây lát... cho con. Chị chia sẻ: Mình có nghe nói qua qua nhưng cũng không hiểu, tuy nhiên, hàng hóa bây giờ đều có đầy đủ thông tin trên bao bì, nếu là sản phẩm GMO thì nhà sản xuất phải ghi rõ ràng, ai thích thì dùng, còn ai chưa tin tưởng thì để người mua tự quyết định. Thấy có thông tin Hồ Chí Minh nói có nhưng chưa bao giờ thấy bất kì sản phẩm nào ghi liên quan gì đến GMO cả.
Không ở nhà làm nội trợ như chị Thủy, chị Kim Minh (Kế toán trưởng một chi nhánh ngân hàng ở quận 3, Hồ Chí Minh) cho biết: "Mình thường xuyên cập nhập thông tin về GMO. Thấy vẫn tranh cãi nhau ghê lắm. Bên bảo độc, vô sinh, bên lại bảo tốt. Cùng một sản phẩm đáng lẽ chỉ có một vài điểm nhận xét lệch nhau còn có lý, đằng này lại hoàn toàn trái chiều. Nhà nước nên có thông tin chính xác, công bố rộng rãi trên truyền thông một cách chính thức vấn đề này. Hơn nữa, vấn đề chưa sang tỏ mà trong nước đã có sản phẩm là không tôn trọng người tiêu dùng trong nước".
Một trong những nhà khoa học theo dõi thường xuyên về GMO chia sẻ: "Kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT công bố tại hội thảo về thực phẩm BĐG hồi tháng 9/2007 cho thấy, hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường đều chứa sản phẩm BĐG. Mặt khác hiện nay dã có 3 loại cây trồng BĐG đang được trồng ở Việt Nam. Trong một số giống ngô BĐG mang gien BT được trồng lẫn với ngô bình thường tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, các nhà khoa học đã xác định có hiện tượng trội gien. Điều lo ngại là các giống ngô này là do một số công ty nước ngoài thông qua trung gian đưa trực tiếp cho nông dân trồng và bao tiêu sản phẩm. Người dân tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng trồng bông BĐG một cách tự phát. Điều này chứng tỏ rằng việc quản lý và giám sát cây trồng cũng như sản phẩm BĐG của nước ta còn rất yếu kém, vi phạm Luật an toàn sinh học. Do vậy cách tiếp cận với cây trồng BĐG ở Việt Nam cần hướng theo một lộ trình phù hợp".
Một thực tế nữa là Chính phủ đã có quy chế về việc quản lý sản phẩm hàng hóa là sinh vật GMO lưu thông, buôn bán trên thị trường phải ghi trên bao bì dòng chữ "Sản phẩm có sử dụng công nghệ GMO". Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết sản phẩm GMO bày bán đều không tuân thủ quy định này khiến người tiêu dùng càng thêm mù mờ.
Đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan tỏ ra lo lắng bởi hiện nay chưa có bằng chứng đảm bảo là thực phẩm biến đổi gene không gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là về lâu dài. "Những sản phẩm này cần phải để bản thân người tiêu dùng quyết định. Nhưng vấn đề đặt ra là việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gene ở nước ta đã trở thành quy định bắt buộc nhưng việc triển khai, kiểm tra, quản lý như thế nào là điều cần bàn và giám sát chặt", ông Đỗ Gia Phan nói.
Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới Bộ sẽ có báo cáo chính thức về vấn đề này. Bộ sẽ công khai tất cả thông tin liên quan đến GMO và lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân. Lộ trình sử dụng giống cây trồng này cũng được xác định chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thận trọng
Theo Hải Dương
Vietnamnet
Nhận biết dấu hiệu bạn bị ung thư phổi Dưới đây là những triệu chứng ung thư phổi hàng dê phân biêt nhât: - Ho dai dẳng và liên tục - Đau ở lưng, ngực và vai. Tuy nhiên, môi người lại có cảm nhân cơn đau khác nhau, nhât là trong những lúc ho - Thay đôi vê lượng và màu sắc của đờm - Khó thở - Giọng nói thay...