Báo động gần 50% người Việt trên 25 tuổi bị tăng huyết áp
Nghiên cứu mới nhất của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở Việt Nam đã lên tới xấp xỉ 50% với những người trên 25 tuổi.
Bệnh tăng huyết áp gây nhiều biến chứng nguy hiểm tại tim, não, thận
Tỷ lệ này tăng gần gấp đôi so với khoảng 10 năm trước. Cách đây 10 năm chỉ có hơn 25% người trưởng thành bị tăng huyết áp thì đến thời điểm này, cứ khoảng 2 người trên 25 tuổi có 1 người bị tăng huyết áp. Bệnh đang gia tăng mạnh mẽ ở nhóm người trẻ.
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, trong các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp (THA) là loại bệnh lý phổ biến nhất và tỉ lệ mắc bệnh này cũng đang gia tăng. Các triệu chứng THA không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên, có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng. Từ các biến chứng về tim mạch, não, mắt, thận, đến những tai biến về mạch não là nhiều nhất. Một khi đã xuất huyết não, nhũn não thì việc điều trị hết sức khó khăn.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, nếu như những năm 1970 chỉ có khoảng 2% người lớn bị THA thì những năm 1990 là 11% và năm 2008 nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh THA. Gần đây nhất, một nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học THA tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc cho thấy tỉ lệ THA đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi, tương đương gần 20,8 triệu bệnh nhân. Tức là cứ 2 người trưởng thành có 1 người bị THA.
“Đây là con số báo động đỏ trong thời điểm hiện tại. Trong số những người mắc bệnh THA thì tỉ lệ ở nam giới cao hơn (47%), trong khi nữ giới là 42%. Căn bệnh này hiện nay không chỉ là bệnh của người cao tuổi mà rất nhiều người trẻ 20 – 30 tuổi đã bị THA” – GS.TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, nguy hiểm hơn, trong số gần 21 triệu bệnh nhân THA, chỉ có 17,7% kiểm soát được huyết áp của mình, tức là duy trì huyết áp ở mức dưới 140/90mmHg. Còn lại hơn 82% chưa được kiểm soát đầy đủ, trong đó có khoảng 8,1 triệu người không biết mình có bệnh, 0,9 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị và 8,1 triệu người điều trị nhưng huyết áp không kiểm soát đầy đủ.
Video đang HOT
THA được đánh giá là một trong 4 loại bệnh không lây nhiễm nhưng lại có số ca tử vong, người mắc bệnh ngày càng cao, các bệnh lý về tim mạch đang là mối đe dọa của người Việt Nam. Nguyên nhân của bệnh có thể do tuổi tác, di truyền, thế nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chính lối sống vội vàng, căng thẳng, môi trường làm việc văn phòng lười vận động cùng chế độ ăn uống thiếu khoa học đã khiến độ tuổi mắc bệnh lý về tim ngày càng trẻ hóa.
“THA là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm bởi đây được coi là “kẻ làm chết người thầm lặng”. Trong khi đó, người bệnh THA lại hay có nhiều bệnh lý khác đi kèm như: béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu… làm cho việc khống chế số đo huyết áp càng khó khăn hơn. Khi mắc bệnh nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề nhận thấy họ đang mắc phải, chính vì thế người bệnh thường tử vong do các biến chứng như suy tim và đột quỵ não” – GS.TS Nguyễn Lân Việt cảnh báo.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), để phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch, đái tháo đường, cần lưu ý tới những người có hút thuốc lá/thuốc lào; Những người vận động thể lực dưới 30 phút/ngày, dưới 5 ngày tuần (bao gồm thể dục, thể thao, đi bộ và lao động chân tay); những người thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 -30), béo phì (BMI trên 30).
Chỉ số BMI này được tính theo công thức: cân nặng (kg) chia cho chiều cao (m) bình phương. Riêng với bệnh tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch, những đối tượng sau được coi là có yếu tố nguy cơ như: Nam giới trên 55 tuổi và nữ giới trên 65 tuổi, người ăn trên 5gam muối/ngày (tương đương một thìa café); ăn ít rau, trái cây dưới 400gam/ngày; những người có bố, mẹ, anh, chị em ruột mắc bệnh tim mạch ở độ tuổi dưới 55 (với nam), dưới 65 (với nữ), người hay bị stress và căng thẳng tâm lý; người đã được cơ sở y tế chẩn đoán mắc đái tháo đường, rối loạn lipid máu…
Để phòng bệnh, GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo với tất cả mọi người, nhất là người trẻ cần phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp. Về chế độ ăn uống, người dân cần giảm ăn mặn bằng việc hạn chế ăn cà muối, dưa muối, cá khô, các thực phẩm đông lạnh… vì ăn quá mặn sẽ THA; giảm ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol và mỡ động vật bởi các thực phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ bị xơ vữa động mạch; cùng đó uống nhiều đồ uống có cồn.
Đặc biệt là không hút thuốc lá, thuốc lào làm tổn thương nội mạc, gây xơ vữa và gây ra rất nhiều bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, ngay từ khi còn trẻ, người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Thông qua khám sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm cơ bản mọi người có thể phát hiện rất nhiều bệnh và được điều trị sớm; Hạn chế tối đa căng thẳng, cần có thời gian nghỉ ngơi trong tháng, trong ngày, trong tuần và cần có hoạt động thể lực đều đặn nhằm tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
PHƯƠNG THU
Theo tuoitrethudo
Ăn muối thế nào để không bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim?
Một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do bệnh tim mạch có liên quan đến ăn nhiều muối.
Theo các chuyên gia của Viện dinh dưỡng Quốc gia, hiện mỗi người Việt Nam sử dụng trung bình 18-22g muối/ ngày, cao gấp 3 lần so với khuyến cáo.
Thiếu muối, cơ thể bải hoải, mệt mỏi, sự cân bằng bị phá vỡ. Tuy nhiên, ăn mặn lại là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm.
Ăn mặn lại là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến mắc các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... thậm chí còn làm tăng nguy cơ suy thận, loãng xương và ung thư tiêu hóa, ví dụ như ung thư dạ dày.
Ở nước ta hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch có liên quan đến ăn nhiều muối.
70% lượng muối ăn vào hằng ngày của người Việt là từ muối, gia vị thêm vào trong khi nấu ăn, hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn. Tuy nhiên, nhiều người không biết mình đang trong tình trạng ăn quá nhiều muối. Đặc biệt, là khi được hỏi bản thân có ăn mặn hay không thì chỉ có khoảng 16% số người được hỏi cho rằng mình ăn mặn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, theo khuyến cáo của tổ chức WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/ngày để phòng chống bệnh tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.
Theo kết quả điều tra toàn quốc gần đây nhất, trung bình một người trưởng thành ở Việt Nam đang tiêu thụ 9,4g muối/ngày - mức cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hầu hết những thực phẩm chế biến sẵn chưa có dán nhãn thực phẩm nên người dân không biết hàm lượng muối cụ thể trong sản phẩm đó dùng hàng ngày gây khó khăn trong lựa chọn.
Để giảm muối trong khẩu phần ăn, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân, đặc biệt là những người nội trợ, đầu bếp tại gia đình hay nhà hàng ăn uống, hãy "Cho bớt muối khi nấu ăn - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn". Mỗi hành động nhỏ tạo thói quen sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm. Lượng muối chừng 1 thìa uống trà (2300 mg) mỗi ngày là thích hợp nhất với hầu hết mọi người.
Người dân cũng nên sử dụng các thực phẩm tươi và hãy hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: Mỳ ăn liền, rau củ muối, bim bim, giò, chả... Cùng đó, tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang; Nên đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm khi trước khi mua.
Đối với trẻ em, cha mẹ nên rèn cho con thói quen giảm ăn muối ngay từ nhỏ. Còn với người có thói quen ăn nhiều muối, nên tuân thủ nguyên tắc giảm muối dần dần trong các bữa ăn hàng ngày.
Diệu Thu
Theo Báo Dân Việt
Nhận biết đột quỵ bằng Nói - Cười - Giơ tay Để xác định dấu hiệu đúng của đột quỵ, cách đơn giản nhất có thể nhận biết là yêu cầu người bệnh Nói - Cười - Giơ tay, chân Bệnh viện Bạch Mai thông tin, trong những ngày gần đây, thời tiết chuyển lạnh sâu khiến số bệnh nhân nhập viện tăng lên đáng kể, trong đó đột quỵ có nguy cơ tăng...