Báo động đỏ cho điện ảnh Việt
Trong 3 năm kể từ 2019 đến 2021, số lượng phim Việt phát hành là 74. Trong đó, 54 tác phẩm thất bại về doanh thu.
Điện ảnh Việt trải qua giai đoạn thăng trầm trong 3 năm, kể từ 2019 đến 2021. Sau khi có quãng thời gian khởi sắc vào năm 2019 với 41 tác phẩm ra rạp và doanh thu 4.100 tỷ đồng, nền điện ảnh Việt bị đóng băng do dịch vào năm 2021 và chật vật để phục hồi từ đầu 2022.
Khi Bố già cán mốc 400 tỷ đồng, T iệc trăng máu, Mắt biếc gia nhập câu lạc bộ gần hai trăm tỷ đồng doanh thu phòng vé, giới chuyên môn, khán giả từng kỳ vọng khá nhiều vào ngành điện ảnh non trẻ của Việt Nam. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, có thời gian, không ít người tiên đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành “Hàn Quốc kế tiếp” trong bức tranh ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu.
Thế nhưng, sự lạc quan của giới mộ điệu về điện ảnh Việt mới chớm nở đã sớm vụt tắt bởi hàng chục tác phẩm với chất lượng thảm họa, doanh thu bết bát thời gian gần đây. Sau dịch, điện ảnh Hollywood, Bollywood hay Hàn Quốc, Thái Lan từng bước phục hồi và khởi sắc. Trong khi đó, điện ảnh Việt lại phát triển theo chiều hướng đi xuống.
Sự phát triển về số lượng nhưng thiếu đầu tư chất lượng đã khiến điện ảnh nước nhà rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
73% phim Việt lỗ và lỗ nặng
Theo dữ liệu về tình hình phát triển của điện ảnh Việt từ 2019 – 2021 mà Box Office Vietnam cung cấp cho Zing, trong 3 năm qua có tổng 74 phim Việt được công chiếu, trong đó có 20 tác phẩm đạt doanh thu tốt, 54 phim lỗ và lỗ nặng (chiếm 73%).
Năm 2019 được xem là thời kỳ đỉnh cao của điện ảnh Việt với 41 tác phẩm phát hành, chiếm 32% trên tổng doanh thu phòng vé.
Trong 41 phim, chỉ có 3 tác phẩm có doanh thu trên 150 tỷ đồng gồm Hai Phượng, Cua lại vợ bầu và Mắt biếc; 3 phim đạt 80-100 tỷ đồng là Lật mặt: Nhà có khách, Trạng Quỳnh và Chị chị em em; 8 phim có doanh thu 30-60 tỷ đồng và 27 tác phẩm dưới 24 tỷ đồng. Trong số các phim còn lại, có 18 tác phẩm doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng, 2 phim đạt 4-5 tỷ đồng.
Nhiều phim Việt lỗ nặng trong vài năm qua.
Thậm chí, có những phim Việt chỉ thu vài trăm triệu đồng, có thể kể đến như T hiên sứ không phép màu, Những cánh én đầu tiên, Cậu chủ ma cà rồng…
Đến 2020, trong 24 tác phẩm công chiếu, có 3 phim đạt doanh thu trên trăm tỷ đồng, gồm Tiệc trăng máu, Gái già lắm chiêu 3 và Chị Mười Ba 2: 3 ngày sinh tử; 15 phim có doanh thu dưới 10 tỷ đồng, trong đó có 6 phim đạt dưới 1 tỷ đồng.
Vào năm 2021, trong 14 phim điện ảnh Việt ra mắt công chúng có 2 phim trên trăm tỷ đồng là Bố già và Lật mặt 5. Tác phẩm Bố già của Trấn Thành cán mốc doanh thu gần 400 tỷ đồng, lập kỷ lục mới cho điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, ngoài hai tác phẩm kể trên, một loạt bộ phim có doanh thu bết bát được ghi nhận: Võ sinh đại chiến, Kiều, Song song, Kiều@, Mỹ nhân thần sách, Sám hối, Cậu Vàng…
Doanh thu dưới 5 tỷ đồng của các phim kể trên xuất phát từ chất lượng trung bình của từng tác phẩm. Trong đó, Kiều, Kiều@ hay Cậu Vàng bị giới chuyên môn nhận xét là thảm họa điện ảnh Việt.
Không dừng lại ở đó, năm 2022 tiếp tục là chuỗi thất bại nối dài của phim Việt với Người tình, Duyên ma, 578: Phát đạn của kẻ đen, Kẻ thứ ba, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác…
Nhìn nhận những dữ liệu trên, ông Nguyễn Khánh Dương – Founder của Box Office Vietnam – nói với Zing: “Do thông tin chi phí sản xuất không được công khai, nên tôi nghĩ mọi suy đoán lãi/ lỗ chỉ là tương đối. Tuy nhiên, việc có quá nhiều phim Việt có doanh thu không đủ bù chi phí không có gì là đáng ngạc nhiên. Kinh doanh giải trí cần rất nhiều nỗ lực, can đảm và may mắn. Thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn còn đang non trẻ. Cá nhân tôi khi tham gia sản xuất các sản phẩm giải trí, cũng chuẩn bị tinh thần là sẽ có một số lượng lớn tác phẩm làm ra sẽ không đạt được doanh thu như kỳ vọng”.
Nhiều nguyên nhân khiến doanh thu thất bại
Trao đổi với Zing về vấn đề phim Việt lỗ nặng tại phòng vé nội địa, đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải cho biết không chỉ Việt Nam, trên thế giới, tỷ lệ phim lỗ chiếm 70%, phim hòa vốn, có lời khoảng 30%. Tỷ lệ phim có lời chiếm khá thấp trong cơ cấu doanh thu. Nền điện ảnh của Hollywood, Bollywood và các nước láng giềng như Thái Lan đều không thiếu những bộ phim hạng B, C, D.
Tuy nhiên, tỷ lệ phim 54 Việt thất bại doanh thu (chiếm 73%) trong 3 năm qua là con số khá lớn. Đầu tư phim luôn là cuộc chiến đầy rủi ro, bấp bênh. Theo Lý Hải, thực tế trên là bài toán khó cho đạo diễn, nhà sản xuất và phát hành. Bởi, khi thực hiện tác phẩm điện ảnh và trình làng tới khán giả, không một đạo diễn nào muốn con đẻ của họ thất thu phòng vé.
Để một tác phẩm lọt vào 30% phim hòa vốn, có lời còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế, một số phim Việt có chất lượng không tệ, thậm chí tốt nhưng lại vẫn thua về doanh thu.
Lý Hải cho rằng phim thất bại, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đạo diễn.
“Một bộ phim thất bại doanh thu có thể đến từ những nguyên nhân như thời điểm phát hành không phù hợp. Ví dụ, trong thời gian nhiều phim kinh dị đồng loạt đổ bộ ở rạp, khán giả sẽ ngán và không còn tìm đến để mua vé. Hoặc phim Việt đối đầu với nhiều tác phẩm bom tấn của Hollywood ở cùng thời điểm phát hành. Ngoài ra, nhiều phim được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại không phù hợp với khẩu vị điện ảnh của khán giả trong nước dẫn tới doanh thu thấp”, đạo diễn Lật mặt chia sẻ.
Theo Lý Hải, khi một bộ phim thất bại doanh thu, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đạo diễn – người quyết định sự sống còn của tác phẩm.
Từ thực tiễn làm phim, Lý Hải cho biết nhiều đạo diễn bị phụ thuộc vào nhà sản xuất. Không ít trường hợp đạo diễn không thích kịch bản hoặc dàn cast nhưng nhà sản xuất lại ưng ý. Sau cùng, đạo diễn phải nương theo nhà sản xuất và kết cục là thảm hại doanh thu. Tuy nhiên, khi nhìn nhận về thất bại của một bộ phim, đạo diễn luôn là người phải đứng mũi chịu sào.
Chung quan điểm, ông Lê Hoàng Minh – đại diện BHD Star – nói với Zing việc 54 tác phẩm điện ảnh Việt lỗ và lỗ nặng trong 3 năm qua là thực tế đáng buồn. Nguyên nhân thất bại của các phim kể trên đều đến từ việc chọn sai thời điểm ra rạp, nội dung kịch không phù hợp với thị hiếu khách hàng, không marketing tốt cho tác phẩm, thiếu sự đầu tư về hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo.
“Theo quan sát của tôi, điểm yếu phim Việt hiện nay nằm ở phần kịch bản, diễn xuất và đạo diễn. Hiện nay các đạo diễn có kinh nghiệm không nhiều. Những nhà làm phim trẻ thì chưa có nhiều cơ hội thể hiện và kinh nghiệm đủ để các nhà đầu tư lớn yên tâm”, ông Minh nói.
Khán giả Việt ngày càng đòi hỏi cao hơn về phim nội địa
Sau một năm chết lâm sàng, điện ảnh Việt tưởng bước sang trang mới vào năm 2022 khi số lượng phim dồi dào, đa dạng thể loại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng phim nội địa ngày càng khiến khán giả ngán ngẩm. Doanh thu phòng vé vì thế cũng tỷ lệ thuận với thất bại của phim Việt.
Trong bối cảnh các nền tảng phim trực tuyến phát triển như vũ bão, đa dạng thể loại, khán giả Việt được tiếp cận với những tác phẩm văn hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Từ đó, công chúng ngày càng nâng cao tiêu chuẩn, đòi hỏi đối với phim nội địa.
Ông Lê Hoàng Minh cho rằng vài tháng qua, việc phim Việt hoàn toàn thất thế trước các tác phẩm của Hàn Quốc và Thái Lan có chất lượng bình thường, là câu hỏi đặt ra cho đạo diễn, nhà sản xuất trong nước.
“Gần đây, phim Bỗng dưng trúng số của Hàn Quốc hay Ngược dòng thời gian để yêu anh – Thái Lan có doanh thu tốt tại phòng vé Việt. Hai tác phẩm đã đánh trúng vào thị hiếu khách hàng. Phim có yếu tố hài nhưng cài cắm thông điệp tươi đẹp ở cốt truyện. Hoặc phim kinh dị Panorama Activity phần 1, ngân sách sản xuất rất ít nhưng mang lại doanh thu cao. Nói tóm lại, một bộ phim nếu đánh trúng thị hiếu của khách hàng thì khả năng đạt doanh thu tốt là dễ dàng”, ông Minh nói.
Đạo diễn Lý Hải nhìn nhận sân nhà vẫn là lợi thế lớn của các tác phẩm điện ảnh Việt. Để thu hút khán giả quay lại với phim Việt, không còn giải pháp nào khác ngoài việc nhà sản xuất, đạo diễn buộc phải nâng cao chất lượng tác phẩm.
“Chất lượng phim quyết định sự sống còn của điện ảnh Việt dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa”, đạo diễn khẳng định.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn kết luận: “Giới làm phim phải tạo ra được những bộ phim mang tính toàn cầu mà vẫn mang những nét độc đáo của đất nước. Trên hành trình mới này, nâng niu và bồi đắp sức sáng tạo, tính nguyên bản cho phim Việt Nam là sứ mệnh không của riêng ai. Sau một quãng thời gian phát triển về số lượng, giờ là lúc bắt đầu phát triển về chất lượng. Để tiếp tục mơ những giấc mơ lớn hơn, phim Việt nhất định phải khẳng định được niềm tin nơi khán giả nhà và chiếm giữ được tình yêu bất diệt trên chính quê hương”.
Hồng Ánh: 'Người thứ 3 là cơ hội để đôi lứa nhìn lại mình'
Nữ diễn viên kỳ cựu phản đối chuyện đánh ghen dữ dội như trong "Mười: Lời nguyền trở lại", đồng thời nhận định kẻ thứ 3 là cơ hội để cặp đôi đánh giá lại cảm xúc của mình.
Hồng Ánh sinh năm 1977, là diễn viên kỳ cựu của màn ảnh Việt với các vai diễn trong Trăng nơi đáy giếng, Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Thưa mẹ con đi, Tiệc trăng máu hay Cây táo nở hoa. Mỗi lần xuất hiện, Hồng Ánh mang đến sự bảo chứng về mặt diễn xuất vì cô nổi tiếng kỹ lưỡng khi chọn dự án tham gia.
- Cơ duyên nào để chị quay lại tham gia phần 2 của bộ phim "Mười"?
- Mười (2007) là một trải nghiệm rất đẹp trong nghiệp diễn của tôi. 15 năm trước, tôi cộng tác và ấn tượng với cách làm việc chuyên nghiệp của đoàn phim đến từ Hàn Quốc. Khi được mời đóng phần 2, tôi muốn quay trở lại một vai diễn cột mốc của mình. Phần trước, vai Hồng của tôi khá gọn, lần này, tôi có nhiều đất diễn hơn. Khán giả sẽ hiểu thêm về Hồng - chính thất khiến Mười phải tự sát và trở thành oán hồn. Trong phim này, có một cảnh diễn trở thành thử thách tôi chưa từng gặp.
Hồng Ánh trở lại trong phần 2 của Mười với những thử thách mới trong diễn xuất.
- Vai Hồng trong phim được nhớ đến vì cảnh đánh ghen, Hồng có tàn nhẫn quá chăng?
- Trong phim, nhân vật đã sai gia nhân đánh gãy chân và đích thân hủy hoại nhan sắc của tình địch. Tôi xem hành động đó là tội ác vì nó quá tàn nhẫn và làm tổn thương người khác. Nhưng khi tìm hiểu sâu thế giới nội tâm, xã hội mà nhân vật đang sống, cũng như tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ tôi thấy nhân vật thật đáng thương. Cô ấy giàu có, xinh đẹp nhưng lại không hạnh phúc trong hôn nhân. Khi bị phản bội, cô ấy bị tổn thương niềm kiêu hãnh.
Trong cả 2 phần phim, tôi nghĩ cơn ghen của phụ nữ thật ra mới là lời nguyền đáng sợ nhất. Con người một khi để cơn giận kiểm soát, che mờ lý trí, thì hành động dẫn đến sẽ thật là kinh khủng, có người đến sau này nhìn lại họ thật sự không hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Nhân vật Hồng cũng vậy, cô ấy đã không kiểm soát được cơn giận và đã gây ra tội ác. Đó là điểm bắt đầu của mọi điều kinh khủng trong phim.
- Nếu rơi vào hoàn cảnh như Hồng, chị ứng xử ra sao?
- Hành động đánh ghen, đó là một kiểu trả thù để thỏa mãn cơn giận tức thời và chắc chắn nó sẽ mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Tôi nghĩ chúng ta cần thẳng thắn và trung thực với nhau, với cả cảm xúc của mình.
Đôi khi người thứ 3 xuất hiện lại là cơ hội để đôi lứa nhìn lại tình cảm của chính mình. Hãy đi từ cái gốc là giải quyết chuyện nhà mình trước hơn là tìm đến người thứ 3 để trút giận. Nhìn rộng ra, đôi khi phải cảm ơn người thứ ba vì nhờ họ đã tạo ra những ổ gà, khúc cua trên con đường hôn nhân, để chúng ta kiểm chứng khả năng đi cùng nhau.
Không ai chung tình được mãi, quan trọng là chúng ta muốn buông tay hay muốn giữ. Nếu bạn đời yêu người thứ 3 và thật sự hạnh phúc thì mình hãy bước ra, hãy tìm cách giải quyết mọi chuyện êm đẹp và văn minh cho gia đình. Nếu là nhân vật Hồng, tôi sẽ để cho người chồng ra đi cùng Mười. Họ có vẻ rất tâm đầu ý hợp, nhưng liệu có hạnh phúc lâu dài không? Nếu anh ta không hạnh phúc thì sẽ quay về. Còn nếu sau 5, 10 năm họ vẫn hạnh phúc thì càng chứng tỏ quyết định ban đầu để người chồng ra đi là đúng.
Mười: Lời nguyền trở lại chính thức khởi chiếu ngày 30/9.
- Vậy theo chị, đâu là cách ứng xử để gia đình hạnh phúc lâu bền?
- Đám cưới vàng - bạc, gia đình lâu bền thường là do phụ nữ có sức chịu đựng bền bỉ. Nhưng phụ nữ không cần luôn luôn chịu đựng, mà cũng phải yêu bản thân và thấu hiểu cảm xúc của mình. Có lúc trong mối quan hệ phải tạo ra sóng gió một chút sẽ thú vị hơn, nếu đều đều quá sẽ chán. Để đi đến đám cưới vàng, bạc, đôi lứa phải trải qua con đường gập ghềnh mà chuyện "tiểu tam" cũng là một thứ phải vượt qua.
- Vai Hồng trong "Mười: Lời nguyền trở lại" là vai ác nữ duy nhất của chị - người thường gắn liền với các nhân vật hiền lành, nền nã. Quá trình chuẩn bị của chị có gì khác trước?
- Tôi nghĩ trong mỗi con người có cả phần ác lẫn thiện, qua rèn luyện, qua tiêu chuẩn xã hội, ta đã dằn phần xấu xa xuống. Trong vai này, tôi lôi những điều ác độc, dữ dội của mình ra để thể hiện. Ngày trẻ tôi cũng từng nổi loạn, bồng bột chứ không phải luôn là người điềm tĩnh như hiện tại. Đó cũng là lý do tôi đam mê diễn xuất, để khám phá sự đa dạng của bản thân. Sự phát tiết đó chỉ ở trên màn ảnh và không gây hại gì cho cuộc sống thật.
Mười: Lời nguyền trở lại là phần tiếp theo của phim Mười: Truyền thuyết về bức chân dung từng gây chú ý ở Việt Nam. Bên cạnh chất kinh dị, tác phẩm mới sẽ khắc họa cảm xúc phức tạp của những người phụ nữ mắc kẹt trong các mối quan hệ bạn - thù, các mối tình tay 3 đầy yêu thương lẫn phản bội.
Mười: Lời nguyền trở lại là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Hằng Trịnh, quy tụ diễn viên Chi Pu, Rima Thanh Vy, Hồng Ánh, Anh Thư, Đinh Y Nhung, Bình Minh và Tôn Kinh Lâm. Phim chính thức khởi chiếu ngày 30/9.
Trailer Mười: Lời nguyền trở lại
Kaity Nguyễn: Ba theo sát con gái, quay phim đến 2 giờ sáng vẫn chạy xe đi đón Dù là lần đầu tiên gặp gỡ với Kaity Nguyễn nhưng cả 2 đã có một trò chuyện rất là thú vị và nhiều điều đặc biệt. Trùng hợp là cả Kaity Nguyễn và Lý Nhã Kỳ đều bén duyên với phim ảnh một cách rất bất ngờ. Kaity Nguyễn trải lòng về hành trình nghệ thuật, tiết lộ "điểm chí mạng" khiến...