Bão Doksuri mạnh thế nào
Bão Doksuri được dự báo mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, sức gió cấp 11-12, mưa lớn từ miền Bắc tới Trung Trung Bộ và một phần Tây Nguyên.
Theo bản tin mới nhất lúc 11h trưa 14/9, chỉ trong ba giờ sáng nay, Doksuri ( bão số 10) đã mạnh lên một cấp, thành cấp 11 với sức gió tối đa 115 km/giờ. Khoảng trưa đến chiều mai, bão sẽ đi vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Cơ quan khí tượng đánh giá Doksuri là cơn bão mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai 4, cao nhất từ năm 2014 tới nay. Cấp độ này được đưa ra với bão mạnh cấp 10-11 hoạt động trên đất liền Nam Bộ; bão cấp 12-15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền Bắc Bộ, Trung Bộ và siêu bão từ cấp 16 trở lên ở biển Đông (gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
Ảnh vệ tinh hai cơn bão Talim (bên phải) và Doksuri (bên trái) đang hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. So sánh tương quan, Talim đang rất mạnh, mắt bão to, sắc nét.
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết năm 2013 Việt Nam đã có hai cơn bão đạt cấp rủi ro 4 (bão Wutip và Nari) và một lần cấp 5 (cấp cao nhất). Thời điểm bão Haiyan đi qua Phillippines và cập sát đất liền Việt Nam (11/2013), rủi ro tới cấp 5.
So sánh với siêu bão Harvey, Irma ở Mỹ, ông Hải cho rằng hai cơn bão này đạt đến Cat 4-5 (sức gió từ 209 km/h trở lên) theo cách dự báo của người Mỹ, trong khi Doksuri đạt Cat 3.
“Như vậy Doksuri là cơn bão rất mạnh, sức gió cấp 11-12, giật cấp 15, còn khả năng tới như Harvey hay Irma là không có”, ông Hải nói.
Bốn điểm chú ý ở bão Doksuri
Thứ nhất, cấp độ gió bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sức phá hoại cực kỳ lớn, nhiều công trình hư hỏng.
Thứ hai, bão nằm trong dải hội tụ nhiệt đới nên kích thước rất lớn. Phạm vi có gió mạnh cấp 6 từ Quảng Ninh tới Quảng Ngãi; gió cấp 10 từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và cấp 10-11 từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình.
Bão sẽ gây mưa diện rộng, kéo dài từ nam đồng bằng Bắc Bộ, một phần Tây Bắc Bộ đến toàn bộ các tỉnh Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế và lan sang cả Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên.
Video đang HOT
Thứ ba, sóng biển vùng tâm bão có thể cao 10 m, vùng ven bờ 5-6 m. Doksuri đổ bộ đúng lúc thủy triều dâng nên ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng có thể cao 1m, ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2m.
Cuối cùng, các nhà dự báo khí tượng, hải văn lo ngại hiện tượng nước rút trong bão. Ven biển từ Nghệ An đến Quảng Trị khi có bão mạnh vào gần đất liền, đới gió thổi từ lục địa vào tâm bão có thể đẩy nước vùng ven bờ ra ngoài khơi, tạo ra hiện tượng nước rút.
Sau đó khi bão đổ bộ, nước dâng cao trở lại, mức độ tàn phá do đó sẽ rất lớn.
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines, sớm 13/9 bão Doksuri vượt qua quần đảo này, trở thành cơn bão thứ 10 ở biển Đông, mạnh cấp 8 (tối đa 75 km/h).
Trước đó 9 cơn bão hầu hết được hình thành ngay trên biển Đông, cường độ yếu; hoặc xuất phát từ phía đông Philippines và hướng về Trung Quốc, không gây thiệt hại cho Việt Nam.
Theo Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (ban hành tháng 8/2014), áp thấp nhiệt đới, bão có 5 cấp độ rủi ro. Riêng đánh giá bão mạnh yếu thế nào thì phải căn cứ vào bảng thang đo sức gió.
Bão cấp 10 gây gió mạnh 89-102 km/h, làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện. Biển động dữ dội làm đắm tàu thuyền.
Bão cấp 11 gây gió mạnh 103-117 km/h, mưa rất to, gây ngập úng, sạt lở đất có lũ quét và lũ ống ở vùng cao, vùng trũng.
Bão cấp 12 gây 118-133 km/h, gây nguy cơ vỡ đê không kiên cố.
Xuân Hoa
Theo VNE
Bão cấp 12 có thể đổ bộ các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình
Đối phó với cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa sẽ cấm biển từ ngày mai.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng 13/9, các thành viên đều nhận định bão Doksuri (bão số 10) mạnh nhất trên biển Đông từ đầu năm đến nay và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam rất cao.
Khu vực Thái Bình Dương đang có hai cơn bão, Talim và Doksuri.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường thông tin, sáng nay tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610 km, sức gió mạnh nhất đạt 75 km/h (cấp 8), giật tăng 3 cấp. Trong 24 giờ tới, bão theo hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km mỗi giờ và mạnh lên cấp 11.
Giám đốc Cường phân tích, hiện có nhiều điều kiện để bão mạnh đến cấp 12 khi tiến gần Việt Nam như: mới hình thành 7-8 ngày, không có tương tác khác làm giảm cường độ. "Các đài thế giới đều nhận định bão sẽ đổ bộ Việt Nam", ông Cường nhấn mạnh.
Di chuyển nhanh, cơ quan khí tượng dự báo tối 15 sáng 16/9, bão đổ bộ. Khu vực có gió mạnh từ Quảng Ninh đến Huế; vùng ảnh hưởng gió cấp 8 từ Nam Định đến Huế. Các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ có gió cấp 12.
Mưa lớn trong thời gian ngắn, phạm vi từ đồng bằng Bắc Bộ đến Huế, trọng tâm ở Nghệ An - Quảng Bình trên 300 mm, các vùng khác 50-100 mm. Nước biển sẽ dâng 2-3 m từ Nghệ An đến Hà Tĩnh, sóng biển ngoài khơi trên 10 m.
"Đây là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất từ vài ba năm trở lại đây. Khi vào bờ, cấp độ thiên tai là 4, cấp cao nhất từ trước đến nay", ông Cường nhấn mạnh.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.
Đại diện Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, chiều 12/9 đã có công điện gửi các đơn vị thông báo ngư dân, kiểm đếm tàu thuyền. Công tác tổng hợp tàu thuyền ra khơi đến đầu giờ chiều 13/9 sẽ có. Bộ Tư lệnh cũng thông tin tới các tỉnh biên giới phía Bắc chủ động lực lượng sẵn sàng tham gia ứng cứu mưa lũ.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị, việc kêu gọi tàu thuyền cần quyết liệt, từ đêm nay cần bắn pháo hiệu. Chính quyền và người dân rất dễ có tâm lý chủ quan sau mấy cơn bão yếu ảnh hưởng đến Việt Nam từ đầu năm đến nay, do đó cần chỉ đạo quyết liệt, như: cấm biển, cho học sinh vùng ảnh hưởng trực tiếp nghỉ học...
Rút kinh nghiêm cơn bão năm 2015, người dân đi làm rừng không nhận được thông tin nên thiệt mạng, ông Hoài nhắc các địa phương cần cố gắng thông tin về lũ quét, sạt lở đất ở vị trí có nguy cơ xảy ra để người dân nắm được, có phương án di dời đến vùng an toàn.
Từ ngày 14/9, sẽ cấm biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà. Ảnh minh hoạ: Hoàng Táo.
Cũng chia sẻ lo lắng chính quyền và người dân chủ quan sau các cơn bão yếu,
Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cấm biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa từ ngày 14/9, địa phương quản lý an toàn khu neo đậu, chú ý tàu vãng lai. Bộ Ngoại giao có công hàm với các nước để tạo điều kiện cho tàu thuyền tiếp cận vùng tránh trú.
Miền núi phía Bắc được chỉ đạo lên kịch bản ứng phó mưa bão vì là khu vực dễ tổn thương nhất. Hồ thủy điện Sơn La tiếp tục xả hai cửa đáy, Hòa Bình ba cửa đáy, phát điện tối đa tất cả tổ hợp cả ngày và đêm.
Sáng mai, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sẽ tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh thành để ứng phó với bão Doksuri.
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines, sớm nay bão Doksuri đã vượt qua quần đảo này, trở thành bão thứ 10 ở biển Đông. Trước đó, hầu hết bão được hình thành ngay trên biển Đông nên cường độ yếu. Một số xuất phát từ phía đông Philippines và hướng về Trung Quốc.
Theo cơ quan khí tượng, mùa mưa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biên Đông, nhiêu hơn so vơi trung bình các năm (12 cơn). Trong đó 3-4 cơn đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ.
Võ Hải
Theo VNE
Biển Đông sắp đón cơn bão thứ 10 Dự báo sáng 13/9, áp thấp sẽ vào biển Đông và mạnh lên thành bão trên khu vực này. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có một cơn bão mạnh tên quốc tế là Talim và một áp thấp nhiệt đới gần bờ biển phía Đông của Philippines. Ảnh mây...