Bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Từ việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ở nhiều xã vùng nông thôn hiện nay đã xuất hiện những làng, đường bích họa, dòng sông không rác, đường hoa, cây xanh… Đây là những mô hình tiêu biểu mà nhiều xã, ấp, bản đã triển khai giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng sống người dân.
Cảnh quan nông thôn sạch đẹp ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Ảnh: ANH MINH
Thay đổi cảnh quan vùng nông thôn
Huyện Việt Yên (Bắc Giang) trước khi xây dựng NTM, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, làng nghề và rác thải nông nghiệp luôn là vấn đề nổi cộm. Các đoạn đường giáp ranh hình thành nhiều bãi rác tự phát. Trên đồng, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không được thu gom vứt bừa bãi. Tại các làng nghề, việc xử lý rác, nước thải chưa được đầu tư đồng bộ hầu hết đều xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm. Để giải quyết bài toán này, huyện Việt Yên đã thực hiện đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải qua việc cải tạo nâng cấp hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, xây dựng bãi rác tập trung (rộng hơn 4 ha). Để tăng cường năng lực thu gom rác thải, huyện đầu tư 1.248 xe thu gom rác và gần 700 thùng chứa rác thải sinh hoạt; xây dựng hơn 80 bể thu gom vỏ thuốc BVTV và ký hợp đồng với đơn vị thu gom. Đến nay, Việt Yên đã trở thành một trong những huyện điển hình trong thực hiện tiêu chí môi trường; có 162 tổ bảo vệ môi trường được kiện toàn và hàng loạt phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn được phát động trong nhân dân như: Phong trào ngày chủ nhật xanh, tuyến đường tự quản, mô hình trồng hoa, cây xanh, tuyến đường bích họa…
Anh Nguyễn Văn Hải (thôn Đồng Ích, xã Hương Mai) thuộc Chi đoàn 19 tháng 5 cho biết: “Chi đoàn thường xuyên vận động nhân dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường như phân loại rác, xả thải đúng nơi quy định. Đồng thời cải tạo nhiều công trình như tường rào, khu chăn nuôi để góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp chung cho toàn thôn, xóm. Chi đoàn cùng học sinh Trường THCS Ninh Sơn hoàn thành con đường bích họa dài hàng nghìn mét tạo cảnh quan đẹp”. Ông Đỗ Văn Huân, thành viên tổ môi trường thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan cho biết: “Với quãng đường đi trong thôn dài khoảng 7 đến 8 km, tôi thường xuyên thu gom rác thải theo đúng quy định nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân trong xã. Với tôi, việc đứng ra nhận thu gom, vận chuyển rác thải vừa giúp môi trường sạch đẹp hơn, vừa là hành động để mọi người trong thôn chung tay bảo vệ môi trường”.
Là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt tiêu chí môi trường, hiện nay tất cả các xã ở tỉnh Bắc Giang có tổ, đội, hợp tác xã môi trường được thành lập, duy trì hoạt động; 162 xã có khu thu gom rác thải tập trung, 259 bãi chôn lấp rác thải, 94 lò đốt rác thải, 1.800 trong số 2.483 khu dân cư ban hành hương ước, quy ước có nội dung bảo vệ môi trường, 2.400 bể chứa bao gói thuốc BVTV; xử lý 264 điểm tồn lưu rác thải phức tạp.
Xác định môi trường là tiêu chí khó, thời gian qua các cấp chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã vào cuộc mạnh mẽ để thực hiện tiêu chí này. Huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát về môi trường; phê bình các tập thể, cá nhân có hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường. Các thôn tổ chức ký cam kết với các hộ dân, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không vứt rác bừa bãi và tham gia quản lý, giữ gìn bảo đảm vệ sinh môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, ký cam kết thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, không xả, vứt rác xuống kênh, mương… Qua đó từng bước thay đổi căn bản nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng về vệ sinh môi trường. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7%; gần 44 nghìn hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường đạt 86,7% và 100% hộ, cơ sở sản xuất tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Giải pháp đồng bộ
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015 và từ năm 2016 đến nay, với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam)… Nhiều xã, thị trấn ở các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bạc Liêu và TP Cần Thơ… đã đầu tư lò đốt chất thải công nghệ trong nước hoặc nước ngoài để xử lý rác thải. Thực tế một số địa phương đã làm tốt việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, như Hà Tĩnh giảm được tổng lượng phát sinh rác thải ra môi trường đến 60%. Tại Đồng Nai, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1%, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn trong sinh hoạt chỉ còn khoảng 43%.
Đến nay, cả nước có hơn 5.800 xã đạt tiêu chí về môi trường. Nhằm thực hiện tốt cũng như bảo đảm tiêu chí môi trường, các địa phương đã vận dụng sáng tạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện thực tế, nhằm đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí này. Tiêu biểu như các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Yên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư lò đốt rác… xây dựng các mô hình xanh, sạch, đẹp. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo như con đường, làng bích họa, dòng sông không rác, biến bãi rác thành vườn hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Tại Đồng Nai, Hậu Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Nam Định…, số huyện có tuyến đường trồng cây xanh, hoa đạt hơn 50%.
Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn. Như các tiêu chí về nghĩa trang, cây xanh, xử lý chất thải rắn, nước thải. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã cho nên chưa theo kịp những diễn biến về môi trường; việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, nước thải cụm dân cư, làng nghề còn lúng túng dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; ý thức người dân chưa có nhiều chuyển biến…
Video đang HOT
TP Hà Nội có hơn 1.200 làng nghề và làng có nghề, doanh thu từ các làng nghề mỗi năm đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, vấn đề môi trường tại một số làng nghề cũng đang ở mức báo động. Tại làng nghề gỗ xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, phần lớn các hộ sản xuất tại nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trong khu dân cư. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Diện cho biết, trước kia làm nghề gỗ thủ công cho nên mức độ ô nhiễm cũng ít hơn. Bây giờ, sử dụng máy móc nhiều, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng tăng theo. Anh Nguyễn Hồng Tuyến, chủ cơ sở sản xuất gỗ tại Vạn Điểm chia sẻ: “Ô nhiễm môi trường tại làng nghề là điều khó tránh khi hầu hết các hộ dân đều làm tại nhà. Mặc dù vậy, địa phương vẫn chưa có khu sản xuất tập trung xa khu dân cư. Hiện cơ sở của tôi có lắp hệ thống quạt gió, cũng như hút bụi công suất lớn nhưng cũng chỉ giảm được phần nào bụi cho lao động trong xưởng…”. Tại Bắc Giang, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong bảo vệ môi trường vùng nông thôn, nhưng ở một số nơi vẫn tồn tại bãi rác nhỏ lẻ hay xử lý rác thải không bảo đảm quy trình khiến ô nhiễm môi trường. Thậm chí một số địa phương xây dựng khu chứa rác tập trung nhưng không có kinh phí để xử lý rác.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới các địa phương cần quan tâm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; cải tạo kênh, mương, cống rãnh, ao hồ; xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường để phù hợp thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí; các bộ, ngành, địa phương cần thu hút doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường bằng việc ban hành cơ chế giá dịch vụ bảo vệ môi trường và thực hiện công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải; phát huy hết mức vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản… để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu dân cư…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay 42 trong số 63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn; trong đó một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh); có 16 trong số 63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh là: TP Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Bạc Liêu.
HOÀNG SƠN GIANG
Theo NDĐT
Lấy dân làm gốc, Bình Dương về đích nông thôn mới
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bông (ảnh) - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương về kết quả chương trình này.
Xin ông khái quát tình hình nông thôn của tỉnh hiện nay?
- Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam với diện tích đất tự nhiên là 269.464ha. Trong đó, diện tích đất nông, lâm nghiệp là 194.799ha. Năm 2019, dân số toàn tỉnh là 2.163.643 người. Trong đó, dân số nông thôn là 472.369 người. Lao động nông nghiệp chiếm 20,77% trong cơ cấu lao động chung của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Từ năm 2010, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện thí điểm xây dựng NTM tại 3 xã, là: Bạch Đằng, Thanh An, An Sơn, tạo tiền đề trong thực hiện Chương trình NTM. Sau khi Chương trình NTM được Chính phủ ban hành, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn NTM, 3/7 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM.
Không nợ đọng
Cụ thể, tỉnh đã đạt những thành quả gì trong Chương trình NTM trong 10 năm qua, thưa ông?
- Hiện, về tiêu chí giao thông: 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% tuyến đường trục ấp và đường liên ấp được được nhựa hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm...
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương (thứ 2 bên trái), cùng các lãnh đạo tỉnh tham quan gian trưng bày đặc sản bưởi da xanh. Ảnh: T.Đ
Về tiêu chí điện: Toàn tỉnh đã triển khai công tác xóa điện kế nông thôn đến nay không còn điện kế tổng, điện kế cụm. Nguồn cung cấp điện cho các xã chủ yếu là lưới điện quốc gia được đầu tư đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện tại khu vực nông thôn đạt 99,98%.
Về tiêu chí trường học: Tỉnh đã nâng dần chất lượng dạy và học, với tỷ lệ học sinh thi đỗ các cấp đều tăng qua các năm. Đến nay, trên địa bàn các xã có 178 trường các cấp. 100% trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, có 117/178 trường đạt chuẩn quốc gia.
Về tiêu chí tổ chức sản xuất: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 152 HTX, trong đó có 72 HTX nằm trên địa bàn 46 xã xây dựng NTM với 55.494 thành viên. Đến nay, tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động của các xã trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%. 100% các xã đều đạt tiêu chí lao động có việc làm.
Về tiêu chí thu nhập: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 58 triệu đồng, 100% số xã đạt tiêu chí về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh đến cuối năm 2018 còn 1,62%.
Riêng về tiêu chí môi trường: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nông thôn đạt 73%. 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp - sáng. Hầu hết các huyện, thị đều đã triển khai thực hiện các tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu không có rác.
Tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM của Bình Dương trong 10 năm qua hơn 25.722 tỷ đồng. Bình Dương có gặp phải tình trạng nợ đọng xây dựng Chương trình NTM?
- Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình NTM dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tất cả các dự án xây dựng cơ bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được thẩm định nguồn. Vì vậy, 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản của chương trình đều được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công. Tỉnh Bình Dương không có nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Bình Dương đã gặp những khó khăn gì trong xây dựng NTM?
- Có thể thấy, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn được cải thiện. Tuy nhiên, so với bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Bình Dương ban hành tại Quyết định số 462 thì trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 xã đạt trên 15 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 38 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Nguồn kinh phí đầu tư cho NTM còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Nguồn vốn thực hiện Chương trình NTM không có bố trí vốn riêng, chủ yếu là vốn lồng ghép.
Việc huy động nguồn lực từ nhân dân, các doanh nghiệp và các nguồn khác chưa được cập nhật đầy đủ nên chưa thể hiện được vai trò đóng góp của các nguồn lực xã hội.
Ông Phạm Văn Bông
Lấy dân làm nòng cốt
Thưa ông, vậy đâu là bí quyết để Bình Dương vượt qua những khó khăn và đạt được những thành quả như hôm nay?
- Tại Bình Dương, Ban chỉ đạo các Chương trình NTM phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia phụ trách từng tiêu chí và từng huyện, xã. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, Ban chỉ đạo họp nghe cơ quan thường trực báo cáo tiến độ xây dựng NTM, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát về tiến độ thực hiện, chỉ đạo cụ thể từng vấn đề, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.
Xác định xây dựng NTM theo phương châm "Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư là chính, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí và các chính sách hướng dẫn", nên Ban chỉ đạo các huyện, Ban quản lý các xã vận động nhân dân góp vốn xây dựng NTM trên tinh thần tự nguyện. Phương châm vận động là công khai, minh bạch, có thể đóng góp nhiều đợt tùy theo khả năng kinh tế của từng hộ gia đình, nguồn vốn vận động chính quyền địa phương không cất giữ...
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NNPTNT (Cơ quan thường trực chương trình) tập trung phối hợp cùng các ngành đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các cách thức tuyên truyền để tăng cường phổ biến các cơ chế, chính sách, phổ biến các cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng NTM, giới thiệu những nét đẹp về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội... ở các ấp, xã đạt chuẩn NTM giúp mỗi người dân nhận thức được vai trò của mình trong xây dựng NTM, thêm yêu và tự hào về làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương đặt ra mục tiêu gì cho Chương trình NTM?
- Từ nay đến năm 2020, tỉnh đặt ra mục tiêu là tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị theo qui hoạch; xã hội nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2020, tỉnh có từ 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; 100% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Từ năm 2020-2025, sẽ xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng phát triển kết nối đồng bộ trong vùng Đông Nam Bộ và với các vùng đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên để khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế các vùng miền. Đến năm 2025, tỉnh sẽ có 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao.10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Gia Lâm: Bỏ lúa trồng rau, cây ăn trái, nông dân thu hơn 300 triệu Do diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp bởi đô thị hoá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã chuyển đổi thành công hơn 1.400ha cấy lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; duy trì 407ha sản xuất rau an toàn, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhờ đó thu nhập bình quân trong sản...