Bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, tham nhũng khi triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng
Ngày 9/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan bàn giải pháp giải quyết các nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam ( VEC) quản lý.
Không được sử dụng nguồn thu phí để trả chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do VEC quản lý, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến 31/12/2020, các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Riêng đối với các trạm thu phí do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện vốn của dự án.
Đối với các trạm do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ chia dự án thu phí không dừng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 44 trạm, đã hoàn thành 40/44 trạm. Riêng đối với 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý, mới chỉ có tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ đã lắp đặt, vận hành 15/40 làn thu phí; 4/5 tuyến cao tốc do VEC quản lý do vướng mắc về nguồn vốn nên đến thời điểm này chưa thể triển khai thực hiện.
Giai đoạn 2 gồm 33 trạm, đã lựa chọn xong nhà đầu tư là Tập đoàn Viettel và một số doanh nghiệp công nghệ. Hiện đang hoàn thiện lựa chọn nhà thầu để phấn đấu hoàn thành lắp đặt trước 31/12/2020.
Đối với 19 trạm còn lại của địa phương, hiện có 6 trạm đã áp dụng thu phí không dừng kết nối với dự án giai đoạn 1 do Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai. Các trạm còn lại đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Để thực hiện thu phí không dừng tại các dự án của VEC, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch thu phí không dừng được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc, đặc biệt là về nguồn vốn nên tiến độ thực hiện không đáp ứng yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng doanh thu thu phí tại 5 dự án cao tốc (Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành) do VEC quản lý để trả chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án của Tổng công ty này.
Video đang HOT
Ý kiến của các bộ, ngành tại cuộc họp cho thấy, vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn để triển khai hệ thống thu phí không dừng. Đây là dự án của doanh nghiệp nên ngân sách nhà nước không thể đầu tư, trong khi vay vốn nước ngoài cũng không được.
“Vốn ngân sách nhà nước không có, vốn vay nước ngoài cũng không có. VEC chỉ còn duy nhất nguồn thu phí, thu để trả nợ. Hệ thống thu phí tự động không dừng là một bộ phận của dự án cao tốc nên Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho VEC sử dụng nguồn thu phí của các dự án để đầu tư và trả chi phí vận hành hệ thống thu phí không dừng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Theo ông, về bản chất, các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT mà là hợp vốn từ nhiều nguồn, vay tiền đầu tư và thông qua hình thức thu phí để hoàn trả tiền đi vay. VEC tổ chức thực hiện, đang vận hành khai thác và tổ chức thu phí 4/5 dự án, còn dự án Bến Lức – Long Thành đang triển khai thi công xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, các dự án đường cao tốc do VEC quản lý phải thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi tính đến hạn của các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). VEC có hiện tượng chậm trả các khoản nợ đến hạn theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Tình trạng này nếu tiếp tục tái diễn sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chính phủ. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để thanh toán khối lượng hoàn thành các dự án, kể cả đối với dự án thu phí không dừng. Nguồn thu phí của dự án phải được ưu tiên trả nợ. Chính vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không được sử dụng nguồn thu phí của các dự án do VEC quản lý để trả chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng. Việc sử dụng nguồn thu phí của các dự án để thực hiện đầu tư trạm thu phí không dừng hay thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án sẽ làm thay đổi phương án tài chính của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng về việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể bỏ vốn đầu tư được không, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, SCIC có tiền nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố, doanh nghiệp này phải đầu tư đúng mục đích, tôn chỉ của Chính phủ là làm sao bảo toàn, phát triển vốn. Nếu ở góc độ đầu tư để sinh lời, có nguồn thu phí dịch vụ, vẫn có thể làm được. Doanh nghiệp đầu tư để tạo ra lợi nhuận là tốt nhưng phải điều chỉnh quyết định đầu tư. Hiện, cũng có hướng khác là để doanh nghiệp đầu tư vào, chẳng hạn như Viettel, sau đó trả phí cho họ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhận định, trước đây, khi xây dựng dự án chưa tính đến việc đầu tư hệ thống thu phí không dừng. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tế, phát sinh nhu cầu khách quan đó và phần phát sinh này có thể được coi là một cấu phần tất yếu trong dự án. Nếu được cấp có thẩm quyền bổ sung, việc sử dụng một phần phí thu được để đầu tư trạm thu phí tự động không dừng cũng không trái với quy định.
Theo đề xuất của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thu Vân, VEC cần xây dựng phương án, nếu không thể cấp từ ngân sách Nhà nước, VEC có thể tự đi vay. Nếu VEC không làm được, có thể để hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí hiện tại thực hiện.
Cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trước đây, khi xây dựng các tuyến cao tốc, chúng ta chưa tính đến việc thu phí tự động không dừng và áp dụng việc thu phí thủ công. Việc này ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, gây ùn tắc tại các trạm thu phí, chưa công khai và minh bạch nguồn thu phí này với nhân dân.
Vì vậy, việc Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định và chỉ thị về triển khai thu phí tự động không dừng là đúng đắn và cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, yêu cầu đến 31/12/2020, phải hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng, đây là yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc. Đối với các trạm thu phí do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ, nhà cung cấp, “phải đúng, phải trúng, phải chặt” để tiến hành tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, bảo đảm không được xảy ra lãng phí, tham nhũng khi thực hiện. VEC là doanh nghiệp nên cần năng động theo cơ chế thị trường, không chỉ trông chờ vào nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
VEC từ "cục cưng" thành "cục nợ"
Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từng được dư luận ví là "con cưng" của Bộ GTVT, khi doanh nghiệp (DN) này nắm giữ số vốn nhà nước lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, được ưu ái chỉ định thầu hàng loạt dự án lớn về đường cao tốc. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của VEC không được như kỳ vọng, thậm chí DN này đang đối mặt với bài toán an toàn về tài chính.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư.
Doanh thu trên 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ... trên 2 tỷ đồng
Là DN 100% vốn góp nhà nước với tổng tài sản lên đến hơn 90.000 tỷ đồng, VEC được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn, như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Phần lớn doanh thu của VEC là từ các dự án này, song kết quả kinh doanh của DN lại khá khiêm tốn. Năm 2020, theo kế hoạch phê duyệt, dự kiến doanh thu của VEC đạt 4.251 tỷ đồng, nhưng mức lợi nhuận đưa ra chỉ... 2,2 tỷ đồng.
Lý giải về vấn đề này, VEC cho rằng lợi nhuận thấp do mỗi năm phần doanh thu từ các dự án cao tốc đang khai thác sẽ được dành để trả nợ vốn vay. Đồng thời, do các dự án vay vốn bằng đồng yên Nhật và USD, nên khi biến động tỷ giá số tiền VEC phải trả do chênh lệch tỷ giá khá lớn.
Vì vậy, năm 2020, dù kế hoạch tổng doanh thu của VEC 4.251 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí lên đến 4.248 tỷ đồng, nên lợi nhuận sau thuế chỉ 2,2 tỷ đồng. VEC cũng cho rằng đang gặp một số khó khăn, như Chính phủ không chuyển vốn vay về cho VEC vay lại, đồng thời không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại DN, việc tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án đường cao tốc của VEC cũng đang gặp vướng mắc...
Cách giải thích của VEC khó thuyết phục, bởi thực tế tình hình kinh doanh của DN này không phải đến năm 2020 mới gặp khó khăn, mà đã có dấu hiệu bết bát từ nhiều năm trước. Đáng chú ý, dù đã qua giữa năm 2020 nhưng VEC mới công bố báo cáo tài chính năm 2018.
Tính đến hết năm 2018, nợ phải trả của VEC 87.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 19.672 tỷ đồng và nợ dài hạn 67.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 9 lần, tương đương chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn. Với việc nợ vay cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu của công ty đã đặt ra dấu hỏi về nguy cơ an toàn tài chính của VEC.
"Con nợ" thuế và ngân hàng
Cuối năm 2019, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1-7-2016 đến năm 2017 đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho VEC 9 đợt, với tổng số tiền hoàn thuế gần 950 tỷ đồng theo hình thức hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế VAT đối với VEC, Cục Thuế TP Hà Nội đã phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành 2 quyết định thu hồi toàn bộ tiền hoàn thuế VAT trên, cộng tiền chậm nộp hơn 83 tỷ đồng, tổng số tiền thuế VEC phải trả lại xấp xỉ 1.033 tỷ đồng
Không chỉ có "tiền sử" nợ thuế, VEC cũng đang là "con nợ" của nhiều ngân hàng. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với tổng dư nợ cuối kỳ hơn 31.200 tỷ đồng. DN này còn nợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 5.400 tỷ đồng. Trong phần báo cáo chi tiết nêu rõ, hầu hết các hợp đồng vay được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi... với thời hạn thanh toán 1 -40 năm.
Điều đáng lo ngại hơn là do số lượng vay ngoại tệ rất lớn bằng yên Nhật và USD để đầu tư các dự án, nên biến động tỷ giá ảnh hưởng rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC. Năm 2018, lỗ chênh lệch tỷ giá của VEC tăng vọt lên gần 2.200 tỷ đồng so với mức 368 tỷ đồng của năm trước. Đây là nguyên nhân khiến "ông trùm" đường cao tốc giảm lợi nhuận không phanh. Ngoài ra, về nợ ngắn hạn, VEC đang có khối nợ 12,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Đông Sài Gòn, cũng như khoản nợ 8.000 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.
Cần phải "lột xác"
Thực trạng kinh doanh ảm đạm của VEC từng được dư luận cho rằng do quá được ưu ái, trong khi việc quản lý từ cơ quan chủ quản lại buông lỏng. Điều dễ nhận ra là trong đấu thầu các dự án lớn về đường cao tốc, VEC dường như không có đối thủ. Thậm chí, DN này từng bị nhiều DN kiện vì cho rằng đấu thầu thiếu công khai, công bằng và minh bạch. Điều này cho thấy những bất cập về chính sách và cơ chế vận hành đối với DN này, do đó đã đến lúc phải thay đổi chính sách để "lột xác" VEC.
Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận xét VEC từng là đơn vị hàng đầu của ngành giao thông vận tải, có tổng giá trị tài sản lên tới 90.000 tỷ đồng mà chỉ dự tính lãi 2 tỷ đồng, là điều khó chấp nhận. Cơ quan chức năng cần xem xét lại cách vận hành và người điều hành DN này.
Về vấn đề nợ và an toàn tài chính của VEC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề liệu có bất thường trong kinh doanh của VEC, khi DN nào cũng phải đi vay nợ để kinh doanh nhưng đều "ăn nên làm ra", trong khi VEC ngày một "teo tóp". "VEC không thể lấy lý do gặp khó khăn do Chính phủ không chuyển vốn vay về cho vay lại, hay Chính phủ không cho sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại DN, để lý giải cho việc lãi sau thuế năm 2020 quá thấp. Mấu chốt vấn đề là cần thay đổi quan điểm về chính sách cũng như cơ chế vận hành, quản lý đối với những DN "con cưng" như VEC" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
VEC là DN kinh doanh phải chấp nhận theo giá thị trường. Nghĩa là các dự án phải thông qua đấu thầu công khai, không thể lập công ty con sân sau để chỉ định thầu. Khi vận hành theo đúng cơ chế thị trường, DN không thể chăm chăm vào việc "vắt sữa" từ ngân sách nhà nước. Còn khi kinh doanh không hiệu quả nên cổ phần hóa, không nên duy trì 100% vốn nhà nước như hiện nay.
Điều chuyển 2 lãnh đạo đứng đầu VEC Ngày 30/8, thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xác nhận, 2 lãnh đạo của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã được điều động nhận nhiệm vụ mới. Hai lãnh đạo đứng đầu VEC được điều động nhiệm vụ mới. Ảnh: VEC Theo đó, ông Mai Tuấn Anh, Chủ...