Bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Mua, bán xăng dầu tại cửa hàng trên phố Trần Hưng Đạo ( quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Công điện nêu rõ: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.
Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 04/TB-VPCP ngày 28/1/2022, số 36/TB-VPCP ngày 10/2/2022, số 07/TB-VPCP ngày 22/2/2022 và các văn bản có liên quan.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung, cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền, quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/2/2022, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, điều hành giá xăng dầu, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đồng thời công khai các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, biện pháp xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu.
Video đang HOT
Bảo đảm cung ứng xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 486/VPCP-KTTH ngày 21/2/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công an tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu…; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Quản lý thị trường tăng cường giám sát kinh doanh xăng dầu
Trước diễn biến của thị trường xăng dầu trong cả nước có nhiều biến động phức tạp, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu.
Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Trần Khát Trân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Đây cũng là nội dung nhằm thực hiện theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường, vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 11/2/2022, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu Yến Rạng Văn - Chi nhánh 2 thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Huỳnh Đức Sơn, địa chỉ số 16, ấp Tân Long, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Qua kiểm tra thực tế tại cửa hàng nêu trên đang mở để hoạt động kinh doanh, nhưng chỉ bán mặt hàng dầu DO 0,05S, không có bán xăng.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Huỳnh Đức Sơn cho biết hiện tại các bồn chứa của cửa hàng không còn hàng tồn. Ông Sơn cũng cung cấp cho Đoàn kiểm tra Công văn số 03/2022/CV-RESSOL của Công ty cổ phần thương mại hóa dầu RESSOL về việc đề nghị tạm đóng cửa các Cửa hàng xăng dầu trực thuộc công ty và thông báo về việc tạm ngưng cung cấp hàng cho Cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Đại lý với lý do nguồn cung xăng dầu liên tục bị đứt đoạn, nên không đủ nguồn hàng cung cấp cho các đại lý, cửa hàng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành đo các bồn chứa xăng tại cửa hàng đồng thời xác nhận các bồn chứa xăng không còn hàng, chỉ còn mặt hàng dầu DO 0,05S.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiếp tục giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, nếu phát hiện có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, kinh doanh xăng dầu nhập lậu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 10/2 trong quá trình rà soát, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện cửa hàng xăng dầu Duy Biên thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần H2T Thăng Long, có địa chỉ tại tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên tạm ngừng hoạt động bán xăng dầu.
Quá trình làm việc với đại diện chủ cơ sở, xác định được cửa hàng xăng dầu Duy Biên đã có hành vi ngừng bán hàng nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Vì vậy, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt theo quy định.
Còn tại Đắk Nông, Cục Quản lý thị trường đã chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra nhanh hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến 15 giờ 30 ngày 10/2 lực lượng đã kiểm tra phát hiện 8 cửa hàng xăng dầu ngưng bán hàng, một số cửa hàng còn xăng hết dầu hoặc còn dầu hết xăng. Chưa phát hiện đơn vị nào có hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trục lợi.
Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn còn 8 đơn vị đóng cửa, nguyên nhân là đã hết xăng dầu để bán, đã đặt hàng nhiều ngày song chưa thể nhập hàng từ nhà phân phối.
Làm việc với các đơn vị cho biết sẽ ngay lập tức bán lại nếu nhập được xăng dầu, họ không muốn bị mất khách mặc dù thời điểm này bán là lỗ nhưng sẽ cố gắng để phục vụ người dân.
Ngoài ra, các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Bình Định,... nhìn chung các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật về hoạt động xăng dầu và cam kết đáp ứng đủ nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng.
Song song với hoạt động kiểm tra, giám sát, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức tuyên truyền pháp luật đến các cơ sở kinh doanh nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn ngày 9/2 về tình hình đảm bảo cung ứng xăng dầu thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột suất với tần suất dày 1 - 2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm.
Mặt khác, Bộ trưởng cũng lưu ý lực lượng cần kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Vụ Thị trường trong nước, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.
Petrolimex, PVOIL đảm bảo cung ứng xăng dầu theo đúng sản lượng hợp đồng Hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung cho các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống và sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã cam kết với các cửa hàng xăng dầu...