Bảo đảm công bằng, chặt chẽ trong thực hiện đặc xá
Hôm qua, ngày 7-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu QH nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.
Buổi chiều QH nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tiếp đó, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.
Minh bạch trong công tác đặc xá
Thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều đại biểu QH bày tỏ sự thống nhất cao với nhiều nội dung và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với một số quy định cụ thể trong dự án luật, còn đại biểu có ý kiến khác nhau. Theo đó, về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình tại kỳ họp này đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Có đại biểu nhất trí với quy định này. Nhưng một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá, có thể là ba năm hoặc 5 năm/đợt; hoặc quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2-9, nhân dịp Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30-4. Có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước để thực hiện đặc xá có hiệu quả, minh bạch và thống nhất.
Các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) và Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) quan tâm về những quy định, chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước đối với những người bị kết án tù được đặc xá, qua đó tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng thành công. Theo các đại biểu, những chính sách trong dự thảo luật còn chung chung, chưa cụ thể và rất khó trở thành hiện thực trong cuộc sống. Trong thực tế, công tác tái hòa nhập cộng đồng của người được tha tù trước thời hạn, được đặc xá gặp nhiều khó khăn và để khắc phục thực trạng này, giúp người được ra tù sớm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội thì cần có sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ các điều kiện, chính sách bảo đảm người được đặc xá có thể nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và phấn đấu trở thành người có ích. Nhà nước cần huy động nhiều nguồn lực xã hội trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giúp đỡ dưới nhiều hình thức, mô hình phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương.
Để công tác đặc xá được công bằng, chặt chẽ, các đại biểu QH đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa các quy định về điều kiện để được đặc xá; trong đó cần phân chia cụ thể, rõ ràng từng đối tượng được đề nghị đặc xá cần bảo đảm những tiêu chuẩn nào. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về tổ chức hoặc chế tài để có thể kiểm tra, thẩm định kết quả đề nghị đặc xá. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc khi dự thảo luật quy định đặc xá cho cả những người đang hưởng án treo. Bởi những người đang thi hành án treo, thực chất là người không phải chấp hành hình phạt tù và buộc phải chịu thời gian thử thách nhất định. Nếu họ thật sự chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước thì có thể xem xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, chứ không nên đưa vào diện đặc xá… Cuối phiên làm việc buổi sáng hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã phát biểu ý kiến tiếp thu các góp ý, đề xuất của các đại biểu QH, đồng thời nêu rõ: Ngay sau phiên họp, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu QH để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật.
Bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường trong chăn nuôi
Đầu giờ làm việc buổi chiều, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Video đang HOT
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi. Thảo luận về chính sách của Nhà nước trong chăn nuôi, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và nhiều đại biểu đề nghị bổ sung chính sách về phát triển chăn nuôi an toàn, theo hướng phân định rõ các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích; bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ để đẩy nhanh ứng dụng vào chăn nuôi, hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, sửa các quy định về quản lý thức ăn có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư trong sản phẩm làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm.
Một số đại biểu nêu rõ, để kiểm soát tốt các chỉ tiêu an toàn ngay trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, bên cạnh việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào của sản xuất, dự thảo luật cần quy định việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, luật hóa những quy định về kiểm soát thức ăn chăn nuôi đã được thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả thời gian qua. Tuy nhiên, cần cải cách thủ tục hành chính để hạn chế việc trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Cho ý kiến về điều kiện cơ sở chăn nuôi, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và một số đại biểu đề nghị, quy định cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Trong đó, nên quy định các điều kiện cụ thể về vị trí, khoảng cách, yêu cầu bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sống của từng loại hình chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ, hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, giảm dần chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nhưng vẫn bảo đảm thu nhập, nâng cao đời sống và phù hợp tập quán của người dân.
Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể về xử lý chất thải chăn nuôi để không làm ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, cần đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng nguồn chất thải này làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ, làm dinh dưỡng cho cây trồng để giảm lượng xả thải và giảm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội. Tuy nhiên, đối với các nông hộ có quy mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về nguồn lực tài chính, thì cần có lộ trình, kế hoạch thực hiện phù hợp.
Cuối ngày làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu ra về dự án Luật Chăn nuôi.
Trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, đã liệt kê nhiều đối tượng, trong đó có cả đối tượng được hoãn chấp hành hình phạt tù và hưởng án treo. Theo tôi, quy định như vậy hơi rộng. Vì muốn xét đặc xá, điều kiện đầu tiên phải xét đến là thời gian chấp hành hình phạt; thứ hai là ý thức cải tạo và thứ ba là mức độ tiến bộ của đối tượng. Cả hai đối tượng này đều đã được hoãn chấp hành hình phạt tù và đều đang sống ở ngoài xã hội, không có điều kiện để đánh giá ba nội dung quan trọng vừa nêu trên. Do vậy, tôi đề nghị không đưa hai đối tượng này vào diện đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên)
Tôi cho rằng, quy định về hành vi bị cấm trong nhập khẩu vật nuôi như dự thảo Luật Chăn nuôi là chưa đầy đủ. Thí dụ, thời gian qua Việt Nam có nhập khẩu ốc bươu vàng, hậu quả là tại nhiều nơi, vật nuôi này phá hoại mùa màng và các cánh đồng sản xuất lúa. Do vậy, nên bổ sung hành vi bị cấm gồm cả cấm nhập khẩu vật nuôi gây tác hại tới môi trường sống, môi trường sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)
Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét, bổ sung vào dự thảo luật đối tượng không được đề nghị đặc xá, đó là phạm nhân đã bị truy nã, loại nguy hiểm trở lên không tự ra đầu thú nhưng bị bắt. Việc không đề nghị đặc xá đối tượng này nhằm phân hóa nhóm phạm nhân với các phạm nhân khác, bảo đảm tính công bằng cho những đối tượng là người có án phạt tù, có ý thức tự giác với nghĩa vụ chấp hành án. Mặt khác, làm thay đổi nhận thức của các đối tượng còn đang bị truy nã, có động lực ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, từ đó góp phần vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)
Theo nhandan
ĐBQH: 'Điều kiện đặc xá là lao động duy nhất dễ bị lợi dụng'
Đại biểu Quốc hội cho rằng điều kiện để hưởng đặc xá là lao động duy nhất trong gia đình dễ bị lợi dụng trong thực tế.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) góp ý về thời điểm đặc xá.
Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình).
"Tôi nghĩ rằng sở dĩ rất nhiều đại biểu quan tâm đến việc góp ý vào quy định này vì hiện nay trong 3 thời điểm quy định là thời điểm đặc xá thì ngày lễ lớn của đất nước đã có quy định tại nghị định 145 của Chính phủ.
Tuy nhiên, còn 2 thời điểm là sự kiện trọng đại của đất nước và sự kiện đặc biệt vì lý do đối ngoại thì chính vì chưa có một văn bản nào quy định và cũng chưa có giải thích nào, đo đó rất nhiều đại biểu quan tâm.
Chúng tôi nhận thức rằng giữa quy định về thời điểm đặc xá và thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước là khác nhau. Chúng ta quy định thời điểm đặc xá nhưng không có nghĩa là đến thời điểm ấy là phải đặc xá mà việc đặc xá hay không là do Chủ tịch nước quyết định", ông Khanh nêu.
Bên cạnh đó, vị đại biểu Ninh Bình cũng góp ý về các trường hợp không đề nghị đặc xá theo quy định tại Điều 12 của dự thảo.
"Rà soát lại tôi đề nghị với ban soạn thảo nên cơ cấu thêm các tội, bổ sung vào Điều 12. Tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 114 Bộ luật Hình sự và tội chống phá cơ sở giam giữ tại Điều 119 trong Bộ luật Hình sự.
Vì hai tội này, một tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, đều liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia và trong đó có tội chống phá cơ sở giam giữ. Để cho logic với việc chấp hành tốt, cải tạo tốt tại trại giam", đại biểu Khanh đề xuất.
Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Khanh đề nghị chỉ xét những trường hợp người đang mắc một trong những bệnh hiểm nghèo như ung thư hay những bệnh nặng tiên lượng sẽ chết.
"Vì trong thực tế triển khai thi hành án, những đối tượng đã được hoãn vì những lý do này tiên lượng sẽ chết trong thời gian rất ngắn và việc quản lý theo dõi rất khó khăn. Thực tế mà nói việc quay lại để trở lại tiếp tục thi hành án gần như không có. Đề nghị chúng ta chỉ hoãn và đưa vào đặc xá những đối tượng này.
Còn những đối tượng khác, ví dụ như phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hay là lao động duy nhất. Đặc biệt lao động duy nhất, tôi cho rằng quy định này rất dễ bị lạm dụng trong thực tiễn. Thực chất đánh giá lao động duy nhất hiện nay rất khó và dễ bị lạm dụng. Vì đánh giá lao động duy nhất hiện nay, từ gốc chỉ có xác nhận của chính quyền địa phương, lao động duy nhất rất dễ bị lạm dụng", ông Khanh phân tích.
Vị đại biểu Ninh Bình cho rằng, thực tế việc đặc xá có nhiều trường hợp, nhất là trường hợp nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhiều đối tượng, mặc dù đang được hoãn thi hành án nhưng vẫn tiếp tục có hành vi phạm tội hoặc chưa có kết luận nhưng có phản ánh của dư luận quần chúng nhân dân.
"Những đối tượng là lao động duy nhất này tiếp tục có những hành vi mờ ám, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đặc xá, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc nếu như đặc xá đối với những trường hợp được quy định tại khoản này chỉ nên giữ một trường hợp bị bệnh hiểm nghèo như tôi đã phân tích ở trên", ông Khanh kết luận.
MINH ĐỨC
Theo VTC
ĐBQH nhắc vụ ông Trần Văn Vót kêu oan để góp ý dự thảo Luật đặc xá "Có những trường hợp phạm nhân được cán bộ, chiến sĩ trực tiếp quản lý các trại giam thì đều ghi nhận là người có ý thức chấp hành tốt quy định của trại giam. Nhưng cơ quan quản lý trại giam thì không bao giờ xác nhận cho họ là có ý thức cải tạo tốt để đưa vào đặc xá vì...