“Bão” đặc sản vùng miền cả nước sẽ “đổ bộ” về Thủ đô
Từ ngày 8 – 10/11, sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) và các đặc sản vùng miền trên cả nước sẽ quy tụ tại siêu thị BigC Thăng Long trong chương trình kết nối do Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức.
Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên cả nước sẽ quy tụ tại Thủ đô. Ảnh: H.L
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đến nay đã có khoảng 80 đơn vị (DN, HTX, tổ chức, cá nhân) đăng ký tham gia gian hàng tại sự kiện. Sản phẩm tập trung chủ yếu vào nhóm nông sản, thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó bao gồm cả đặc sản của các địa phương trên cả nước, điển hình như chả cá thác lác, sầu riêng miền Tây, cà phê Buôn Ma Thuột, bánh chưng Bờ Đậu…
Các nông sản, thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ đặc trưng của Hà Nội cũng sẽ có mặt tại hội chợ này như bánh cuốn (huyện Thanh Trì), giò chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai), xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ), vải tơ tằm (huyện Mỹ Đức)… Bên cạnh các loại nông sản, thực phẩm, tại sự kiện cũng sẽ trưng bày hoa, cây cảnh và thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị, sinh thái…
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Văn Chí, các nông sản, thực phẩm tham gia sự kiện sẽ được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ để có thể truy xuất. Bên cạnh đó, Sở NNPTNT Hà Nội cũng sẽ bố trí một xe chuyên dụng để kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm trưng bày tại sự kiện.
Đại diện siêu thị BigC Thăng Long cho biết thêm, để tổ chức sự kiện kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền lớn nhất trong năm này, đơn vị đã bố trí quỹ đất tại cổng ra vào siêu thị để thiết kế, dàn dựng các gian hàng, bảo đảm việc mua sắm của người dân được thuận tiện, dễ dàng.
Đây là lần thứ hai sự kiện kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền được Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức trong một tháng qua, nhằm mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô cơ hội tiếp cận những nông sản, thực phẩm có chất lượng từ khắp các vùng miền. Trước đó, phiên chợ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên toàn quốc được Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức từ ngày 10 – 13/10/2019 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), đã thu hút hàng chục vạn lượt người tham gia mua sắm.
Theo Danviet
Vệ sinh ATTP ở Hà Nội: Phụ nữ tiên phong hành động và hưởng lợi
Đó là đánh giá và ghi nhận của nhiều đại biểu tại diễn đàn "Vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi".
Diễn đàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp Sở NNPTNT Hà Nội và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội vừa tổ chức.
Phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết: Hội luôn chú trọng phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tham gia duy trì và phát triển chuỗi liên kết an toàn thực phẩm thông qua các lớp tập huấn, buổi hội thảo bằng các mô hình và việc làm thiết thực như: "Thay đổi hành vi ATTP trong kinh doanh cửa hàng bán đồ ăn chín"; "Đảm bảo ATTP trong khai thác sữa bò tươi"; "Sản xuất rau an toàn", "Sử dụng 2 dao, 2 thớt trong chế biến thực phẩm tại gia đình"...
Trong một siêu thị tại Hà Nội, phụ nữ - người nội trợ trong gia đình quan tâm tới các sản phẩm nông nghiệp sạch. Ảnh: I.T
Đến nay, Hà Nội đã có trên 600 chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong ATVSTP được thành lập và hoạt động có hiệu quả, góp phần giúp chị em phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức về ATTP, chủ động tổ chức giám sát thực hiện quy định pháp luật về ATTP trên địa bàn tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội.
Theo bà Hương, trong công tác phối hợp đảm bảo ATVSTP của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Sản lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng hết nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, mạng lưới phân phối lớn nhưng người nông dân vẫn khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm; sự liên kết, kết nối giữa cơ sở, đơn vị sản xuất với doanh nghiệp phân phối chưa được thực hiện thường xuyên; người tiêu dùng Thủ đô mà cụ thể ở đây chính là hội viên phụ nữ (những người quyết định bữa ăn gia đình) còn hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm nông sản theo chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.
3 nhiệm vụ trọng tâm
Nhấn mạnh vai trò của phụ nữ các cấp nói chung và Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội nói riêng trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội chia sẻ: "Những năm vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã đóng góp vai trò to lớn vào công tác phát triển chuỗi, kết nối tiêu thụ nông sản tới người tiêu dùng, hội viên phụ nữ".
Theo ôngTường, Sở NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp Hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến giới thiệu sản phẩm an toàn của các chuỗi tới người tiêu dùng; tổ chức các hoạt động tham quan nơi sản xuất chế biến, thử nếm sản phẩm, hướng dẫn để người tiêu dùng dần thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới sản phẩm an toàn; vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cùng tham gia...
Đồng thời lãnh đạo sở NNPTNT này đề nghị Hội Phụ nữ Hà Nội trong thời gian tới thực hiện 3 nội dung chính: Tiếp tục thực hiện các nội dung trong Kế hoạch số 74/KH-UBND về việc tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020. Vận động hội viên phụ nữ xây dựng các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm; đồng thời giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT phát huy hơn nữa vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi.
Khó khăn bủa vây, nông nghiệp Thủ đô vẫn nhiều điểm sáng Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, từ nay đến cuối năm 2019, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, thành phố sẽ vượt qua khó khăn và hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu về tam nông...