“Bão” Covid-19 càn quét các vùng quê nghèo Ấn Độ
Sau khi tấn công khắp hang cùng ngõ hẻm ở các đô thị lớn tại Ấn Độ, “cơn bão” Covid-19 lại âm thầm càn quét những ngõ hẹp ở các vùng quê nghèo xa xôi ở nước này.
Gia đình đưa thi thể nạn nhân Covid-19 qua một bãi mộ ở bờ sông Hằng, Ấn Độ (Ảnh: AFP).
Ban đầu, nhiều người ở làng Banail, bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ chỉ than vãn việc bị sốt, ho và khó thở. Rồi sau đó, họ lần lượt qua đời.
Nông dân Vipin Kumar, 40 tuổi, là một trong số nạn nhân của “cơn bão” này. Hồi tuần trước, Kumar bị sốt, nằm vật vã trên võng trong sân nhà nhỏ. Đến ngày thứ 5, khi anh bị ho dữ dội, một bác sĩ ở địa phương khuyên gia đình nên chuyển anh đến điều trị ở một bệnh viện tại thành phố lớn, cách đó hơn 40 km.
Video đang HOT
“Nhưng với gia đình chúng tôi, đây thực sự là một nhiệm vụ “bất khả thi”, con trai của ông tên là Devendra nói.
Tại ngôi làng Banail của Kumar, đã có hơn 20 người nhiễm Covid-19 thiệt mạng trong vòng 2 tuần qua, một con số đáng lo ngại so với những tuần trước – thời điểm chỉ có 3 hoặc 4 trường hợp tử vong mỗi tháng. Hầu hết trong số họ, như anh Kumar, chưa bao giờ được xét nghiệm hay điều trị.
Hariom Raghav, một nông dân và doanh nhân trở về sau một lễ hỏa táng của làng, cho biết: “Không một ngày nào trôi qua mà không có người chết. Nếu mọi thứ tiếp tục như thế này, nơi đây sẽ sớm trở thành “ngôi làng ma”.
Câu chuyện đáng sợ về làng Banail lan khắp vùng quê Ấn Độ trong bối cảnh virus tiếp tục hoành hành, khiến số người chết gia tăng mỗi ngày. Các khu vực nông thôn, vốn chiếm 65% trong tổng dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ, từng được “miễn dịch” trong làn sóng bùng nổ đầu tiên. Tuy nhiên hiện nay, những nơi này đang phải đối mặt với làn sóng tấn công dữ dội khiến số bệnh nhân gia tăng chóng mặt.
Một quan chức y tế hồi đầu tuần này cho biết, 3/4 các địa phương ở Ấn Độ báo cáo tỷ lệ nhiễm bệnh hơn 10%, một dấu hiệu cho thấy mức độ lây lan nhanh chóng.
Với gần 25 triệu ca nhiễm, Ấn Độ hiện là tâm chấn đại dịch toàn cầu. Quốc gia Nam Á này đang ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong báo cáo mỗi ngày, tuy nhiên các chuyên gia còn cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều. Tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa B.1.617 vào danh sách biến thể “đáng lo ngại” và cho biết, các nghiên cứu ban đầu cho thấy nó rất dễ lây lan.
Hạ tầng chăm sóc sức khỏe yếu kém ở vùng nông thôn
Mối lo đặt ra là hệ thống cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe ở các vùng quê thật sự quá yếu, khó có thể chống đỡ trước sự tấn công của “cơn bão” Covid-19. Ở các vùng nông thôn của Ấn Độ, có rất ít bác sĩ chuyên khoa cần thiết. Mức độ nhận thức của người dân trong làng về việc phòng chống dịch bệnh thấp và việc triển khai vắc xin chậm chạp càng khiến cuộc chiến chống dịch thêm khó khăn.
Trung tâm của cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ là bang Uttar Pradesh – có 230 triệu người sinh sống, nhiều hơn cả dân số của Brazil. Đây lại là một trong những bang nghèo nhất và kém phát triển nhất Ấn Độ. Hồi tháng 4, các cuộc bầu cử địa phương đã diễn ra tại các vùng quê trên toàn tiểu bang, và các quan chức cho rằng chính nó đã dẫn đến làn sóng dịch bệnh gia tăng ở các vùng nông thôn.
Theo một tổ chức giáo viên, hơn 700 giáo viên tham gia bầu cử đã tử vong, trong đó hầu hết có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bang Bihar lân cận cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ở Siwan, Vishnu Shankar Tiwari, một công nhân 34 tuổi đã không thể tìm được nguồn oxy cho mẹ và bà đã chết trên đường đến bệnh viện.
“Trong 2 tuần qua, ít nhất 12 người quen của tôi đã chết. Hầu hết đều chết tại nhà hoặc trên đường đến bệnh viện, giống như mẹ tôi”, Tiwari nói.
Trong ngày 16/5, giới chức Ấn Độ cũng lần đầu thừa nhận thực tế đáng báo động về thi thể của các nạn nhân Covid-19 bị thả trôi sông Hằng linh thiêng ở khu vực Uttar Pradesh và bang lân cận. Các thi thể bị thả xuống sông được xác nhận là những người chết do tình trạng nghèo đói và dịch bệnh Covid-19 ở các vùng sâu vùng xa của Ấn Độ. Hình ảnh các thi thể trôi trên sông Hằng đã khiến người dân nước này bàng hoàng.
Nhật Bản viện trợ khẩn cấp không hoàn lại 22,5 triệu USD cho Ấn Độ, Myanmar
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu họp báo thường kỳ ngày 14/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết nước này đã quyết định cấp khoản viện trợ không hoàn lại 22,5 triệu USD cho Ấn Độ và Myanmar.
Hỏa táng người thân tử vong vì nhiễm COVID-19 bên bờ sông Hằng tại Garhmukteshwar, Ấn Độ, ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là khoản viện trợ khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp Ấn Độ đối phó với sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 và giúp Myanmar khắc phục tình trạng thiếu lương thực do tác động của tình trạng bất ổn chính trị. Trong tổng số tiền trên, Ấn Độ sẽ được nhận 18,5 triệu USD, còn Myanmar được nhận 4 triệu USD.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 5/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi khẳng định nước này sẵn sàng cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại tối đa lên đến 50 triệu USD để giúp Ấn Độ ứng phó với dịch bệnh.
Số tiền viện trợ cho Ấn Độ sẽ được chuyển một phần thành các máy trợ thở và máy tạo oxy. Cụ thể, Nhật Bản sẽ cung cấp ngay cho Ấn Độ 300 máy trợ thở thông qua Văn phòng các dịch vụ dự án của LHQ (UNOPS). Trong đợt tiếp theo, Nhật Bản sẽ cung cấp thêm 500 máy trợ thở và 500 máy tạo oxy cho Ấn Độ cũng qua văn phòng trên. Nhật Bản dự tính sẽ cấp khoảng 800 máy trợ thở và 800 máy tạo oxy cho Ấn Độ với hy vọng sẽ giúp quốc gia Nam Á này giảm bớt gánh nặng y tế để chống lại đại dịch COVID-19 đang hoành hành nghiêm trọng tại đây.
Trong khi đó, đối với Myanmar, Nhật Bản đã sẽ hỗ trợ lương thực chủ yếu cho thành phố Yangun, nơi người dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì mức sống tối thiểu. Dự kiến khoản viện trợ này sẽ được chuyển đến người dân Myanmar vào cuối tháng này thông qua Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).
Ấn Độ: Hơn 4.000 người chết trong một ngày, hàng loạt thi thể vùi trong cát Nhiều thi thể nghi mắc Covid-19 đã bị chôn vùi trong cát tại 2 khu vực dọc sông Hằng, trong bối cảnh Ấn Độ ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong trong một ngày. Người đàn ông chạm vào thi thể của người thân đã chết vì Covid-19 trước khi hỏa táng bên bờ sông Hằng ở Uttar Pradesh, Ấn Độ ngày 6/5...