Báo chí thế giới sửng sốt trước dòng người viếng Tướng Giáp
Mấy ngày nay, hàng ngàn người dân Việt Nam đã xếp hàng dài nhiều km chờ được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị anh hùng dân tộc được cả nước yêu mến và kính trọng, một tờ báo hàng đầu của Pháp đưa tin.
Dòng người kéo dài nhiều km kiên nhẫn chờ đợi được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng được người dân Việt Nam rất mực yêu mến và tôn thờ.
Theo tờ báo trên, dòng người dài dằng dặc mang theo những bó hoa màu vàng, đỏ và những thẻ hương đã xếp hàng đợi nhiều giờ liền để có cơ hội được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong căn biệt thự cổ nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người đến tỏ lòng kính trọng với người đã khuất như vậy sau sự ra đi của vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh năm 1969″, đại tá nghỉ hưu Nguyễn Văn Hiếu, 72 tuổi, đã nói như vậy.
“Đây là lần đầu tiên gia đình của một nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam mở cửa cho người dân vào viếng”, ông Hiếu nói thêm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được yêu mến và kính trọng thứ hai của đất nước Việt Nam, chỉ sau Bác Hồ. Ông là một nhà quân sự thiên tài – một vị tướng đã làm nên tên tuổi lừng lẫy khi đánh bại cả hai cường quốc Pháp và Mỹ.
Sự ra đi của vị anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp đã khiến nhân dân khắp cả nước tiếc thương, đau buồn. Tình cảm này đã được họ thể hiện tràn ngập trên các trang mạng xã hội, các website và cả qua việc mỗi ngày có hàng ngàn người xếp hàng dài vài km ngay trước cửa nơi ở riêng của Đại tướng để chờ mong cơ hội được viếng vị tướng mà họ rất mực kính trọng và tôn thờ này.
Nhiều người, cả già và trẻ, đều để suối lệ mặc nhiên tuôn trào khi đứng trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngôi nhà của ông.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp được hàng triệu triệu người dân Việt Nam kính yêu. Tất cả mọi người đều có thể học hỏi được từ ông bởi ông là một vị tướng có lòng yêu nước mãnh liệt và tinh thần thanh khiết, trong sạch”, một cựu chiến binh có tên là Lê An Thanh, 65 tuổi, cho biết.
Video đang HOT
“Tôi đến đây để tỏ lòng kính trọng với vị tướng mà tôi đã ngưỡng mộ bao lâu nay”, ông Thanh nói thêm.
Trong khi đó, ông Trương Quốc Định, một cựu chiến binh khác, nói: “Giây phút tôi nghe tin về bác, tôi vội vã đi mua một tờ báo. Tôi không thể tin nhưng sự thật là bác đã ra đi. Tôi đã chờ đợi thông tin về việc khi nào tôi có thể đến viếng vị tướng vĩ đại của chúng tôi”.
Dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cứ kéo dài mãi nhưng họ luôn giữ im lặng và xếp hàng một cách trật tự trên con đường dài rợp bóng hàng cây. Tất cả đều có chung một nỗi buồn sâu sắc, một niềm tiếc thương vô hạn đối với vị tướng vĩ đại nhưng rất mực bình dị của dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người từng là một giáo viên lịch sử, là người đã sáng lập ra Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thi hài của ông sẽ được mai táng tại quê hương ông ở tỉnh Quảng Bình theo nguyện vọng của gia đình. Lễ quốc tang dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình trung ương. Cả nước sẽ treo cờ rủ để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ ngày 11 đến 13/10.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Tướng Giáp - thiên tài quân sự khiến phương Tây phải cúi mình
Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã khiến truyền thông thế giới không khỏi tiếc thương với sự kính trọng cao nhất. Trong đó hãng thông tấn Pháp AFP khẳng định Tướng Giáp chính là "thiên tài quân sự, người khiến phương Tây cúi mình".
Ngay trong phần đầu bài viết, tác giả Catherine Barton đã khẳng định: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người qua đời ngày thứ Sáu 4/10, được xem như một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử và là kiến trúc sư của những chiến thắng gây chấn động trên chiến trường của Việt Nam trước Pháp và Mỹ".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Đứng thứ hai chỉ sau cố lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh với tư cách nhân vật được tôn kính nhất tại Việt Nam thời hiện đại, bài học về quân sự đầu tiên của cựu giáo viên lịch sử đến từ một bài viết trong bách khoa thư cũ về cơ chế hoạt động của lựu đạn cầm tay", bài báo viết tiếp.
Tác giả còn không khỏi thán phục khi biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, con trai của một học giả nghèo, từ những bài học đầu tiên đó đã trưởng thành để "đánh bại những ông chủ thuộc địa của Việt Nam vào năm 1954 tại Điện Biên Phủ, trận chiến đã chấm dứt sự cai trị của người Pháp ở Đông Dương".
Gọi Đại tướng Giáp là "người cha sáng lập của Quân đội nhân dân Việt Nam", bài viết khẳng định chiến thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp đã "truyền cảm hứng cho phong trào chống thuộc địa khắp thế giới", và ông một lần nữa "đã lãnh đạo các đội quân tới chiến thắng với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975".
"Khi tôi còn nhỏ, tôi đã có một giấc mơ rằng một ngày tôi sẽ thấy đất nước mình tự do và thông nhất", Tướng Giáp hồi tưởng trong một buổi phỏng vấn với kênh PBS của Mỹ. "Hôm nay giấc mơ của tôi đã thành hiện thực".
"Tài năng của tướng Giáp với tư cách một nhà chiến lược đã đưa ông lên ngang hàng với những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại như Công tước Wellington, Ulysses S. Grant và tướng Douglas MacArthur", bài viết dẫn nhận định của nhà báo Mỹ Stanley Karnow.
Nhưng tác giả còn tỏ ra khâm phục hơn nữa khi khẳng định: "Nhưng không giống như họ, ông có được những thành công của mình nhờ thiên tài bẩm sinh hơn là thông qua đào tạo bài bản".
Từ lớp học tới chiến trường
Điểm lại chặng đường trước khi đến với binh nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả cho biết đại tướng sinh ngày 25/8/1911 tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam.
Thông thạo tiếng Pháp, ông đã học kinh tế chính trị tại Hà Nội trước khi dạy lịch sử và văn học và làm việc với tư cách một phóng viên.
Trở thành thành viên của Đảng cộng sản Đông Dương, năm 1939 ông đã sang Trung Quốc, nơi ông gặp gỡ Hồ Chí Minh, người đã vạch đường về một cuộc cách mạng trong suốt hàng thập niên lưu đày.
"Vợ của Tướng Giáp, người ở lại quê nhà khi đó với đứa con mới sinh, đã hi sinh trong một nhà tù của Pháp. Sự kiện này đã thôi thúc nhiệt huyết chống thuộc địa của Tướng Giáp", tác giả nhận định.
Năm 1941, ông trở về Việt Nam cùng với Hồ Chí Minh tại vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam để huấn luyện các chiến sỹ nông dân cách mạng và đồng sáng lập ra Việt Minh.
"Chiến thuật quân sự du kích của Tướng Giáp - vốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc được ủng hộ bởi nhân dân và giá trị của những đợt tấn công và rút lui chớp nhoáng, cũng như tinh thần sẵn sàng chiến đấu trường kỳ - đã đánh bại cả quân đội Pháp và Mỹ", bài viết nhấn mạnh.
Tác giả cũng trích dẫn một nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuốn hồi ký rằng: "Chiến tranh du kích là chiến tranh của khối quần chúng đông đảo, đứng lên chống lại một đội quân hiếu chiến hùng mạnh được đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ. Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi ngôi làng là một pháo đài".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập ra chính phủ Việt Nam đầu tiên ngày 2/9/1945 và Tướng Giáp trở thành Bộ trưởng nội vụ, tư lệnh quân đội và sau đó là Bộ trưởng quốc phòng.
Nhưng nhà cách mạng này đã bị buộc phải rút lui vào rừng khi quân đội pháp tái áp đặt sự cai trị thuộc địa sau Thế chiến II, mở màn cho cuộc chiến kéo dài 9 năm, kết thúc tại Điện Biên Phủ.
"Đó là thất bại lớn đầu tiên của phương Tây", bài báo trích lời Đại tướng phát biểu sau cuộc chiến. "Nó đã làm lung lay nền móng của chủ nghĩa thuộc địa và kêu gọi mọi người chiến đấu vì độc lập - đó là sự khởi đầu của sự khai hóa quốc tế".
Nhấn mạnh vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách tư lệnh quân đội trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tác giả khẳng định việc chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 đã khiến danh tiếng của Tướng Giáp trên trường quốc tế "gần chạm mức thần thoại".
Ông được xem như nhà chiến lược bậc thầy và đã cổ vũ cho các phong trào giành độc lập khắp mọi nơi. Để minh chứng cho điều này, tác giả đã dẫn lại lời của Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki năm 2007 khẳng định: "Khi chúng tôi trưởng thành trong cuộc chiến của mình, Tướng Giáp là một trong những anh hùng dân tộc của chúng tôi".
Sau chiến tranh và kể cả khi đã rời xa chính trường năm 1991, "vị thế của Tướng Giáp với tư cách anh hùng quân đội vĩ đại nhất Việt Nam đương thời" khiến tiếng nói của ông vẫn rất được chú ý.
Theo Dantri
Philippines, Trung Quốc khẩu chiến gay gắt tại hội nghị ASEAN Tại diễn đàn an ninh khu vực diễn ra tuần vừa rồi, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã phải nghe người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị liệt kê một danh sách những cáo buộc về việc Philippines gây căng thẳng ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines tại hội nghị ASEAN. Ông Rosario ban đầu không định lên tiếng nhưng sau khi...