Báo cáo tài chính nhà nước: Thông tin tin cậy về nền tài chính quốc gia
Năm 2019 là năm đầu tiên KBNN triển khai lập BCTCNN toàn quốc và sẽ trình Quốc hội vào tháng 5/2020. Ông có thể cho biết KBNN đã chuẩn bị những gì để triển khai lập BCTCNN?
Thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước và theo quy định của Luật Kế toán năm 2015, Nghị định 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ, năm 2019 là năm đầu tiên KBNN thực hiện BCTCNN cho năm tài chính 2018. Toàn bộ hệ thống KBNN đã tập trung cao độ vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ này.
Ông Tạ Anh Tuấn.
Về xây dựng các văn bản pháp lý, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho việc lập BCTCNN đã được Bộ Tài chính bắt tay triển khai từ khi phê duyệt Đề án Tổng kế toán Nhà nước và đến năm 2018 đã cơ bản hoàn thành. Riêng trong năm 2019, KBNN đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành các công văn hướng dẫn chi tiết về BCTCNN cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Cụ thể: Các văn bản hướng dẫn đơn vị dự toán cấp 1 ở địa phương, ở trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị đặc thù như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống KBNN về việc triển khai lập BCTCNN năm 2018, giải đáp một số vướng mắc trong quá trình lập BCTCNN và hướng dẫn lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2018.
Về hệ thống thông tin, từ năm 2018, các đơn vị thuộc KBNN đã tích cực xây dựng hệ thống thông tin, đặc biệt là xây dựng quy trình nghiệp vụ tiếp cận báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị. KBNN cũng phối hợp thực hiện kiểm thử người sử dụng, thí điểm các chức năng của hệ thống. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị cung cấp thông tin và các đơn vị KBNN triển khai sử dụng hệ thống.
Với những nỗ lực của các đơn vị thuộc cơ quan KBNN, từ ngày 10/6/2019, hệ thống KBNN đã chính thức vận hành chức năng tiếp nhận thông tin tài chính trên cổng của Hệ thống Tổng Kế toán. Sau đó, đến ngày 22/7/2019 chính thức vận hành chức năng xử lý nghiệp vụ, tổng hợp BCTCNN.
Là một nhiệm vụ mới, đâu là khó khăn và thuận lợi của KBNN khi thực hiện BCTCNN, thưa ông?
Tổng Kế toán Nhà nước là chức năng mới của hệ thống KBNN. Vì vậy, công tác lập BCTCNN sẽ có thuận lợi, đi kèm với đó là nhiều khó khăn.
Về thuận lợi, trong quá trình thực hiện, KBNN đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là điều kiện thuận lợi để KBNN có thể hoàn thành đúng kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tổng hợp, lập BCTCNN trên toàn hệ thống KBNN từ Trung ương (Cục Kế toán nhà nước) đến địa phương (Phòng Kế toán nhà nước) đều thể hiện sự quyết tâm, tìm tòi nghiên cứu, trao đổi thông tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, việc triển khai lập BCTCNN đầu tiên của KBNN cũng như tại Việt Nam trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn. Do là năm đầu tiên nên đối với cả hệ thống KBNN và các đơn vị bên ngoài đều chưa có kinh nghiệm và hiểu biết sâu về công tác lập BCTCNN. Số liệu thông tin tài chính cũng chưa hoàn toàn đầy đủ, chính xác. Ví dụ như về tài sản công, đặc biệt là tài sản kết cấu hạ tầng chưa đầy đủ, việc theo dõi phân biệt giao dịch trong khối nhà nước cũng chưa được triệt để…
Video đang HOT
Hơn nữa, thời gian chuẩn bị để triển khai không dài, trong khi phải đồng thời xây dựng cơ chế, quy trình, xây dựng hệ thống thông tin, hướng dẫn đào tạo, tập huấn, đôn đốc tổng hợp, lập BCTCNN không nhiều. Các công việc cũng phải thực hiện gối đầu để đảm bảo phù hợp với tiến độ quy định trong Luật, Nghị định.
Ông có kì vọng gì về vai trò của BCTCNN đầu tiên của Việt Nam?
BCTCNN tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. BCTCNN phản ánh thông tin về tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước (ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước). Đồng thời nó cũng phản ánh tình hình lưu chuyển tiền tệ bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra từ các hoạt động chủ yếu, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của Nhà nước.
Việc lập và công khai BCTCNN giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của nền tài chính quốc gia, phù hợp với các thông lệ và xu thế hội nhập quốc tế. BCTCNN có ý nghĩa quan trọng trong quản lý kinh tế, tài chính của quốc gia, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng sử dụng. Với mỗi đối tượng này lại có góc nhìn khác nhau về thông tin trên báo cáo tài chính nhà nước để đưa ra những quyết sách phù hợp với yêu cầu của mình.
Cụ thể, với các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, BCTCNN là một trong những công cụ phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hiện trạng và quản lý toàn bộ các nguồn lực, nghĩa vụ và tình hình sử dụng các nguồn lực của Nhà nước (tài sản công, nợ công, thu nhập, chi phí…). Từ đó đưa ra những phương hướng, giải pháp và các quyết sách phù hợp, đảm bảo các tài sản và nguồn lực của nhà nước được đầu tư, phân bổ và sử dụng một cách hợp lý, cân đối và hiệu quả nhất đối với mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Không những vậy còn giúp quản lý chặt chẽ việc vay nợ, duy trì tính ổn định và bền vững của nhà nước.
Còn đối với người dân, BCTCNN giúp người dân thấy được nghĩa vụ đóng góp của mình đối với Nhà nước thông qua nghĩa vụ nộp thuế; giám sát, đánh giá tính hiệu quả của Nhà nước trong việc sử dụng tiền thuế để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của người dân. Đồng thời , kiểm tra giám sát hoạt động kinh tế – tài chính khác của Nhà nước, đặc biệt là các khoản thu nhập (ngoài các khoản thu từ thuế), chi phí của Nhà nước, nợ công và việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ, BCTCNN là thước đo tin cậy để tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức xếp hạng đánh giá năng lực, sự tín nhiệm đối với nền tài chính quốc gia. Đây là một trong các yếu tố cơ bản giúp cho các nhà đầu tư, các nhà tài trợ trong việc ra quyết định đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương nói riêng cũng như cho cả nền kinh tế nói chung.
Xin cảm ơn ông!
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Bộ Tài chính: Người dân có cơ hội giám sát
BCTCNN là một bước tiến mới trong quản lý, điều hành của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cần một ngân sách nhà nước trong sạch để bảo đảm nền kinh tế vận hành hiệu quả, tránh đưa nền kinh tế vào khủng hoảng trả nợ, gây lạm phát vì chi tiêu bừa bãi, từ đó đẩy lãi suất cao làm đình đốn kinh tế. Do đó, cần hiểu rõ nguồn thu, tình hình chi tiêu và nợ nần của Nhà nước. Điều này đòi hỏi minh bạch chi tiết và yêu cầu theo đúng chuẩn mực kế toán tài chính đã được các cơ quan quốc tế ban hành.
Không những vậy, khi thông tin về tài sản, tiền tệ Nhà nước được công khai thì người dân sẽ chú ý hơn. Khi đó, thủ trưởng các cơ quan sử dụng ngân sách sẽ phải dè chừng, không dám sử dụng ngân sách tùy tiện. Thay vào đó, họ phải quản lý chặt chẽ hơn và như vậy sẽ có tác dụng giảm thất thoát, tham nhũng.
Với BCTCNN, Nhà nước sẽ có thêm công cụ để quản lý, người dân có thêm cơ hội để giám sát và biết sự thật về tài chính quốc gia. Đồng thời, công khai BCTC của từng địa phương còn là cơ sở để đánh giá chỉ số cạnh tranh của từng địa phương, đảm bảo minh bạch và công khai.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc Nhà nước công khai BCTC là một nhu cầu thực tế không chỉ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước mà còn với cả các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Nếu những thông tin đó được cung cấp đầy đủ, tin cậy thì việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời, Nhà nước sẽ được vay nợ trong những điều kiện thuận lợi như thời hạn, lãi suất, số tiền vay…
ThS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Kinh tế và Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem): Cơ sở nâng hạng minh bạch
BCTCNN sẽ giúp các nhà đầu tư quốc tế định vị tốt hơn tiềm năng của thị trường kinh doanh tại Việt Nam. Với những thông tin chính thống, các nhà đầu tư có thể nắm được nguồn vốn của Nhà nước đang phân bổ tập trung vào lĩnh vực nào, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Thông tin càng minh bạch, độ rủi ro cho các nhà đầu tư càng ít. Với nước ta, đây sẽ là cơ sở để nâng hạng mức độ minh bạch trong đánh giá về chỉ số cạnh tranh.
Thùy Linh (thực hiện)
Theo haiquanonline.vn
Năm 2019, NHNN đưa ra thị trường 500.000 tỷ đồng
Sáng ngày 2-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020. Đến dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Toàn cảnh hội nghị ngành ngân hàng sáng ngày 2-1
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, năm 2019, ngành ngân hàng có kết quả kinh doanh thuận lợi là nhờ Chính phủ kiên định, nhất quán trong việc hoạch định thực thi chính sách vĩ mô và chủ động, linh hoạt điều hành sát với thực tế, thích ứng với diễn biến của thế giới. Do vậy, kinh tế vĩ mô đã được giữ ổn định, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng kinh tế cao như vừa qua.
"Đây là vấn đề then chốt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Nhờ đó, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vào việc hoạch định, thực thi chính sách ngày càng tăng", Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Về điều hành chính sách tiền tệ, theo ông Lê Minh Hưng, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt và kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Năm 2019, NHNN đã đưa xấp xỉ 500.000 tỷ đồng vào nền kinh tế và tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay là hơn 1 triệu tỷ đồng, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát (trong đó, lạm phát cơ bản tăng khoảng 1,4-2%).
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức hợp lý. Tính đến hết năm 2019, tín dụng tăng xấp xỉ 14%, tương ứng cung ứng 8,2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Quy mô vốn cung ứng lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng, thể hiện qua việc: giai đoạn năm 2001-2010 tín dụng tăng 30% nhưng tăng trưởng GDP bình quân 6,82% (gấp 4,4 lần so với GDP), riêng năm 2007 tín dụng tăng trưởng 5,3 lần so với tăng trưởng GDP...
Riêng năm 2018-2019, tăng trưởng tín dụng tăng chưa đến 2 lần so với tăng trưởng GDP. Điều đó chứng tỏ hiệu quả tín dụng được tăng cường và góp phần giúp tăng trưởng GDP tăng cao đi kèm với chất lượng.
Về lãi suất, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo, do đó, áp lực lên nguồn vốn thường xuyên cao nhưng NHNN vẫn điều hành, kiểm soát ổn định lãi suất, khi điều kiện thị trường cho phép thì giảm. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm còn 6%, từ đó góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN đã điều hành linh hoạt, ổn định, phù hợp với thị trường, chính sách vĩ mô của Chính phủ và đã tăng dự trữ ngoại hối kỷ lục. Cho đến nay, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 80 tỷ USD, tạo tấm đệm lớn cho tài chính quốc gia, củng cố niềm tin của nhà đầu tư về năng lực thực tế của Chính phủ và NHNN.
Về nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, ước cuối năm 2019 là 4,59%, thấp hơn tỷ lệ 10,08% khi báo cáo Chính phủ đầu nhiệm kỳ. "Năm tới sẽ quyết tâm đưa nợ xấu về dưới 3%", ông Hưng nói.
Theo tính toán của NHNN, từ 15-8-2017 đến cuối tháng 12-2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 305.700 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng), tính trung bình, mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được khoảng 10.500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của NHNN, mục tiêu năm 2020 là tổng phương tiện thanh toán tăng 14%, tín dụng 13%.
HÀ MY
Theo sghp.com.vn
Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) đặt mục tiêu chia 30% cổ tức bằng tiền năm 2020 CTCP phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) cho biết, ngày 8/12 tới, Công ty sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2020. Tại đại hội, Hội đồng quản trị IDV sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm tới, với các chỉ tiêu cơ bản: 264 tỷ đồng doanh thu, 151,6 tỷ...