Bao cao su “vô hình” cho phụ nữ
Trong tương lai, sẽ có một loại gel mới được dùng làm bao cao su “vô hình” cho phụ nữ.
Nó có khả năng bắt giữ tinh dịch và các “bạn đồng hành” của nó như tinh trùng, các loại virus bao gồm cả virus HIV.
Các chiến dịch cổ động phòng tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn xem bao cao su là một trong những công cụ hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ hữu hiệu này lại vấp phải sự phản kháng của không ít mày râu vì họ không muốn có mặt “kẻ thứ ba” đôi khi khá rầy rà.
Lý do thì thiên hình vạn trạng: giảm khoái cảm, cảm thấy vướng víu, không tự nhiên hoặc đôi khi bị dị ứng… Hiện tượng từ chối “kẻ thứ ba” này thường gặp nhất ở các nước nghèo, lạc hậu, nơi tỉ lệ HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao.
Vậy có cách nào để bảo vệ được phụ nữ cũng như các thai nhi tránh khỏi những nguy cơ cho dù cánh mày râu từ chối dùng bao cao su? Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học tại Trường Đại học Utah và Feinberg (Hoa Kỳ) đã phát hiện một loại gel có những đặc tính ưu việt có thể sản xuất làm bao cao su “vô hình” cho phụ nữ, ngay cả khi “đối tác” của họ không muốn sử dụng bao cao su.
Các nhà khoa học trên đã dựa vào tính biến đổi của các liên kết đồng hóa trị giữa phenylboronate và salicylhydroxamate tùy theo độ pH để phát triển một loại gel mới. Gel này vẫn giữ được trạng thái thể lỏng khi tiếp xúc với môi trường acid bình thường của âm đạo, nhưng sẽ đông cứng lại khi gặp tinh dịch vốn có tính kiềm nhẹ.
Bất kỳ những vật thể nào có kích thước trên 50 na-nô-mét như tinh trùng, HIV và các virus khác gồm visrus herpes (gây loét âm đạo và có thể gây viêm não nặng nề ở trẻ sơ sinh) và virus gây u nhú (có khả năng gây ung thư cổ tử cung) đều bị gel này “tóm gọn”. Như vậy chất gel này có thể vừa có chức năng phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục lại vừa có khả năng ngừa thai.
Video đang HOT
Tuy nhiên, loại gel này hiện nay vẫn chưa được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Các nhà khoa học còn phải chờ từ ba đến năm năm nữa trước khi có những thử nghiệm như vậy. Trong khoảng thời gian đó, các nhà khoa học sẽ tìm cách tích hợp vào gel một loại thuốc kháng HIV để tiêu diệt virus nguy hiểm này trước khi chúng được rửa trôi khỏi âm đạo. Vì sao phải tốn một thời gian lâu như vậy mới có thể bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người?
Câu trả lời là: bất kỳ một loại dược phẩm mới, một phương pháp điều trị mới đều phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt với nhiều giai đoạn khác nhau trước khi có thể áp dụng trên người. Một lý do nữa có thể là trong quá khứ, những ý tưởng sử dụng các gel tiêu diệt HIV đã bị thất bại nặng nề. Một số gel thậm chí còn làm tăng nhanh tốc độ lây nhiễm do huy động đến “hiện trường” nhiều tế bào bạch cầu, mà những tế bào này lại dễ dàng bị virus tấn công và trở thành phương tiện phát tán virus trong cơ thể.
Dù sao, đây cũng là một phát minh cực kỳ quan trọng, mở đường cho những nghiên cứu trong tương lai nhằm phát triển một phương tiện ngừa thai và phòng bệnh hiệu quả, giúp phụ nữ tự chủ hơn và dễ được chấp nhận bởi các đức ông chồng khó tính.
PGS.TS. Patrick Kiser, tác giả của công trình nghiên cứu cho rằng loại gel này là “độc nhất vô nhị”
(nguồn: Đại học Utah)
TS. BS Lê Minh Khôi
(BV Đại học Y Dược TP.HCM)
TheoPhụ nữ
Vợ chồng mình chọn phương pháp tránh thai nào?
Càng nhiều phương pháp bảo vệ cho tình dục an toàn, các cặp đôi càng khó đưa ra quyết định lựa chọn biện pháp tránh thai vừa hiệu quả, lại thoải mái và thích hợp trong mỗi lần sử dụng.
Dưới đây là 7 câu hỏi giúp các bạn cân nhắc trước khi lựa chọn một biện pháp tránh thai thích hợp.
1. Mức độ thuận tiện của mỗi biện pháp tránh thai đến đâu?
Mỗi khi lựa chọn biện pháp tránh thai nào đó, bạn hãy cân nhắc mức độ thuận tiện khi dùng nó. Nếu cảm thấy khó khăn hoặc không thích hợp với một biện pháp nào đó dù với bất cứ lý do gì thì tốt hơn hết hãy thay bằng biện pháp khác.
Điều quan trọng nhất là hãy trung thực với cảm giác của chính mình trong sự lựa chọn này, hãy xem xét trước mỗi biện pháp tránh thai: Nó có gây dị ứng hay khó chịu cho bạn và bạn tình của bạn hay không, nhất là đối với những biện pháp cọ xát vào da thịt như đặt màng chắn và đặt vòng cho phụ nữ hay dùng condom cho nam giới.
2. Biện pháp đó có tránh được bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) hay không?
Condom (cho cả nam và nữ) là biện pháp tránh thai duy nhất có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm STDs, bao gồm cả HIV/AIDS.
Một quy tắc không thể quên với những ai có QHTD là: Chỉ khi bạn biết chắc chắn bạn tình của mình hoàn toàn chung thủy và không bị STDs thì bạn mới không phải lo bị lây nhiễm STDs từ anh/ cô ấy.
Còn nếu không, khả năng lây nhiễm STDs hoàn toàn vẫn có thể xảy ra với bạn. Để bảo vệ chính mình, ngoài biện pháp tránh thai đang dùng cả hai đang dùng, hãy dùng condom như một "vệ sĩ phòng the" hiệu quả nhất.
Một chú ý ở đây là: Không nên dùng cả hai loại condom cho nam giới và cho nữ giới cùng lúc, vì có thể sẽ có tác dụng ngược.
3. Mức độ sử dụng thuận tiện và dễ dàng sử dụng của các biện pháp tránh thai có quan trọng không?
Một số biện pháp tránh thai khi sử dụng rất tiện lợi, ngược lại, một số biện pháp khác lại dễ sử dụng hơn. Ví dụ như miếng dán tránh thai thì chỉ cần thay một tuần 1 lần, thuận tiện hơn là đặt màng ngăn âm đạo phải đặt bên trong trước khi quan hệ.
Mỗi biện pháp tránh thai sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, có thể thích hợp với người này nhưng trở ngại với người khác. Vì vậy, bạn nên đánh giá một cách trung thực các yếu tố này để chọn ra biện pháp phù hợp cho mình.
4. Tránh thai có ảnh hưởng việc có con sau này không?
Trước hết, bạn hãy xác định sẽ dùng biện pháp tránh thai tạm thời hay lâu dài, bạn muốn có khi nào sẽ có con.
Nếu chưa chắc chắn về tương lai, tốt hơn bạn nên lựa chọn biện pháp tránh thai tạm thời. Với những biện pháp này, bạn cần hiểu một điều là khi ngưng sử dụng biện pháp này, có thể bạn sẽ nhanh chóng có bầu.
Ngoài ra, nếu còn trẻ mà đã lựa chọn biện pháp tránh thai về lâu dài khi chưa có con cái, có thể rồi bạn sẽ thấy hối hận vì lựa chọn này.
5. Hiệu quả của các biện pháp tránh thai đến đâu?
Mức độ hiệu quả của các biện pháp tránh thai không giống nhau, và không có biện pháp nào có tác dụng tránh thai 100%, trừ khi bạn không làm "chuyện ấy".
Nói chung, các biện pháp tránh thai về lâu dài hoặc những biện pháp dựa trên hormone thường đáng tin cậy và hiệu quả hơn hẳn.
6. Yếu tố sức khỏe có cản trở gì trong lựa chọn biện pháp tránh thai hay không?
Một vài biện pháp tránh thai sẽ là sự lựa chọn không an toàn cho bạn nếu bạn có vấn đề về sức khỏe. Yếu tố sức khỏe còn liên quan đến việc liệu bạn có dễ dàng có liên đới tới các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không.
Vì vậy, để lựa chọn được biện pháp vừa an toàn lại hiệu quả, cách tốt nhất là bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi đi đến quyết định chọn lựa của mình.
7. Có biện pháp tránh thai nào có tác dụng khác ngoài tránh thai không?
Tác dụng chính của biện pháp tránh thai là ngừa thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, một số biện pháp tránh thai còn có tác dụng khác nữa. Ví dụ như:
- Thuốc tránh thai: Ngoài tác dụng tránh thai, các loại thuốc tránh thai còn có tác dụng giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư tử cung và có thể làm giảm các triệu chứng tiền nguyệt san.
- Bao cao su: Các loại bao cao su làm từ nhựa mủ cao su vừa có tác dụng tránh thai vừa có tác dụng tránh các STDs.
Thu Hương (Theo Contraception)
Bao cao su nào phù hợp với bạn nhất? Bạn có thể dễ dàng mua bao cao su ở các hiệu thuốc tuy nhiên những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn mua được bao cao su phù hợp, ưng ý nhất. Chọn chất liệu bao cao su Bao cao su được sản xuất từ hai nguyên liệu là latex (mủ cao su) và polyurethane (loại nhựa tổng hợp). Mủ cao su...