Báo cáo Mueller : Văn hóa dối trá của Nhà Trắng thời TT Trump
Mặc dù vẫn chưa phải là bản báo cáo đầy đủ, nhưng những thông tin từ báo cáo Mueller được Bộ Tư pháp công bố cho thấy hình ảnh lừa dối của Nhà Trắng dưới thời ông Trump.
Một ngày tháng 5/2017, khi ông Trump đang gặp gỡ các cố vấn trong Phòng Bầu dục để thảo luận về người thay thế cho giám đốc FBI vừa bị sa thải, điện thoại của Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là Jeff Sessions bất ngờ đổ chuông.
Ông Sessions ra ngoài nghe điện thoại và sau đó trở lại để báo tin xấu với tổng thống : Robert Mueller đã được bổ nhiệm vào vị trí công tố viên đặc biệt để điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và xem xét liệu ông Trump có cản trở vụ điều tra trước đó của FBI hay không.
Tổng thống Mỹ sững sờ. “Ôi. Chúa Ơi. Điều này thật kinh khủng. Đây là dấu chấm hết cho nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Chết tôi rồi”, ông Trump đã nói những lời như vậy.
Cuối cùng thì đó chưa phải dấu chấm hết cho nhiệm kỳ tổng thống ông Trump, nhưng lại là thứ liên tục chi phối phần còn lại của nhiệm kỳ. Dù cuộc điều tra kéo dài 2 năm kết thúc mà không có cáo buộc nào được đưa ra với tổng thống Mỹ, báo cáo Mueller đã vẽ bức chân dung xấu xí của Nhà Trắng, nơi người đứng đầu nỗ lực trong tuyệt vọng để cản trở cuộc điều tra, và những cố vấn cũng tuyệt vọng không kém để ngăn cản ông Trump làm điều đó.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 18/4. Ảnh: AP.
Nhà Trắng trong báo cáo Mueller là nơi đầy rẫy xung đột, định hình bởi văn hóa thiếu trung thực khi tổng thống lừa dối công chúng và lừa dối chính những cấp dưới của mình, sau đó còn ép buộc các phụ tá phải nói dối giúp mình. Ông Trump liên tục đe dọa sai thải những ai dám làm trái ý, trong khi những người này đe dọa thà từ chức còn hơn là vượt qua giới hạn luật pháp.
Có những thời điểm, tổng thống Mỹ làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi bộc lộ sự giận dữ và thù hằn khiến cho các phụ tá quay lưng làm nhân chứng chống lại ông. Bản báo cáo cho rằng một phần ông Trump không bị kết tội cản trở công lý là vì các phụ tá nhìn thấy trước nguy hiểm, ngăn ông Trump làm theo bản năng. Các ghi chép, thư điện tử, tin nhắn và những cuộc phỏng vấn trong báo cáo cho thấy hình ảnh một Nhà Trắng lúc nào cũng hết sức căng thẳng.
Báo cáo có đoạn, Chánh văn phòng Reince Priebus (đã từ chức) cho rằng việc tổng thống chỉ trích bộ trưởng Tư pháp có thể coi là hành động “kề dao vào cổ Bộ Tư pháp”. Trong khi đó, luật sư Nhà Trắng Donald McGahn thì phàn nàn với ông Priebus rằng tổng thống đang muốn mình làm “những chuyện điên rồ”. Đáp lại, ông Trump gọi ông McGahn là “thằng khốn dối trá”.
“Chúng tôi sẽ lo cho ông”
Ngay từ những ngày đầu tiên, ông Trump và các nhân viên đã vật lộn để che giấu mối đe dọa từ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và những nghi ngờ về mối liên hệ từ đội ngũ tranh cử với Moscow.
Chỉ vài tuần sau khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn, người đã nói dối trước FBI về các cuộc trò chuyện với Nga. Ông Trump đã ôm chầm lấy ông Flynn và nói: “Chúng tôi sẽ tiến cử ông. Ông là một người tốt. Chúng tôi sẽ lo cho ông”.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn bước ra sau phiên tòa xem xét tội danh diễn ra vào tháng 7/2018. Ảnh: AP.
Ông Trump và con rể Jared Kushner đã nhầm khi cho rằng sa thải cố vấn Flynn sẽ khiến FBI hủy bỏ cuộc điều tra đang được dẫn dắt bởi Giám đốc James Comey. Trong bữa trưa với Thống đốc New Jersey khi đó là Chris Christie, tổng thống yêu cầu ông Christie gọi điện cho người bạn Comey và nói: “Bảo với ông ấy rằng ông ấy là một phần của đội”.
Ông Christie cho rằng yêu cầu của tổng thống là “vô lý” và không làm theo.
Các cố vấn khác sợ rằng ông Trump đã không nói ra sự thật với công chúng. Sau cuộc họp báo trong đó ông phủ nhận có quan hệ làm ăn ở Nga, luật sư riêng Cohen, người từng lên kế hoạch xây dựng một tòa tháp Trump ở Moscow, đã bày tỏ quan ngại về điều đó. Tổng thống nói rằng vì dự án chưa được ký kết, nên không cần phải đề cập.
“Ông bỏ tôi lại trên hòn đảo”
Khi cuộc điều tra ngày càng trở nên áp lực, ông Trump muốn chắc chắn ông Sessions ở lại đứng đầu Bộ Tư pháp. Tổng thống yêu cầu luật sư Nhà Trắng McGahn nói với ông Sessions rằng không được rút khỏi các cuộc điều tra (ông Sessions rút khỏi các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ do có xung đột lợi ích vì từng tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump). Mặc dù McGahn đã gọi điện cho Sessions ba lần, nhưng bộ trưởng Tư pháp vẫn đưa ra quyết định đó.
Video đang HOT
Tổng thống vô cùng giận dữ. Trump gọi McGahn vào Phòng Bầu dục ngay hôm sau. “Tôi không có một luật sư nào cả”, ông Trump nói và ước rằng mình vẫn còn có sự phục vụ của Roy Cohn, luật sư từng làm việc cho mình ở New York. Ông Trump cũng ghen tị với các tổng thống trước đó khi cho rằng họ có một bộ trưởng Tư pháp trung thành, với trường hợp của Robert Kennedy với JFK hay Eric Holder với Obama.
Tổng thống hét vào mặt McGahn, cho rằng Sessions là người yếu đuối. Steve Bannon, chiến lược gia của ông Trump khi đó, nói rằng tổng thống chưa bao giờ giận dữ như vậy.
Ông Trump đã hỏi Đô đốc Michael Rogers, giám đốc cơ quan an ninh quốc gia (NSA), xem người này có thể làm gì để hạn chế những tin tức về cuộc điều tra. Phó giám đốc NSA Richard Ledgett, người có mặt trong cuộc điện đàm ngày hôm đó cho rằng đó là trải nghiệm kỳ lạ nhất sau 40 năm làm việc trong chính phủ.
Ông Trump cũng nhắc tới cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ nhiều lần khi nói chuyện với các giám đốc tình báo. Từng có thời điểm, ông Trump gợi ý với Đô đốc Rogers rằng “Cái thứ Nga đó phải biến mất”, tuy nhiên người đứng đầu NSA cho biết ông không cảm thấy áp lực phải thực hiện một hành động cụ thể.
Tổng thống ngày càng tập trung vào ông Comey, người làm ông rất khó chịu lúc đó. Trong buổi điều trần tại điện Capitol hôm 3/5/2017, giám đốc FBI từ chối tiết lộ ông Trump có đang bị điều tra hay không.
Bản báo cáo Mueller được Bộ Tư pháp công bố cho thấy cựu Bộ trưởng Jeff Sessions đã có những ngày làm việc vô cùng căng thẳng trong chính quyền Trump. Ảnh: New Yorker.
Vô cùng giận giữ, ông Trump trút cơn thịnh nộ lên Bộ trưởng Sessions: “Điều này tệ quá Jeff. Tất cả là bởi vì ông rút lui. Ông bỏ tôi lại trên hòn đảo. Tôi chẳng thể làm gì được cả”.
Ông Sessions cho biết mình không có lựa chọn nào khác, nhưng gợi ý cho ông Trump về một khởi đầu mới ở FBI, và rằng tổng thống cần cân nhắc thay thế James Comey.
Tổng thống đã xác định được mục tiêu, và quyết tâm loại bỏ giám đốc FBI.
Cố vấn Steve Bannon kể lại ông Trump đã gặp James Comey ít nhất là 8 lần trong ngày 3/5 và 4/5. Tổng thống chia sẻ: “Ông ấy (Comey) nói với tôi 3 lần rằng tôi đang không bị điều tra”. Trump cũng nói thêm rằng: “Ông ấy (Comey) là người đang diễn trò. Ông ấy muốn có sự chú ý. Tôi chẳng quen người Nga nào cả. Làm gì có thông đồng”.
Bannon khuyên ông Trump không nên sa thải giám đốc FBI vì “thuyền đã rời bến rồi”, và việc sa thải Comey sẽ không ngăn cản cuộc điều tra được đâu.
“Khởi đầu của sự kết thúc?”
Ông Trump bỏ ngoài tai những lời khuyên và ra quyết định sa thải Comey vào ngày 9/5, biện minh cho hành động này bằng việc cáo buộc ông Comey đã làm không tốt trong cuộc điều tra vụ bê bối email của bà Clinton năm 2016. Cả McGahn và Priebus đều phản đối quyết định này, nhưng ông Trump khẳng định trong lá thư sa thải giảm đốc FBI rằng Comey đã nói với ông ba lần về việc ông đang không bị điều tra.
Các phụ tá đều hết sức quan ngại. “Đây có phải là khởi đầu của sự kết thúc không?”, bà Annie Donaldson, trợ lý số một của ông McGahn, đã viết vậy trong sổ ghi chép.
Thư ký báo chí Sarah Sanders (khi đó còn là cấp phó), nói với các phóng viên rằng Nhà Trắng đã nói chuyện với “vô số thành viên của FBI”, những người ủng hộ quyết định sa thải Comey – nhưng sau đó thú nhận với các điều tra viên rằng đó là lời nói dối. Bà Sanders cho biết mình đã “bị lỡ mồm” trong “khoảnh khắc nóng vội” .
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đang phải chịu rất nhiều sức ép sau khi báo cáo Mueller cho thấy bà đã nói dối các phóng viên và công chúng Mỹ về vụ sa thải Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Getty.
Sau khi ông Comey bị sa thải, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đã chỉ định cựu giám đốc FBI Robert Mueller tiếp quản vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Lo sợ rằng điều này có thể dẫn tới dấu chấm hết cho nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump một lần nữa lại trút giận lên Bộ trưởng Sessions.
“Làm sao ông có thể để điều này xảy ra hả Jeff? Lẽ ra ông phải bảo vệ tôi”, ông Trump nói.
“Tất cả mọi người nói với tôi rằng nếu một trong những công tố viên độc lập vào cuộc, điều đó sẽ hủy hoại nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Cuộc điều tra sẽ mất hàng năm trời, và tôi sẽ không thể làm gì cả. Đây là điều tệ nhất từng xảy đến với tôi”.
Ông Trump yêu cầu bộ trưởng Tư pháp từ chức và ông Sessions đồng ý. Ngày hôm sau ông Sessions đi tới Phòng Bầu dục và đưa lá đơn từ chức cho tổng thống.
Trump bỏ bức thư vào túi và hỏi lại xem ông Sessions có muốn tiếp tục làm việc hay không. Cuối cùng khi ông Sessions đồng ý, ông Trump nói rằng mình muốn ông Sessions ở lại. Hai người bắt tay, nhưng ông Trump vẫn giữ lá thư.
Khi biết đến sự tồn tại của lá thư, Chánh văn phòng Priebus và cố vấn Bannon lo ngại rằng nếu giữ nó, tổng thống có thể gây ảnh hưởng một cách không phù hợp với ông Sessions. Ông Priebus cho rằng bức thư sẽ được sử dụng như một chiếc vòng kim cô để kiểm soát bộ trưởng Tư pháp.
Phải 4 này sau đó, ông Trump mới trao trả bức thư cho Bộ trưởng Sessions, với lời nhắn: “Không chấp nhận”.
Tuy nhiên tổng thống vẫn không từ bỏ mong muốn kiểm soát cuộc điều tra, gọi điện tới nhà ông Sessions, hỏi xem liệu ông có thể quay trở lại cuộc điều tra để lái Bộ Tư pháp chuyển hướng sang xử lý bà Clinton. Ông Sessions từ chối.
“Mueller cần phải ra đi”
Nếu ông Sessions không thể kiểm soát ông Mueller theo ý Trump, tổng thống sẽ đi tìm ai đó có thể làm việc này. Ngày 17/6, ông Trump gọi điện cho McGahn từ Trại David, yêu cầu McGahn bảo Thứ trưởng Rosenstein sa thải ông Mueller, do có xung đột lợi ích.
Trong cuộc hội thoại dài 23 phút, Trump nói rằng: “Ông phải làm điều này. Ông phải gọi cho Rod (Rosenstein)”. McGahn và những cố vấn khác cho rằng vấn đề xung đột lợi ích là vớ vẩn và không có thật.
Tổng thống sau đó gọi lại lần nữa: “Mueller cần phải ra đi. Gọi lại cho tôi sau khi ông làm xong điều đó”.
Luật sư Nhà Trắng Donald McGahn từng chuẩn bị sẵn lá đơn từ chức trước những đòi hỏi không hợp lý của Tổng thống Trump. Ảnh: AP.
Ông McGahn, chia sẻ rằng đại ý mình muốn là một người ngay thẳng chứ không phải một người răm rắp nghe theo lời tổng thống, lái xe đến văn phòng thu dọn đồ đạc và nộp đơn từ chức. Khi McGahn nói với Priebus và Bannon về vấn đề này, họ ngăn cản khiến ông rút lại quyết định.
Không suy chuyển, ông Trump gọi cựu quản lý chiến dịch tranh cử của mình là Corey Lewandowski, nhờ Lewandowski gửi một lời nhắn tới Bộ trưởng Sessions. Tin nhắn này yêu cầu ông Sessions đứng ra phát biểu trước công chúng và nói rằng ông Trump đang bị cuộc điều tra “đối xử rất không công bằng”.
Lewandowski cuối cùng đã không thể gặp Bộ trưởng Sessions để gửi lời nhắn đó. Ông Trump cũng thẳng thừng chỉ trích bộ trưởng Tư pháp trong cuộc phỏng vấn với New York Times. Ông Sessions cũng nhận thức được vị trí chênh vênh của mình và luôn mang theo lá thư từ chức trong túi khi làm việc ở Nhà Trắng.
“Tôi sẽ phải loại bỏ ông ấy”
Ông Trump tiếp tục gây sức ép, buộc bộ trưởng tư pháp lấy lại quyền kiểm soát với cuộc điều tra. Đến ngày 16/10, tổng thống gặp trực tiếp ông Sessions và yêu cầu chuyển hướng sang điều tra email cá nhân của bà Clinton. Ông Sessions không đưa ra lời hứa nào.
Áp lực gia tăng với ông Trump vào tháng 11 khi các luật sư của ông Michael Flynn nói rằng thân chủ sẽ chấp nhận thỏa thuận với các công tố viên. Đến hôm 6/12, 5 ngày sau khi ông Flynn thừa nhận nói dối về chuyện liên lạc với chính phủ Nga, tổng thống kéo bộ trưởng Tư pháp ra gặp riêng sau một cuộc họp, gợi ý ông Sessions cần phải “tái tham gia” vào cuộc điều tra. “Ông sẽ là anh hùng”, ông Trump nói với Bộ trưởng Sessions.
Đầu năm 2018, New York Times đưa tin ông Trump từng tìm cách sa thải công tố viên Mueller. Tổng thống ngay lập tức gây áp lực lên ông McGahn, yêu cầu phủ nhận câu chuyện, nhưng McGahn không làm điều đó vì ông biết những gì báo đưa là chính xác.
Ông Trump kịch liệt yêu cầu McGahn phủ nhận câu chuyện. “Nếu ông ấy không viết một lá thư, thì có lẽ tôi sẽ phải loại bỏ ông ấy”, tổng thống nói.
Những thông tin trong bản báo cáo Mueller có thể khiến ông Trump đau đầu trong suốt phần còn lại nhiệm kỳ tổng thống, dù cho chưa có cáo buộc nào được đưa ra với ông. Ảnh: New York Times.
Tướng John Kelly, người thay thế vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng của ông Priebus, sắp xếp một cuộc gặp giữa tổng thống và luật sư Nhà Trắng.
“Tôi chưa bao yêu cầu sa thải Mueller. Tôi chưa bao giờ dùng từ ’sa thải’. Câu chuyện này có vẻ không ổn. Ông phải sửa lại nó. Ông là luật sư Nhà Trắng. Tôi có dùng từ ’sa thải’ hay không?”
Ông McGahn trả lời: “Những gì ngài nói là, ‘Gọi Rod, nói với Rod rằng Mueller có xung đột lợi ích và không thể trở thành công tố viên đặc biệt’”. Luật sư Nhà Trắng cũng từ chối “sửa lại thông tin” của báo chí.
Ông Trump sau đó phàn nàn rằng tại sao McGahn lại viết lại những gì đang diễn ra. “Tại sao ông lại ghi chép? Luật sư không ghi chép. Tôi chưa bao giờ có luật sư nào ghi chép cả”, tổng thống nói.
McGahn đáp lại rằng ông ghi lại mọi thứ vì ông là “luật sư thực sự”, và luật sư thực sự thì luôn ghi chép để làm tài liệu.
Theo Zing/New York Times
Màn "lật ngược" ngoạn mục của Tổng thống Trump về sóng gió WikiLeaks
Từng là một người hâm mộ của WikiLeaks, nhưng giờ đây thái độ của ông Trump với tổ chức này lại khác hẳn.
Theo hãng tin Sputnik, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng để giữ cho bản thân tránh xa khỏi vụ việc WikiLeaks, đặc biệt sau khi nhà sáng lập Julian Assange bị bắt giữ tại Anh.
"Tôi không biết gì về WikiLeaks cả. Đó không phải là thứ tôi quan tâm", ông Trump nói trước báo giới tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng khi được hỏi liệu ông có còn yêu quý tổ chức này không.
Julian Assange bị cảnh sát Anh lôi ra khỏi đại sứ quán Ecuador (ảnh: getty)
Một mặt thừa nhận có theo dõi những gì đã xảy ra với Assange, mặt khác, người đứng đầu nước Mỹ khẳng định, lập trường của Washington đối với nhà sáng lập WikiLeaks sẽ được quyết định bởi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr.
Theo trang The Hill, hiện đang có những lo ngại rằng Anh có thể sẽ dẫn độ Assange về Mỹ. Trước đó, London đã đưa ra một văn bản đảm bảo với Ecuador rằng, họ sẽ không dẫn độ Assange tới một quốc gia nơi ông có thể đối mặt với án tử hình.
Nhiều hãng thông tấn và mạng xã hội ngay lập tức đã chỉ ra sự mâu thuẫn trong những phát biểu của Tổng thống Trump, đặc biệt là sau khi ông từng nhiều lần đề cập tới WikiLeaks trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. WikiLeaks cũng chính là bên đã tiết lộ những email của bà Hillary Clinton - đối thủ trực tiếp trong cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống Mỹ cho ông Trump. Và không nghi ngờ gì, ông Trump đã tận dụng rất thành công điều này trong chiến dịch tranh cử,
"Tôi yêu WikiLeaks", ông Trump nói trong một cuộc mít-tinh tại Pennsylvania tháng 10/2016.
Một tháng sau đó, ông cảm thán: "Vừa ra khỏi máy bay, họ vừa công bố tin mới trên WikiLeaks, và tôi muốn ở đó, nhưng tôi không muốn để các bạn phải chờ lâu. Ôi, tôi thích đọc những tin WikiLeaks đó".
Trang NBC News cho hay, chỉ riêng trong tháng Mười năm đó, ông Trump từng đề cập tới WikiLeaks 145 lần. Còn trang Daily Beast cũng thống kế lại những lần Tổng thống Mỹ nhắc tới WikiLeaks trong suốt chiến dịch của mình.
Nhà sáng lập WikiLeak Julian Assange đã ở tại đại sứ quán Ecuador ở London trong suốt 7 năm. Tuy nhiên, đầu tuần này, quyền tị nạn của ông đã bị Tổng thống Ecuador Lenin Moreno hủy bỏ. Hôm qua (11/4), cảnh sát Anh đã ập vào đại sứ quan Ecuador và bắt giữ Assange. Không lâu sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ phát đi cáo buộc Assange có âm mưu tấn công máy tính, nhằm lấy trộm các thông tin tối mật của chính phủ.
Minh Đức
Theo Baotoquoc
Hạ viện Mỹ không thể vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Trump Ngày 26/3 (rạng sáng 27/3 theo giờ Hà Nội), Hạ viện Mỹ đã thất bại trong nỗ lực nhằm vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với nghị quyết bác bỏ sắc lệnh khẩn cấp quốc gia được lưỡng viện Quốc hội thông qua trước đó. Trụ sở Quốc hội Mỹ tại Washington D.C. Ảnh: Fox News Dù...