Báo cáo của LHQ: Lệnh trừng phạt quốc tế không hiệu quả với Triều Tiên
Các nhà phân tích nhận định chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên vẫn nguyên vẹn, bất chấp lệnh cấm của Liên Hợp Quốc và cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Theo các chuyên gia Liên Hợp Quốc, chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn. Theo một báo cáo mà AFP tiếp cận được, các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng gần như “không hiệu quả”. Triều Tiên tiếp tục có được các lô hàng dầu mỏ bất hợp pháp, bán than đá ra nước ngoài và vi phạm lệnh cấm vận vũ khí.
“Chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn. Bình Nhưỡng đang sử dụng các cơ sở dân sự, bao gồm sân bay để lắp ráp và thử nghiệm tên lửa với mục tiêu ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công phủ đầu”, báo cáo cho biết.
Báo cáo được bí mật gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2. Washington hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần 2 sẽ mang lại tiến bộ cụ thể trong việc gỡ bỏ các chương trình vũ khí gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Chính quyền Tổng thống Trump đã dẫn đầu nỗ lực của Liên Hợp Quốc, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Triều Tiên, nhằm đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong năm 2017. Tuy nhiên, Triều Tiên đã sử dụng mạng lưới các tàu thuyền trên biển để chuyển nhượng bất hợp pháp dầu, than đá nhằm phá vỡ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
“Những vi phạm này khiến lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc không có hiệu quả, khi Triều Tiên đã lách luật để vượt qua giới hạn đối với nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ, nhiên liệu và than đá áp đặt vào năm 2017″, báo cáo cho biết.
Nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc giới hạn cho Triều Tiên được nhập 4 triệu thùng dầu thô và 500.000 thùng xăng, dầu tinh chế mỗi năm.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng tiếp tục vi phạm lệnh cấm vũ khí và tìm cách cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Syria, phiến quân Houthi ở Yemen, Libya và Sudan.
Video đang HOT
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: AP.
Các tổ chức tài chính của Triều Tiên hoạt động tại ít nhất 5 quốc gia, bất chấp hạn chế do Liên Hợp Quốc áp đặt. Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao nước này giúp họ né tránh lệnh trừng phạt bằng cách kiểm soát tài khoản ngân hàng ở nhiều quốc gia.
Báo cáo mới của các chuyên gia Liên Hợp Quốc phù hợp với đánh giá của tình báo Mỹ, rằng Triều Tiên khó có thể từ bỏ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân. Dù vậy, người ta vẫn lạc quan có thể đề nghị Bình Nhưỡng thu nhỏ quy mô chương trình để đổi lấy việc giảm các biện pháp trừng phạt.
Tuần trước, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cho biết lãnh đạo Triều Tiên coi năng lực vũ khí hạt nhân là cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của chế độ. Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun đã tổ chức cuộc họp báo chí vào ngày 6/2 để thông báo về một số tiến bộ và các bước có thể được coi là thành công trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Việt Nam.
Theo ZIng.vn
Mỹ chuẩn bị trừng phạt hàng loạt công ty, quan chức Trung Quốc
Một ủy ban tư vấn của quốc hội Mỹ đã đề nghị Bộ Tài chính công bố danh sách trừng phạt các công ty và quan chức Trung Quốc bị nghi ngờ có quan hệ làm ăn với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) ngày 14/11 đã công bố báo cáo mới nhất của cơ quan này, trong đó kêu gọi quốc hội Mỹ "chỉ đạo Bộ Tài chính cung cấp báo cáo trong thời hạn 180 ngày về việc Trung Quốc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hiện nay".
Theo báo cáo của USCC, trong 6 tháng tới, Bộ Tài chính Mỹ cần công bố danh sách các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc bị nghi ngờ làm ăn với Triều Tiên và áp lệnh trừng phạt với các đối tượng này. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng cần giải thích về những tác động lớn hơn có thể xảy ra nếu áp lệnh trừng phạt với các đối tượng này.
USCC, một ủy ban tư vấn của quốc hội Mỹ, đề xuất nếu Trung Quốc dỡ bỏ trừng phạt hoặc mở "lối thoát" cho chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bằng cách thực thi các lệnh trừng phạt một cách lỏng lẻo, các nhà lập pháp Mỹ có thể cân nhắc tới việc gây sức ép với Trung Quốc để buộc Bắc Kinh đẩy mạnh việc trừng phạt Triều Tiên nhằm hỗ trợ cho chiến lược gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng.
Đề xuất của USCC được đưa ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đang mâu thuẫn với Mỹ về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ năm ngoái đã áp lệnh trừng phạt đơn phương đối với các công ty thương mại của Nga và Trung Quốc, bao gồm các nhà nhập khẩu than, và các cá nhân vì hỗ trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, Bộ Tài chính Mỹ vẫn tránh trừng phạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc vì không muốn gây ảnh hưởng tới nền tài chính toàn cầu.
Hồi cuối tháng 9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã xảy ra mâu thuẫn với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong các cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới các lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Ông Vương Nghị, với sự ủng hộ của ông Lavrov, kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên do "những diễn biến tích cực" sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore. Trong khi đó, ông Pompeo hối thúc các thành viên của Hội đồng Bảo an "làm gương" cho thế giới bằng cách thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Đề xuất thương mại
Reuters ngày 14/11 dẫn 3 nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết Trung Quốc đã gửi phản hồi bằng văn bản tới Mỹ với nội dung về cải cách thương mại sâu rộng sau khi Washington yêu cầu Bắc Kinh phải cải tổ mạnh mẽ các chính sách thương mại.
Các nguồn tin không tiết lộ thông tin chi tiết về nội dung văn bản phản hồi của Trung Quốc. Hiện chưa rõ văn bản này có bao hàm bất kỳ sự nhượng bộ nào của Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump hay không.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ hôm qua cho biết một nhóm các quan chức Mỹ do Thứ trưởng Tài chính David Malpass dẫn đầu đã thảo luận với phía Trung Quốc thông qua một cuộc họp trực tuyến. Mỹ từng tuyên bố sẽ không bắt đầu các cuộc đàm phán về thương mại cho tới khi Washington nhìn thấy những đề xuất cụ thể từ phía Trung Quốc nhằm giải quyết những quan ngại của Mỹ.
Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc vì các vấn đề liên quan tới đánh cắp sở hữu trí tuệ, bảo hộ công nghiệp, thâm hụt thương mại cũng như các rào cản do Bắc Kinh đặt ra cho các công ty Mỹ muốn đầu tư vào Trung Quốc.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Ông Trump: Tôi không nói sẽ rút quân khỏi Syria nhanh hay chậm Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, kế hoạch rút quân khỏi Syria của ông sẽ triển khai trong một thời gian chưa thể xác định, bác bỏ đồn đoán rằng quá trình này sẽ diễn ra trong vòng 4 tháng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối năm 2018 bất ngờ thông báo rút quân khỏi Syria. (Ảnh: Reuters) Theo Reuters, phát biểu...