Báo Anh tìm ra địa điểm nghi đã bắn tên lửa vào chuyến bay MH17
Phóng viên báo Telegraph (Anh) đã tìm thấy một khoảng đất cháy xém, nghi là địa điểm đã phóng đi quả tên lửa Buk bắn vào chuyến bay MH17 ở miền Đông Ukraine.
Khoảng đất bị cháy xém mà phóng viên Telegraph cho rằng là nơi đã đặt tên lửa Buk bắn vào MH17 (Nguồn: Telegraph) Báo chí và chuyên gia quân sự phương Tây nói rằng chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia bị rơi ở phía Đông Ukraine do trúng tên lửa Buk (NATO gọi là SA-11). Trong nỗ lực tìm kiếm dấu vết nơi quả tên lửa được phóng đi, hãng tin Telegraph đã điều phóng viên tới Đông Ukraine.
Kết quả là phóng viên tìm thấy những chỗ lúa mỳ bị thiêu cháy đen, dường như đã chịu tác động nhiệt cực lớn. Nằm gần đó là các mảnh thủy tinh với dấu vết bị lửa táp, các mảnh nhựa bị đun chảy…
Nếu chỉ có thế sẽ rất khó kết luận đây là nơi diễn ra vụ phóng tên lửa. Nhưng địa điểm nghi vấn này nằm cách biên giới Nga chỉ vài cây số, cách điểm rơi MH17 khoảng 20 km.
Nó cũng nằm trong thị trấn Snizhnoye, nơi một bức ảnh do Mỹ chụp được cho thấy dường như một quả tên lửa SA-11 (Buk) đã rời bệ phóng và lao tới chiếc máy bay chở khách.
Không có sự giám định của chuyên gia, rất khó để kết luận rằng vùng đất bị cháy xém mà Telegraph phát hiện là kết quả của một vụ phóng tên lửa.
Tương tự, các dấu bánh xích trong khu vực có thể do một xe phóng tên lửa tạo ra, nhưng cũng có thể đó chỉ là vệt xích của xe bọc thép hoặc máy nông nghiệp thuần túy.
Tuy nhiên hình ảnh do phía Mỹ công bố dường như đã trùng hợp với phân tích của một số chuyên gia, chỉ ra những đoạn video cho thấy sự xuất hiện của xe phóng tên lửa Buk trong Snizhnoye và Torez, 2 thị trấn gần điểm MH17 rơi nhất, không lâu trước khi chiếc máy bay bị bắn hạ.
Cụ thể Eliot Higgins, nhà phân tích video và ảnh đang điều hành các blog Brown Moses, Bellingcat, đã xuất bản một đoạn video ghi từ camera gắn trên ô tô, bên cạnh nhiều tấm ảnh vệ tinh, cho thấy xe phóng Buk di chuyển trong khu vực. Một blogger khác thậm chí nói rằng anh đã xác định được khu vực phóng tên lửa là một điểm nhỏ, nằm ở phía Đông Nam Snizhnoye, dựa trên bức ảnh chụp vệt khói tên lửa do Cơ quan an ninh Ukraine cung cấp.
Trong khi Telegraph không thể xác nhận độ chính xác của các phân tích đó, phóng viên tờ báo ở hiện trường đã có cái nhìn rõ ràng hơn về sự kiện, thấy rằng việc tìm điểm phóng tên lửa chẳng khác nào chuyện mò kim đáy bể.
Video đang HOT
Hai địa điểm phóng tiềm năng, gồm một nông trang tập thể và một cánh đồng lúa mỳ gần đó, quả thực có vệt xe bánh xích, nhưng lại không có dấu hiệu phóng tên lửa.
Hình ảnh vệ tinh Digital Globe của Mỹ phân tích về địa điểm phóng tên lửa, địa điểm máy bay phát nổ và địa điểm xác máy bay rơi (Nguồn: Digital Globe)
Ở giữa một trong những điểm phóng tiềm năng, một phóng viên thấy chiếc máy gặt đập liên hợp cũ kỹ đang hoạt động trên cánh đồng. Từ nơi đây, người ta có thể quan sát tốt mọi hướng, bao gồm cả hướng mà MH17 bay tới.
Dường như đây là điểm lý tưởng để đặt ra đa điều khiển tên lửa đối không. Tuy nhiên tài xế điều khiển máy gặt đập là Vassily nói rằng anh chẳng thấy có dấu hiệu nào về một vụ phóng tên lửa ở đây. Chính anh là người đã chỉ cho Telegraph biết về một góc bị thiêu cháy bí hiểm trên cánh đồng lúa mỳ của mình, nơi phóng viên tìm thấy các mảnh nhựa màu xanh bị đun chảy kể trên.
Khu vực bị thiêu cháy này cũng nằm trên đường bay của tên lửa và các dấu vết của xe bánh xích có hiện diện ở đây. Nhưng ngoài những dấu vết đó, chẳng có gì khác để xác nhận một vụ phóng tên lửa đã diễn ra ở đây.
Ngoài ra, các chuyên gia tiếp xúc với Telegraph nói rằng Buk là hệ thống khá nhẹ nên khó có thể để lại vết xích sâu trên mặt đất. Việc tìm dấu vết xe phóng Buk vì thế càng trở nên khó khăn.
Nói tóm lại, dù đã tìm thấy số điểm nghi vấn, việc xác định cụ thể tên lửa được bắn đi từ đâu sẽ không phải là chuyện dễ dàng.
Trong ngay 23/7, hãng Reuters cũng đã thực hiện cuộc phỏng vấn với một thủ lĩnh ly khai Ukraine, trong đó ông này nêu giả thuyết quân đội Ukraine đã cố tình gài bẫy, để chiếc máy bay Boeing777 bay vào vùng trời phía Đông đất nước do quân ly khai kiểm soát, dẫn tới thảm họa hôm 17/7./.
Theo_VOV
Ngoại trưởng Hà Lan nói về thảm kịch MH17 tại LHQ
Ngoại trưởng Hà Lan đã có bài phát biểu đầy xúc động tại Hội đồng Bảo an LHQ về thảm kịch máy bay rơi MH17.
Giữa những lời trách cứ và đổ lỗi theo kiểu khẩu chiến chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây xung quanh thảm kịch máy bay MH17, ngày 21/7, Ngoại trưởng Hà Lan đã có bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ khiến toàn bộ đại biểu lặng người.
Ngừng lại nhiều lần để kiềm chế cảm xúc, ông Frans Timmermans nói tại khán phòng về cú sốc khi ông chứng kiến cảnh người ta đối đãi với các thi thể nạn nhân, kiểu đưa tin xâu xé của truyền thông và sự rối ren chi tiết vụ thảm nạn.
"Chúng ta ở đây để nói về một thảm kịch, về việc một máy bay dân sự bị bắn hạ và cái chết của 298 người vô tội", ông nói.
"Phụ nữ, nam giới và rất nhiều trẻ em đã mất đi cuộc sống khi họ đang trên đường tới các nơi nghỉ dưỡng, trở về nhà, về với người thân yêu hay thực hiện những bổn phận quốc tế, như hội nghị HIV/AIDS rất quan trọng tại Australia".
"Từ thứ năm tuần trước, tôi đã nghĩ, nghĩ không dứt về sự khủng khiếp tới mức nào, về khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời của họ, khi họ biết máy bay đang lao xuống đất. Họ có được nắm tay những người thân yêu, họ có được ôm con trẻ thật chặt trong lòng?", giọng Ngoại trưởng Hà Lan chùng xuống.
Ngoại trưởng Hà Lan phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ.
"Liệu họ có được trao gửi ánh mắt yêu thương vào thời khắc cuối, hay đơn giản nói một lời từ biệt? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được!
Sự ra đi của gần 200 đồng bào tôi để lại vết thương lớn trong trái tim của dân tộc Hà Lan, gây ra nỗi đau, sự giận dữ và tuyệt vọng. Nỗi đau vì mất người thân yêu, giận dữ vì việc bắn hạ máy bay dân sự và tuyệt vọng, là sau khi chứng kiến quá trình chậm chạp đến đau đớn của bảo vệ hiện trường vụ việc cũng như tìm kiếm thu thập thi thể các nạn nhân".
Một đoàn tàu mang 282 thi thể nạn nhân đã tới thành phố Kharkiv của Ukraine sau khi quân nổi dậy cuối cùng đã nhất trí chuyển giao các thi thể nạn nhân. "Việc đối xử tôn trọng và trao trả các thi thể nạn nhân không chậm trễ là vấn đề nhân đạo", ông Timmermans nói.
"Trong ít ngày qua, chúng tôi đã nhận được các thông tin hỗn loạn về những thi thể bị di chuyển, tài sản của họ bị đánh cắp. Chỉ trong một phút, tôi muốn nói rằng, tôi phát biểu ở đây không phải với tư cách đại diện của một quốc gia, mà với vị trí của người chồng, người vợ, người cha, người mẹ. Thử hình dung đầu tiên bạn nghe tin chồng mình thiệt mạng, rồi hai ba ngày sau bạn thấy hình ảnh ai đó lấy chiếc nhẫn cưới từ tay ông ấy.
Cho tới lúc chết, tôi vẫn sẽ không hiểu tại sao các nhân viên cứu hộ lại phải mất thời gian lâu đến thế mới được phép thực hiện công việc khó khăn của mình. Vì các thi thể bị lợi dụng cho một trò chơi chính trị chăng? Nếu ai đó nói về trò chơi chính trị, thì đây, nó là trò chơi ấy, trò chơi với xác người và thật đáng khinh.
Tôi hy vọng thế giới sẽ không phải chứng kiến những cảnh này lần nữa. Những hình ảnh đồ chơi của trẻ em bị quăng quật, hành lý bị mở tung, và các tấm hộ chiếu, hộ chiếu của trẻ em bị đưa lên truyền hình. Họ đang biến lòng thương đau của chúng tôi thành nỗi tức giận của một quốc gia.
Chúng tôi yêu cầu được tiếp cận không hạn chế với hiện trường vụ máy bay rơi, chúng tôi yêu cầu được đối xử một cách tôn trọng, với các nạn nhân và người thân của họ. Họ xứng đáng được trở về nhà", Ngoại trưởng Hà Lan thúc giục.
Và, với số phiêu thuận 15/15, chiều 21/7 (sáng 22/7 theo giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết do Australia soạn thảo và được Việt Nam cùng các quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay MH17 đồng bảo trợ, yêu cầu dừng tất cả các hoạt động quân sự tại khu vực máy bay rơi để phục vụ điều tra.
Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, nghị quyết đã lên án vụ tai nạn máy bay Malaysia rơi tại Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập, toàn diện về vụ việc trên, trong đó Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) sẽ đóng vai trò chủ chốt.
Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu các nhóm vũ trang đang kiểm soát khu vực máy bay rơi và khu vực xung quanh ngừng ngay lập tức các hoạt động làm xáo trộn hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Như thông tin đã đưa trước đó, ngày 17/7, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia đã bị rơi ở phía Đông Ukraine khiến 298 người thiệt mạng, trong đó có 193 công dân Hà Lan.
Hiện nay, nguyên nhân vụ máy bay MH17 bị rơi vẫn đang là sự tranh cãi. Ngày 23/7, lần đầu tiên Mỹ xác nhận Nga không liên quan đến vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia mang số MH 17 bị rơi tại Ukraine. Trong lúc các nhà điều tra quốc tế đang điều tra nguyên nhân vụ việc, thì các nước vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về việc ai đã gây ra tai nạn thảm khốc này.
Theo các quan chức tình báo Mỹ, không loại trừ khả năng chiếc máy bay bị lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine bắn hạ do nhầm lẫn. Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận, họ không thể kiểm chứng được nguồn gốc của video về một chiếc xe chở tên lửa Buk đi từ biên giới Nga sang Ukraine. Họ cũng cho biết công bố của họ một phần là do các thông tin thiếu xác thực được đăng tải trên mạng xã hội.
Cùng ngày, Nga cũng lên tiếng chỉ trích Ukraine đã phát hành nhiều tài liệu giả mạo nhằm quy trách nhiệm vụ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia rơi ở miền Đông Ukraine cho lực lượng đòi liên bang hóa.
Theo_Báo Đất Việt
Máy bay Đài Loan rơi không phải do thời tiết xấu Theo Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Đài Loan, cả hai hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn đã được tìm thấy. Chính quyền Đài Loan ngày 24/7 cho biết, thời tiết xấu không phải nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay ATR-72 làm 48 người thiệt mạng ở Bành Hồ hôm qua (23/7). Hiện trường vụ rơi máy...