Bánh xèo gần thường, xa thương
Hình như tình yêu quê nhà thường “tình tang” với một món ăn nào đó. Có phải vậy không mà giữa một chiều xa quê như chiều nay tự nhiên ngẩn ra mà nhớ… bánh xèo?
Dường như bốn mùa trong năm đều lần lượt để lại sắc màu của nó trên… cái bánh xèo quê. Bánh xèo giêng hai có ruốc biển hồng hồng, béo ơi là béo. Sang mùa hạ, bánh xèo biến tấu thêm chút giá đỗ, thịt nạc, ăn mát mềm cái lưỡi. Khi mùa thu đến, bánh xèo có thêm mấy chú tép đồng đỏ lựng, ngòn ngọt, giòn giòn. Mùa gió mưa về, bánh xèo chống lạnh bằng những con tôm đất mập mạp, thơm lựng, nuốt xuống bụng rồi mà cái chất ngọt ấm vẫn còn đọng trên đầu lưỡi.
Sáng sớm, khi những nếp nhà trong xóm còn im lìm trong sương mai đã thấy quán dì Năm Hậu ở đầu xóm đỏ đèn, mười bữa như chục bất kể gió mưa. Hòa cùng với tiếng gà gáy rộ gần xa, tiếng “xèo xèo” trong quán của dì cũng là thanh âm chộn rộn “chào buổi sáng” – Ảnh: Anh Chau Nguyen
Video đang HOT
Ngày nhỏ, cứ ngang qua hàng bánh xèo là nuốt nước miếng đánh ực. Chị gái hỏi em thích bánh xèo mùa nào, em nói ngay “bánh xèo mùa đông”, bởi cái bánh mùa này vừa có mấy con tôm đất ngọt lịm, lại vừa… đẹp vì màu vàng mơ màng của nghệ tươi. Hơn thế nữa, trong cái lạnh căm căm của mưa phùn gió bấc, chỉ mới rứt miếng bánh xèo nóng chấm vào chén mắm mà đã nghe chất ấm lan tỏa đâu đây.
Sáng sớm, khi những nếp nhà trong xóm còn im lìm trong sương mai đã thấy quán dì Năm Hậu ở đầu xóm đỏ đèn, mười bữa như chục bất kể gió mưa. Dì lọc cọc bê cái này, bưng cái kia từ nhà ra quán khoảng nửa giờ là đã nghe tiếng “xèo xèo” của vá bột đổ vào khuôn bánh. Hòa cùng với tiếng gà gáy rộ gần xa, tiếng “xèo xèo” trong quán của dì cũng là thanh âm chộn rộn “chào buổi sáng”.
Dăm ba người ra đồng, vài ba người đi biển giấc hừng đông thường có thói quen ghé quán dì đầu tiên. Họ ngồi trên đòn tre, rứt miếng bánh xèo vừa được vớt khỏi khuôn, chấm chấm nhai nhai, khen bánh xèo bữa nay dai, khen dì Năm Hậu lúc nào cũng giữ được “bản sắc” của bánh xèo làng mình. Những cái bánh xèo của dì dư sức làm êm cái bụng của họ cho đến tận trưa.
Khi nắng hồng loang trên mặt đường làng thì quán dì Năm Hậu “đổi” khách. Đó là mấy cô cậu học trò trường làng. Con gái cột tóc đuôi gà, con trai đầu trọc lóc, cặp vứt lăn lóc một bên, chen nhau ngồi quanh mẹt bánh xèo. Ăn bánh xèo phải le lưỡi mới điệu. Lưỡi le ra đỡ lấy miếng bánh xèo rồi thụt vào rất gọn gàng để răng làm việc. Một dãy bảy tám đứa mà có tiếng ồn nào đâu. Đứa nào cũng im lặng như để cảm nhận cái ngon của từng miếng bánh. Mép bánh thường giòn, chỗ giữa bánh thường dai để giữ lấy nhân bánh làm bằng tôm, thịt. Đứa nào rứt bánh không khéo, cái “cốt lõi” của miếng bánh rớt xuống đất thì tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Nơi đất khách, có lần nhân sinh nhật một đồng hương, cả nhóm rủ nhau đi ăn bánh xèo phố. Cái tên bánh xèo thì quen mà cái vị thì lạ lắm. Đang ăn, một đứa nhắc tới bánh xèo quê khiến cả bọn thấy nhớ vô cùng. Bánh xèo quê ơi! Có phải mi là món ăn gần thì thường mà xa thương lắm?
Theo Thanhnien
Cá cơm xơ mít
Những ngày mùa đông mưa dầm, trời bắt đầu căm căm lạnh, ngoài các món bắp rang, bánh xèo, ốc xào... được xem là món ăn tuyệt vời trong những ngày mưa, tôi đặc biệt nhớ tới món cá cơm khô kho xơ mít của má.
Nguyên liệu làm món cá cơm khô kho xơ mít - Ảnh: Thanh Ly
Đối với những gia đình trong xóm nghèo quê tôi, hầu như người phụ nữ nào cũng biết làm cá cơm khô. Cá cơm khô được làm vào những ngày mùa cá cơm rộ lên, thời điểm này cá cơm rẻ, lại ngon. Trước tiên phải tỉ mỉ bỏ hết mang và ruột cá, rửa thật sạch kể cả màng đen thường có trong khoang bụng. Cá được rửa bằng nước muối trước khi để ráo. Tiếp tục ướp cá với muối theo tỷ lệ phù hợp, mang đi ủ chừng 3 tiếng đồng hồ rồi mới phơi. Theo kinh nghiệm của bà con, phơi cá trúng tiết trời mùa thu lại càng ngon vì cá khô nhờ gió, cá sẽ khô dẻo trong từng thớ thịt, không quá cứng như khi phơi dưới nắng giòn. Cá phơi xong mang vào để gác bếp hay chỗ râm mát chừng vài ba ngày trước khi gói kỹ để dành dùng dần.
Hằng năm, cứ đến độ tháng 10, tháng 11, những cơn mưa triền miên lại biến cái xóm nhỏ quê tôi thành một ốc đảo. Các bà, các chị nội trợ phải tận dụng cây nhà lá vườn để cải thiện bữa ăn gia đình. Cá khô trở thành món mặn chính, được đem ra rang chua ngọt hoặc kho tiêu. Đặc biệt ngon miệng là món cá cơm khô kho xơ mít.
Chọn hái quả mít vừa chín tới, vị thơm vừa vặn, vị ngọt cũng dìu dịu hợp với cá khô. Ngoài ra, ta có thể kho kèm theo vài múi mít chín để có mùi thơm đặc trưng. Rửa cá cho sạch, ngâm vào nước ấm khoảng mươi phút cho cá mềm, sau đó rửa lại rồi để ráo. Phi thơm dầu phộng với hành băm, cho cá vào đảo đều. Khi thấy cá bắt đầu săn lại thì tiếp tục cho xơ mít, nước mắm chua ngọt (nước mắm pha chanh, tỏi, ớt, đường) vào, thêm tiêu bột và một ít nước ấm rồi kho nhỏ lửa. Chú ý chần nhẹ cho xơ mít ngập trong nước cá kho. Nồi cá sôi vài dạo là có thể tắt bếp. Lúc này một mùi thơm hấp dẫn ngon lành tràn ngập gian bếp ấm.
Cá cơm khô kho xơ mít dọn lên mâm, bao giờ xơ mít cũng hết trước, bởi bao nhiêu cái thơm, cái béo, cái ngọt của cá đã thấm vào từng miếng xơ mềm mại ấy rồi. Nước cá kho thơm mùi mít, đậm đà, chan cơm ăn tuyệt không gì bằng...
Theo Thanhnien
Nức lòng bánh canh bột gạo Ninh Hòa Xa nhà, nhiều khi tự hỏi, hổng hiểu tại sao cái thị trấn (giờ lên thị xã) nhỏ xíu xiu mà có quá trời món ăn ngon và rẻ. Từ nem chua, chả lụa, bún cá, bánh xèo, bánh căn, cơm vịt, cơm sườn đến đủ thứ các loại chè trôi nước, đậu ván, sương sa, hột đác, và đặc biệt là hàng...