Bánh xèo da, một phần đời không dễ nhạt phai
Nhiều khi “hồi đó” của má vô định lắm, không biết thời điểm nào nhưng mỗi khi ăn bánh xèo mà má nhắc hồi đó, là đích thị muốn nhắc đến cái bánh xèo da.
Tháng 8, buổi chiều Sài Gòn chìm trong cơn mưa dai dẳng lê thê là thời khắc mà trong lòng kẻ xa quê cũng ngập tràn nỗi nhớ. Những nỗi nhớ như một thứ dây leo bị những lo toan thường nhật bứt ra khỏi thân cây, chỉ cần một cơn mưa xuống, lại xun xuê nảy ra những cái chồi non mơn mởn. Trong rối rắm sắc màu của vô biên nỗi nhớ đang ùa về trong một chiều Sài Gòn trĩu hạt, không dưng tôi chợt nhớ đến… bánh xèo.
Chưa thấy ai cắt nghĩa vì sao bánh xèo lại có tên là bánh xèo. Nhiều người đổ tại âm thanh của vá bột khi đổ vào chảo mỡ nóng kêu “xèo” một tiếng mà ra tên bánh xèo?!
Trong vô biên nỗi nhớ của một chiều Sài Gòn trĩu hạt, không dưng tôi chợt nhớ đến… bánh xèo. Ảnh: IT
Nhưng bánh xèo không chỉ mê hoặc người ta vì cái tên gợi thanh âm độc đáo kia mà còn bởi mùi vị và màu sắc của nó: Mùi nước cốt dừa vừa thơm vừa béo; mùi hành hương ngon ngót, mùi bột nghệ hăng hăng hòa quyện làm nên vỏ bánh màu vàng tươi. Vị ngọt từ tôm thịt, hoặc hến vớt dưới sông hay nấm mối mọc trong vườn cùng với củ sắn hoặc giá đậu của nhưn bánh.
Nếu như để ý một chút bạn còn nghe cả tiếng củi khô nổ lách tách, nhận ra ánh lửa bập bùng và cả giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt người đổ bánh.
Bánh xèo “đúng điệu” cái bánh phải tròn trịa, vỏ bánh mỏng, rìa bánh sém cạnh vàng và giòn. Nhưng quyết định ngon dở lại tùy thuộc phần nhiều vào nước mắm. Nước mắm ngon phải rặt nước mắm đồng pha chua ngọt với độ mặn làm sao khi chấm ngập cuốn bánh mà không bị mặn. Còn một “phụ kiện” đi kèm theo món bánh xèo nhất định không thể thiếu nữa là tổng hợp các thể loại rau, lá với đủ vị chua, cay, đắng, chát.
Cuộn bánh với rau, chấm nước mắm, đưa vào miệng, cắn một cái… Mèn ơi! Vị béo thơm của bánh cộng với mùi vị “lộn xộn” của cả họ hàng nhà rau, thêm mùi thơm của nước mắm đồng… tất cả tuột xuống dạ dày rồi lan ra “khắp châu thân”… tới đây thì ngôn ngữ hoàn toàn bất lực.
Từ miền Tây, bánh xèo như cô thôn nữ bước ra khỏi bờ dừa, bỏ lại rặng trâm bầu, cánh đồng rơm rạ, đi chu du khắp nơi, đã bay đi ít nhiều hương đồng gió nội. Lên tới Sài Gòn, cái bánh xèo miền Tây được “biến tấu” cho phù hợp với khẩu vị thị dân thành phố. Từ món ăn dân dã, nó trở thành đặc sản, thành món ăn thời thượng, có giá tới cả trăm ngàn một cái.
Lên tới Sài Gòn, cái bánh xèo miền Tây được “biến tấu” cho phù hợp với khẩu vị thị dân thành phố. Ảnh: IT
Nhưng trong hàng vạn kiểu biến tấu, tôi đồ rằng không ở đâu ra được món bánh xèo da của má tôi. Những cái bánh xèo da đã cùng má con tôi vượt qua những ngày khốn khó.
Video đang HOT
Sài Gòn thời bao cấp, tiêu chuẩn gạo được thay thế bằng bột mì. Má tôi mang bột gia công thành mì sợi ăn thay cơm. Mì luộc chang nước mắm, mì xào mỡ, mì nấu nước lèo (toàn nước lã với bột ngọt), ăn hoài ngán quá. Má nảy ra sáng kiến: đổ bánh xèo.
Những cái bánh xèo dày cui, nhảo nhoẹt (do má hà tiện pha bột lỏng cho được nhiều cái) được ăn kèm với… không phải là hàng chục thứ rau rừng mà được gói trong mấy lá bạc hà non má cắt từ mấy bụi bạc hà trồng sau nhà.
Má đặt tên bánh là bánh xèo da (vì bánh chỉ có da chứ không có thịt). Bánh xèo da cuộn trong lá bạc hà non chấm nước mắm tỏi ớt ăn trong những buổi chiều mưa rả rích… ngon thấu trời đất. Nhưng ăn riết đâm ngán… Thấy thằng Út cố nuốt miếng bánh mà cái mặt buồn hiu, má dỗ dành, năn nỉ rồi quay mặt đi chỗ khác, lau nước mắt…
Đã mấy mươi năm trôi qua, chị em chúng tôi lớn lên, mỗi người đều có cuộc sống riêng, ổn định và sung túc. Mỗi lần có dịp ngồi cùng nhau nhắc lại chuyện “cái bánh xèo da của má” và những ngày cùng nhau “ăn bánh xèo vượt khó”, ai cũng bồi hồi, xúc động, thương một phần đời đong đầy kỷ niệm đã qua.
Trong hàng vạn kiểu biến tấu, tôi đồ rằng không ở đâu ra được món bánh xèo da của má tôi. Ảnh: IT
Bây giờ, thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần hay các dịp đặc biệt, chị em tôi thường tụ tập về nhà đòi má đổ bánh xèo. Bao giờ má cũng chừa lại một ít bột không để đổ mấy cái bánh xèo da. Má nói, để “nhớ hồi đó”, mỗi lần ăn bánh xèo má nhớ hồi đó quá.
Hồi đó của má là cái hồi cả gia đình cùng ở bên nhau, tuy nghèo khó nhưng đầy ắp thương yêu và tràn trề hạnh phúc. Hồi đó của má là cái hồi nhìn các con ăn bánh xèo da thay cơm mà đứt từng đoạn ruột. Nhiều khi “hồi đó” của má vô định lắm, không biết thời điểm nào nhưng mỗi khi ăn bánh xèo mà má nhắc hồi đó, là đích thị muốn nhắc đến cái bánh xèo da.
Bánh xèo - Món ngon dân dã của ba miền
Bánh xèo được chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Tasting Table hết sức ca ngợi bên cạnh những món ăn nổi tiếng là phở và bánh mì. Đây là một món ăn đặc biệt...
Món ăn được đánh giá là có vẻ ngoài đơn giản nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo giữa kết cấu mỏng giòn cùng hương vị thơm ngon hòa quyện của các nguyên liệu. Đây là một món ăn đặc biệt được yêu thích khắp cả ba miền, và cũng tùy vào từng vùng sẽ có những cách chế biến và thưởng thức khác nhau. Loại bánh này làm từ bột với phần nhân đa dạng như tôm, mực, thịt bò... Món bánh xèo đặc biệt nổi tiếng ở hai miền Trung và Nam. Cách biến tấu phù hợp khẩu vị mỗi nơi đã tạo nên những chiếc bánh xèo ngon bậc nhất Việt Nam.
Bánh xèo
Bánh xèo miền Trung
Ở miền Trung, vỏ bánh làm từ bột gạo và thêm bột nghệ để tạo màu vàng. Nếu đến các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, bạn sẽ thấy nhiều hàng bán bánh xèo vỏ trắng do chỉ dùng bột (không thêm màu). Sự bình dị trong cách làm bánh khiến nhiều vị khách có cảm tình ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khuôn đúc bánh xèo miền Trung khá nhỏ, làm bằng gang cứng
Do vị trí địa lý gần biển, bánh xèo miền Trung có phần nhân thiên về hải sản như tôm, mực... Nếu từng ăn ăn bánh xèo ở Phú Yên, bạn sẽ thấy phần nhân chỉ có 1-2 con mực kèm theo ít giá, hẹ để giảm ngấy. Điểm đặc biệt của bánh xèo miền Trung là phần nhân đơn giản nhưng chất lượng. Mực và tôm to, ăn khá đã.
Khuôn đúc bánh xèo miền Trung khá nhỏ, làm bằng gang cứng. Đường kính mỗi khuôn đúc khoảng 15-20 cm. Khi đúc, người miền Trung có xu hướng cho nhiều dầu để bánh giòn, nhanh chín.
Bánh xèo miền Trung có nước chấm là mắm đục, ăn kèm cải xanh, xà lách, diếp cá, húng quế
Một chiếc bánh xèo ngon còn phải phụ thuộc vào phần nước chấm. Khi du lịch miền Trung, du khách sẽ được thử một loại mắm có màu nâu, hơi đặc. Người dân gọi đây là mắm đục. Loại này thường được trộn kèm chanh, ớt. Các loại rau ăn kèm gồm cải xanh, xà lách, diếp cá, húng quế.
Do kích thước nhỏ, thực khách có thể ăn nguyên miếng bánh xèo miền Trung hoặc cắt đôi.
Bánh xèo miền Tây
Vỏ bánh miền Nam (hoặc miền Tây) tương đối giống nhau với bột gạo, chút cốt dừa và hành lá. Tuy nhiên, ở miền Nam, không ít người bán đang có xu hướng dùng bột bánh bán sẵn. Do đó, vỏ thường giòn hơn so với bánh ở miền Trung.
Bánh xèo miền Nam có sự đa dạng trong nhân. Dù các thành phần không to như bánh xèo miền Trung, du khách vẫn thích thú vì được cảm nhận nhiều hương vị từ tôm, thịt bò, thịt ba rọi... Tất cả đều được xào chung trước khi cho vào vỏ bánh.
Trong khi đó, bánh xèo miền Nam lại được đúc trên chảo lớn. Họ đổ lớp bột làm vỏ mỏng khắp chảo. Điều này khiến phần cạnh bánh giòn tan, ăn rất vui miệng. Đi sâu hơn vào khu vực miền Tây, du khách sẽ thấy những khuôn đúc "đại tướng" đặc trưng.
Bánh xèo miền Nam nổi bật với nước chấm chua ngọt được pha chế cầu kỳ bằng nước mắm, giấm, đường, chanh... Ớt và tỏi được thêm vào tùy khẩu vị mỗi người. Trong bát nước chấm, người bán còn cắt thêm vài lát đu đủ hoặc cà rốt.
Bánh xèo miền Nam lại được đúc trên chảo lớn.
Với bánh xèo miền Nam, phần rau ăn kèm khá đa dạng, có thể lên tới hàng chục loại. Lựa chọn được nhiều người yêu thích là xà lách cuốn chuối, xoài.
Bánh xèo miền Nam thường được cắt làm 4 do kích thước to. Thực khách ăn bánh xèo miền Tây ít dùng bánh tráng cuốn, đa số chọn những lá cải xà lách hay cải xanh to bản để cuốn.
Miền Bắc cũng có bánh xèo nhưng hương vị không khác biệt so với miền Tây và Trung. Nhân bánh người Bắc thường dùng là thịt ba rọi hoặc tôm, hành tây, mấn hương và các loại rau ăn kèm như giá đỗ...
Chưa hết, khi ăn, có thêm 5 -7 loại rau thơm và bên ngoài là lớp bánh tráng mỏng. Nước chấm món bánh xèo miền bắc này cũng lắm công phu. Đây là sự kết hợp của tỏi, giấm, ớt, mắm,... tạo ra thứ mắm nêm ngọt ngọt, chua chua nhưng lại tê tê đầu lưỡi. Nếu không có nước chấm này, món ăn cũng không còn trọn vẹn nữa.
Hương vị khác biệt giữa bánh xèo miền Tây và miền Trung Thực khách có thể thấy no khi ăn một chiếc bánh xèo miền Tây, nhưng khi thưởng thức bánh xèo miền Trung phải 2-3 cái mới thỏa cơn thèm. Tên gọi bánh xèo xuất phát từ tiếng "xèo, xèo..." khi đổ phần bột vào chảo gang nóng hổi, và hơi nóng bốc lên thành những làn khói bay vươn trên mặt bánh vàng...