Bánh xèo Cao Lãnh – hương vị khó quên
Làng bánh xèo Cao Lãnh (Đồng Tháp) với trên chục quán nằm dọc theo sông Cái Sao Thượng thuộc đường Lê Duẩn, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh. Hơn 15 năm tồn tại, hương vị món bánh xèo dân dã nơi đây đã làm nao lòng biết bao thực khách phương xa và những người con xa xứ.
ảnh minh họa
Các quán bánh xèo nơi đây phục vụ cả ngày nhưng đông khách nhất là vào mỗi buổi chiều. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, làng bánh xèo lại nhộn nhịp cả ngày. Những ngày này, thực khách không chỉ là dân địa phương mà còn nhiều dân từ các tỉnh, thành khác.
Là dân Vĩnh Long mới qua Đồng Tháp, nghe những thông tin về làng bánh xèo Cao Lãnh qua lời giới thiệu của một số bạn bè thấy thú vị, lại là người có “tâm hồn” ăn uống, thế là tôi quyết định làm chuyến thực tế về làng bánh xèo Cao Lãnh.
Chiều 30/4, được nghỉ lễ, tôi phóng lên xe dạo một vòng quanh làng bánh xèo, nào bánh xèo Hồng Ngọc, Thành Ngọc, Cây trứng cá, Út Nàng,… quán nào cũng đông khách. Quan sát một lượt tôi quyết định ghé vào quán bánh xèo mang cái tên rất đổi chân phương, mộc mạc: Bánh xèo Út Nàng. Quán khá đông khách, có cả xe du lịch mang biển số Sài Gòn đậu trước quán.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy các đầu bếp của quán điệu nghệ trổ tài ngay trước mặt thực khách. Một người phụ trách cùng lúc cả 4 chảo, thực khách vào quán ai cũng được thưởng thức những chiếc bánh nóng giòn bốc khói.
Chờ chưa đầy 5 phút, tôi đã có 2 chiếc bánh chín vàng, để trên chiếc đĩa trắng, nóng hổi, ẩn bên trong là màu trắng của giá, sắc đỏ tươi của tép,… trông thật hấp dẫn.
Nhìn đĩa bánh xèo, tôi tấm tắc khen, các đầu bếp với nét mặt vui vẻ vừa đỗ bánh vừa bật mí: “Để bánh vừa giòn vừa dai, thơm vị dừa mà không quá béo thì bột bánh phải làm từ gạo ngon, thêm ít đậu xanh xay nhuyễn trộn với nước cốt dừa… đặc biệt lúc đỗ bánh phải canh lửa nhỏ và đỗ thật mỏng đều khắp mặt chảo”.
Nước chấm đi kèm cũng được pha chế rất khéo từ nước mắm và gia vị, có vị chua the của chanh và phảng phất vị cay nhẹ của ớt thêm ít cà rốt, củ cải trắng cắt sợi đem đến hương vị rất quen mà lạ. Rau ở đây cũng thật tươi ngon, có cả các loại rau vườn đặc trưng ăn bánh xèo như: lá bằng lăng non, lá cách, đọt soi nhái,…
Tôi xé một miếng vỏ bánh vàng ruộm, thêm nhân, rau cuốn thành cuốn. Tai nghe được tiếng bột “xèo” trên mặt chảo nóng; mũi ngửi hương thơm lựng; mắt nhìn được đủ sắc màu vàng óng của bánh, xanh mượt mà của rau và đỏ au của nước mắm ớt.
Cuộn miếng bánh xèo từ từ cho vào miệng, bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác. Đúng là thú vị khi thưởng thức món ăn đơn sơ mà tinh tế đến tuyệt vời này.
Ngồi ăn cùng bàn với tôi, chị Phương Thị Mỹ Nhiên quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre cho biết: “Một năm tôi cũng đôi, ba lần qua đây công tác, mỗi lần đi công tác tôi đều ghé đây ăn bánh xèo. Ở đây, quán nào cũng bán ngon và có vị lạ của nó. Có quán làm da bánh rất giòn ăn không ngán, lại có nơi làm nhân vô cùng vừa miệng khiến tôi cứ muốn ăn hoài, giá bánh lại rất bình dân, tùy loại nhân: thịt heo, thịt vịt, tôm mà giá dao động từ 13 – 15 ngàn đồng/cái”.
Anh Nguyễn Minh Hiếu ngụ phường 4, TP Cao Lãnh (đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ: “Cuộc sống khiến tôi nay đây mai đó và cũng được thưởng thức nhiều món lạ, thế mà tôi không sao nguôi nhớ món bánh xèo thơm ngon của quê mình”.
Theo: Xaluan
Người nước ngoài mách nhau 10 món Việt ngon xuất sắc
Ngoài Phở thì người nước ngoài còn rất yêu thích những món Việt như bún riêu, bánh xèo, rau muống xào tỏi, ...
Ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch ghé thăm và quay lại vùng một vùng đất. Du khách thường bị thu hút bởi những đồ ăn địa phương bởi chúng khác lạ và mang một dấu ấn riêng, đặc trưng của ẩm thực vùng đất đó. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia châu Á có nền ẩm thực vô cùng độc đáo. Phở là một món ăn truyền thống, một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài còn mách nhau những món Việt tuy quen thuộc và đơn giản nhưng lại rất được lòng du khách.
Video đang HOT
1. Bún riêu
Ảnh: baomoi.com
Bún riêu là một bún nước rất phổ biến và xuất hiện tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Có rất nhiều loại bún riêu tùy thuộc vào thành phần làm nên chúng như bún riêu cua, bún riêu cá và bún riêu ốc. Thế nhưng bún riêu có đặc điểm chung là có vị chua nhẹ mà ngọt thịt cua, là một món Việt có thể ăn vào mọi thời điểm trong ngày bởi nó dễ ăn và nhẹ bụng.
Bún riêu ngon hay không, quan trọng là phần nước dùng, vị chua dịu của giấm bỗng cùng cà chua làm nổi lên vị ngọt nhẹ của cua đồng. Cua được giã nhỏ rồi cho vào nước, lọc lại thật kĩ rồi mới gạn phần nước cua vào nồi, đun lửa liu riu cho đến khi riêu cua nổi lên thành từng mảng.
Nhìn nồi nước dùng đỏ au màu cà chua, lấp lánh những tảng riêu cua vàng rực bốc khói mới hấp dẫn làm sao. Bún riêu hiện nay được sáng tạo với nhiều thành phần hơn từ đậu, giò, thịt bò, sườn sụn...Thế nhưng không thể thiếu đi hành lá xanh tô điểm tròn vẹn cho bát bún. Ăn bún phải có thêm bát rau sống gồm rau thơm, xà lách, và quan trọng nhất là rau chuối thái nhỏ.
2. Bánh xèo
Ảnh: bepanviet.net
Giống như bánh crepe là một loại bánh ngọt ở phương Tây có lớp vỏ bánh bằng bột mì, bên trong cuộn những nguyên liệu, bánh xèo là phiên bản 'bánh crepe Việt Nam'. Cũng có vỏ ngoài làm từ bột, bên trong cuộn thịt, tôm, giá đỗ, hành lá. Được gọi với cái tên bánh xèo bởi tiếng xèo phát ra khi đổ bánh vào chảo, nghe rất vui tai.
Món Việt này thường được ăn vào bữa xé, tức quà chiều. Người nước ngoài tỏ ra thích thú món ăn này bởi vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong thì beo béo từ thịt băm, thơm từ tôm và giòn mát từ giá đỗ. Bánh xèo khi ăn thì cắt nhỏ, cuốn rau xà lách, chấm nước mắm chua ngọt.
3. Phở
Ảnh: halado.net
Không quá ngạc nhiên khi Phở là món Việt được du khách yêu thích bởi sự nổi tiếng rộng khắp của nó. Thậm chí 'Pho' đã thành một cái tên quốc tế được nhiều thực khách nước ngoài biết đến. Rất nhiều cửa hàng bán phở khắp nơi trên thế giới với nhiều phiên bản khác nhau và luôn thu hút đông khách. Phở là một món nước và là món ăn sáng quen thuộc của người Hà Nội. Bát phở ngon nhất là ở nước dùng ninh xương, vị ngọt thanh mà đậm đà nhưng trong vắt.
Phở bò được nhiều người ưa thích hơn hẳn bởi miếng thịt bò được trần nóng ăn ngọt mà hơi dai dai, ai thích thì có thể ăn thêm trứng trần nhưng bát phở truyền thống chỉ có nước phở trong, thịt bò hồng tươi cùng nắm hành trần. Ăn với phở thì không thể thiếu quẩy, nhúng quẩy vào bát nước dùng cho mềm rồi nhấm nháp, bảo sao Phở được nhiều người yêu thích đến thế.
4. Bánh cuốn
Ảnh: baomoi.com
Bánh cuốn là một món ăn có từ rất lâu ở miền bắc Việt Nam từ năm 200 trước Công nguyên. Bánh cuốn làm từ bột gạo tráng mỏng trên mặt chảo rộng, phẳng, bánh càng mỏng lại càng ngon nên cần sự khéo léo của người nấu, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị rách bánh. Lớp bánh sau khi vừa chín tới thì được rắc nhân lên trên gồm có thịt lợn băm cùng mộc mĩ băm nhỏ, rắc lên trên hành phi thơm.
Món bánh này đơn giản, dễ ăn, thường là món ăn sáng. Bánh cuốn cũng được ăn với nước chấm chua ngọt, ăn kèm với chả quế thơm ngọt.
5. Chè chuối
Ảnh: epetitions.net
Có vô số loại chè trong nền ẩm thực Việt Nam tuy nhiên người nước ngoài lại mách nhau món chè chuối. Món tráng miệng hay món ăn chơi này vừa có vị ngọt của chuối, bùi bùi của nước cốt dừa, lạc rang và thơm ngậy của dừa nạo. Với những tín đồ hảo ngọt thì chè chuối là một món Việt nên thử.
6. Bún bò Huế
Ảnh: authgram.com
Không chỉ phổ biến và được ưa chuộng nơi xứ Huế mộng mơ mà bún bò Huế được biết đến tại cả ba miền và còn được người nước ngoài rất yêu thích. Bún bò Huế chuẩn vị có vị chua đậm đà của nước dùng, gốc miền Trung nên bún có vị cay cay. Bát bún có thịt móng giò, tiết, thịt bò, nhiều nơi còn cho thêm cả bò viên, giò...
Bún bò không thể thiếu rau chuối thái nhỏ cùng hành lá. Nếu muốn ăn chuẩn vị hơn nữa thì cho thêm một chút ớt trưng. Bún bò Huế cay đậm, ngọt nước dùng làm mê lòng người thưởng thức.
7. Rau muống xào tỏi
Ảnh:soulbenthanh.com
Thật ngạc nhiên khi món ăn dân dã trong mỗi bữa ăn hàng ngày của người Việt lại được du khách quốc tế yêu thích. Rau muống là một loại rau được trồng quanh năm và dễ dàng tìm kiếm tại chợ hoặc siêu thị. Rau muống chần qua và xào chung với thật nhiều tỏi dậy lên vị thơm khó cưỡng.
Tuy là một món ăn đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết bí quyết để nấu thành công món rau muống xào tỏi mà vẫn giữ nguyên được độ giòn và màu xanh của rau và độ giòn cũng như gia vị đậm đà.
8. Bún chả
Ảnh: vntrip.vn
Bún chả cũng là một món Việt được du khách khen ngợi và truyền tai nhau. Món ăn là một đặc sản của Hà Nội, chả làm từ thịt lợn băm hoặc thái miếng ướp cùng nhiều loại gia vị và nước mắm được nướng ngay tại chỗ bốc khói dậy mùi thơm nức mũi.
Nước chấm bún chả cũng rất đặc biệt, với vị chua chua ngọt ngọt, cùng đủ đủ xanh và cà rốt thái miếng vuông nhỏ, nước chấm được đun lửa nhỏ trên bếp để khi phục vụ khách vẫn còn âm ấm. Món này ăn cùng bún rối, chấm một miếng bún, ăn một miếng chả cùng rau sống ăn thêm. Bún chả đã thực sự chiều lòng du khách.
9. Bánh bèo
Ảnh: baomoi.com
Nhắc đến những món Việt dân dã đi vào lòng thực khách quốc tế của ẩm thực Việt, không thể không kể đến bánh bèo. Hương vị đậm đà của món bánh này đã khiến bao thực khách quốc tế không thể quên. Là một món ăn rất thịnh hành ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, bánh bèo đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực dân tộc.
Bánh thường được làm từ bột gạo hấp chín và ăn kèm với nhân rắc lên trên và nước chấm.Phần nhân bánh rất phong phú, tùy vào từng vùng miền mà có loại nhân khác nhau như: đậu phộng, tôm xay nhuyễn... nhưng tất cả đều mang hương vị đặc trưng riêng, hấp dẫn thực khách đến lạ thường.
10. Chè bắp
Ảnh: monngonchuabenh.com
Chè bắp hay chè ngô được làm bằng cách trộn những hạt ngô ngọt với bột sẵn và nước cốt dừa để tạo độ ngọt béo ngậy. Chè ngô có kết cấu hơi đặc sánh, thích hợp làm món tráng miệng hay món quà chiều ăn chơi chơi. Đặc biệt chè ngô thanh mát luôn được ưa chuộng trong mùa hè oi bức. Sau khi ăn bún hoặc phở, chè ngô sẽ là một món tráng miệng vô cùng hợp lý.
Theo Thể Thao Việt Nam
Tiệm bánh xèo nổi tiếng ở Sài Gòn, bao đợt khách Tây kéo tới đều bảo "ngon nhức nhối", nhìn con tôm thôi đã thấy chất lượng nằm ở đâu Bánh xèo cũng quen thuộc quá rồi, nhưng với một tiệm bánh xèo nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Đinh Công Tráng quận 1 lại có nhiều điều vô cùng thú vị. Kinh nghiệm đổ bánh mấy chục năm, nổi tiếng với hàng nghìn lượt khách Tây Nói về bánh xèo thì thôi khỏi bàn, đặc biệt là ở Sài Gòn thì...