Bánh xe ô tô không dùng lốp cao su
Công ty khởi nghiệp của Mỹ, Global Air Cylinder Wheels (GACW), vừa trình làng một nguyên mẫu bánh xe không dùng lốp cao su.
Theo GACW, họ muốn thiết kế lại bánh xe, loại bỏ phần lốp cao su để hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường và xa hơn là giúp nhân loại sớm đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon. Loại bánh xe nói trên có tên Air Suspension Wheel (ASW), đang được thử nghiệm thay cho các loại lốp xe công trình (OTR) dùng cao su.
GACW là sản phẩm trí tuệ của kỹ sư động lực học, tiến sĩ Zoltan Kemeny. Đây là bánh xe cơ khí, được cấu tạo chủ yếu bằng thép với hệ thống treo khí nén trong bánh xe thông qua các xi-lanh. Nó có tuổi thọ tương đương với tuổi thọ của xe nhưng ưu việt hơn là có thể tái chế sau khi hết tuổi thọ. Chưa hết, lốp ASW rất bền, tiết kiệm đến 60% chi phí. Một tính năng nổi trội khác của ASW là giảm đáng kể ma sát lăn, giảm nóng, giúp động cơ đốt cháy hiệu quả hơn. Đối với các ô tô điện, lốp ASW làm tăng hiệu suất xe lên đến 30% trên cùng một loại pin.
Hội nghị COP26: Canada kêu gọi áp thuế carbon trên quy mô toàn cầu
Thủ tướng Justin Trudeau kêu gọi áp thuế carbon trên quy mô toàn cầu - một biện pháp mà nhà lãnh đạo Canada cho rằng sẽ hạn chế đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu tại một cuộc thảo luận do Canada tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Justin Trudeau kêu gọi áp thuế carbon trên quy mô toàn cầu - một biện pháp mà nhà lãnh đạo Canada cho rằng sẽ hạn chế đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tạo sân chơi công bằng cho những nước đã áp thuế phát thải như Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh ngày 1/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Trudeau cho biết chính phủ của ông đã đấu tranh quyết liệt để thực thi chính sách thuế carbon trước sự phản đối của các đảng đối lập ở Canada, và giờ ông muốn đưa "cuộc chiến" này ra vũ đài quốc tế. Thủ tướng cho biết chế độ thuế carbon liên bang của Canada (áp dụng đối với các loại nhiên liệu như xăng, dầu sưởi ấm, khí đốt tự nhiên và khí propan) có thể là một mô hình cho các quốc gia khác đang dự tính triển khai các hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.
Một luật của liên bang Canada năm 2018 đã yêu cầu các tỉnh phải áp giá đối với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nhân tố góp phần vào hiện tượng nóng lên của Trái Đất. Ý tưởng của luật này là mức phí sẽ "ngăn cản" các doanh nghiệp và người tiêu dùng tạo ra các chất gây ô nhiễm. Các tỉnh tại Canada được tự do phát triển hệ thống định giá của riêng mình, miễn là đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của liên bang.
Canada, quốc gia có diện tích rộng lớn và thời tiết lạnh giá, đồng thời cũng là nước xuất khẩu dầu thô chủ chốt trên thị trường thế giới, đang phải vật lộn để kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên trên toàn cầu. Cho đến nay, chưa đến 20% lượng khí thải toàn cầu phải chịu thuế carbon và Thủ tướng Trudeau hy vọng con số trên sẽ tăng gấp ba lần vào cuối thập kỷ này.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ủng hộ đề xuất trên của Thủ tướng Trudeau và cho biết hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU) - lần đầu tiên được áp dụng đối với một số ngành công nghiệp trên lục địa này vào năm 2005 - đã phát huy hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault, nếu thế giới không kiên quyết thúc đẩy một chương trình định giá carbon tiêu chuẩn, Canada sẽ xem xét áp dụng cơ chế điều chỉnh ở biên giới, theo đó sẽ áp thuế đối với sản phẩm từ các quốc gia không có kế hoạch chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ. Ông Guilbeault thừa nhận rằng sự kết hợp của các loại thuế điều chỉnh ở biên giới sẽ làm phức tạp thương mại toàn cầu, nhưng có thể cần phải gửi tín hiệu đến những nước tụt hậu về khí hậu rằng việc gây ô nhiễm mà không bị tính phí sẽ không được Canada và các nước cùng chí hướng chấp nhận.
Trong khi đó, Eddy Perez, quan chức thuộc tổ chức Climate Action Network Canada bày tỏ lo ngại thuế carbon toàn cầu sẽ gây áp lực đối với các nước đang phát triển, những nơi ít gây ra biến đổi khí hậu nhưng đang chịu gánh nặng của nhiệt độ toàn cầu tăng.
Thói quen xấu 'tàn phá' hệ thống treo ô tô Sử dụng xe đúng cách giúp tuổi thọ xe hơi kéo dài lâu hơn, những thói quen xấu từ người lái sẽ vô tình "tàn phá" chính chiếc xe của họ, trong đó hệ thống treo bị ảnh hưởng đầu tiên. Sự quan trọng của hệ thống treo trên xe ô tô Hệ thống treo là một bộ phận rất quan trọng của...