Bánh trung thu ở Hà Nội: Ế cũng không giảm một đồng
Trong khi một số quầy hàng bán bánh trung thu ở TP HCM giảm giá sâu để tránh ế ẩm thì ở Hà Nội, các chủ hàng không giảm một đồng dù hôm nay đã là Trung thu.
Trong ngày 27/9 (15/8 âm lịch), nhiều quầy bánh trung thu trên đường Lê Văn Lương, Trung Kính, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ,… ở Hà Nội đang tháo bạt nghỉ bán. Phần lớn các chủ hàng đều cho biết sẽ không giảm giá cho đến phút cuối cùng. Nhiều người còn bán nốt trong ngày hôm nay lạc quan cho biết, sẽ không xảy ra tình trạng ế vì sức mua mấy ngày nay tăng mạnh.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một kiốt bánh trung thu ở Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, sức mua năm nay giảm mạnh. Với lượng bánh còn lại trong quầy hàng, dự kiến bán hết ngày nay, khả năng vẫn còn dư khoảng gần 100 chiếc. Tuy vậy, quầy hàng vẫn bán theo giá niêm yết, dù ế cũng không giảm một đồng.
Phần lớn các quầy hàng không giảm giá dù nay là ngày bán cuối cùng
Chủ hàng này lý giải, đây là quy định chung của công ty phân phối bánh trung thu đối với các đại lý. Theo đó, các đơn vị không được tăng hay giảm giá trong suốt mùa trung thu. “Hàng ngày, phía công ty có nhân viên lưu động đến các quầy hàng. Họ theo theo dõi điều phối lượng bánh cũng như giám sát hoạt động của đại lý. Nếu vi phạm, đại lý sẽ bị phạt theo quy định có trong hợp đồng khi ký với công ty”, chị Thanh cho hay.
“Theo hợp đồng, nếu đại lý còn dư bánh, phía công ty sẽ chịu trách nhiệm thu hồi. Đơn vị kinh doanh không mất bất kỳ một khoản tiền nào. Tuy nhiên, phía đại lý cũng phải cân đo sao cho lượng bánh bị ế không quá lớn”, chủ hàng này cho biết thêm.
Đang chỉ đạo thợ dỡ bỏ quầy, anh Lợi, chủ một điểm bán bánh ở đường Nguyễn Chánh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hôm nay là ngày bán cuối cùng. Đến đầu giờ sáng nay, toàn bộ bánh đã bán hết theo giá niêm yết trong bảng treo tại quầy. Do sức mua năm nay giảm nên anh quyết định nghỉ sớm, tránh tình trạng “tham bong bóng bỏ ngọng trâu”.
Video đang HOT
Thay vì giảm giá bánh sai quy định của hãng bánh đề ra, nhiều quầy hàng khuyến mại đồ chơi, con giống để kích cầu.
Anh Lợi cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, anh ước lượng vào sức mua của khách để lấy bánh. Do đó, bánh được nhập về thành nhiều đợt, tránh tình trạng tồn đọng quá nhiều. Ngày 14-15/8 âm lịch được coi là ngày vàng để bán bánh trung thu. Song, năm nay, hàng hóa tiêu thụ chậm, nhập thêm về bán cũng không đáng kể.
Mặc dù sức mua giảm, nhưng kinh doanh bán trung thu cũng mang về cho anh Lợi một khoản thu nhập không hề nhỏ. Anh cho biết, tổng chi phí bỏ ra (thuê mặt bằng, nhân viên, nhập bánh,…) hết khoảng 200 triệu đồng. Trừ các chi phí, anh cũng thu về được khoảng 1/3. Song công sức và thời gian anh Lợi phải bỏ ra rất nhiều.
Cũng khẳng định dù ế cũng không giảm giá bánh, anh Cẩn, quản lý hàng bánh trung thu kế bên cho biết, sẽ bán bánh trung thu hết đêm nay, sáng mai dỡ quầy.
Để kích cầu, thay vì giảm giá, chủ hàng này đưa ra chương trình, khách mua một hộp bánh được tặng một con giống trị giá vài chục nghìn đồng. Tuy vậy, khách mua cũng không nhiều. Anh cho biết, kể từ đầu mua tới giờ, mức tiêu thụ thực sự có hiệu quả khoảng 10 ngày cuối. Đặc biệt trong ngày 14-15/8 âm lịch, khách mua đông gấp 4-5 lần bình thường.
Nhiều quầy hàng bánh trung thu đã nghỉ bán sớm.
Không treo các bảng thông báo giảm giá nhưng một số quầy bánh trung thu ở khu vực Khương Trung, Quán Sứ, nhân viên đưa các mức chiết khấu hấp dẫn 5-10% cho số lượng 5-10 hộp bánh trở lên. Với bánh lẻ, lượng chiết khấu 10.000-20.000 đồng một đơn hàng. Theo lý giải của một số đơn vị kinh doanh, mức giảm giá này nhằm kích cầu, tránh tình trạng bánh ế quá nhiều.
Công khai treo biển giảm giá bánh trung thu ngày bán cuối, nhưng mức giảm tại các hàng tạp hóa chỉ ở mức rất thấp, chỉ 5-10%.
Theo chị Xuân, chủ một hàng tạp hóa tại Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, thông thường, các hãng chiết khấu cho hàng bán lẻ 20% trên một loại bánh. Do đó, với mức giảm 10%, chủ tạp hóa cũng vẫn có lời.
Chia sẻ về quy định bán bánh, chủ hàng tạp hóa cho hay: “Dù theo hợp đồng ký với hãng, mình không được tự ý tăng hay giảm giá bánh. Nhưng nay là ngày bán cuối cùng, xả hàng để tránh tình trạng bị ế. Đại lý nhỏ lẻ nên nhân viên cũng không giám sát”, chị cho hay.
Theo nhân viên giám sát, phân phối một hãng bánh lớn ở Hà Nội, hiện số lượng hàng trong kho cũng không còn. Phía công ty đã ngừng sản xuất. Để đảm bảo lợi ích cho các đại lý, trong suốt mùa Trung thu, hãng bánh này chủ động trong việc luân chuyển bánh từ cửa hàng tồn nhiều sang các quầy khác. Việc này, tránh tình trạng ế ẩm và cũng để giảm bớt tổn thất của công ty trong việc thu hồi bánh ế.
Theo Zing News
Bánh trung thu 5 sao: Chưa qua mùa đã đóng quầy
Khác với thị trường bánh bình dân đang sôi động, những sản phẩm mùa trung thu của khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội đã vào đợt giao hàng cuối, thậm chí có nơi đã đóng quầy.
Giữ mức chiết khấu thấp (chỉ 5-15%) với giá không thay đổi nhiều, loạt bánh trung thu của các khách sạn lớn tại Hà Nội năm nay có sức tiêu thụ tốt. Khách sạn Hà Nội, Sofitel Metropole, JW Marriott Hà Nội... đều tung ra các mẫu bánh trung thu có giá từ 620.000 đồng đến hơn 12 triệu đồng một hộp, đi kèm có rượu ngoại hoặc các sản phẩm quà tặng dát vàng.
Theo đại diện bán hàng của một khách sạn 5 sao, đơn vị này đã tung các sản phẩm bánh trung thu cách đây 1 tháng, chia làm 2 loại sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người dùng. Mặc dù số lượng bánh tăng hơn 10% so với năm ngoái, nhưng tới ngày 21/9 (tức 9/8 âm lịch), quầy hàng của khách sạn đã đóng cửa, vì hết sản phẩm.
Tương tự, nhân viên một khách sạn 4 sao tại quận Ba Đình, cũng cho biết, năm nay đơn vị này tung ra thị trường tới 14 mẫu bánh nhưng hiện chỉ còn loại số 1 và số 10. Theo vị này, mùa trung thu 2015, khách sạn vẫn nhận làm những loại bánh giá vài chục triệu một hộp, nhưng khách phải đặt trước và ký hợp đồng số lượng với đơn vị.
Giá bánh trung thu của các khách sạn lớn không chênh lệch nhiều so với thị trường, nhưng những sản phẩm bán kèm, chi phí hộp da cao... khiến những hộp bánh này đội lên tới hàng chục triệu đồng. Ảnh: JW.
"Sản lượng bán ra cao hơn nhiều so với năm 2014, nhất là các phân khúc trung và cao cấp. Thực tế bánh trung thu của khách sạn làm gần chục năm qua chưa từng ế hàng, luôn đóng quầy trước rằm và không có chuyện phải bán khuyến mại như các thương hiệu bình dân. Riêng những khách mua nhiều, đặt trước có thể được giảm giá 5-15% tùy loại, hoặc mua 10 hộp lớn tặng 1 hộp nhỏ", vị này cho hay.
Đại diện một khách sạn 4 sao tại TP HCM có bánh trung thu siêu đắt tiết lộ, giá bán các loại bánh rời không thay đổi so với năm ngoái, nhưng rượu và các sản phẩm quà tặng bán kèm thì cao hơn hẳn. Thông thường, giá các sản phẩm ngoài bánh, tính cả vỏ bằng da, chiếm 70-90% giá tiền.
Khẳng định việc bán kèm rượu vào bánh không phải là cách để tăng doanh thu, vị này cho rằng, đây là chiến lược đánh vào nhu cầu thực của khách hàng.
"Khách mua bánh của khách sạn vì có những sản phẩm hạng sang đi kèm này. Rượu được lựa chọn phù hợp với nhân bánh và khẩu vị người Việt. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm này được khách đặt mua để biếu tặng, nên việc kèm theo đồ uống là nhu cầu thực mà chúng tôi đã tính trước", nhân viên khách sạn cho hay.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hà - nhân viên đối ngoại một công ty lớn ở Hà Nội cho biết: "Các khách sạn có thể sản xuất được nhiều hơn nhưng họ chỉ đưa ra mức có giới hạn và ngừng sản xuất trước để tránh hàng tồn. Còn thật ra, làm gì có chuyện sản xuất không đủ để bán bởi nếu muốn họ có thể cho ra lò nhiều hơn".
Theonews.zing.vn
Nghi vấn mẹ tử vong, con nhập viện do ăn bánh trung thu Bà Đường (69 tuổi) nôn, ói rồi bất tỉnh sau khi khi ăn bánh trung thu không lâu và đã được đưa vào phòng khám của xã để cấp cứu. Mẹ bà Đường (95 tuổi) bị nhiễm độc muộn hơn nhưng đã tử vong khi người thân chưa kịp đưa tới bệnh viện. Trưa ngày 26/9, trao đổi với phóng viên Dân trí,...