Bánh trung thu 15.000 đồng bán ở hàng trà đá
Sau rằm, một số điểm bán bánh trung thu ở Hà Nội rao giá 15.000-20.000 đồng một chiếc nhưng vẫn không thu hút được khách mua.
Hết Tết Trung thu, các điểm bán bánh nướng, dẻo đều đã hạ quầy. Những thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà… cũng thông báo đã hết bánh. Song trên đường Trương Định, quận Hoàng Mai, đến thời điểm này, các loại bánh vẫn được bày bán khá nhiều, thậm chí ở hàng rau, trà đá.
Theo tìm hiểu, các loại bánh bán vỉa hè như vậy có nhãn mác lạ, thậm chí chưa nghe tên bao giờ, như Q.B, H.G,… Bánh cũng không còn hộp mà được chủ hàng bóc bán lẻ, giá dao động 15.000-20.000 đồng một chiếc loại 250-300 gram, và chỉ có nhân thập cẩm.
Bánh trung thu sau rằm được bày bán nhiều tại các sạp hàng trên đường Trương Định với giá chỉ 15.000 đồng một chiếc. Ảnh: Ngọc Lan.
Theo bà Thanh, một chủ hàng trên dãy phố này, đây là mức giá ưu đãi cuối mùa. “2 ngày trước, chúng tôi bán 40.000 đồng một chiếc. Giờ cũng do người bán nhiều, người mua ít nên tôi lấy giá cạnh tranh. Với giá bán trên, tôi chỉ lãi vài đồng lẻ cho một chiếc”, bà cho hay.
Bà Thanh cũng tiết lộ, đây là bánh bán ế của các công ty, hạn sử dụng chỉ còn 1 tuần nên phải bán gấp với giá rẻ. Xem trên bao bì, những chiếc bánh bán tại đây phần lớn có hạn sử dụng đến ngày 2-3/10, nghĩa là chỉ còn 2-3 ngày nữa.
Tuy nhiên, ở cửa hàng kế bên, bánh mang thương hiệu Q.B lại còn hạn sử dụng 15-20 ngày. Người bán này cho biết, đây là bánh do gia đình bà tự sản xuất, bán chủ yếu trong ngày Trung thu và sau rằm, với giá 15.000 đồng một chiếc, không mặc cả.
Hạn sử dụng ghi trên bao bì bánh còn hơn 20 ngày. Ảnh: Ngọc Lan.
Dù giá bán rẻ rất nhiều so với thời điểm trước, song người mua không nhiều. Dãy phố được coi là “thiên đường bánh trung thu giá rẻ” hậu ngày rằm ở Hà Nội cũng không còn nhiều hàng bánh trung thu như mọi năm. Năm nay, chỉ có 5-7 hàng bày bán. Theo một người bán, khách mua chủ yếu là sinh viên và công nhân quanh khu vực.
Video đang HOT
Phạm Ngọc, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vừa mua 5 chiếc bánh với giá chỉ 50.000 đồng, cho biết, cả phòng góp tiền lại mua về liên hoan. “Trung thu giá bánh 30.000-40.000 đồng một chiếc, sinh viên không có điều kiện để ăn, giờ giảm xuống một nửa là dịp để cả phòng trọ mua về thưởng thức”, Ngọc cho biết.
Cũng theo Ngọc, sinh viên mua bánh rẻ thường chọn loại có ghi địa chỉ, nơi sản xuất cụ thể và có hạn dùng dài. Để an toàn, Ngọc chọn những chiếc bánh còn hạn sử dụng khoảng 1 tuần.
Chị Ngọc Hân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị thường mua bánh các thương hiệu lớn để biếu, còn bánh ăn là mua ở hàng truyền thống. Để yên tâm hơn, chị chỉ mua vào đầu mùa, khi các cửa hàng bắt đầu sản xuất. “Thường hạn sử dụng trên sản phẩm còn gần 1 tuần là tôi không mua”, chị Hân cho hay.
Cũng theo khách hàng này, các năm trước xuất hiện tình trạng chủ hàng dập hạn sử dụng giả để bán kiếm lời. Vì thế, chị tuyệt đối không mua bánh ế, chỉ ăn theo mùa.
Trào lưu làm bánh handmade những năm gần đây nở rộ cũng khiến thị trường bánh trung thu bớt nóng. Đặc biệt, vào thời điểm hậu Trung thu, bánh giá rẻ nhưng người dân cũng không tỏ ra háo hức. Người bán cho biết, với sức tiêu thụ hiện tại, dù có giảm giá sâu hơn nữa cũng rất khó bán hết để thu hồi vốn, bởi hạn sử dụng sản phẩm còn rất ngắn.
Theo Zing News
Đội mưa dự đêm Trung thu lần đầu tiên được tổ chức ở bản
Cơn mưa nặng hạt không ngăn được bước chân và niềm háo hức của hàng trăm em nhỏ cùng phụ huynh đến với Đêm hội Trung thu lần đầu tiên được tổ chức tại 4 bản vùng sâu của xã miền núi Lượng Minh.
Đội mưa dự đêm Trung thu đầu tiên ở bản
Ngày 27/9, hàng trăm phần quà của các thành viên CLB nhiếp ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người đã vượt chặng đường gần 600km đến với các em nhỏ dân tộc Khơ - mú, dân tộc Thái ở các bản Chăm Puông, Minh Tiến, Minh Thành, bản Đửa, thuộc xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An).
Đến Nghệ An, đoàn xe tiếp nhận 2 bộ trống đội và hơn 700 cuốn vở viết để mang thêm niềm vui đến với các em nhỏ xã miền núi này. Đây là món của quả độc giả Báo Dân trí tại Nghệ An cùng Đoàn cơ sở Trại tạm giam và Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An.
Các thành viên CLB nhiếp ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người chuẩn bị quà Trung thu cho các em nhỏ Lượng Minh.
4h chiều, đoàn có mặt tại bản Chăm Puông. Từ Chăm Puông vào Minh Tiến phải lội qua 2 con suối cùng với đường đất quanh co. Ở ngay con đường vào bản, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lượng Minh điểm bản Minh Tiến đã có mặt để cùng chúng tôi "tang bo" hàng hóa vào bản. Từng đoàn xe máy ì ạch vượt suối, leo dốc để kịp trang trí cho đêm hội Trung thu. Đoàn khách lạ mang theo lỉnh kỉnh hàng hoá thu hút sự hiếu kỳ của người dân. Đàn ông, phụ nữ, đặc biệt là các em nhỏ Khơ Mú, Thái kéo đến chật sân điểm bản Minh Tiến.
Trường Tiểu học Lượng Minh điểm bản Minh Tiến là nơi học của con em 4 bản Chăm Puông, Minh Tiến, Minh Thành, bản Đửa. Do chưa có phòng học nên một số lớp của Trường THCS Lượng Minh, Trường Mầm non Lượng Minh cũng học chung tại đây. 4 bản này thuộc diện khó khăn nhất của xã Lượng Minh. Ở đây chưa có điện lưới, sóng điện thoại năm thì mười hoạ mới có chập chờn. Thứ duy nhất nối cụm ở bản này với thế giới bên ngoài là sóng phát thanh nhưng cũng hoạ hoằn lắm mới có đủ thiết bị để thu - phát sóng. Thành ra, cụm bản này dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Những đôi mắt tò mò, háo hức khi những chiếc đèn lồng, đèn ông sao nhấp nháy với tiếng nhạc vui tai được gấp rút lắp ghép. Các tình nguyện viên nhanh chóng trang trí sân khấu, chia các phần quà vào túi bóng, chuẩn bị mâm quả để phá cỗ. Các thầy cô giáo cũng tất bật tập hợp học sinh thành hàng lối. Khi công đoạn chuẩn bị sắp hoàn thành thì trời bỗng đổ cơn mưa nặng hạt. Niềm vui vừa mới nhen lên bỗng chùng lại.
Các em nhỏ háo hức với món quà Trung thu đầu tiên trong đời.
Các học sinh được thầy cô giáo dẫn về từng lớp, các tình nguyện viên cũng nhanh chóng chuyển các phần quà vào hội trường tránh bị ướt. Trăng lên. Ánh trăng xuyên màn mây dày đặc tỏa ánh sáng vàng xanh xuống thăm thẳm núi rừng. Trời vẫn mưa, cơm mưa ngày càng nặng hạt. Phương án tổ chức đêm hội Trung thu dường như "phá sản".
"Chia quà về từng lớp" - một thành viên nêu ý kiến. Phương án này có lẽ là tối ưu nhất trong hoàn cảnh này. Từng túi quà gồm sữa, bánh kẹo, quần áo, đèn lồng, ủng nhựa, vở viết nhanh chóng được chuyển xuống từng phòng học. Trong chốc lát, những phòng học tối om bỗng lung linh dưới ánh sáng của đèn lồng, đèn ông sao.
Tiếng nhạc trung thu phát lên từ điện thoại. Một bữa tiệc đúng nghĩa với bánh kẹo, với niềm vui đã đến với các em nhỏ nơi đây. Chúng cười nói, so nhau xem đèn lồng ai đẹp hơn, đèn ông sao của ai sáng hơn. Hành lang các phòng học dường như quá chật khi hàng trăm ông bố, bà mẹ cõng theo con nhỏ tới tham dự Tết Trung thu đầu tiên được tổ chức ở bản. Người dân 4 bản như trảy hội, những đôi mắt ngơ ngác, xa lạ đã thay thế bằng nụ cười với những người bạn từ xuôi lên.
Dù trời mưa nhưng các bậc phụ huynh cũng đến chung niềm vui với các con.
Tết Trung thu không có tiết mục phá cỗ, bộ quần áo múa lân được chuẩn bị tự chiều nhưng không thể biểu diễn phục vụ các em do trời mưa, sân ướt. Đêm Trung thu ở núi rừng chỉ có tình người ấm áp, có niềm vui con trẻ và những nụ cười lấp lánh ánh vui của những người làm cha, làm mẹ.
"Nhà chị có 3 đứa con, khó khăn lắm. Lo cho con ăn học đã vất vả lắm rồi, chả biết Trung thu là chi cả. Hôm nay được mọi người vào phát quà cho các cháu. Ai cũng có bánh kẹo, có sữa, có lồng đèn ông sao, có cả ủng nhựa rồi vở viết nữa, mẹ cũng vui lắm. Bố mẹ không mua được đủ sách vở cho con, giờ cháu không phải lo thiếu vở viết nữa", chị Moong Thị Hồng cầm giúp con tập vở (mỗi cháu 5 cuốn) để các con cầm đèn lồng chơi khoe với chúng tôi.
Không chỉ các bố, các mẹ vui với Tết Trung thu của các con mà ngay cả những người cao tuổi ở bản Minh Tiến cũng háo hức không kém. Bà Kha Thị Tý dẫn theo cháu gái đang học lớp 3 ở điểm trường này đến dự đêm hội. Nhìn cháu gái nâng niu chiếc đèn lồng nhấp nháy và chiếc bánh dẻo thơm phức, bà cũng cười theo. Bà bảo, sống từng này tuổi rồi nhưng cũng không biết đến Tết Trung thu. Hôm nay thấy cháu được tặng quà, có đôi ủng mới để đi học, có thêm vở để viết... bà mới biết Trung thu vui như thế.
Không chỉ là ngày hội của các em nhỏ mà Đêm Trung thu còn là niềm vui của những ông bố, bà mẹ nghèo nơi xã miền núi này.
Trường Tiểu học Lượng Minh ngoài điểm trường chính còn có đến 8 điểm trường đóng ở các bản lẻ với hơn 500 học sinh. Trường học phân tán nên công tác đội cũng bị ảnh hưởng trong khi đó nhà trường không có điều kiện để trang bị. Nhận 2 bộ trống đội (2 trống cái và 4 trống con) của độc giả Báo Dân trí tặng, thầy giáo Lương Lưu Huỳnh - Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Lượng Minh cho biết, sẽ ưu tiên cho 2 điểm trường khó khăn nhất của trường, trong đó có điểm trường bản Minh Tiến. Có thêm 2 bộ trống đội, các thầy cô giáo đỡ vất vả hơn trong việc luyện tập nghi thức đội cho các em học sinh, do vậy, các hoạt động phong trào, tập hợp học sinh và hoạt động ngoại khóa cũng thuận lợi hơn.
Trời tạnh mưa, đêm hội cũng tàn. Đồng bào dẫn các con ra về. Con đường nhấp nhô về các bản như lung linh hơn trong ánh sáng tỏa ra từ các đèn lồng, đèn ông sao. Mưa khiến mực nước suối dâng cao đột ngột, dòng nước cuồn cuộn chảy. Đọc được sự ái ngại trong đôi mắt của những người khách từ dưới xuôi lên, Ven Văn Tuất - công an viên của bản và Tang Văn Đức xung phong dẫn đường. Ánh trăng đêm rằm vén màn mây như dát bạc xuống dòng nước cuồn cuộn chảy.
Tuất và Đức phải đưa từng người qua suối, quần áo ai cũng ướt sũng. Bản làng khuất dần sau lưng, ai cũng thấm mệt, đói và lạnh nhưng những nụ cười, những khuôn mặt lấp lánh niềm vui trong đêm Trung thu đầu tiên của học sinh Khơ Mú, Thái ở 4 bản khó khăn của xã miền núi Lượng Minh vẫn theo chúng tôi suốt chặng đường về.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Hạnh phúc với đêm trung thu không lân, không đèn! "Em chưa thấy múa lân, em chỉ thấy bánh trung thu ở trên ti vi thôi!" - Một em nhỏ Đắk Nông thật thà chia sẻ trong đêm trung thu trông trăng không lân, không đèn. Những em nhỏ ánh mắt trong veo, chăm chú theo dõi các tiết mục văn nghệ. 5h sáng ngày 27/9, chúng tối vượt hơn 130km tìm về...