Bánh tét ngày xuân cũ
Cuộc sống đô thị luôn làm cho con người có cảm giác như thời gian trôi nhanh hơn. Mới sáng đã chiều, mới thứ Hai lại đến thứ Bảy. Rồi tập lịch dày cũng vơi lần, dẫu chủ nhân quên xé để mùa xuân lại đến.
Tết là những ngày chen ở ga xe lửa hay lên mạng tìm chiếc vé tàu về quê. Tết là chờ chực đợi tháng lương mười ba, là chạy vạy mọi thứ cho mọi nhu cầu. Người ở lại phố thì vội vã sau buổi tiệc liên hoan, ra chợ Tết ồn ào mua mọi thứ cho ra Tết trong nhà: mứt, hạt dưa, trái cây, thịt heo, lạp xưởng… Đi chợ Tết ở phương Nam vẫn không thể thiếu một thứ bánh truyền thống mà nếu thiếu nó thì sẽ không thành Tết, đó là bánh tét. Bánh tét có mặt ở miền Nam chỉ khác bánh chưng về hình dáng, lý do là thời tiết trong nam nóng nên việc thay đổi cách gói để bảo quản lâu hơn. Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng lại cho rằng chiếc bánh tét là dạng nguyên thủy của chiếc bánh chưng cổ.
Bánh tét có mặt trong phong tục Tết xa lắc xa lơ rồi. Tôi nhớ vào cái thuở hàn vi, tôi có thể ăn nửa đòn bánh tét một cách ngon lành. Còn giờ đây, trong bữa cơm ngày Tết, những lát bánh tét cũng có mặt, nhưng luôn là món ăn còn lại trên bàn ăn. Lý do là cuộc sống đã thay đổi, mỗi ngày mọi người đều ăn ngon, gần như không còn thèm muốn cái gì. Vào ngày thường, bánh tét bánh chưng vẫn bày bán trong các chợ, chỉ việc mua về ăn mà không cần đợi Tết.
Nhưng dẫu có no đủ, bánh tét vẫn là cái hồn của Tết. Nồi bánh tét vào ngày 28 đến 30 Tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của con người. Tôi lại nhớ thuở bà nội tôi còn sống, bà nhất định bánh mứt và cả bánh tét phải tự bà làm lấy. Bà ra chợ mua dừa nguyên trái, xắt từng lát mỏng ngâm nước. Bà mua gừng về xắt lát mỏng và rất nhiều thứ như cà chua, dứa… về làm mứt. Bà nội cũng tự đổ bánh thuẩn. Và năm nào cũng vậy, bà nội luôn gói bánh tét từ ngày 28 Tết. Ngày bà nội nấu bánh tét con cháu xúm xít gói bánh, canh nồi bánh rất là vui. Bánh tét hay mứt bà nội làm ra luôn đem chia đều cho các cô cậu đã có gia đình. Ngay cả hũ dưa món cũng chính nội mua đu đủ, kiệu, cà rốt về để làm. Hương vị những món ăn Tết do bà nội tôi bận rộn trong dịp Tết ấy có cái gì đó rất thiêng liêng và đặc biệt. Ngoài vị ngon của thức ăn, rõ ràng đó mới là hương vị Tết.
Để rồi nhà tôi cũng đã mất dần thói quen làm đồ ăn Tết mà chuyễn sang đi mua Tết như tất cả bạn bè trong xóm, ở cơ quan. Tết bây giờ nằm ở chợ. Đi một vòng chợ là xong Tết.
Video đang HOT
Nhưng giờ đây, dường như quá chán với cảnh ăn Tết chợ, nghĩa là thứ gì cũng ra chợ mua, người dân thành phố bỗng yêu không khí Tết do mình tự tạo ra. Dăm nhà tự rim mứt. Đi ngang nhà quen, nghe mùi thơm mẻ mứt dừa, mứt gừng bốc lên mà lay động cả chiều xuân. Ngẫm lại chính Tết là cái chăm bón món ăn chứ không phải là giỏ đồ ăn đầy mua trong chợ.
Vì thế, người dân thành phố giờ đây lại chọn cách nấu bánh tét. Tôi phát hiện ra rằng nấu bánh tét cũng chẳng phải như ngày xưa, cứ để cái nồi to đùng bày lên ba hòn đá, rồi dùng những cây củi lớn mà đun. Cái khó là gói bánh. Bởi có nhiều người từ khi sinh ra đến giờ có biết gói chiếc bánh tét như thế nào đâu? May mà cách gói bánh chỉ học loáng một cái là xong, trên internet cũng bày cách gói bánh tét. Người dân thành phố nhận hương vị Tết bằng nồi bánh tét tự mình gói và nấu.
Những chiều cuối năm như thế, không gian đượm một màu chìm lạ, nắng lặng lẽ trốn qua bên kia núi, chỉ để bầu trời đục một màu sương và không khí hơi se lạnh. Tôi thong dong đi ngắm Tết của mình theo cách xem người dân thành phố nấu bánh tét.
Nhưng nồi bánh tét thời @ của người dân thành phố cũng khác. Những chiếc nồi nấu lớn là nồi inox hay nồi nhôm, chứa trong đó từ 5 đến 10 đòn bánh. Mấy cục gạch hoặc đá kê khiêm tốn ở góc hè hay góc nhà, nơi mọi người bận rộn qua lại. Còn nguyên liệu nấu bây giờ chủ yếu là than đá. Than đá không cần không gian rộng, ít khói, rẻ và có độ tỏa nhiệt cao. Người lớn, thanh niên tụ nhau bên nồi bánh uống cà phê, uống trà kể chuyện đủ thứ trên đời. Không gian Tết tiếp nối không gian Tết từ những nồi bánh tét trên phố như thế.
Ngày Tết tới nhà, bạn dọn ra chiếc bánh tét gói không đẹp, cắt ra mời: “Năm nay nhà mình gói bánh tét”, cách nói ấy biểu lộ sự hãnh diện. Lấy đũa xẻ miếng bánh ra, bỏ vào miệng. Miếng bánh tét tự nấu bên góc phố ấy quả thật đậm hương vị Tết.
Bánh tét mùng 3, bánh ít lăn dẻo thơm
Để bánh có màu xanh lá tự nhiên thì cứ vô tư nấu, nửa chừng chặt một tàu cau non bỏ vô nồi...
Theo thông lệ, quy ước không thành văn, bắc nồi bỏ bánh tét vô nấu là từ 10 giờ sáng ba mươi tháng Chạp. Còn nếu ba mươi bận làm việc khác thì sáng mùng 2, mùng 3 mới gói bánh, gọi là "bánh tét mùng 3" thì cũng nấu từ 10 giờ sáng.
Để cho nhừ, giữ được lâu thì phải nấu tới mức, tức tới 11, 12 giờ đêm. Vớt ra phải ngâm qua nước lạnh, nguội rồi mới treo lên cây đòn tầm vông cho ráo nước. Bảo đảm không thiu, không mốc, xơi tới rằm tháng Giêng. Đòn nào, khoanh nào hơi trở thì đem phơi khô, chiên lên là xơi ngon lành...
Nguyên liệu làm bánh tét. Ảnh tư liệu
Để có đòn bánh tét ngon, ngoại tôi truyền bí kíp: Ngâm gạo nếp, đãi đậu xanh sao cho vừa mức. Nhà quen gói nhân sống. Mỡ thì phải chọn mấy miếng tươi ngon, mỗi miếng dài khoảng tấc rưỡi, 2 tấc, đem phơi một, hai nắng thấy trong trong là được.
Quyết định là lá gói. Chiều 28, 29 đã lấy sào móc giật mấy tàu lá chuối hột, rọc ra đem phơi cho dôn dốt. Gói với lá này, bảo đảm không thâm, không ảnh hưởng đến nếp, đậu bên trong. Cuối cùng là tay nghề gói chặt gói lõng, tém đầu bánh sao cho khéo, nhìn đòn bánh suôn từ trên xuống dưới. Không thôi mấy nhà hàng xóm họ thấy họ cười.
Giai đoạn cột dây lạt tước từ cọng chuối thì có tôi và mấy người phụ. (Giờ thấy mấy đòn bánh cột bằng dây nilon là tôi thấy dị ứng vô cùng!)
Để bánh có màu xanh lá tự nhiên thì cứ vô tư nấu, nửa chừng chặt một tàu cau non bỏ vô nồi...
Còn bánh ít, phải công phu hơn. Ngâm gạo nếp một ngày một đêm rồi chở hai thùng thiếc lên chỗ xay bột. (Ngày trước còn phải mang qua nhà ông cậu mượn cối đá quay tay để xay!). Xong đem về bỏ vô bao vải gọi là "bồng" bột, lấy thớt dằn đè cho ráo. Sau đó ngắt từng cục từng cục đem đi phơi trên cái xàng, cái nia. Bột như vậy mới là bột sạch, bột ngon.
Ngoại có nghề gói bánh ít lăn, tức có người lấy bột, vò xung quanh nhưn rồi bỏ vô lá gói, xong túm cho bánh nhọn cao. Trong tay tất nhiên có chút dầu ăn cho trơn láng...
Ngoại nói mấy người vụng hơn thì gói bánh ít theo kiểu "chằn hầu" hoặc túm đại...
Bánh ít không nấu mà hấp. Ngoại canh rất hay, bánh cái nào cái nấy trong xửng hấp lấy ra đều ráo, thơm, dẽo...
Củi đâu? Một, hai tháng trước nhà đã đi đốn cây về chất thành cự củi. Rồi bao nhiêu tàu lá dừa khô rụng cũng được gom lại chờ nấu bánh tét, bánh ít cuối năm...
Luộc bánh tét kinh nghiệm là phải đào lò, khoét sâu xuống dưới chỗ đặt nồi khoảng 2 tấc. Ảnh tư liệu
Để giữ lửa lúc nào cũng nóng hừng hực, tiết kiệm củi, kinh nghiệm tôi học được là phải đào lò, khoét sâu xuống dưới chỗ đặt nồi khoảng 2 tấc. Lửa âm từ dưới lên mới là lửa mạnh. Sau này thấy mấy nhà kê ba cục gạch, đặt lên cà ràng để nấu nồi bánh cỡ 10 - 12 tiếng mà thấy tiếc. Bánh không nhừ nó bời rời, không dẽo, không để được lâu...
Sau này, nhà không gói bánh nữa. Cực bà cố! Gần Tết, cứ đặt hàng người quen 1-2 cặp bánh tét, chục - hai chục bánh ít, đủ để cúng ông bà 3 ngày Tết.
Thời hiện đại, chuyển đổi số, quá nhiều tiện ích, dịch vụ lên ngôi. Công dân toàn cầu phải biến hóa, thích nghi, thích ứng theo thời thế thôi nhưng, mãi nhớ, cái thời lọc lá, vuốt nếp, gói gói cột cột thưở nào...
Mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết tươi lâu an toàn cho gia đình Ngày Tết nhà nào cũng dự trữ rất nhiều thực phẩm, từ đồ sống đến đồ nấu chín và thường để chung trong tủ lạnh rất dễ gây hại cho người dùng. Chính vì thế hôm nay, chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH sẽ mách bạn một vài mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết tươi lâu và an toàn...