Bánh tằm Cà Mau
Làm bánh tằm tương tự như làm bún nhưng sợi bánh to hơn sợi bún một chút, bánh vừa dài vừa dai được gỡ ra rời rạc từng sợi một trước khi chan nước xốt, còn gọi là ” nước cà”…
Cà Mau không chỉ nổi danh với nghề dệt chiếu đã đi vào câu hát quen thuộc “nghe chiếu Cà Mau…” mà còn thu hút khách bởi những món ăn lạ lẫm, giản dị nhưng đặc sắc. Trong những lần xuôi công tác về vùng Cà Mau, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất cho mỗi vị khách phương xa là việc dễ dàng tìm một quán ăn nho nhỏ trên vỉa hè hay trong hàng hiên của một ngôi nhà nào đó, nhưng lại vất vả khi đi tìm một quán ăn bề thế chuyên bán các món ăn bình dị của vùng miền. Nên nếu muốn thưởng thức món bánh tằm xíu mại Cà Mau – không phải là bánh tằm thường thấy ở những nơi khác – cách đơn giản nhất là đến những quán nhỏ hè phố.
Buổi sáng dã chiến
Video đang HOT
Bên cạnh các quán cóc cà phê là các hàng ăn sáng tấp nập thực khách. Cà Mau ít quán phở nhưng nhiều quán bánh tằm xíu mại và cơm tấm cùng với bún nước lèo. Tuy là món ăn không đụng hàng với địa phương khác nhưng Bánh tằm xíu mại lại không được xếp vào danh mục nhà hàng. Có thể từ lâu người ta chỉ biết đến đây là món ăn đường phố và chưa ai nghĩ đến việc nhà hàng hóa món điểm tâm này. Món ăn quen thuộc đó phổ biến đến nỗi khi nghe người địa phương hỏi ăn bánh tằm xíu mại không thì đã thấy trước mắt các bảng hiệu đơn sơ viết giản đơn hai chữ bánh tằm đặt trên vỉa hè, mấy cái bàn nhựa và ghế thấp đã kín người ngồi. Thú vị nữa là các quán ăn này chỉ xuất hiện trên vỉa hè vào buổi sáng tinh mơ, bán cho đến lúc công chức vào sở làm thì kết thúc, bởi vậy muốn ăn vào giờ khác cũng chẳng biết ăn ở đâu.
Nhà quê mà lắm cầu kỳ
Bánh tằm hay bánh tầm, gọi thế nào cũng được, cầu kỳ từ khâu nhào bột làm bánh cho đến lúc nấu nước xốt dùng. Làm bánh tằm tương tự như làm bún nhưng sợi bánh to hơn sợi bún một tẹo, bánh vừa dài vừa dai được gỡ ra rời rạc từng sợi một trước khi chan nước xốt, còn gọi là “nước cà”. Bánh tằm là tên gọi chung cho món ăn nhưng khi ăn thực khách sẽ được hỏi bánh tằm xíu mại hay bánh tằm thịt nướng, bánh tằm cà ri hay bánh tằm xíu mại tàu hủ ky… Sơ sơ đã có bốn kiểu bánh tằm. Muốn bánh thật ngon và dễ thấm nước mắm chan thì đặt bánh trong một cái xửng hấp như người Hoa hấp bánh bao vậy. Bánh tằm ăn với giá đậu xanh, cải xà lách và rau thơm cắt từng khúc rồi chan nước mắm chua ngọt có chút ớt bằm đỏ tươi. Nhìn người bán lấy bánh trong xửng hấp ra, gỡ từng sợi cho vào cái đĩa tròn lớn, để rau lên rồi chan nước xốt đã thấy bụng sôi ào ào, nước xốt nấu chung với từng viên thịt băm gọi là xíu mại thịt, nếu không thích viên xíu mại ấy thì có thể lấy thịt nướng cắt nhỏ để vào.
Đĩa bánh tằm truyền thống
Tuy thường thấy ở hè phố nhưng sự hấp dẫn và mức độ độc đáo của Bánh tằm xíu mại cũng ngang bằng với đặc sản của địa phương. Nơi có hàng ăn đông khách nhất có thể kể đến là quán bánh tằm trên đường Lê Lợi, đường Nguyễn Hữu Lễ phường 2 hay quán ăn sáng ở đường Quang Trung, đường Lưu Tấn Tài phường 5… Ngoài ra cũng có thể kể đến một quán ăn rất có cá tính chỉ chuyên bán Bánh tằm cà ri cay nằm trong con hẻm khuất nhưng rất chìu thực khách, bạn có thể đến gõ cửa bất cứ lúc nào chủ quán cũng niềm nở phục vụ bánh tằm cho bạn. Quả đúng như ông bà đã nói, miếng ăn ngon thì được nhớ rất lâu, và dù có đi đến đâu thì thực khách vẫn cất công tìm tới.
Các quán bán bánh tằm ở Cà Mau chỉ xuất hiện trên vỉa hè vào buổi sáng tinh mơ, bán cho đến lúc công chức vào sở làm thì kết thúc, bởi vậy muốn ăn vào giờ khác cũng chẳng biết ăn ở đâu.
Bánh tằm hay bánh tầm, gọi thế nào cũng được, cầu kỳ từ khâu nhào bột làm bánh cho đến lúc nấu nước xốt dùng.
Bánh tằm ăn kèm với nhiều rau sống
Trong các kiểu ăn bánh tằm, đặc biệt nhất là bánh tằm xíu mại tàu hủ ky. Để có được nồi xíu mại hấp dẫn, người ta đã phải chuẩn bị nhiều bước thực hiện. Đầu tiên thịt băm nhuyễn ướp với gia vị cho thấm, tàu hủ ky chiên sơ để riêng rồi cắt từng miếng vuông bằng bàn tay xòe ra, trải miếng tàu hủ ky ra cho thịt băm vào gói lại. Tiếp theo cho vô xửng hấp qua một lượt. Nước xốt sôi mới cho từng miếng tàu hủ ky gói thịt băm vào, nồi nước xốt được đặt trên bếp lửa liu riu, lúc nào cũng sôi lăn tăn nóng hôi hổi. Đĩa bánh ngon nghĩa là từng sợi bánh không dính bết vào nhau, cả rau và thịt đều nóng hổi khi chan thêm nước mắm và trộn chung với rau ăn kèm. Trong lúc ăn người ta có thể dùng muỗng nhỏ múc “nước cà” rưới lên từng gắp bánh cho thấm.
Theo PNO