Bánh pía: Ngọt ngào những ngày Trung thu trong hồi ức
Bánh pía giờ đây dễ tìm, dễ mua. Người ta thưởng thức chúng như một món ăn vui miệng. Nhưng với riêng những đứa trẻ lớn lên ở miền quê mới hiểu hết cái vị đậm đà mà chúng mang lại trong những ngày của quá khứ
Những ngày của tuổi 25, tôi chợt muốn đi nhiều, như một sự bù đắp cho những năm tuổi trẻ có phần đơn điệu và buồn chán. Chuyến xe khởi đầu từ những tỉnh miền Tây, vùng đất tôi sinh ra và lớn lên nhưng vẫn còn vô vàn những điều mơ hồ về chúng. Tôi chọn Sóc Trăng làm trạm dừng chân trong một ngày đầu tháng 9 đầy nắng vàng.
Sóc Trăng nổi tiếng với bún nước lèo, bánh cống, mè láo… hay những chùa chiền có tuổi đời ngót nghét vài trăm năm. Nhưng trước khi đến với những điều thú vị này, Sóc Trăng lại chào đón khách thập phương bởi một vị ngọt thơm đã làm nên tên tuổi suốt mấy thế kỷ qua – bánh pía.
Dọc quốc lộ 1A trước khi tiến vào trung tâm thành phố, không khó để bắt gặp những hàng quán san sát nhau bày bán loại bánh này. Bánh pía dường như không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là niềm tự hào của chính người dân nơi đây với hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ.
Nhắc đến bánh pía, nhân đậu xanh sầu riêng trứng muối được xem như vị đặc trưng nhất. Ngày còn thơ bé, cái hương vị ấy đã được mặc định trong đầu như đặc điểm nhận dạng của loại bánh này. Bánh pía theo chân người Hoa trong những ngày đi mở cõi phương Nam, từ thế kỷ 17. Chiếc bánh tròn, to bằng lòng bàn tay này có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu với nhân nguyên thuỷ là thịt heo, mỡ và đậu xanh được gói trong lớp vỏ có nhiều lớp bột chồng lên nhau. Từ pía là cách gọi chệch đi phiên âm từ “pi-é” nghĩa là bánh trong tiếng của người Hoa.
Nhưng khi vào đến vùng Nam bộ, bánh pía lại có sự thay đổi đôi chút về nhân bánh để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người dân sở tại.
Bánh pía, đặc sản của Sóc Trăng nức tiếng xa gần
Một chiếc bánh tròn vừa vặn có thể chia thành 4 phần. Bánh mềm và dẻo ở bên trong nên dùng dao cũng được hoặc dùng tay tách cũng chẳng sao. Mà thú vui của những đứa trẻ ngày xưa vẫn cứ thích dùng tay để tách bánh, để cốt yếu lấy được phần nhiều hơn. Đứa nào không tách phải chịu phần thiệt ăn miếng nhỏ hơn. Mấy điều vụn vặt con trẻ ấy, đôi khi nghĩ lại tự nhiên cười thầm, rồi đôi ba giọt nước mắt chợt rơi vì nhớ những ngày đã qua.
Video đang HOT
Cắn một miếng bánh, đầu tiên sẽ cảm nhận được độ xốp của những lớp vỏ mỏng chồng lên nhau, dính nhẹ vào răng hay lưỡi. Sau này tìm hiểu mới biết vỏ bánh coi vậy chứ đòi hỏi sự kỳ công. Người thợ phải nhào 2 loại bột khác nhau, với tỉ lệ nước, mỡ heo khác nhau để tạo nên sự khác biệt. Bột được cán phải khéo để tạo nên những lớp vỏ chồng lên nhau. Trong khi đó, phần nhân ngọt có đậu xanh, sầu riêng tán nhuyễn cộng với trứng muối hấp lại có phần đơn giản hơn, mà quan trọng nhất là nhân phải nhuyễn, mịn.
Vị ngọt, thơm, béo của bánh khiến người ăn khó quên
Vị béo, bùi của đậu xanh cộng với mùi thơm, vị ngọt đặc trưng của sầu riêng cùng chút mằn mặn, thơm béo của trứng muối kết hợp với vỏ bánh tạo nên một vị ngọt đậm đà khó thể lẫn vào đâu.
Bánh pía có độ ngọt khá gắt nên thường được dùng để nhâm nhi với nước trà, càng làm tăng thêm hương vị, và giúp người ăn đỡ ngán. Cha tôi cứ cắn một miếng bánh lại uống một ngụm trà. Người lớn là vậy, chứ tụi con nít vốn hảo ngọt nên ăn liền tù tù 2, 3 miếng cũng được. Ăn xong ực vội ly nước trắng to đùng cho không gắt cổ. Cứ vậy đó, bánh pía đi vào hồi ức của chúng tôi một cách nhẹ nhàng, như lời mẹ ru cái thuở còn nằm nôi.
Ngày trước, gia đình cũng không dư giả bao nên không phải lúc nào cũng được ăn bánh pía. Chỉ khi cận Trung thu, mẹ mới mua cùng 2 chiếc bánh, trước cúng, sau ăn. Bánh pía thường được mẹ tôi dọn cúng bàn thờ ông địa, ông thần tài. Mùi thơm của bánh hoà với mùi nhang trong một đêm miền quê yên ả lại khiến lòng dạ những đứa trẻ chợt cồn cào. Tôi thường ngồi đó chờ cho đến khi nhang gần tàn để được thỉnh bánh để ăn.
Bánh thường được người lớn nhâm nhi với nước trà
Cầm vội miếng bánh, chiếc xe lon ton (đèn Trung thu làm bằng vỏ hộp sữa) cũng đã kịp lên đèn, thế là hoà vào cuộc vui với mấy đứa nhỏ cùng xóm. Tiếng lon ton vang khắp một quãng đường kèm cái mùi ngọt ngậy của bánh lại khiến tâm hồn một đứa trẻ háo hức lạ thường để đón ông trăng, ngắm chị Hằng.
Giờ muốn ăn bánh pía có khó gì đâu. 40.000-50.000 ngàn là có bánh để ăn với nhiều vị theo sở thích. Nhưng có những điều tiền vốn dĩ không mua được, đó là tuổi thơ, là những ngày yên bình không trở lại.
.Theo Phunuonline
Chênh chao trái thị vàng nơi phố phường tấp nập
Thứ quả bé mọn, chẳng mấy ngon lành dường như có phần lạc lõng giữa phố đông. Bởi cái màu vàng thanh tao giản dị kia đâu phải để người ta thèm thuồng, khao khát.
Một ngày nắng vàng như mật của tháng tám, tôi chợt thấy trên quang gánh đơn sơ của cô bán hàng rong nơi cuối phố có vài ba quả thị bé xinh xinh, vàng bóng, tròn trĩnh... Lâu lắm rồi, tôi mới thấy thức quả chân quê, mộc mạc kia trong lòng phố thị ồn ã, tấp nập. Nơi người ta vẫn bị những trái táo đỏ au, hay những trái dưa vàng, nho móng tay quyến rũ.
Mỗi năm, thị chỉ có một mùa, dĩ nhiên cơ hội được cầm trên tay thứ quả thơm thảo ấy cũng hiếm hoi hơn. Nhưng đó không phải là lý do chính để thứ quả này bị chìm khuất giữa những ồn ào tấp nập của phố phường.
Xưa nay, thị vốn là thứ quả để "chơi", để "ngửi", chứ không phải để "ăn". Các bà, các mẹ đi chợ, thường mua đôi ba trái về làm quà, đón tay cho trẻ con. Qua ngày hôm sau, thậm chí sang đến ngày mốt, lũ trẻ mới nặn cho quả thị mềm, rón rén ăn từng chút một.
Những quả thị mộc mạc, đôi lúc vẫn xuất hiện ở phố đông. Ảnh: Thegioitiepthi.vn.
Sau cái vị ngọt nơi đầu lưỡi, chất nhựa trong quả vẫn còn, chát xít ở chân răng. Vui vui, lũ trẻ chúng tôi cũng chỉ ăn được một hai quả là chán. Đã thế, hạt thị cứ trơn tuồn tuột, chẳng khác nào hạt hồng, ăn không cẩn thận là hóc như chơi. Giờ đây, khi ngồi nhớ lại những câu chuyện cũ, mấy chị em lại thương một thời ấu thơ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nơi lũ trẻ dỗ dành những hồn nhiên bằng thức quà mộc mạc, thơm thảo trong vườn.
Chơi chán rồi mới mang ra ăn, nên quả thị vốn để làm đồ chơi là chính. Thỉnh thoảng, đưa nó lên mũi hít hà, mùi thơm thoang thoảng nhẹ lan vào lồng ngực. Cứ thế, tâm hồn non nớt, ngây thơ lại ước ao được thấy cô Tấm xé vỏ thị chui ra y như câu chuyện cổ.
Cứ đến mùa thị, đám trẻ con lại hí ha hí hửng đi kiếm thật nhiều dây chun, hay những cuộn len be bé, người lớn đan áo còn thừa để đan những cái giỏ xinh xắn. Giỏ thị sẽ được treo ở ngay cửa sổ, cứ mỗi lần gió đưa tới, mùi thơm giản dị, ngọt lành lại vấn vít trong nếp nhà xưa cũ.
Chị họ tôi rất khéo tay, những chiếc giỏ bằng dây chun đựng thị của bọn trẻ con trong xóm phần lớn do chị đan. Ngày chị đi lên Hà Nội học, cây thị trong vườn đang chín rộ. Chị ngồi đan tới khuya vẫn không đủ phần cho đám em út khắp xóm. Bức thư đầu tiên gửi về nhà, chị nói nhớ chúng tôi, nhớ mùi thị thơm quá đỗi.
Cứ tới gần Trung thu, tôi lại năn nỉ bà cho đi chợ cùng. Hết sà vào hàng đồ chơi để ngắm lồng đèn, lại lân la sang hàng bánh kẹo để thòm thèm với những bánh nướng, bánh dẻo bóng bẩy và ngon mắt. Mấy quả hồng đỏ au, mòng mọng, dăm quả bưởi căng tròn càng khiến người ta thêm háo hức. Đêm rằm đã đến thật gần.
Mãi tới khi hai bà cháu ra tới hàng rau, tôi mới thấy những quả thị tròn lẳn nằm ngoan trong thúng. Ở chợ, chúng thường bị hắt hủi, chẳng bao giờ được xếp cùng với hồng, với bưởi cùng cam. Cũng chẳng ai có chủ ý hái thị ra chợ bán, chẳng qua nhà có sẵn cây, để rụng thì phí, nên mới bán chúng cùng mớ rau, hay dăm cân cà pháo.
Quả thị gắn với nhiều kỉ niệm thơ ấu ở làng quê. Ảnh: Baoquangbinh.vn.
Thế nhưng, năm nào phá cỗ, những quả thị vàng ươm, với lớp vỏ căng bóng cũng được sánh bước cùng hồng, cùng bưởi. Mấy đứa con gái cầm quả thị nâng niu trên tay như thể nó là hiện thân của mặt trăng tròn vành vạnh trên cao. Phá cỗ xong, những quả thị được cất từ mấy hôm trước mới được đem ra ăn. Có quả đã héo, vỏ nhăn nheo hết cả.
Giờ đây, về chợ quê, chẳng mấy khi tôi thấy người ta bán thị. Những cây thị già trong làng đã không chịu nổi mấy trận bão lớn, gãy đổ hết cả. Người ta cũng chẳng thiết tha mà trồng lại cây non. Thế nên, màu vàng ươm của chúng cứ vắng dần trong phiên chợ cũ.
Dạo này ở phố, người ta bán những quả thị bằng sáp thơm. Cũng màu vàng ấy, nhưng hương thơm xa lạ quá. Nó cứ găn gắt, lẫn mùi của nhựa và xộc thẳng lên mũi, ngửi lâu lại thấy đau đầu. Làm sao thứ đồ trang trí nhân tạo ấy thay thế được thứ hương thoảng thoảng, lẫn cả mùi nhựa cây của một thời ấu thơ.
Thấy những trái thị thơm, theo đôi quang gánh hay chòng chành trên chiếc xe đạp cũ vào trong phố. Tôi vừa háo hức, vừa bồi hồi. Trong gánh hàng của người phụ nữ chân chất vừa nói chuyện với tôi, có rất nhiều quả thị còn xanh. Hỏi ra mới biết chị hái chủ yếu để bán cho các bà, các cô thắp hương hay bày lên bàn thờ, chứ trẻ con bây giờ chẳng đứa nào ăn thị.
Loanh quanh trong phố, tôi mua vài quả thị, mấy trái hồng trứng cát, cùng cặp bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền với nhân thập cẩm. Những kí ức chập chờn của tuổi thơ cứ theo đó trở về.
Theo Zing
Những điều nhất định phải làm, để cho con trẻ có một mùa trăng đáng nhớ! Cuộc sống bộn bề với những lo toan "cơm áo gạo tiền", gia đình bạn thưa thớt dần những bữa quây quần cùng nhau bên mâm cơm nóng hổi, rôm rả kể nhau nghe những niềm vui, điều mới mẻ trong ngày,... Vậy thì Trung Thu sẽ là dịp thích hợp nhất để bạn "hâm nóng tình cảm" gia đình mình, là cơ...