Bánh ngô non – đậm đà hương vị vùng cao
Đến các phiên chợ huyện ở Cao Bằng, du khách sẽ được thưởng thức một loại bánh vừa lạ cũng vừa quen, mang đặc trưng của người dân miền núi – bánh ngô non.
Bánh ngô non (Ảnh: Xuân Quỳnh)
Bánh ngô non rất quen thuộc đối với đồng bào dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng. Vào lúc nhàn rỗi, khi những bắp ngô non trên nương đã đều hạt, người dân sẽ bẻ đem về làm thành bánh.
Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính để làm loại bánh này là ngô non. Những bắp ngô được chọn làm bánh phải có hạt tròn đều, không bị sâu, đặc biệt phải hái khi còn non để có phần sữa ngô thơm ngậy. Muốn bánh có hương vị đậm đà, người dân thường sử dụng đường vàng Phục Hòa trộn với bột và dùng lá chuối tươi gói bánh.
Những hạt ngô sau khi được tách khỏi lõi sẽ được rửa sạch, trộn theo tỉ lệ: 7 phần ngô nếp, 3 phần ngô tẻ rồi đem nghiền mịn. Việc trộn cả hai loại ngô này với nhau sẽ làm bánh dẻo và thơm hơn. Trước đây, người dân dùng cối đá xay đi xay lại nhiều lần mới có được bột ngô mịn. Để thay cho cối đá, hiện nay người dân sử dụng máy để nghiền bột. Tuy nhiên, xay ngô bằng cối đá theo phương pháp truyền thống sẽ giúp bánh chuẩn vị hơn. Dù bằng cách nào thì điều quan trọng nhất là không thêm nước khi nghiền vì trong hạt ngô non đã có sẵn phần sữa, như vậy sẽ giữ được vị thơm của hạt ngô nguyên chất.
Sau khi có được bột ngô thật mịn, người làm bánh sẽ thêm đường, tùy theo khẩu vị mà cho lượng đường phù hợp, trộn đều đường với bột và bắt đầu công đoạn gói bánh. Bánh được gói bằng lá chuối tươi thành từng cái vừa ăn rồi đem hấp trên bếp củi. Hấp trong khoảng 30 phút, khi bánh chín, người làm sẽ trải bánh ra mẹt và dùng khăn lau khô nước đọng ngoài lá chuối để bánh không bị nát.
Bánh chín có màu vàng tươi của ngô, có độ mềm dẻo của bột mịn. Tuy là bánh không nhân nhưng vị ngọt của hạt ngô non hòa quyện với mùi thơm từ lá chuối đã tạo nên một loại bánh thanh mát rất dễ ăn.
Video đang HOT
Lên Cao Bằng vào dịp hè, du khách đừng quên ghé vào chợ phiên thưởng thức bánh ngô non giản dị mà lạ miệng. Trong không gian mộc mạc của chợ quê, du khách vừa nếm bánh ngô non vừa chia sẻ niềm vui với những người nông dân chân chất, thật thà làm những chiếc bánh giản dị từ nguyên liệu chính là thành quả lao động của họ. Đây sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị với những ai khi đến Cao Bằng, hương vị thanh mát đặc trưng của bánh ngô non vùng cao sẽ cùng du khách vấn vương theo về.
Nét hấp dẫn của ẩm thực đường phố
Đa dạng, độc đáo cùng hương vị hấp dẫn, ẩm thực đường phố tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Cao Bằng. Những món ăn không quá cầu kỳ, sang trọng nhưng lại gây ấn tượng cho bất cứ ai có dịp thưởng thức.
CHÂN GÀ NƯỚNG
Chân gà nướng nổi tiếng thơm ngon, đậm đà.
Quán chân gà nướng nằm bên dưới chân cầu Bằng Giang là địa điểm nổi tiếng được nhiều thực khách sành ăn truyền tai nhau. Chân gà nướng ở đây không chỉ là món nhậu thơm ngon khiến cánh đàn ông mê mẩn mà các chị em cũng rất yêu thích. Những chiếc chân gà được ướp gia vị đặc biệt, nướng đều trên bếp than hồng, lớp da bên ngoài chín vàng ươm, tỏa mùi thơm nức mũi kích thích vị giác. Ăn chân gà không thể thiếu rau sống và đĩa nước chấm cay cay.
Ngoài ra, cánh gà nướng, chả đậu, sủi cảo nướng cũng là những món ăn đáng nếm thử. Khi thưởng thức món chân gà nướng, thực khách chẳng cần bát đũa, cứ trực tiếp dùng tay bẻ từng chiếc chân gà, cảm nhận vị ngon đậm đà của món ăn, như vậy mới không làm mất đi phần sảng khoái. Bên bờ sông thơ mộng lấp lánh ánh đèn, những câu chuyện rôm rả cứ tuôn trào theo món ăn, mang đến cảm giác thú vị trong đêm phố núi Cao Bằng.
BÁNH MỲ PATE
Bánh mỳ pate giòn tan, hấp dẫn là món ăn đêm được nhiều người ưa thích.
Nếu muốn ăn cho chắc dạ, một chiếc bánh mỳ pate ở số nhà 89, phố Kim Đồng, phường Hợp Giang (Thành phố) là lựa chọn số một. Ít ai rõ quán có từ bao giờ, chỉ biết rằng "bánh mì phố Thầu" đã trở thành món ăn quen thuộc với biết bao thế hệ. Bánh đúng kiểu ngày trước nướng trong lò tôn, thay vì sử dụng máy ép như hầu hết hàng quán bây giờ. Bên trong kẹp pate nhà làm mềm ngậy kèm thịt ba chỉ kho, lạp sườn, nước thịt đậm vị.
Thêm chút rau thơm, dưa chuột thái lát và tương ớt cay đầu lưỡi, chiếc bánh mỳ nóng hổi giòn tan vừa đủ cho bữa sáng hay cơn đói lúc nửa đêm. Ngoài vị truyền thống, để làm hài lòng thực khách, quán còn có thêm xúc xích, trứng rán, bơ sữa cho những ai muốn ăn một chiếc bánh đầy đặn no căng bụng.
BÁNH TẺ, BÁNH CAO CHẰNG
Bánh cao chằng độc đáo, lạ miệng.
Hai món bánh dân dã được làm từ bột gạo tẻ, ăn kèm nước canh xương hầm nóng hổi là món quà chiều quen thuộc của hầu hết người dân Thành phố.
Bánh cao chằng để trong khuôn nhôm to sâu lòng được người bán cắt thành từng miếng hình chữ nhật. Dưới vết cắt của con dao sắc mỏng hiện ra màu bánh trắng ngần, tinh khiết, mịn màng như thạch. Nhìn kỹ bánh có ba lớp. Các lớp bánh kết dính với nhau làm một (vì thế bánh được gọi là cao slằng - bánh có nhiều tầng, lớp). Lớp trên cùng là màu vàng sậm của thịt băm và lạc rang giã nhỏ, óng ánh hành mỡ. Miếng bánh mềm, vừa dẻo vừa dai, thơm, bùi khó cưỡng.
Còn bánh tẻ được gói bằng lá chuối, bên trong có nhân thịt băm xào với hành và mộc nhĩ. Khi khách đến thưởng thức thì chủ quán bóc bánh ra cho vào bát, sau đó chan nước canh xương, rắc chút rau thơm lên trên. Nên ăn kèm với giò, chả và cho thêm chanh, măng ớt để không bị ngấy. Muốn đồng thời nếm thử cả 2 loại bánh này, du khách có thể tìm đến quán bánh trên đường Đông Khê (gần Đền mẫu Ngọc Thanh, phường Tân Giang, Thành phố).
BÁNH BAO
Nhắc đến bánh bao, chắc hẳn người dân Thành phố nghĩ ngay tới quán bánh bao đi cùng năm tháng ở phố Cũ (phường Hợp Giang). Quán thường mở từ 13 - 17 giờ, có cả bánh đường (nhân đỗ xanh ngọt) và bánh muối (nhân thịt, mộc nhĩ, trứng cút). Điều đặc biệt là bánh được làm thủ công chứ không phải bánh làm sẵn theo dây chuyền công nghiệp.
Món bánh thơm ngon cộng thêm chủ quán nhiệt tình đã níu chân thực khách đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em tới người già đều yêu thích và tấm tắc khen. Còn gì tuyệt hơn trong cơn đói lòng khi chiều về, trên tay là chiếc bánh bao nóng hổi, cắn một miếng vào tận nhân để cảm nhận độ thơm, mềm của vỏ bánh, vị ngọt của nhân thịt, cái sần sật, dai dai của mộc nhĩ, nấm hương, tất cả quyện làm một tạo thành bản hòa ca của hương vị.
CHÈ NGÔ
Chè ngô ngọt ngào, mát lạnh giải nhiệt mùa hè.
Bát chè ngô ngọt ngào, mát lạnh là món ăn không nên bỏ lỡ trong những chiều hè oi ả. Chè ngô chuẩn vị Cao Bằng không làm bằng ngô ngọt như kiểu miền Nam mà làm từ ngô nếp do người dân địa phương vun trồng. Cầm bát chè trên tay ngắm nhìn những hạt ngô trắng ngần, nếm từng thìa nhỏ, vị dẻo thơm của ngô hòa quyện với vị thanh mát của bột sắn dây lan tỏa trên đầu lưỡi.
Bên cạnh món chè ngô truyền thống, những người sành ăn còn biến tấu thêm hương vị bằng cách ăn kèm chè ngô với chè đỗ xanh, đỗ đen, thạch, nước cốt dừa... Không chỉ cung cấp cho cơ thể lượng dinh dưỡng nhất định, chè ngô còn có tác dụng giải nhiệt và bồi bổ cơ thể.
Vượt núi, băng đèo đặt chân đến Cao Bằng, không chỉ mải mê khám phá những thắng cảnh đẹp mà còn có thể trải nghiệm ẩm thực đường phố ở đây. Chỉ cần bước ra đường, lượn lờ phố xá và "sà" vào bất kỳ quán ăn nào mình muốn, hương vị ẩm thực đường phố Cao Bằng chắc chắc sẽ khiến du khách không thể nào quên.
10 món ăn ngon nổi tiếng khi du lịch Cao Bằng Khách du lịch khi đến với vùng núi Cao Bằng sẽ có dịp thưởng thức những đặc sản, món ăn ẩm thực mang đậm nét riêng của địa phương như: hạt dẻ Trùng Khánh, bánh cuốn, phở chua, lợn sữa quay... Cao Bằng là mảnh đất cội nguồn cách mạng với những địa danh lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng...