Bánh mướt xáo lòng ngon rẻ phố Nguyễn Khang
Chỉ 25.000 đồng/suất, món lòng đậm chất xứ Nghệ này sẽ là một khám phá mới cho dân công sở quanh khu phố này.
Phố Nguyễn Khang có thể coi là “thiên đường” ăn uống khi các nhà hàng quán xá san sát, liền kề với đủ cấp độ bình dân cũng như sang trọng. Khoảng 1 tháng nay, nơi này xuất hiện thêm một quán ăn treo biển “đặc sản xứ Nghệ” với cái tên Huynh Đệ Quán. Tiệm nhỏ, bình dân, mới mở nên chưa đông khách lắm, rất tiện để các thực khách văn phòng tranh thủ khám phá.
Thực chất, các quán Nghệ An đã không còn đặc biệt hay lạ lẫm với người Hà Nội. Tuy nhiên, những nơi ấy đa phần đều chỉ phục vụ các món về lươn như chả lươn, cháo lươn, súp lươn… Bởi vậy, ai đó có chút hiểu biết ẩm thực miền Trung khi vô tình phát hiện ra Huynh Đệ Quán có bánh mướt xáo lòng – cũng là một món ngon xứ Nghệ thì đều tỏ ra hứng thú. Hoặc những ai mê mẩn “đặc sản” lòng lợn tiết canh chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua.
Bánh mướt là loại bánh làm từ bột gạo, trắng phau, cuộn tròn lại, sau đó được rưới thêm chút nước mỡ hành phi. Bánh mướt khá giống với bánh cuốn của người Hà Nội nhưng không hề có nhân, ăn kèm cùng một bát canh tiết, lòng được gọi là bánh mướt xáo lòng. Theo lời chủ quán giới thiệu, đây là món ăn không thể thiếu vào mỗi buổi sáng ở nhiều vùng của Nghệ An.
Bánh mướt rất giống bánh cuốn nhưng không có nhân.
Thưởng thức thử rồi bạn sẽ thấy món ăn dân dã nhưng thú vị, rất dễ hợp gu người Hà Nội. Bánh mướt giống bánh cuốn nhưng ăn lúc nguội nên mềm mát, dễ chịu. Chủ quán cho hay, với bánh mướt, đôi khi chỉ cần thêm chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát mỏng, nhiều người có thể ăn đến no. Có lẽ bánh mướt đơn giản, không khó chế biến chỉ cần nước bột gạo làm bánh phải ngon, nên “ăn điểm” hay không phải đánh giá qua bát xáo lòng.
Bát xáo lòng của quán này trông khá hấp dẫn và đặc biệt, giống như bát canh tiết nấu với đầy đủ lòng non, lòng già, dạ dày, gan, dồi… Xáo lòng phải được ăn lúc còn ấm nóng, nước canh còn dậy mùi thơm, cho bánh mướt vào chấm cùng vừa ngon miệng lại vừa ấm bụng ngay. Xáo lòng của quán chế biến khá chuẩn, nước canh hơi ngầy ngậy, đậm đà, lòng cũng chín tới, cảm giác sạch sẽ. Chắc hẳn, với mức giá chỉ 25.000 đồng mà tương đối đầy đặn thì nhiều thực khách sẽ rất “khoái” món bánh mướt xáo lòng.
Video đang HOT
Xáo lòng của quán làm khá ngon.
Bánh mướt ở đây còn được ăn cùng súp lươn, giá nhỉnh hơn một chút – 30.000 đồng/suất. Có lẽ chuẩn nhất, nếu đi đôi bạn nên gọi 1 bánh mướt xáo lòng, 1 bánh mướt súp lươn để nếm thử tài chế biến lươn Nghệ An của quán, và kèm món phụ nữa thì hoàn hảo cho một bữa ăn vừa phong phú vừa no nê mà đủ chất.
Đặc biệt, quán này có một món đặc sản nghe tên rất lạ, đó là gium ở Diễn Châu – một món bổ dưỡng chế biến từ hải quỳ biển. Gium có mặt tại vùng biển Bắc Diễn Châu một tháng chỉ 2 con nước nên rất hiếm. Khi chế biến, hải quỳ không còn được rực rỡ như khi ở dưới nước. Nhưng khi ăn vào miệng, vị nước ngọt lịm kết hợp với độ giòn, sật của nó khiến nhiều người thích thú, rất hợp để cánh mày râu tẩm bổ, tăng cường sinh lực và nhâm nhi lúc nhậu.
Hải quỳ biển được nấu với hoa chuối với vị nước ngọt lịm kết hợp với độ giòn, sật rất thích hợp với dân nhậu. Một bát gium đầy đặn ở quán có giá 150.000 đồng/bát tô.
Ngoài ra, thực đơn nơi này còn nhiều món vùng miền để khách khám phá: các món lươn xứ Nghệ như cháo lươn, bún lươn, miến lươn; hay các loại hải sản như ngao, ốc, mực, cá chỉ vàng… với mức giá cũng bình dân, vừa phải.
Bánh mướt súp lươn mát lành, bổ rẻ của Huynh đệ quán.
Lươn đem chế biến phải là lươn đồng, không phải loại lươn nuôi đại trà. Khi chế biến, lươn nguyên con hoặc chỉ cắt làm đôi mới… đúng chất lươn tươi.
Lươn xào đầy đặn giá 100.000 đồng/đĩa.
Bánh đa Đô Lương nhỏ xinh nhưng nhiều vừng, giòn và thơm thơi mùi tỏi, ớt tiêu cay.
Địa chỉ: 24 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo Infonet
Ngọt thơm bánh ngào xứ Nghệ
Từng chiếc bánh tròn nhỏ hòa quyện với nước mật sóng sánh thơm hương gừng tạo nên món bánh ngào thơm ngon đặc trưng xứ Nghệ.
Món ăn đơn giản là chiếc bánh được phủ nhiều mật lại có mùi thơm của nước gừng, nên có tên gọi là "bánh ngào". Bánh ngào thường được thưởng thức vào lúc trời se lạnh, hay có chút mưa phùn vì khi ăn nóng sẽ càng ngon hơn bởi sự nồng ấm, "ngào ngạt" và thơm lừng mùi gừng.
Làm bánh khá đơn giản, nguyên liệu cũng không đắt, không khó tìm. Thông thường người ta chọn bột nếp để làm bánh ngào, ngoài ra còn có mật mía, gừng. Cách làm bánh ngào tương tự bánh trôi tàu, bánh chay ở miền Bắc. Bánh trôi tàu, bánh chay ăn có vị ngọt thanh đạm của đường. Còn bánh ngào lại có vị ngọt đậm đà của mật.
Phải chọn loại mật có màu vàng đỏ, đậm đà, sánh nhuyễn. Nếp làm bánh chọn loại nếp ngon xay nhỏ rồi lọc qua túi vải để lấy được phần bột tinh. Sau đó đem nhồi thật kỹ cho nhuyễn, càng nhuyễn bánh ăn càng dẻo và ngon.
Chiếc bánh tròn nhỏ được bao bọc bởi màu vàng sóng sánh thơm hương gừng của mật rất hấp dẫn và ngon miệng. Ảnh: Thanh Lan.
Món bánh ngào có thể có nhân hoặc không có nhân, thông thường ngày xưa các cụ thường làm nhân bánh từ đỗ xanh tróc vỏ rồi ninh lửa nhỏ cho chín, giã nhỏ, cho ít đường trộn đều rồi viên lại thành nhân bánh. Ngày nay, cho rằng bánh đã có mật ngọt đậm đà nên ít người làm nhân bánh để tránh ngọt trong, ngọt ngoài gây mau ngấy. Những người làm bánh để bán họ thường không cho nhân vì đỡ được một phần kinh phí, nhiều hộ gia đình các mẹ, các chị vẫn làm nhân để bánh được hoàn hảo, hòa hợp nhân trong, mật ngoài.
Bột sau khi được nhồi nhuyễn sẽ đem nặn thành từng viên nhỏ vừa ăn, nhân bánh được cho vào giữa. Sau khi làm xong, cho bánh vào nồi bắc lên bếp luộc vừa chín đến, vớt bánh ra nhúng qua nước sôi để bánh không dính vào nhau khi nguội. Bánh ngào ngon hay không do nước mật đi kèm, phải chọn loại mật có màu vàng đỏ, sóng sánh rất đẹp mắt. Cho mật vào nồi đun sôi trên bếp, gừng tươi giã nhỏ cho trước một ít vào vừa tạo mùi thơm vừa cho mật đỡ ngán, sau đó cho bánh vào, khi mật ngấm dần lấy đũa khuấy nhẹ cho mật ngấm đều bánh thì tắt bếp, cho phần gừng còn lại vào để làm cho mùi vị thanh và không gây ngán.
Bánh ngào ngon nhất khi ăn nóng, múc ra từng bát nhỏ, vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết hương vị. Vị bùi của nhân, thơm dẻo của nếp quyện với vị ngọt vừa đậm vừa thanh lại thơm nồng của gừng, của mật đem đến cho người ăn vị ngọt thơm rất ngon miệng.
Thanh Lan
Theo VNE
Lạ miệng nộm củ cải khô xứ Nghệ miền Trung Bản thân củ cải khô đã là món ăn lạ miệng với bất cứ ai từng thưởng thức. Khi làm nộm củ cải khô với nem tai sẽ có mùi vị thơm ngon, béo ngậy của nem tai, lạc vừng, dai dai của củ cải, thơm của rau mùi, là món ăn bình dị khó quên. Người miền Trung những khi mất mùa,...