Bánh mì rẻ nhất Hà Nội 40 năm đông nườm nượp, bán đến 400 ổ mỗi sáng
Tại TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, có không ít quán bánh mì đã tồn tại 3 – 4 thập kỉ, nhưng vẫn luôn được lòng thực khách, khiến họ sẵn lòng xếp hàng dài chờ đợi.
Bánh mì được xem là món ăn “quốc dân” nên nó xuất hiện ở bất cứ vùng miền nào, tỉnh thành nào trên khắp đất nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Có không ít quán bánh mì đã tồn tại 3 – 4 thập kỉ, nhưng vẫn luôn được lòng thực khách, khiến họ sẵn lòng xếp hàng dài chờ đợi.
Nói đến quán bánh mì đông, đắt khách nhất Sài Gòn, thực khách không thể không nhắc tới bánh mì Huynh Hoa (Huỳnh Hoa). Trước cửa tiệm bánh mì hơn 30 năm tuổi này, chuyện dòng người xếp hàng chờ mua bánh dài dằng dặc chẳng hề hiếm gặp.
Một trong các yếu tố khiến bánh mì Huỳnh Hoa thu hút thực khách, chính là bởi mức giá cao ngất ngưởng, “trên trời” – gần 60 ngàn đồng/ổ. Mức giá đó khiến nhiều người tò mò, tìm đến thử.
Ngược lại, tại Hà Nội, có một tiệm bánh mì hơn 40 năm tuổi lại khiến thực khách tò mò vì… quá rẻ. Đây được xem là quán bánh mì “bảo thủ” khi suốt 42 năm vẫn giữ hương vị ban đầu – hương vị của bánh mì thời bao cấp với mức giá chỉ 10 nghìn đồng.
Hương vị chẳng đổi thay mà quán vẫn đông khách nườm nượp. Theo tiết lộ của chủ quán, dù hiện tại quán chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ như trước đây nhưng mỗi sáng, quán đều hết vèo khoảng 400 chiếc.
Hình ảnh đông đúc trước cửa quán trước đây, khi còn mở bán tại chỗ
Từ 22/9 tới nay, quán chỉ bán mang về
Tiệm bánh mì này nằm trên phố Hàng Gai, đầu giáp với phố Tô Tịch. Đây là một trong những nơi bán bánh mì pate kiểu xưa ít ỏi còn sót lại ở Thủ đô. Bánh mì ở quán giòn rụm, nóng hổi, bên trong là phần thịt xá xíu nửa nạc nửa mỡ, xúc xích đỏ dai giòn, pa-tê mềm xốp và thơm lừng. Quán không có dưa duột, rau xà lách hay bắp cải ăn kèm.
“Nhiều khách cũng hỏi sao mình không thêm rau, dưa nhưng bánh mì truyền thống không có những món nhân đó. Có lẽ bởi, mình giữ cái hương vị từ xưa nên quán chủ yếu là khách trung niên, người lớn tuổi hay các bạn trẻ ưa hoài cổ”, chị Linh – chủ quán nói.
Tiệm bắt đầu mở bán từ năm 1979, tính đến nay đã 42 năm. Năm 2007, khi về làm dâu, chị Linh phụ mẹ bán quán. Khi mẹ mất, chị thay mẹ quản lý tiệm bánh mì gia truyền. Suốt hơn 40 năm mở bán, “gia tài” của quán chỉ gói gọn trong một tủ kính nhỏ, một cái lò nướng tự chế, chục chiếc ghế nhựa. Mùa dịch, quán có thêm tấm chắn nilon.
Video đang HOT
Chị Linh nói, các nguyên liệu tạo nên chiếc bánh mì, rồi hương vị từng loại nhân của quán được chị giữ nguyên như ngày mẹ chị bán. Trừ phần bơ, chị Linh tự thực hiện từ pa-tê, xá xíu, xúc xích đỏ, ruốc bông, thậm chí cả tương ớt.
Pa-tê ở đây có màu nâu hồng, lớp mỡ trắng dẻo quánh, hương vị thơm ngon đặc trưng. “Pa-tê là phần nhân đặc trưng của quán, khi ăn pa-tê tan trong miệng, mùi thơm thơm, ngậy ngậy dễ chịu”, vừa đứng chờ lấy bánh mì chị Diệu Huyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa chia sẻ.
Pa-tê được chị Linh làm đúng theo công thức của mẹ chồng dạy, chỉ làm bằng gan và thịt, không thêm ruột bánh mì, bì xay. Chị Linh dùng nhiều hành khô phi vàng ruộm bằng mỡ gà thay vì dùng hành, tỏi sống và ngũ vị hương. Pa-tê được hấp cách thủy 6 tiếng liên tục.
“Do nhà tự làm pa-tê nên khá mất thời gian. 10h30 là mình đã dọn dẹp quá, về sơ chế nguyên liệu để kịp đưa pa-tê lên bếp lúc 13h30 – 14h chiều. Đến tối, khi pa-tê chín, mình lại cẩn thận nhấc ra, hong trong gió quạt. Mình không để pa-tê trong tủ lạnh, làm tới đâu, bán tới đó”, chị cho biết.
Pa-tê đã cầu kì, xúc xích đỏ càng được chị em chị Linh làm cầu kì hơn. Các chị tự luộc thịt, bì, đem xay cùng bột, màu hoa hiên, hấp cho nhừ rồi đem ra nhào nặn cho thật mịn. Phần nguyên liệu này phải để đông lạnh 5 – 6 tiếng trước khi thái máy. Toàn bộ quá trình để hoàn thiện chiếc xúc xích đỏ truyền thống là gần 10 tiếng.
Thịt xá xíu cũng được chị Linh lựa chọn rất kĩ, sao cho phần thịt – mỡ cân đối nhau. Thịt phải tẩm ướp, hấp rồi mới đem rán cho chảy bớt mỡ. Như vậy, khi thực khách ăn mới không bị ngán, bị ngấy. Để có xá xíu, pa-tê, xúc xích ngon, chị Linh chỉ chọn mua thịt lợn từ những nhà dân nuôi đàn nhỏ lẻ, không phải là lợn nuôi trang trại công nghiệp siêu nạc. Buổi sáng, mối thịt trong mạn chùa Hương sẽ mang sang cho chị từng miếng thịt, bộ gan, bì… được tuyển lựa theo yêu cầu.
Ruốc bông thơm ngon do gia đình tự làm từ loại thịt chất lượng
Bánh mì được quán đặt riêng tại lò với phần bột chọn lọc, vỏ giòn, ruột đặc mà xốp, được nướng bằng lò tự chế để bánh giòn mà không bị chai, phồng, cũng không bị ép xẹp lép như dùng máy kẹp
Toàn bộ tương ớt cũng do gia đình chị Linh làm. Loại tương ớt này không cay xộc như tương ớt ăn kèm phở
Phần bơ là nguyên liệu duy nhất chị Linh không tự làm
“Nghề này vất vả lắm. Mình dậy chuẩn bị đồ từ 3h30 sáng, bán hàng từ 5h30 đến 10h rồi lại về sơ chế, chế biến hơn 10kg thịt nguyên liệu. Vất vả nhưng do tự làm nên chiếc bánh vẫn giữ giá thành rẻ, chỉ 10 ngàn đồng”, chị Linh nói.
“Vất vả nhưng mình vẫn thích bán bánh mì lắm. Hôm nào mở bán cũng hết sạch, khách khen, vui ơi là vui”, chị hào hứng chia sẻ thêm.
Không chỉ rẻ, không chỉ ngon, điểm cộng khiến thực khách quay lại quán chị Linh cũng bởi sự nhẹ nhàng, chiều khách của chị em chị. Sáng sớm, ai cũng vội, khách bên trái giục, khách bên phải gọi nhưng chị Linh vẫn vừa làm vừa mỉm cười, đon đả chào hỏi khách.
“Tôi ăn bánh mì ở đây khoảng gần 20 năm. Sáng nào đi chợ về cũng rẽ qua mua, mang về hai ông bà ăn sáng. Bánh mì ở đây giống như thời bao cấp, đơn giản mà ngon. Cô Linh là con dâu mà bán hàng khéo, làm đồ ngon y chang mẹ chồng, chiều khách lắm”, bà Hà – một khách quen của quán chia sẻ.
“Tầm 7h sáng mà qua đây mua bánh thì hay phải chờ lắm. Hồi trước, quán mở bán tại chỗ còn phải chờ lâu hơn, có khi 10 -15 phút. Nhưng chị chủ quán lúc nào cũng cười, nhẹ nhàng với khách nên chẳng ai cau có với chị ấy được”, một thực khách khác chia sẻ.
Quán bánh mì này được xem là đông khách và rẻ bậc nhất phố cổ Hà Nội
Muôn cách thưởng thức xôi ở Hà Nội và Sài Gòn
Người Hà Nội thường ăn xôi xéo với ruốc hay chả, xôi trắng với thịt kho, lạp xưởng... người Sài Gòn chọn ăn kèm xá xíu, gà quay, trứng cút...
Buổi sáng những ngày bình thường, lái xe vòng quanh các con phố Hà Nội, người ta thấy không thiếu những gánh và quán xôi vỉa hè. Lại gần ngồi trên những chiếc ghế nhựa thấp, thực khách có thể ngửi thấy mùi xôi nếp thoang thoảng, theo làn khói nghi ngút tỏa ra từ các chõ, hay thúng, được phủ một một lớp vải mỏng để giữ nóng.
Các gánh xôi thường đa dạng xôi nếp trắng, xôi gấc, xôi lạc, xôi đỗ xanh, xôi ngô bung... Đồ ăn kèm có ruốc, muối vừng hay chả quế, patê. Một vài gánh khác có bán xôi xéo, món xôi màu vàng óng, ăn kèm đậu xanh mềm mịn.
Xôi xéo ở gánh hàng chị Mây tại ngã tư Hàng Bài, Lý Thường Kiệt. Ảnh: Chubehanoi/Instagram.
Loại gạo được chọn để đồ xôi xéo là nếp cái hoa vàng hay nếp ả, loại gạo nổi tiếng tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Gạo được ngâm với bột nghệ, đãi từ hôm trước rồi sáng đem đồ. Để xôi không nát, người nấu phải canh lửa không quá to, tránh hơi nước bốc nhanh. Khi xôi gần chín, trộn đều với mỡ gà rồi hấp đến khi chín hẳn, như vậy hạt vừa tròn, mềm, bóng và không dính hay nát.
Phần đậu xanh ăn kèm để dẻo, bùi cũng phải là loại đậu hạt nhỏ, chắc. Sau khi ngâm nước vài tiếng, đậu xanh cũng được đồ chín, rồi nghiền nhuyễn với chút muối và mỡ. Đậu xanh nhuyễn sau đó được vo tròn, bọc kín.
Khi ăn, xôi xéo thường được gói trong lá chuối, bên ngoài bọc một lớp báo. Sau khi đặt nắm xôi bằng lòng bàn tay lên lá, người bán nhanh tay thái những miếng đậu xanh mỏng lên trên, rồi chan một thìa mỡ gà vàng óng. Cuối cùng món ăn không thể thiếu hành khô được phi giòn và có thể ăn kèm ruốc hoặc chả. Mỗi gói xôi có giá từ 10.000 đến 20.000 đồng.
Lựa chọn khác cho bữa sáng là xôi ăn kèm thịt, trứng kho. Bát xôi nóng, dẻo được chan thìa nước thịt kho loang loáng mỡ. Thịt ba chỉ ăn kèm thường thái bản to, kho nhừ, có màu nâu của nước hàng và khi cắn sẽ mềm tan ngay trong miệng. Ngoài ra, bạn có thể gọi thêm giò lụa kho, trứng kho hoặc trứng ốp, ăn kèm dưa chuột bóp chua để không ngấy. Mỗi suất xôi có giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng.
Trên đường phố, người Hà Nội thi thoảng nghe những tiếng rao "xôi lạc, bánh khúc đây". Bánh khúc là một kiểu xôi nếp trắng nhưng hạt gạo đồ mềm hơn, bên trong có nhân bột nếp lá khúc, đậu xanh, thịt lợn ướp tiêu. Bánh khúc ngon nhất khi ăn nóng, để xôi còn dẻo, thơm hòa quyện cùng nhân bùi bùi và đậm đà vừa miệng. Bánh khúc nhỏ vừa bằng lòng bàn tay, thích hợp để ăn sáng và xế chiều.
Ngày nay, các quán xôi ở Hà Nội cũng biến tấu không ngừng để thực khách có nhiều lựa chọn với các loại nhân ăn kèm. Trong đó phải kể đến xôi gà luộc xé miếng, thịt gà rim cay, sườn rim cay, lạp xưởng... chan nước sốt. Thực khách cũng vì thế mà chọn món xôi cho bữa trưa, bữa tối hay ăn đêm.
Xôi thịt, giò kho mềm ở 57 Thợ Nhuộm. Ảnh: Lan Hương.
Ở Sài Gòn, món xôi không chỉ là thức quà sáng khởi đầu ngày mới mà còn được bán nhiều khung giờ như trưa, chiều, tối hoặc đêm khuya, rạng sáng để thực khách lót dạ. Xôi cũng có nhiều phiên bản khác nhau nhưng chủ yếu được phân làm hai loại là xôi mặn và xôi ngọt.
Xôi ngọt như xôi đậu, sầu riêng, bắp, gấc. Món ăn đặc trưng bao giờ cũng có lớp xôi thơm mềm, nóng hổi được thêm chút cơm dừa nạo bào nhuyễn và lớp đường cát, đậu phộng rang lên trên, giá bán từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi gói.
Xôi bắp là một trong những món xôi ngọt đặc trưng, được nấu từ bắp nếp dẻo hầm với nước dừa cho hạt bung nở mềm, màu trắng tươi. Xôi bắp hơi nhão, khi ăn cho thêm ít dừa nạo, đường, đậu phộng hoặc muối mè, vừa ngọt vừa béo nhưng không ngấy. Bên cạnh đó, Sài Gòn cũng có món xôi cadé, xôi được đơm vào lá chuối tươi, bên trên là lớp cadé mềm mịn làm từ nước cốt dừa, trứng gà, bột mì, đường. Người bán khéo léo gói lại đẹp mắt, món không quá phổ biến, thường bán tại các khu người Hoa sinh sống.
Xôi mặn ở Sài Gòn thường là nếp nấu dẻo ăn kèm với đủ món như thịt heo xá xíu đậm vị, tôm khô, lạp xưởng, chà bông, chả, trứng cút... thêm mỡ hành béo hoặc hành phi vàng ruộm, tuyệt nhiên không thể thiếu nước sốt đậm đà.
Một trong những phiên bản xôi mặn được yêu thích chính là xôi gà. Hộp xôi đầy ụ với nếp dẻo, đùi gà tẩm ướp thơm ngon vừa vị, thêm mỡ hành, cải chua và phần nước sốt được nấu sánh, dậy mùi. Thực khách có thể chọn thêm nhiều món ăn kèm như da gà chiên giòn, trứng non, gà xé, xíu mại, lòng mề gan luộc... Ở các khu người Hoa còn có các món xôi mặn khác như xôi khâu nhục ăn chung với thịt ba rọi nấu mềm, xôi bát bửu đa sắc màu nấu với thịt xá xíu, tôm khô, lạp xưởng, nấm đông cô, củ cải, hành phi, đậu phộng...
Món xôi gà kèm thịt xá xíu nổi tiếng ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Ảnh: @lanwiththi/Instagram.
Xôi là món ăn ngon, tiện lợi, giúp no lâu. Xôi ngọt thường hay bán vào buổi sáng, nhưng với xôi mặn thì ăn ngon khi vào chiều. Một ngày trên đường đi làm về, bỗng ngửi thấy hương xôi nóng bốc lên từ hàng quán nào đó, mua lấy một hộp rồi nhâm nhi, hít hà hương nếp mới, mùi mỡ hành béo và miếng thịt gà mềm, muỗng xôi nóng hòa quyện trong nước sốt đậm đà làm no lòng thực khách.
Những món ngon ở Hà Nội không nên bỏ qua Hà Nội có rất nhiều đặc sản nhưng những món ngon ở Hà Nội đã trở thành nỗi niềm nhung nhớ của những người con Hà Nội xa quê, đã trở thành dư âm trong lòng bất kì ai có dịp ghé qua thì có thể kể đến: bún, phở, xôi, bánh mì,... Cùng điểm lại những món ngon ở Hà Nội mà...