Bánh mì que Hải Phòng – Món ăn bình dân quá đỗi tự hào của người dân đất cảng
Chỉ từ những nguyên liệu vô cùng bình dân, người Hải Phòng đã tạo ra món ăn nổi tiếng khắp cả nước. Đến Hải Phòng, bên cạnh hàng bánh đa cua, nem cua bể, du khách rất dễ bắt gặp những cửa hàng bán bánh mì que.
Đây không chỉ là món ăn thường ngày của người dân đất cảng mà còn là đặc sản được rất nhiều du khách mua về làm quà, cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt từ những que bánh mì to bằng 2 đầu ngón tay và dài chừng 20cm.
Bắt nguồn từ một quán nhỏ trong ngõ Khánh Lạp, gần Hàng Kênh vào những năm 80, ngày nay bánh mì que đã được người dân Hải Phòng bán phổ biến khắp các nẻo phố phường.
Bánh mì que là niềm tự hào của người dân Hải Phòng. (Ảnh: anbieneatery)
Sự đa dạng, cạnh tranh trên thị trường bánh mì que đã giúp thực khách có nhiều sự lựa chọn hơn, từ đó tìm được địa chỉ yêu thích. Bởi từ một công thức cơ bản, mỗi hàng quán lại có bí quyết riêng quyết định chất lượng của món ăn.
Nếu như đã từng ăn bánh mì que ở nơi khác, có lẽ bạn sẽ cảm thấy bất ngờ trước sự “nghèo nàn” của phiên bản Hải Phòng. Không giò chả, không thịt thà cũng chẳng có nước sốt gì đặc biệt, thành phần chính của món ăn này chỉ gồm bánh mì, pate và chí chương (tương ớt). Nhưng chính 3 nguyên liệu đơn giản ấy, khi được tạo ra dưới bàn tay tỉ mỉ của người Hải Phòng, thì đã trở nên thơm ngon khó cưỡng.
Bánh mì que Hải Phòng rất đơn giản, không ăn kèm với nhiều loại nhân khác nhau. (Ảnh minh họa)
Pate và chí chương là linh hồn của món ăn. (Ảnh: @Vietha1091)
Bánh mì được làm từ bột mì, muối và bột nở nhưng để làm ra chiếc bánh vừa đủ cứng cáp, lại xốp mềm đòi hỏi người làm bánh phải biết trộn bột theo tỉ lệ vừa phải. Tay nghề vững thì mới canh chỉnh thời gian nướng bánh hợp lý để cho ra những mẻ bánh vừa tới tầm nở, có màu vàng đều chứ không bị cháy mà cứng quắt lại.
Video đang HOT
Bánh mì phải được làm theo tỉ lệ thích hợp và nướng trong thời gian hợp lý. (Ảnh: @heidinguyen1710)
Linh hồn của bánh mì que nằm ở phần nhân là pate gan lợn. Hầu hết các hàng quán ở Hải Phòng đều tự chế biến pate theo công thức riêng từ gan lợn, mỡ phần và thịt nạc. Muốn pate dẻo, thơm, béo ngậy thì mọi nguyên liệu phải thật tươi sống, nếu không nhân bánh rất dễ có mùi hôi và tanh, thực khách ăn qua một lần là phát hiện ngay và không dễ gì quay lại khi có hàng trăm sự lựa chọn khác.
Pate được làm theo công thức riêng của quán. (Ảnh: @Foodyhaiphong)
Cũng như pate, chí chương (tương ớt) cũng được chế biến thủ công. Từ ớt tươi, cà chua, tỏi… kết hợp với quá trình lên men, người dân địa phương đã tạo ra những mẻ tương ớt có vị cay hấp dẫn, mùi thơm đặc trưng không lẫn đi đâu được.
Chí chương mang đậm dấu ấn của người Hải Phòng. (Ảnh minh họa)
Bánh mì que Hải Phòng ngon nhất là ăn khi nóng. Chủ quán phết một lớp pate vừa đủ dọc theo thân bánh, sau đó đem nướng trong lò cho nóng giòn. Khi ấy, lớp mỡ trong pate chảy ra, ngấm vào ruột bánh tạo nên một mùi hương nồng nàn.
Chấm bánh vào chí chương, thực khách sẽ cảm thấy tê tê nơi đầu lưỡi, sau đó là vị béo ngậy của pate và giòn thơm của vỏ bánh. Tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn kích thích vị giác khó tả.
Bánh bán đến đâu được nướng nóng giòn đến đấy nên ăn rất thơm và béo. (Ảnh: @minhduckia)
Bánh mì que Hải Phòng có thể giữ ở nhiệt độ thường trong 1 ngày, vì thế du khách ở các tỉnh lân cận hay mua về làm quà với mức giá bình dân chỉ 5.000 – 10.000 đồng/chiếc. Những du khách ở xa hơn có thể tìm mua bánh mì que đã cấp đông, dùng được trong 5 – 10 ngày, bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, khi ăn chỉ cần bỏ vào lò nướng cho đến khi bánh giòn là được.
Món gỏi "chân dài" lạ miệng, khách vượt trăm km về thưởng thức ở Hải Phòng
Sống vùi mình dưới cát, loài hải sản đặc trưng ở Hải Phòng này được người dân đánh bắt, mang về và sơ chế kỳ công, làm thành món gỏi dai giòn sần sật nức tiếng, hút khách thập phương tới thưởng thức.
Nhắc tới ẩm thực Hải Phòng, ngoài những cái tên quen thuộc như bánh đa cua, nem cua bể, bánh mì que, cá mòi kho,... thì không thể không nhắc đến món gỏi giá bể "trứ danh". Đây là món ăn dân dã gắn bó với bao thế hệ người dân địa phương, dần trở thành đặc sản nức tiếng "níu chân" du khách.
Đúng như tên gọi, món gỏi này được làm từ nguyên liệu chính là giá bể. Loài nhuyễn thể này thường xuất hiện nhiều ở những vùng bãi bồi ven biển thuộc các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình. Riêng ở Hải Phòng, loài hải sản này thường sống vùi mình dưới các bãi cát của vùng biển Đồ Sơn, Cát Hải và Cát Bà.
Thoạt nhìn, giá bể khá giống con trai nhưng kích thước nhỏ hơn, chỉ chừng ngón tay cái. Chúng được chia thành hai loại: vỏ xanh và vỏ đỏ nhưng loại xanh được nhận xét ngon, ngọt hơn, có giá thành cao, khoảng 150.000 đồng/kg. Giá bể có quanh năm nhưng ngon và cho "bội thu" nhất là từ khoảng tháng 6 đến tháng 8.
Ở Hải Phòng, người địa phương thường chế biến món giá bể xào, thích hợp để thưởng thức lúc thời tiết se lạnh. Ngoài ra còn có món gỏi giá bể giòn sần sật được ưa chuộng quanh năm, có tác dụng "giải ngán", đặc biệt sau những ngày tiệc tùng đón Tết.
Ở Thái Bình, món ăn này được gọi là gỏi día. Tuy nhiên, cách làm và hương vị có sự khác biệt so với gỏi giá bể của người Hải Phòng (Ảnh: Thu Duyen Pham).
Theo chị Phương Thảo (ở chợ Cát Bi, Hải Phòng) cho biết, giá bể muốn ngon phải chọn lựa những con còn tươi, có kích thước đồng đều. Đặc biệt, quá trình chế biến giá bể cũng đòi hỏi sự kỳ công mới có thể loại bỏ được phần cát và chất bẩn bên trong chúng.
Giá bể mua về được đem ngâm trong nước khoảng 5-6 tiếng. Có thể cho thêm chút muối hoặc ớt thái miếng để chúng há miệng, đào thải chất bẩn từ trong cơ thể ra ngoài. Sau đó, mang giá bể đi hấp sơ rồi tách vỏ, gỡ lấy thịt.
Chị Thảo tiết lộ, không nên luộc giá bể mà chỉ hấp sơ 5-10 phút sau khi nước sôi, vừa giúp việc tách thịt và vỏ thuận tiện, vừa không làm chúng bị ngậm nước mà vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên.
Làm từ những nguyên liệu bình dị nhưng món gỏi giá bể đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, kỳ công (Ảnh: Song Anh DC).
Phần chân giá được chần qua nước sôi rồi vớt ra ngâm nước đá để trắng và giòn sần sật (Ảnh: Song Anh DC).
Ruột giá bể sau khi hấp tiếp tục được tách làm đôi, chia thành phần thân mềm và chân giòn. Phía đầu chân thường có xúc tu chứa nhiều cát nên thường được cắt bỏ đi cho sạch, tránh làm giảm chất lượng món ăn.
Sau đó, đem chần phần chân của giá bể qua nước sôi một lần nữa rồi vớt ra, ngâm trong nước đá. Công đoạn này giúp chân giá trắng và có độ giòn sần sật dễ ăn. Tuy nhiên, cần cân đối thời gian phù hợp vì chần nước sôi quá lâu khiến chân bị dai, còn chần chưa tới thì nguyên liệu lại không đạt được độ giòn như mong muốn.
"Thịt giá bể có nhiều lông, tuy trông hơi kỳ dị nhưng rất mềm và ngọt. Sau khi tách, đem rửa lại cho sạch cát và chất bẩn. Muốn thịt giá bể vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên thì nên dùng luôn nước luộc ban đầu để rửa sạch rồi xả lại lần nữa với nước thường, vắt nhẹ tay cho ráo nước, sau đó đem chế biến món ăn tùy thích", chị Thảo nói.
Gỏi giá bể muốn ngon thì người làm phải có kinh nghiệm, chế biến sao cho phần thịt có độ mềm và ngọt, còn chân giá phải trắng và giòn (Ảnh: Đinh Thị Vân Anh).
Người địa phương thường thưởng thức gỏi giá bể với rau sống, khế chua và chuối chát, chấm kèm nước mắm chua cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt (Ảnh: Gỏi giá bể Hải Phòng).
Để làm gỏi giá bể, người ta dùng phần thịt mềm và chân giòn đã sơ chế sạch tẩm ướp với bột canh, mì chính, tiêu xay,... sao cho có độ đậm đà vừa ăn. Chờ giá bể ngấm gia vị thì cho tiếp sả băm nhỏ, riềng giã nhuyễn, thính gạo, lạc rang và lá chanh thái sợi rồi trộn đều tay.
Cắn một miếng gỏi, thực khách có thể cảm nhận trọn vẹn tinh hoa của món ăn nổi danh ở thành phố Cảng. Gỏi có vị bùi, ngọt thanh của thịt, kết hợp thân giá dai giòn sần sật với chút cay nồng của riềng, chua chua của khế và hơi chan chát từ chuối xanh. Ngoài ra, các loại rau thơm ăn kèm cũng giúp món gỏi này có độ thanh mát, giúp giải nhiệt và giải ngán hiệu quả.
Cuộn một miếng gỏi, quệt với nước chấm, thực khách sẽ cảm nhận được sự thơm ngon hòa quyện từ tất cả các loại nguyên liệu khác nhau (Ảnh: Luong Nguyen).
Gỏi giá bể có thể thưởng thức quanh năm và được xem như thứ đặc sản "giải ngấy" hút khách sau Tết (Ảnh: Song Anh DC).
Anh Nguyễn Thành Nam (sống ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, gỏi giá bể có thể thưởng thức quanh năm nhưng được ưa chuộng nhất vào dịp sau Tết nhờ công dụng "giải ngấy". Thỉnh thoảng cuối tuần, anh lại lái xe vượt hơn trăm cây số đưa gia đình từ Hà Nội về Hải Phòng để thưởng thức đặc sản nức tiếng này.
"Tôi từng được ăn gỏi giá bể ở Thái Bình và Hà Nội nhưng thấy hương vị ở Hải Phòng vẫn ngon và đậm đà hơn. Món này được bán ở nhiều nơi, tại một số khu chợ truyền thống hay các quán ăn trong nội thành với mức giá bình dân, chỉ khoảng 70.000 - 100.000 đồng/suất cho 2 người. Sau Tết, tôi cũng thường đặt mua gỏi giá bể từ người quen ở Hải Phòng để chiêu đãi khách quý", anh Nam chia sẻ.
Trưa nay ăn gì: Đầu tuần thưởng thức bún trộn tôm thanh ngọt Nếu như bún tôm là món ăn đặc sắc của người dân Hải Phòng thì phiên bản bún trộn tôm lại là nét đẹp trong sự giao thoa văn hóa ẩm thực vùng miền Việt Nam. Nhắc đến Hải Phòng, nơi được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ, có rất nhiều món ăn nổi tiếng như bánh đa cua, cháo khoái,...