Bánh mì hoàn lương
Thời gian gần đây, những chiếc xe bánh mì cộng đồng sạch sẽ, trang trí bắt mắt đã dần quen thuộc với người dân Sài Gòn. Nhưng ít người biết, tất cả xuất phát từ Chương trình hỗ trợ xe bánh mì miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, người mãn hạn tù có hoàn cảnh khó khăn…
Cuối năm nay, TP.HCM sẽ trao miễn phí 500 xe bánh mì cộng đồng cho người mãn hạn tù có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo…
“Đại gia” bán bánh mì
4 giờ 30 sáng. Khi trời còn tù mù sương, tiếng đẩy xe bánh mì lọc cọc của chị N.T.T.T đã vang lên đầu hẻm. Chị thoăn thoắt xắt chả, dưa leo, soạn mớ đồ chua chuẩn bị đón những người khách đầu tiên. Chẳng ai tưởng tượng nổi đó từng là một đại gia, giám đốc công ty nắm trong tay hàng chục tỉ đồng, nhà có vài căn ngay trung tâm Sài Gòn, Vũng Tàu; 7, 8 chiếc xe du lịch cho thuê; 3 tiệm vàng lúc nào cũng nườm nượp khách…
Ngồi nói chuyện với chị bên cạnh xe bánh mì, thật bất ngờ khi chị chỉ sang căn nhà lầu mấy tầng đối diện ngay trên đường Nguyễn Trãi (gần khu trung tâm TP), cười buồn nói: “Căn nhà đó trước đây của tui đó. Bề ngang 6 m, dài 37 m, trị giá bây giờ cũng phải vài chục tỉ đồng”.
Rồi bị cuốn vào vòng xoáy buôn bán thất bại, cho vay tiền lãi cao, bị quỵt nợ… Chị vỡ nợ, bị tuyên án 20 năm tù. Nhà bị phát mãi, tài sản bị tịch thu. Chị vào tù, cả gia đình tay trắng.
Nhờ cải tạo tốt, nên chỉ 15 năm (đầu năm 2012) chị được tha. Có cả thảy 5 người con, nhưng ngày ra tù, một người đã mất. Một năm sau, thêm một người con nữa cũng ra đi vì bệnh tật. Không ai ngờ rằng, một người giàu có một thời như thế bây giờ cùng với chồng, con, cháu bảy người chen chúc nhau trong căn nhà ọp ẹp diện tích chừng hơn 20 m2, phải chạy ăn từng bữa. Anh Bùi Hồng Nghĩa, cảnh sát khu vực – Công an P.2, Q.5, cho biết: “Gia đình chị T. khó khăn lắm. Căn nhà đang ở hiện nay được dựng tạm trên đất gò mã, giấy tờ không hợp lệ, nên không có hộ khẩu. Cũng vì vậy mà chị cũng chưa có chứng minh nhân dân”.
Còn anh N.N, trước đây làm tài xế cho công ty P. chuyên sản xuất giày (ở H.Bình Chánh, TP.HCM). Do thiếu suy nghĩ, anh cùng thủ quỹ, thủ kho trong công ty tuồn hàng ra ngoài bán kiếm tiền. Tiền đâu không thấy (vì chưa kịp tiêu thụ), nhưng cái án 11 năm tù giam vì tội trộm cắp tài sản đã ập đến. Anh vào trại để lại cô vợ bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh. Trong những tháng ngày ở trại, cha anh cũng qua đời.”Mẹ mất khi còn nhỏ, bao nhiêu tình cảm cha dồn hết cho tui. Và khi cha mất tui không thể dự đám tang vì còn thụ án. Chưa kể, ngày vào tù, con chưa được sinh ra. Ngày ra tù, con đã bảy tuổi. Vừa ra tù về đến nhà, tui ôm chầm lấy đứa con. Nhưng thấy sự ngượng ngập, sợ sệt của nó, tui mới thấm thía cái giá của lỗi lầm ngày xưa”,anh N. tâm sự.
Ra trại vào cuối năm 2010, anh N. bán cà phê, nước ngọt bên hông trường, vợ làm công cho một trường cấp 1, lương tròm trèm 2 triệu đồng/tháng. Hai đứa con đang đi học, đứa chuẩn bị lên lớp 6, đứa sắp thi đại học, bao nhiêu thứ tiền đổ lên đầu… “Từ lúc ra trại đến giờ, anh ấy rất chí thú làm ăn”, anh Nguyễn Văn Lụa, cảnh sát khu vực – Công an P.6, Q.6, tiết lộ.
Video đang HOT
Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM; hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng – Ảnh: Nguyễn Tập
Cánh cửa hy vọng
Từng là Phó giám đốc Công an TP.HCM, luật sư Trần Văn Tạo (tên gọi thân mật Tư Tạo) hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng, biết rất rõ những khó khăn tái hòa nhập cộng đồng của những người mãn hạn tù. Tại sao không áp dụng mô hình những xe bán bánh mì ngon, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý cho người hoàn lương và những hộ nghèo, cận nghèo…?
Nhưng bắt tay vào thực hiện mới thấy mọi việc không đơn giản chút nào. Để tìm nguồn giúp đỡ bà con và duy trì quỹ, ông cùng cộng sự vận động những đơn vị đồng hành. (Những đơn vị này sẽ bán sản phẩm với giá ưu đãi và trích lại một phần làm quỹ). Thế là Ban chỉ đạo chương trình “Giảm nghèo tăng hộ khá” TP.HCM giúp cho đối tượng nghèo vay vốn; Công ty TNHH SX-TM-DV Phúc An Thịnh nhận tài trợ xe bánh mì; Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm Miên Chây cung cấp giò, chả, xốt bơ, pa tê (có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm) cho bà con. Riêng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28, thuộc Công an TP.HCM) giúp quỹ chọn đối tượng và địa điểm đặt xe bánh mì phù hợp để kinh doanh hiệu quả mà không ảnh hưởng đến trật tự lòng lề đường.
“Ngoài xe bánh mì cộng đồng, quỹ còn kết hợp với Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty CP Thái Sơn Bình Dương (thuộc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) thực hiện chương trình bánh bao, cơm ngon cộng đồng phục vụ bà con lao động với giá bán chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/suất”, ông Tạo cho biết.
Nhờ chương trình này, cuối tháng 5.2013, chiếc xe bánh mì cộng đồng mới cứng đã được trao tận tay chị T. Nói về dự định tương lai, mắt chị ánh tia hy vọng: “Tui ráng bán bánh mì, dành dụm tiền khoảng 15 triệu để mua cái máy may, vắt sổ 5 kim về nhận ráp áo, vắt sổ. Hồi ở trong trại, tui vắt sổ và ráp đồ là số 1 đó. Mấy tiệm áo quần gần đây chịu rồi, chỉ cần tui có máy là họ giao hàng tui làm. Mỗi ngày làm chừng 1.500 đến 2.000 cái là ngon”.
Anh N. thì được trao xe vào đầu tháng 6.2013. “May ghê, có cái xe bánh mì này, chịu khó dậy sớm một chút, một tháng kiếm cũng được 3 – 4 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn với người khác, nhưng rất có ý nghĩa với gia đình tui”, anh hào hứng nói.
Và cứ thế, cánh cửa hy vọng từ xe bánh mì cộng đồng đã tiếp tục mở ra cho cô L.Q (đường Phan Văn Khỏe, Q.6), cô D.T.H.M (đường Trần Xuân Soạn, Q.7)… cùng hàng chục hoàn cảnh khó khăn khác.
Còn quá sớm để vẽ lên một hình ảnh tươi đẹp, thành công của chương trình. Nhưng không ai phủ nhận được, ý tưởng xe bánh mì cho người mãn hạn tù, người nghèo rất có ý nghĩa. Không chỉ giúp bà con có việc làm lương thiện, giảm nghèo mà còn cho người dân hiểu rằng, vẫn còn đó những vòng tay cộng đồng rộng mở.
Gần 100 xe bánh mì “đặc biệt” Chương trình “Xe bánh mì cộng đồng” do Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng phối hợp Ban chỉ đạo chương trình “Giảm nghèo tăng hộ khá” TP.HCM, Công an TP… nhằm cung cấp miễn phí xe bánh mì (trị giá khoảng bốn triệu đồng) cho người mãn hạn tù có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo… Bắt đầu từ tháng 4.2013, hiện chương trình đã trao gần 100 xe cho bà con tại 13 quận, huyện trên TP. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2013, TP.HCM sẽ có 500 xe bánh mì cộng đồng.
Theo Thanh niên
Cô bé 15 tuổi có biệt tài xem bói cho... cán bộ Nhà nước
Xuất phát từ tin đồn thiếu nữ chưa thành niên bộc lộ "năng khiếu" bói toán rất tài, có khả năng biết được quá khứ, dự đoán tương lai của bất đối tượng nào trong xã hội. Nhiều người dân hiếu kỳ đổ xô về chỉ mong được "thầy" phán cho một quẻ. Tuy nhiên, sau cuộc gặp mặt không hẹn trước, các "tín đồ" ra về trong tâm trạng lo âu, sầu não...
Khiếp vía với những lời "thầy" phán
Trong chuyến công tác tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, PV được nghe rất nhiều dân bàn về những câu chuyện thực hư liên quan đến việc bói toán của cô bé Nguyễn Thị Ánh (SN 1998, ngụ ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc). Để rõ hơn về vấn đề này, PV theo chân một số người dân tìm đến nhà Ánh. Vừa tới đầu ngõ nhà cô bé này, PV đã ngửi thấy mùi khói nhang bay nghi ngút, hai chiếc xe máy mang biển số 60 dựng trước sân. Một người đàn ông trạc tuổi hơn 50 đang ngồi vắt vẻo trên yên xe đợi vợ xem bói thấy có mấy vị khách vào bèn nói: "Tôi chẳng tin mấy chuyện quét nhà ra rác, bói trác ra ma đâu", nhưng vợ cứ nằng nặc đòi đi nên tôi chiều lòng vậy". Nhìn vào trong nhà có ba người phụ nữ ngồi xếp hàng theo thứ tự để được "thầy" phán.
Người nhà "thầy" Ánh lập hai bàn thờ song song với bàn thờ tổ tiên ở ngoài sân cho "người âm".
Bé Ánh từ trong phòng riêng của mình bước ra ngồi vào bàn làm việc quen thuộc được gia đình sắp xếp ở gian bên trái của ngôi nhà. Cô bé ra hiệu bằng cái vẫy tay để "tín đồ" đến ngồi vào chiếc ghế đối diện trước mặt mình. Công việc bói toán bắt đầu được tiến hành. Để việc bói toán được thuận lợi hơn, Ánh luôn trang bị thêm cho mình một số cuốn sách về tử vi, một bộ bài mới tinh đặt bên cạnh, yêu cầu người đến xem bói cung cấp tên, tuổi, thông tin sơ bộ về tình trạng hôn nhân, ghi vào một cuốn sổ đặt trên bàn...
Nhập cuộc, Ánh xóc bộ bài nhiều lần cho "tín đồ" bốc 7 lá. Sau đó, Ánh lật ngửa tất cả 7 lá bài và căn cứ vào đó để lý giải về vận mệnh của người đến xem bói. Trường hợp "tín đồ" nhờ "thầy" xem thêm số mệnh cho người thân trong gia đình thì bốc tiếp 3 hoặc 6 lá tùy vào giới tính nam hay nữ. Nếu muốn xem ngày làm nhà, cưới xin, tang ma "thầy" lật giở những trang sách tử vi có đặt sẵn trên bàn mà phán. Tiếp đó, "thầy" làm nhiệm vụ coi đường chỉ tay của "tín đồ", để từ đó có kết luận đầy đủ nhất về hoàn cảnh của từng người đến xem bói.
Sau gần 30 phút tiếp xúc với "thầy", chị N.T.H. (ngụ xã huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bước ra với vẻ mặt đầy lo lắng. Trò chuyện với chúng tôi, chị H. chia sẻ:""Thầy" nói về bản thân tôi cũng đúng một phần nào đó. "Thầy" bảo tôi có người âm theo gần chục năm nay nồi. Chính người âm đã cản trở con đường tình duyên nên tôi không thể lấy được chồng. Vì vậy, "thầy" khuyên tôi nên lên chùa làm lễ để "giải", nếu không chỉ cần vài năm nữa thôi người âm sẽ đương nhiên trở thành người chồng của tôi ở kiếp này. Người âm đó cũng là người trong xóm, có quen thân với gia đình tôi. "Thầy" còn bảo nếu tôi không tin thì cứ về hỏi người lớn trong nhà sẽ rõ. Nói về tương lai "thầy" cho biết hai năm tới công việc làm ăn gặp nhiều trở ngại, tiền thu vào nhiều nhưng không giữ được. Nghe "thầy" phán xong, tôi cảm thấy ớn lạnh, rợn tóc gáy".
Không giấu nổi nỗi buồn khi vừa được "thầy" Ánh bói cho một quẻ, chị T.K.L. (53 tuổi, ngụ thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) bộc bạch: "Nghe nhiều người đồn "thầy" Ánh tuổi đời còn nhỏ nhưng có sự khác biệt với người thường, thầy thấu hiểu quá khứ và tương lai, hai vợ chồng bỏ ngang công việc chạy xe hàng chục km đến nhà cô bé. Mới sáng sớm mà đã có nhiều người đến xem bói. Tôi ngồi đợi gần 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt mình. Cô nói tôi là một phụ nữ bất hạnh, chịu nhiều tủi nhục, đau khổ từ phía gia đình chồng. Những ngày về già, bệnh tật đau ốm triền miên, không ai chăm sóc. Trong tháng 11 này, tôi sẽ bị tai nạn giao thông. Nếu tháng 11 không bị thì đầu năm sau sẽ bị nặng hơn có thể dẫn đến tàn phế. Ba đứa con trai đã lập gia đình thì không có đứa con dâu nào hiếu thảo cả. Cô còn dặn "để tai qua nạn khỏi" hai vợ chồng phải thường xuyên làm việc thiện, bố thí cho người nghèo".
Có người âm chỉ đường, dẫn lối(?!)
Ngồi đợi trong mòn mỏi đến xế trưa, cuối cùng cũng tới lượt chúng tôi được tiếp cận với "thầy" Ánh. Vẫn lặp lại các thao tác quen thuộc như những vị khách trước, cô bé nói liên hồi: "Cô biết không? Hiện nay công việc đang diễn biến theo tình huống rất xấu. Nhiều kẻ ghen ghét đang có định gièm pha, gây chuyện. Muốn thăng tiến nhanh phải mất nhiều tiền của chồng cho người chức trên. Lúc trẻ cô có người theo đuổi, nhưng ngoài 30 tuổi mới lập gia đình và được chồng đối xử tốt. Ngược lại, thường xuyên bị mẹ chồng đay nghiến, chửi rủa. Khó khăn đường con cái, có thể bị vô sinh nên suốt đời khổ tâm, phiền muộn. Để hóa giải điều này, khi lập gia đình phải xin con nuôi trước 2 năm, hoặc hai vợ chồng phải đi hiếm muộn may ra có một mụn con. Ngoài 40 tuổi có nguy cơ trắng tay. Nhờ có quý nhân phù trợ nên có thể kiếm lại được trong vài năm. Cuộc đời nhiều trắc trở nhưng biết lấy khó để vượt qua sẽ thành công hết. Cô hiểu chứ".
Tò mò với công việc bói toán của "thầy" Ánh, PV đã tìm người thân của cô bé để hỏi về cơ duyên đến nghề bói toán. Ông N.T. (54 tuổi, bố Ánh) cho biết: "Năm 12 tuổi, con bé được một người âm đã chết cách đây 200 trăm năm nhập vào. Xét lại, người âm đó có dòng họ xa với gia đình của tôi. Từ ngày bị người âm nhập tự dưng con bé bộc lộ rõ khả năng biết được quá khứ, dự đoán được tương lai của con người. Đổi lại việc học hành của con bé sa sút, một tuần nó chỉ lên lớp được hai, ba bữa rồi phải nằm ở nhà. Gia đình thấy vậy đã đưa bé đi bệnh viện thăm khám, nhưng các bác sỹ chẳng thể phát hiện bệnh. Nhiều hôm bị hành giữ, nó bỏ nhà đi đâu đó làm gia đình phát hoảng lên đi tìm. Khi đầu óc tỉnh táo lại, con bé tự giãi bày bệnh lý của mình rằng "Con được một người ở kiếp trước chỉ bảo phải làm nghề bói toán thì cuộc sống sẽ bình thường trở lại". Nghe xong, mọi người trong gia đình ai cũng bất ngờ và không tin đó là sự thật nên không đáp ứng yêu cầu của con bé".
Tung lời đồn nhảm để hút khách!?
Nhưng, khi chứng kiến bé Ánh cứ đi lung tung ngoài đường, bỏ bê việc học hành, gia đình đã cho cô bé ngưng việc đến trường tiếp nhận kiến thức khi đang học lớp 7. Đồng thời, tuân theo ý nguyện làm thầy bói toán của bé Ánh. Có một điểm đặc biệt là cô bé Nguyễn Thị Ánh chỉ thực hiện được công việc bói toán từ 7h sáng đến 17h hằng ngày. Lý giải về sự bất thường này, ông N.T. giải thích: "Trong khoảng thời gian này, người âm còn đầy đủ năng lượng nên có thể dẫn dắt con bé hoàn thành nhiệm vụ. Sau 17h, người muốn được nghỉ ngơi sau một ngày "lao động" mệt mỏi, nên con bé sẽ trở về là con người bình thường. Ngoài ra, để bé Ánh được phù hộ trong việc bói toán, gia đình đã lập hai bàn thờ cho người âm song song với bàn thờ tổ tiên ở ngoài sân trước. Kết thúc ngày bói toán, con bé sẽ tự tay ra đó thắp nhang tiễn người âm về dưới, và quét dọn bàn thờ sạch sẽ. Ngày rằm, lễ tết gia đình cũng tổ chức cúng cho người âm như tổ tiên trong nhà".
Nhằm thu hút khách đến nhờ thầy xem bói, gia đình bé Ánh liên tục tung ra nhiều chiêu quảng cáo có cánh đại loại như: "Không chỉ có người ở Đồng Nai, Bình Thuận, TP.HCM đến coi bói mà cả ngoài Bắc cũng tìm tới đây"; Năm ngoái còn có nhiều cán bộ Nhà nước đến nhờ bé Ánh xem số mệnh giúp"; Có ông khâm phục tài năng của bé Ánh đã chở cả gia đình bằng xe 4 bánh xuống xem ngày cưới xin, họ hậu tạ rất hậu hĩnh"... Theo tìm hiểu của PV, 3 năm liên tiếp làm thầy bói, bình quân mỗi ngày cô bé này thu về cho gia đình 200 ngàn đồng/ngày.
Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để ngăn chặn việc kiếm tiền bất chính từ hành nghề mê tín dị đoan của Nguyễn Thị Ánh.
Công an sẽ đi kiểm tra Trước sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi với công an xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) về trường hợp Nguyễn Thị Ánh. Đồng chí Lê Trí Cương, cán bộ công an xã Xuân Hưng cho biết: "Công an xã vẫn chưa nhận được phản ánh nào của người dân về việc hành nghề theo kiểu mê tín dị đoan, để chuộc lợi của bé Nguyễn Thị Ánh. Trong thời gian tới, cơ quan công an xã tiến hành đến nhà cô bé này kiểm tra. Nếu sự việc đúng như vậy công an sẽ có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời".
Theo Người đưa tin
Hồi ức của Tướng Giáp về ngày giải phóng Thủ đô 59 năm về trước, khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, quét sạch bóng quân xâm lược, vị Anh hùng của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Nhật lệnh trước toàn thể nhân dân và tham gia trong Lễ diễu binh mừng giải phóng. Hình ảnh ghi lại Ngày Giải phóng Thủ đô: Ngày ấy, các đơn vị...