Bánh lá răng bừa
Bánh lá răng bừa là món bánh quen thuộc với nhiều vùng nông thôn xứ Thanh. Sự khác nhau của loại bánh này ở mỗi vùng miền chỉ là ở chỗ gói bằng lá dong hay lá chuối, nhân thịt hay nhân tôm…
Lý giải cái tên “bánh lá răng bừa”, người nông dân đã lấy chính hình ảnh một bộ phận của chiếc bừa – công cụ lao động quen thuộc hằng ngày để đặt tên cho bánh. Bánh lá răng bừa thường được làm trước lễ hạ điền hoặc thượng điền, những khi nhà có đám, có việc vui, việc mừng. Ngày nay, món bánh này cũng thường xuất hiện trong cỗ đám của người Thanh Hoá thay cho xôi, cơm hay bánh nếp.Việc đầu tiên để làm ra một mẻ bánh răng bừa phải kể đến khâu chọn gạo, thứ gạo dẻo thơm như gạo Tám Xoan, gạo Dự, gạo Mộc Tuyền được đem xay theo phương pháp xay bột nước, kiểu thủ công mới ngon. Để xay được nhanh và nhuyễn, trước đó người ta ngâm gạo trong nước vài giờ. Nước ngâm gạo chắt ra để lại dùng rưới lên gạo khi xay. Trước đây, gạo thường được xay bằng cối đá, bột gạo chảy xuống trắng như dòng sữa, miết hai đầu ngón tay thấy mịn, mát là được.
Gạo xay xong cho vào nồi to để ráo trước khi bước vào khâu ráo bột cũng rất quan trọng. Ráo bột là khâu quan trọng không kém, người ráo bột phải biết điều tiết lửa theo từng giai đoạn, ban đầu lửa to, sau lửa phải nhỏ liu riu, nhanh tay khoắng đều liên tục, đến khi bột trở nên sền sệt thì dùng đũa đánh liên tục để bột không bị vón cục. Thành phẩm là nồi bột dẻo quẹo, trắng tinh, độ chín đạt một nửa.
Để gói bánh thành những chiếc “răng bừa”, chọn lá dong hoặc lá chuối đã rửa sạch, lau khô. Dùng thanh đũa cả to bản khéo léo lấy bột cho vào giữa thân lá, cho nhân đã làm sẵn vào giữa. Nhân bánh răng bừa thường làm bằng thịt lợn phần nạc vai, mộc nhĩ, hành củ, tiêu bắc, tất cả băm nhỏ, trộn đều, tao chín. Khéo léo vê tròn cho bột lăn đều rồi gấp hai đầu lá lại thành chiếc bánh.
Bánh khi đã làm xong là bánh sống. Khi nào ăn cho vào nồi luộc, hoặc đồ. Đồ thì ngon hơn, vì bánh sẽ chín từ từ bằng hơi, không bị mất nước. Đồ già nửa tiếng là được.
Bánh răng bừa có mùi thơm của lá dong, lá chuối, mùi thơm của gạo chín, của hành, của thịt. Bóc đi lớp lá, để lộ ra màu bánh xanh mướt, mỡ màng, mỏng mịn, nhìn thấu đến lớp nhân bên trong. Đó là màu xanh của lá phai ngấm tự nhiên vào phía ngoài bột bánh tựa như màu mạ non. Bánh được ăn kèm nước mắm nguyên chất chỉ pha chút chanh, ớt hoặc tiêu bắc. Bánh lá răng bừa Thanh Hóa nổi tiếng là vùng Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, ngoài ra còn có Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung… Cuốn “Địa chí huyện Hà Trung” vẫn còn ghi lại câu phương ngôn đầy tự hào về sản vật này của quê hương…
Bánh nhè, món quà quê Thanh
Thanh Hóa là "xứ sở" của mía ngọt, đường thơm. Mật mía cũng là nguyên liệu không thể thiếu làm nên món bánh nhè - thức quà quê hấp dẫn của xứ Thanh.
Bánh nhè. (Ảnh: Nguồn Internet)
Để làm món bánh nhè, người làm cần chuẩn bị các nguyên liệu: bột nếp, đậu xanh, mật mía, gừng, dừa thái sợi, đường vàng và một ít nước lọc. Bao bọc bên ngoài là bột nếp mềm mịn, bên trong là phần nhân làm từ đậu xanh tách vỏ, nấu hoặc đồ chín, tán nhuyễn rồi trộn cùng với dừa tươi và đường vàng. Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, người đầu bếp sẽ khéo léo nặn những chiếc bánh tròn có đường kính khoảng 3-4cm. Sau đó, thả bánh và một ít gừng thái sợi vào hỗn hợp nước lọc kèm mật mía đã đun sôi, nấu đến khi bánh nổi lên tức là đã chín.
Thưởng thức bánh nhè, người ta cảm nhận vị dẻo của bột nếp, vị ngọt thơm của đường mật và gừng, vị bùi béo dậy hương của đậu xanh, cùi dừa. Bánh nhè vì thế là một thức quà quê dân dã, bình dị mà lại làm say lòng thực khách của xứ Thanh.
Những món ăn ngon của đất Hưng Yên Hưng Yên nổi tiếng gần xa với những món ngon từ dân dã như bún thang lươn, canh cá rô, chả gà...đến những món tiến vua như nhãn lồng, chè sen long nhãn, tương bần... Bún thang lươn Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Khác với Hà Nội, bún thang của người Hưng Yên còn có thêm...