Bánh lá mít mùa nước nổi
Mấy hôm rày trời bỗng đổ mưa. Những cơn mưa không ào ào, chỉ lắc rắc đều đều. Giọt mưa kéo ký ức tôi trở về với những ngày thơ ấu.
Hồi đó nhà nghèo, mái lá đơn sơ giữa bốn bề đồng trống, mỗi lần trời chuyển mưa đổi màu xám xịt, âm u là đã thấy nỗi lo hằn trên mặt má. Còn ba chuẩn bị mớ lá dọi lại mái nhà. Những lúc trời nổi gió dông, mưa giăng, chớp giật, má lại đốt nén nhang cắm lên bàn thờ. Mùi nhang thoảng làm căn nhà trở nên ấm cúng lạ lùng.
Ảnh: Chudu24
Khi mưa già cũng bắt đầu vào mùa nước nổi. Mỗi buổi chiều về ba lội ra lung, vẹt đám cỏ năn, đặt lờ bắt cá. Sáng sớm, có khi trời vẫn còn mưa, ba đã vội khoác tấm nilông đi thăm lờ. Khi về đến nhà thùng thiếc nhỏ trên tay ba đã đầy ắp cá. Những chú cá rô rẽ nước rẹt rẹt, còn lũ cá sặt thỉnh thoảng đồng loạt quẫy mình làm nước văng tung tóe. Má tươi cười đón lấy, trút vào chiếc giỏ tre, bơi xuồng đem ra chợ bán. Tiền thu được ngoài mua gạo đường mắm muối…má thường mua thêm mấy trái dừa khô về làm bánh lá mít. Món ăn đơn sơ làm bằng bột hấp chan nước cốt dừa vẫn để lại dư vị béo ngọt trong tôi đến tận bây giờ.
Khi trời bắt đầu chập choạng, ba nhóm lửa đốt nồi hun xua lũ muỗi. Má nhen ngọn đèn dầu cho tụi tôi ngồi học. Ngoài kia tiếng mưa xạc xào trên tàu lá chuối đong đưa.
Cũng vào mùa nước nổi, từ kênh Bờ Xoài xa xôi, thương tụi tôi đi học tuốt chợ Bảy Ngàn, ba má thay phiên bơi xuồng đưa con đến lớp. Ba đưa, má rước hay ba rước, má đưa. Qua mấy đống chà, nước bị dồn chảy tràn, đổ dốc như những con thác nhỏ, chiếc xuồng và bóng má bỗng trở nên bé bỏng, nhỏ nhoi. Tan học, dọc đường về, thỉnh thoảng má tấp xuồng vào những bụi điên điển mọc hoang ven bờ cho tụi tôi hồn nhiên níu hái từng chùm bông vàng hươm để về nhà má nấu nồi canh chua với cá rô, cơm mẻ ngọt lịm.
Từng năm học trôi qua, tụi tôi tốt nghiệp phổ thông rồi vào đại học, trưởng thành và xa ruộng đồng, lên chốn phồn hoa sinh sống. Nơi phố thị món ăn gì cũng có, sao nhiều lúc vẫn thèm món bánh lá mít má hấp thuở nào.
Video đang HOT
Ảnh: phununet.com
Thương con, ba má rời quê lên phố ở chung. Khi chúng tôi đi làm, có người trông nom nhà cửa nên rất yên lòng. Nhưng điều quan trọng hơn là có cha mẹ già căn nhà ấm cúng hẳn lên. Mỗi khi ông bà về quê giỗ ngoại, căn nhà bỗng trở nên trống trải lạ lùng…
Có lần đưa khách tham quan ở một vùng quê, tôi xin được mớ lá mít đem về cho má. Khi cùng má gỡ từng miếng bánh thơm lừng ra khỏi những tấm lá còn nóng hôi hổi, tôi thấy ba đứng nhìn và cứ cười tủm tỉm.
Trong thoáng chốc, tôi bắt gặp niềm vui trong ánh mắt ba.
Ba ngã bệnh, tuổi già, sức yếu, phải nằm một chỗ và mất. Bỗng chốc tôi thành kẻ mồ côi mới thấm thía câu ca dao ngày xưa má hát:
Ngó lên nhang tắt đèn mờ
Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu!
Và đôi lúc lại thấy lòng thảng thốt nhớ những mùa nước nổi ngày xưa…
Theo TTO
Dân dã bánh Chăm
Từ thị xã Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên là đến khu vực cầu Mương Chà (ấp Hà Bao 2, Đa Phước, An Phú, An Giang), chúng tôi như lạc vào xứ sở "Ngàn lẻ một đêm". Huyền bí với các cô gái Chăm tha thướt trong chiếc "ao tunic" (áo dài), duyên dáng với chiếc "mượt camay" (nón nữ). Thú vị với các chàng trai Chăm trong trang phục "ao karung" (áo dài nam), quấn "khanh báy" (xà rông), đội "mượt" (nón, hình ống cụt).
Huyện An Phú có đông đúc đồng bào Chăm cư ngụ. Đến đây, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy thiếu phụ Chăm, choàng khăn "tah co" kín mái tóc và chiếc áo dài trùm kín chân ngồi bán những chiếc bánh màu vàng mỡ gà có hình dáng lạ lùng. Đó là bánh "ha nàm căn". Để có bánh này, người ta dùng bột mì trộn với hột vịt đánh thật đều tay cùng đường thốt nốt. Bột bánh sẵn sàng, trên bếp lửa cháy đỏ rực là những cái chảo nhôm dày, đường kính khoảng 20 cm. Chảo nóng, phết lớp dầu trước khi chế hỗn hợp bột trên vào, rắc lớp mè rang thơm rồi đậy kín lại bằng chiếc nắp đất nung nhỏ. Khoảng 5 phút sau, bánh chín, xúc chiếc bánh có hình tròn cỡ lòng bàn tay, chóp nhọn theo núm nắp vung ra mâm. Chỉ với 2.000 đồng/chiếc, cắn, nhai, nghe vỏ bánh giòn nhưng ruột bánh hơi xốp, dai, mềm của bột, béo của dầu thực vật, ngọt thanh của đường thốt nốt, bùi thơm của những hạt mè rang vàng.
Bánh "ha nàm căn" - Ảnh: Phương Kiều
Cũng với ngần ấy tiền, có thể thưởng thức bánh "cô ăm", được làm bằng bột gạo xay nhuyễn trộn với đường thốt nốt, cho vô chảo đã thoa lớp dầu ăn, nướng như nướng bánh "ha nàm căn". Trong vòng 5 phút, bánh chín, có màu trắng, vị ngọt dịu mà không béo.
Thưởng thức bánh Chăm dân dã để gợi nhớ thời ấu thơ của mình với những chiếc bánh quê của người Kinh ở miền Tây Nam Bộ. Bởi vì "ha nàm căn" là bánh bông lan, "cô ăm" là bánh bò nướng. Bánh Chăm dân dã giống bánh của người Kinh nhưng hình dáng có đôi chút khác biệt, đặc biệt là người Chăm sử dụng đường thốt nốt - một đặc sản nổi tiếng của vùng Thất Sơn, chứ không dùng đường cát trắng.
Phương Kiều
Theo TNO
10 món cơm nổi tiếng trong ẩm thực Việt Cơm với người Việt không được coi là một loại thức ăn mà thường coi là món chủ lực để ấm bụng trong các bữa ăn. Tùy vùng miền có rất nhiều loại cơm và biến thể của cách nấu. 1. Cơm gà - Hội An Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần cường điệu ấy...