Bánh ít nếp xào
Bánh ít là món ăn quen thuộc của nhiều địa phương Nam bộ, nhưng bánh ít nếp xào chỉ có ở nhà dì tôi, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cả nhà tôi gọi đó là món bánh ít Sáu Thảo.
Bánh ít nếp xào
Từ khi 15, 16 tuổi, Sáu Thảo (tên thường gọi của chị Võ Cao Hồng Thảo – người chị em bạn dì thân thiết của tôi) đã nổi tiếng khắp vùng Cầu Trắng, xã Hậu Mỹ Trinh này bởi những món ngon như bánh da lợn, bánh bông lan, bánh ít trần… Thế nhưng khi Sáu Thảo “phát minh” ra bánh ít vỏ nếp xào thì cả xứ này ai cũng muốn chị Thảo của tôi về…làm dâu.
Cũng là bánh ít, nhưng Sáu Thảo làm vỏ bánh không phải bằng bột nếp xay mà là nếp ngâm nước cốt dừa cùng một ít muối. Nếp được ngâm khoảng một tiếng đồng hồ. Trong lúc đó, chị Thảo hấp đậu xanh (nửa hột, đã đãi vỏ) và đậu phộng. Hai thứ đậu này hấp cùng nước cốt dừa. Hấp xong, đậu xanh, đậu phộng được trộn đều với đường cát, dừa cứng cạy xắt sợi và xào trên chảo lửa già.
Khi nhân đã thơm lừng, chị Thảo bắc xuống để chúng tôi, những thợ phụ của chị vo viên. Đó cũng là lúc chị bắc chảo thứ hai lên bếp để xào nếp. Chảo nếp xâm xấp nước cốt dừa được xào vừa đổ nhựa là ngưng. Lúc này , các thợ phụ (là mấy đứa em gái vụng về chúng tôi) bắt đầu gom những nia lá chuối đã được cắt vuông vức, đẹp đẽ từ sân nắng vào.
Tới công đoạn “bắt” bánh. chị Thảo lấy tay thoa ít dầu, nhéo một cục nếp, đập dẹp rồi “áo” vỏ nếp tròn quanh viên nhân. Mấy tay bắt bánh cùng lúc, đứa khéo vo tròn, đứa vụng về như tôi, chẳng viên bánh nào bằng với viên nào. Khi bánh đã đầy mâm, chúng tôi bắt đầu gói bánh. Mỗi chiếc bánh được gói hai lớp lá, lớp đầu gói xoắn lá chuối thành hình cái phễu, bỏ viên bánh vào, rồi gấp nếp hai bên. Lớp ngoài, chiếc lá chuối to hơn được gấp từng nếp rẽ quạt ngược vào để cái bánh có hình tháp tam giác đều.
Video đang HOT
Cứ đủ một xửng bánh là chị Thảo lại cho vào nồi hấp. Khi mẻ bánh đầu tiên chín tới, mấy tay thợ phụ chúng tôi là những kẻ thử đầu tiên. Bánh ngọt, dẻo, thơm và béo ngậy, ngon lạ lùng.
Hơn hai mươi năm qua, mỗi lần nhà có giỗ, mấy đứa thợ phụ chúng tôi (giờ đều U.40 ) lại điện về quê, nhắc Sáu Thảo “chủ xị” món bánh ít nếp xào. Bánh của Sáu Thảo theo chân mấy đứa chúng tôi đi khắp mọi miền đất nước, để chúng tôi khoe với nhà chồng. Ai mở bánh ra, thấy những hạt nếp còn nguyên vẹn, kết vào nhau ở vỏ bánh đều ngạc nhiên tròn mắt, hỏi: “ Sao hay quá vậy?”. Khi ăn bánh, ai cũng khen ngon, khiến chúng tôi “nở mũi” hãnh diện.
Theo Phụ Nữ
Những điều thú vị quanh việc ăn chay ở cố đô Huế
Tục lệ ăn chay có từ bao giờ? Các món sẽ được nấu ra làm sao? Ăn như thế nào? Rất có thể bạn chưa biết hết đâu...
Ở Việt Nam, nhắc đến ăn chay không thể không nhắc tới Huế, nơi có nhiều món ăn chay nhất, thậm chí việc nấu đồ ăn chay ở Huế đã trở thành một nghệ thuật. Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý - Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo, tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong cả tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, người Huế, từ bình dân đến quý tộc, đều có truyền thống ăn chay, cốt để cho tâm hồn thanh tịnh.
Nếu như bạn có dịp ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở nơi đây, bạn sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa... đều là những sản vật do các vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vuờn chùa. Bữa cơm đạm bạc là thế nhưng lúc nào cũng thu hút rất nhiều người.
Người Huế không chỉ ăn chay vào ngày rằm, ngày mồng một hay ngày lễ, họ ăn chay như một thói quen thường nhật. Dường như quanh năm, cơm chay đều thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của những gia đình người Huế. Họ định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ; ăn chay hai ngày rằm, ngày ba mươi gọi là nhị trai; ăn chay bốn ngày gọi là tứ trai. Và cứ ngày mười bốn và cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.
Ở Huế, hầu hết các gia đình đều tự nấu những món chay cho bữa ăn. Bữa cơm chay tham đạm cũng là cách mà người Huế bày tỏ sự quý mến và tấm chân thành với bạn bè. Đây là một nét văn hóa độc đáo mà có lẽ chỉ có riêng ở xứ Huế. Bữa ăn ngày Tết cũng vậy, mâm cỗ ngày Tết ở Huế thường là mâm cỗ chay, cho đến ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng món chay vẫn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Huế.
Đến với Huế, bạn sẽ được thưởng thức từ cơm chay, bún chay,...cho đến đùi gà chay, cá chay, giò chay... Củ, quả, đậu, dầu thực vật phút chốc đều biến thành những món ăn bắt mắt và hấp dẫn vô cùng. Đủ các món sơn hào hải vị từ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán nom đẹp mắt vô cùng nhưng đều được chế tác từ... thực vật. Điểm đặc biệt là ngay khi thưởng thức, vẫn cứ ngỡ như là thịt cá thật. Đó chính là cái tài chế tác từ những bàn tay nội trợ điệu nghệ xứ Huế. Sự kết hợp hài hòa màu sắc của rau, đậu, hoa quả đã được xào nấu bằng dầu thực vật, xì dầu, hoặc những món rau sống, khế chua, dưa hành, nộm hoa chuối...v.v, rồi bày trí các món ăn trên bàn ăn sao cho đẹp mắt cũng rất được quan tâm. Các món ăn thường được bày ít, và xếp trên những chiếc đĩa nho nhỏ, khiến thực khách thưởng thức rồi mà vẫn có cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm chút nữa. Món khai vị cho một bữa tiệc chay ở Huế thường là cà rốt, đu đủ được tỉa thật khéo để trang trí xung quanh những lát chả phù được làm từ lá phù chúc màu vàng mơ, xen lẫn là mì căn gói bánh tráng chiên giòn làm nem rán. Súp măng cua được nấu từ bắp non, nấm rơm, hạt sen... Và tất nhiên không thể thiếu cơm, xôi...
Không chỉ vậy, bạn còn có thể được thưởng thức bánh bèo, bánh lọc, bánh ít... với nhân chay. Và một món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong những bữa cơm chay của người Huế chính là món chao. Chao là món ăn có vị gần giống như một món mặn, được chế biến từ đậu nành, làm thành đậu khuôn, đậu khuôn ủ lên men thì thành chao. Chao có hương vị rất hấp dẫn và bảo quản được lâu ngày.
Đất Huế thơ mộng, lại mang nét văn hóa ăn chay độc đáo, thật dễ khiến lòng người nhớ mãi không nguôi...
Theo PLXH
Câu chuyện về bánh ít Bánh ít là loại bánh làm bằng bột nếp, có nhân đậu xanh, nhân dừa, đường hoặc nhân tôm, thịt; được gói bằng lá chuối xanh và hấp chín. Tích xưa kể, khi chàng Lang Liêu - con trai của Vua Hùng thứ 6 - thắng trong cuộc thi dâng lễ vật cúng đất trời với bánh chưng và bánh dày, nàng công...